Trung Quốc đối mặt cú sốc kinh tế thứ hai vì nCoV

23/03/2020 21:39
23-03-2020 21:39:01+07:00

Trung Quốc đối mặt cú sốc kinh tế thứ hai vì nCoV

Sau cú sốc đầu tiên khi sản xuất đình trệ vì Covid-19, kinh tế Trung Quốc có thể chịu "đòn giáng" thứ hai vì nhu cầu hàng hóa giảm sút.

* Vừa gượng dậy, nhà máy Trung Quốc lại gặp khó

Hồi cuối tháng hai, ban lãnh đạo tập đoàn đường ống công nghiệp Rifeng của Trung Quốc lo lắng về tình trạng sụt giảm đơn hàng trong nước sau khi lệnh phong tỏa chống Covid-19 gây khó khăn cho các hoạt động sản xuất và bán lẻ, khiến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chao đảo.

Sau chưa đầy một tháng, đơn hàng trong nước bắt đầu tăng trở lại và các nhà máy trên khắp Trung Quốc đang hoạt động gần với công suất thực tế. Nhưng tập đoàn Rifeng giờ đây lại có những nỗi lo mới.

Công nhận giúp neo tàu chở container tại một cảng ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, hồi tháng hai. Ảnh: Reuters.

Biện pháp phong tỏa diện rộng mà Trung Quốc từng sử dụng đang được áp dụng ở nhiều nơi trên thế giới, khi các nước nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của nCoV vốn đang tấn công vào huyết mạch nền kinh tế toàn cầu.

"Chúng tôi đã trở lại công suất 100% để phục vụ nhu cầu nước ngoài, nhưng đáng buồn là thị trường đã đóng hoặc chuẩn bị đóng cửa", Jasong Cheng, giám đốc phụ trách mảng kinh doanh nước ngoài của Rifeng, cho biết và thêm rằng các khách hàng ở Pháp, Italy và Mỹ đã yêu cầu hoãn thanh toán hoặc hủy đơn hàng.

"Chúng tôi đang đối mặt tình huống như năm 2008, 2009, khi doanh thu từ nước ngoài chỉ bằng một nửa so với năm trước đó", Cheng nói. "Kịch bản tương tự đang diễn ra, tôi khá chắc về điều này".

Nhiều doanh nghiệp ở Trung Quốc đang chuẩn bị tâm lý để đón nhận cú sốc kinh tế thứ hai từ Covid-19, đại dịch đã làm tê liệt mọi hoạt động sản xuất kinh doanh trong hai tháng đầu năm 2020.

Cú sốc đầu tiên đã khiến "cỗ máy sản xuất" của Trung Quốc bị đình trệ, nhưng các nhà kinh tế học lo ngại cú sốc về nhu cầu hàng hóa hiện nay còn nguy hiểm hơn bởi nó sẽ làm rung chuyển nền kinh tế trong những tháng tới.

Khi các biện pháp phong tỏa ngày càng được áp dụng rộng rãi, đặc biệt là tại châu Âu, xuất khẩu của Trung Quôc sẽ chịu tổn thương. Dữ liệu hải quan cho thấy xuất khẩu nước này đã giảm 17,2% trong tháng một và tháng hai, nhưng giới phân tích cảnh báo điều tồi tệ nhất vẫn ở phía trước.

"Khi nhiều nước đối mặt với dịch bệnh và thị trường tài chính thế giới chưa ổn định, người tiêu dùng và các công ty có thể vẫn không ngớt lo lắng, làm giảm nhu cầu toàn cầu đối với hàng hóa Trung Quốc trong khi nền kinh tế nước này đang hoạt động trở lại", các chuyên gia kinh tế tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hồi tuần trước đánh giá.

Stanley Szeto, giám đốc điều hành công ty dệt may cao cấp Lever Style, thường xuyên di chuyển để gặp gỡ khách hàng và thăm các cơ sở sản xuất, nhưng gần đây ông không đi đâu. Từ trụ sở công ty ở Hong Kong, ông chứng kiến những cú sốc kinh tế giáng đòn lên doanh nghiệp của mình mà không thể làm gì.

Ký hợp đồng với các nhà máy ở Trung Quốc và nhiều nơi khác tại châu Á, Lever Style sản xuất hàng may mặc cho hàng loạt ông lớn ngành thời trang như Hugo Boss, Ted Baker, Fila hay All Saints. Nhưng vì người tiêu dùng ở phương Tây ngừng mua sắm, nhu cầu đối với hàng may mặc cũng bốc hơi.

"Chúng tôi đang hoạt động ở công suất 70, 80, 90% tùy từng cơ sở nhưng như vậy là quá nhiều bởi nhu cầu đang giảm mạnh", Szeto cho hay. "Chúng tôi làm việc trong ngành thời trang và rất nhiều khách hàng của chúng tôi đã phải đóng cửa hàng".

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, khách hàng của Szeto cố đặt hàng trước vì lo sợ tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng sẽ giết chết họ, nhưng giờ đây, tình thế thay đổi.

"Họ từng lo lắng nói rằng 'chúng tôi cần hàng hóa, chúng tôi sợ hàng sẽ bị chậm khi đưa ra khỏi Trung Quốc'", Szeto cho biết. "Nhưng chỉ trong tuần trước, giọng điệu đã thay đổi hoàn toàn. Họ nói giờ chúng tôi không cần những hàng hóa này nữa, chúng tôi có thể hủy đơn. Vậy nên khi phía cung cấp đã hoạt động trơn tru trở lại, mối lo đặt ra là có quá nhiều cung nhưng lại không đủ cầu".

Khó khăn thứ hai nằm ở câu chuyện nhu cầu trong nước. Dưới tác động của dịch bệnh và nhiều tuần ngưng trệ của nền kinh tế Trung Quốc, hàng loạt doanh nghiệp đang đối diện nguy cơ phá sản. Khoảng 100 công ty bất động sản Trung Quốc đã nộp đơn xin phá sản vào tháng một và tháng hai.

Đầu tuần trước, theo khảo sát, tỷ lệ thất nghiệp của Trung Quốc đã tăng từ 5,2% lên 6,2%, tương đương 5 triệu việc làm bị mất đi. Con số trên không bao gồm các lao động nhập cư không thể quay trở lại làm việc vì lệnh phong tỏa và những người không có hợp đồng chính thức tại nơi họ làm việc.

Công ty nghiên cứu Gavekal Dragonomics có trụ sở ở Bắc Kinh ước tính Covid-19 có thể khiến lao động nhập cư Trung Quốc thiệt hại tổng cộng 115 tỷ USD tiền lương. Khi không có thu nhập, nhu cầu mua sắm của họ cũng không còn, tạo ra lỗ hổng lớn đối với nhu cầu trong nước ở thời điểm mà doanh số bán lẻ đã sụt giảm 20,5% trong tháng một và tháng hai.

"Tôi lo rằng sẽ rất khó khôi phục nhu cầu mua sắm. Tình trạng này sẽ trở nên trầm trọng đến mức ngay cả những người không bị mất thu nhập cũng sẽ phản ứng với cú sốc bằng cách tiêu dùng ít hơn", Michael Pettis, giáo sư tài chính tại Đại học Bắc Kinh, nhận xét.

Biggi Stefansson, chủ sở hữu IS Seafood, một nhà phân phối hải sản từ Trung Quốc tới Iceland có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết kết quả kinh doanh hồi tháng hai đã giảm 94% so với cùng kỳ năm ngoái. Ông hy vọng tình hình sẽ khả quan hơn trong những tháng tới, nhưng tăng trưởng là điều bất khả thi.

"Mọi người muốn ra ngoài nhưng họ vẫn sợ. Đây là hành vi mới và phải mất một thời gian để khôi phục như trước đây", Stefansson nói.

Công ty chuyên tìm nguồn cung và phân phối thịt lợn USource ở Bắc Kinh cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự. Kết quả kinh doanh hồi tháng hai giảm 90% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hành khách trên tàu điện ngầm tại Thượng Hải ngày 9/3. Ảnh: Reuters.

"Nhu cầu đối với hàng hóa đang hồi phục rất chậm. Tuần qua khá khả quan nhưng không ai dám kỳ vọng về tăng trưởng trong năm nay", William Kerins, giám đốc USource, cho hay. "Một nửa dân Bắc Kinh bị giảm lương, nếu không bị sa thải".

Theo kết quả khảo sát của công ty tài chính Rong360.com ở Bắc Kinh, 64% số người được hỏi nói họ sẽ hạn chế chi tiêu sau khi dịch qua đi và 31,4% nói không có kế hoạch tăng chi tiêu.

"Niềm tin của người tiêu dùng đang tăng lên nhưng chưa thể bằng mức trước khủng hoảng", Josh Gardner, người sáng lập công ty nghiên cứu thị trường Kung Fu Data, nhận định.

Hầu hết các chuyên gia kinh tế đều dự đoán nền kinh tế Trung Quốc quý này sẽ đi xuống lần đầu tiên kể từ năm 1976. Một cuộc suy thoái toàn cầu có khả năng xảy ra và với việc nCoV đang đe dọa cả thế giới, rủi ro với nền kinh tế Trung Quốc chắc chắn sẽ không giảm bớt.

"Đây là cú sốc ở nhiều cấp độ, đây là một cuộc suy thoái", Alicia Garcia Herrero, nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương của ngân hàng đầu tư Natixis, đánh giá. "Trung Quốc giờ đây sẽ khác, thế giới cũng sẽ khác", bà nhấn mạnh.

Vũ Hoàng

Vnexpress







TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Nhà đầu tư tăng đặt cược Fed tiếp tục nâng lãi suất

Trên các thị trường quyền chọn lãi suất của Mỹ, nhà đầu tư bắt đầu tăng đặt cược Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất trong 12 tháng tới. Đó là kịch bản ít...

Doanh thu du lịch toàn cầu năm 2024 dự báo đạt 5.800 tỷ USD

Báo cáo Các xu hướng kinh tế du lịch thế giới dự báo số lượt du khách đến trên toàn thế giới sẽ lên đến 13.579 tỷ lượt trong năm 2024, tức là phục hồi 103,9% so với...

Sức mạnh của đồng USD - kịch bản nằm ngoài dự báo cho năm 2024

Chỉ số đồng USD của Bloomberg đã tăng hơn 4% trong năm nay, cho thấy "đồng bạc xanh" đã tăng giá so với tất cả các đồng tiền của các nước phát triển và thị trường...

Các nền kinh tế lớn nhất ở châu Á trước áp lực đồng USD mạnh

Các nhà hoạch định chính sách ở Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đều đang nhắc tới việc ổn định đồng nội tệ khi các đồng tiền này chịu sức ép lớn do chênh lệch giữa...

Thủ tướng phát lệnh khởi công đoạn cuối cùng trên tuyến cao tốc Bắc Nam phía đông

Sáng 21/04, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát lệnh khởi công dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng với tổng nguồn vốn hơn 11,000 tỷ đồng, là đoạn...

Biến đổi khí hậu sẽ khiến thế giới tổn thất 38.000 tỷ USD mỗi năm vào năm 2050

Nghiên cứu của PIK ước tính đến năm 2050, biến đổi khí hậu sẽ lấy đi 17% GDP của thế giới, hầu hết các nền kinh tế đều chịu tổn hại do biến đổi khí hậu và tất cả...

Hội nghị mùa Xuân 2024: Nỗ lực giữ vững sự phục hồi và phát triển ổn định

Trọng tâm của Hội nghị mùa Xuân năm nay là tập trung thảo luận các vấn đề đang được toàn cầu quan tâm, bao gồm triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới, hợp tác quốc...

Thị trường bất động sản của Mỹ gặp khó khăn do lãi suất và giá nhà cao

Doanh số bán nhà đã qua sở hữu, chiếm phần lớn doanh số bán nhà của Mỹ, đã giảm 4,3% trong tháng 3/2024, xuống mức 4,19 triệu căn.

Phố Wall lo Fed không giảm lãi suất trong năm 2024

Phố Wall đang nghĩ đến kịch bản Fed không giảm lãi suất trong năm 2024.

Cục Dự trữ Liên bang: Kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng nhẹ ở mức đồng đều

Theo mô hình GDPNow của Fed chi nhánh tại Atlanta, kinh tế Mỹ được dự báo sẽ tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng hằng năm ở mức 2,9% trong quý 1 năm 2024, sau khi tăng...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98