Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nêu phương án tài chính tổng thể trước đại dịch

10/04/2020 14:08
10-04-2020 14:08:00+07:00

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nêu phương án tài chính tổng thể trước đại dịch

Dự kiến thu ngân sách có thể ước giảm khoảng 140,000-150,000 tỷ đồng trong năm nay, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đề xuất hàng loạt nội dung liên quan tới việc sử dụng nguồn tài chính hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, miễn, giảm các loại thuế, phí, lệ phí và cân đối thu chi, giải ngân đầu tư công.

* Thủ tướng: Nếu không có các biện pháp quyết liệt thì nền kinh tế dễ bị đổ gãy

Toàn cảnh Hội nghị - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương sáng 10/4, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, thời gian qua, Bộ đã chủ động đề xuất các giải pháp về chính sách tài khóa để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.

Cắt giảm nhiều loại phí, lệ phí cho doanh nghiệp và người dân

Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đang phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan rà soát để thực hiện cắt giảm nhiều loại phí, lệ phí cho doanh nghiệp và người dân.

Cụ thể, miễn lệ phí môn bài đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp và doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân thành lập mới, chi nhánh, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa thành lập trong thời gian doanh nghiệp được miễn lệ phí môn bài...; giảm 70% mức thu lệ phí đăng ký doanh nghiệp; giảm 67% mức phí công bố thông tin doanh nghiệp; giảm 50-70% phí thẩm định cấp sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động bưu chính.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, tổng số phí, lệ phí cắt giảm trong thời gian còn lại của năm 2020 khoảng 500 tỷ đồng.

Đồng thời, Bộ Tài chính cũng ban hành Thông tư điều chỉnh giảm giá 10-50% đối với 9 nhóm dịch vụ và miễn hoàn toàn giá đối với 6 nhóm dịch vụ thuộc lĩnh vực chứng khoán áp dụng tại Sở giao dịch chứng khoán và Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam.

Bộ cũng ưu tiên bố trí khoảng 36,000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước để thực hiện Nghị quyết của Chính phủ hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho 6 nhóm đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, gặp khó khăn, không bảo đảm mức sống tối thiểu, chịu ảnh hưởng của dịch; hỗ trợ thêm cho một số nhóm đối tượng đang hưởng chính sách ưu đãi, bảo trợ xã hội trong thời gian có dịch.

Ngoài ra, ngân sách nhà nước còn phải chủ động bố trí nguồn để tăng cường hàng dự trữ quốc gia (chủ yếu là lương thực), hỗ trợ kịp thời người dân ở những khu vực khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm không ai bị đói. Bên cạnh đó, yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm bảo đảm quyền lợi của người bảo hiểm bị tác động bởi dịch bệnh.

Ngân sách nhà nước ưu tiên nguồn lực 16.2 ngàn tỷ đồng phòng chống dịch. Trong đó, đã dành khoảng 9.5 ngàn tỷ đồng cả ngân sách Trung ương và địa phương để mua sắm trang thiết bị vật tư y tế phòng chống dịch. Dự kiến, trong thời tới, có thể tiếp tục phải tăng chi thêm để đáp ứng yêu cầu tăng cường khả năng ứng phó với đại dịch này. Dành khoảng 6.7 ngàn tỷ đồng để chi chế độ ưu tiên phụ cấp cho các lực lượng tham gia phòng, chống dịch; chi tiền ăn cho người bị cách ly, chi khám chữa bệnh nền trong thời gian cách ly.

Giải pháp cân đối nguồn lực để đảm bảo chi ngân sách

Cũng theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, trước khó khăn của hoạt động sản xuất-kinh doanh, thương mại, đầu tư do tác động của đại dịch, dự báo nguồn thu ngân sách năm 2020 sẽ giảm do tăng trưởng kinh tế đạt thấp; giá dầu thô giảm sâu và điều chỉnh chính sách thu ngân sách để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh ứng phó với dịch bệnh. Ngoài ra, tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp hiện rất chậm cũng là một rủi ro lớn đối với nguồn thu từ cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước.

Hiện nay, Bộ Tài chính đang dự kiến với phương án tích cực nhất (dịch kết thúc trong quý II/2020), tăng trưởng GDP đạt khoảng 5.3%, giá dầu bình quân cả năm khoảng 35 USD/thùng, thu từ cổ phần hoá và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước không thực hiện được, thì thu ngân sách nhà nước ước giảm khoảng 140,000-150,000 tỷ đồng, trong đó thu ngân sách Trung ương giảm khoảng 100,000-110,000 tỷ đồng, ngân sách địa phương giảm 40,000 tỷ đồng.

Trường hợp tăng trưởng GDP không đạt mức dự kiến nêu trên (dưới 5% như dự báo của các tổ chức quốc tế), thu NSNN sẽ giảm lớn hơn, nhất là số thu ngân sách ở các khu vực kinh tế trọng điểm đang chịu rất nhiều tác động từ sự đình trệ của các ngành dịch vụ, du lịch, thương mại, logistics… như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Hải Phòng,…

Trong bối cảnh dự báo thu ngân sách nhà nước có thể giảm lớn, trong khi nhu cầu chi tăng cao, Bộ Tài chính đã kiến nghị các giải pháp cân đối nguồn lực đảm bảo chi ngân sách.

Cụ thể, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát, cắt giảm ít nhất 30% kinh phí hội nghị, công tác phí trong nước và 50% công tác phí nước ngoài (riêng các cơ quan Trung ương dự kiến tiết kiệm được khoảng 600-700 tỷ đồng).

Trên tinh thần chia sẻ trách nhiệm giữa Trung ương và địa phương, kiến nghị các địa phương, bên cạnh việc sử dụng dự phòng, dự trữ tài chính của ngân sách địa phương, phải chủ động sử dụng từ nguồn tăng thu ngân sách địa phương và kinh phí cải cách tiền lương còn dư để xử lý. Đối với những địa phương khó khăn, ngân sách Trung ương sẽ hỗ trợ theo các mức 30%, 50% và 70% kinh phí thực phát sinh ở địa phương. Đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo cơ quan tài chính rà soát nguồn lực của mình để quyết định xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo Thường trực HĐND cùng cấp theo quy định.

Đối với cân đối ngân sách Trung ương, dự kiến dành 34.6 ngàn tỷ đồng nguồn tăng thu và kinh phí ngân sách Trung ương còn lại năm 2019 chuyển sang năm 2020, trong đó dự kiến dành 20,000 tỷ đồng để cùng với ngân sách địa phương thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và an sinh xã hội theo Nghị quyết của Chính phủ. Số còn lại 14.6 ngàn tỷ đồng tiếp tục sử dụng để dành cho công tác phòng chống dịch và hỗ trợ cân đối ngân sách Trung ương.

Sử dụng dự phòng ngân sách nhà nước triệt để tiết kiệm, trước mắt sử dụng khoảng 50% dự phòng của ngân sách Trung ương và địa phương, tập trung cho các nhiệm vụ khắc phục hậu quả dịch, các nhiệm vụ quan trọng về quốc phòng, an ninh.

Trong điều kiện thu ngân sách nhà nước khó khăn, lại phải tăng chi để có thêm nguồn lực hỗ trợ nền kinh tế, giảm khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, mặc dù quyết tâm rà soát, tiết kiệm các khoản chi thường xuyên, nhưng khả năng bội chi ngân sách nhà nước sẽ tăng thêm khoảng 1.5-1.6%GDP (tức là ở mức 5-5.1%GDP). Kể cả trong trường hợp kiểm soát được số tuyệt đối bội chi ngân sách nhà nước năm 2020 thì tỷ lệ bội chi so GDP dự kiến vẫn tăng lên, do quy mô GDP (số tuyệt đối) không đạt mức kế hoạch.

Đối với các đề xuất từ một số tổ chức quốc tế (IMF, WB, ADB...), Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đang đàm phán với các nhà tài trợ này để có điều kiện vay ưu đãi nhất (dự kiến có thể vay với chi phí thấp khoảng 1 tỷ USD).

Do số bội chi và tỷ lệ bội chi, tổng mức vay nợ hằng năm của ngân sách Nhà nước do Quốc hội quyết định, nên trường hợp thực hiện vay thêm từ các tổ chức quốc tế thì trước mắt giảm tương ứng phần vay trong nước để bảo đảm thực hiện đúng Nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2020.

Cam kết đáp ứng đầy đủ, kịp thời vốn đầu tư công

Tổng vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước được phép thực hiện trong năm 2020 là gần 700,000 tỷ đồng, gấp 2,2 lần số vốn thực giải ngân trong năm 2019 (312.000 tỷ đồng), bao gồm: 470.6 ngàn tỷ đồng trong dự toán năm 2020 và 225.2 ngàn tỷ đồng vốn năm 2019 chuyển sang.

Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư khu vực tư nhân giảm sút thì việc phấn đấu giải ngân hết nguồn lực đầu tư công trong năm 2020 sẽ góp phần quan trọng kích cầu đầu tư xã hội, duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đánh giá.

Bộ Tài chính cam kết bảo đảm đủ nguồn đáp ứng đầy đủ, kịp thời theo tiến độ giải ngân nhiệm vụ đầu tư công nêu trên. Đồng thời, kiến nghị các bộ, ngành và địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình triển khai của từng dự án, ưu tiên bố trí vốn cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt, các dự án cần đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành đưa vào sử dụng; cho phép triển khai cơ chế giải ngân vốn vay nước ngoài trên môi trường điện tử, giải ngân không theo tỷ lệ cấp phát, cho vay lại; tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong chấp hành pháp luật về quản lý đầu tư. Kết thúc năm, trường hợp vốn kế hoạch vẫn chưa giải ngân hết, trình Quốc hội cho phép hủy bỏ để giảm bội chi ngân sách năm 2020.

Giảm giá một số hàng hóa, dịch vụ quan trọng

Bộ cũng sẽ phối hợp tính toán để điều chỉnh giảm giá một số hàng hoá, dịch vụ đầu vào quan trọng. Đối với giá điện, Bộ Tài chính thống nhất chủ trương giảm giá điện cho một số đối tượng chịu tác động bởi dịch, nhưng kiến nghị EVN phải có phương án cân đối để tránh trường hợp lỗ và treo lại các khoản lỗ gây áp lực tăng giá trong năm 2021, nhất là sẽ ảnh hưởng tới các lĩnh vực khác là đầu vào của sản xuất điện (than cho sản xuất điện, khí...), rà soát, tính toán lại chi phí mua điện năm 2020, các thông số đầu vào như giá than, dầu, khí, tỷ giá, sản lượng, cơ cấu sản lượng điện vào để giảm giá.

Qua rà soát cả 2 phương án của Bộ Công Thương và EVN, nguồn kinh phí thực hiện là giảm trực tiếp vào doanh thu của EVN (qua đó cũng tác động làm giảm các khoản thu ngân sách nhà nước từ thuế và lợi nhuận sau thuế so với dự toán).

Đối với các mặt hàng khác, như than, gas, xăng dầu, hiện đã thực hiện điều hành theo cơ chế thị trường, trong đó, mặt hàng xăng dầu, gas tiếp tục có xu hướng giảm trong tháng 4 (đã giảm sâu trong tháng 2&3/2020).

Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương tổ chức thực hiện tốt các giải pháp đã đề ra, đồng thời tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình để kịp thời đề xuất các giải pháp bổ sung (khi cần thiết).

Nhật Quang

FILI







TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Ngân sách Nhà nước bội thu 146 ngàn tỷ trong quý 1/2024

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, thu ngân sách Nhà nước quý 1/2024 ước tăng 9.8% so với cùng kỳ năm trước. Chi ngân sách Nhà nước ước tăng 8.3% so với cùng kỳ...

Đã có hơn 14,700 cửa hàng bán lẻ xăng dầu áp dụng xuất hóa đơn điện tử

Chiều 25/03, Cục Thuế Doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cho biết toàn quốc có 14,727 cửa hàng bán lẻ xăng dầu áp dụng xuất hóa đơn điện tử, chiếm 92.2%.

Khởi tố và bắt tạm giam nữ giám đốc mua bán hóa đơn khống tới 730 tỷ đồng

Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Nam đã khởi tố vụ án mua bán hóa đơn khống và trốn thuế với tổng số tiền giao dịch lên tới 730 tỷ đồng, bắt một nữ giám đốc.

Tổng cục Thuế tiếp tục cảnh báo những hành vi giả danh cán bộ thuế, cơ quan thuế để lừa đảo

Trong thời gian vừa qua, ngành Thuế liên tục tuyên truyền và đưa ra những cảnh báo về tình trạng giả danh cán bộ thuế, cơ quan thuế để thực hiện hành vi lừa đảo...

Không thể khoanh nợ gần 1.000 tỷ đồng của Khu liên hợp Thể thao Quốc gia Mỹ Đình

Bộ Tài chính cho biết tổng số tiền nợ thuế của Khu liên hợp Thể thao Quốc gia Mỹ Đình đến hết tháng 11/2023 là 941,7 tỷ đồng.

Bộ Công Thương chỉ đạo hỏa tốc về việc thực hiện hoá đơn điện tử bán lẻ xăng dầu

Ngày 18/3/2024, Bộ Công Thương đã ban hành các văn bản hỏa tốc gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các Sở Công Thương các tỉnh, thành phố; các...

Bộ trưởng Bộ Tài chính: Sẽ sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân vào năm 2025

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết việc tính thuế thu nhập cá nhân và giảm trừ gia cảnh, Bộ phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Muốn thay đổi phải sửa đổi...

Vasep kiến nghị xem xét giữ nguyên thuế suất 0% cho dịch vụ xuất khẩu

Vasep đề nghị giữ nguyên quy định về thuế cho dịch vụ xuất khẩu được hưởng thuế suất 0% như quy định hiện hành để đảm bảo sự công bằng và năng lực cạnh tranh cho...

Doanh thu xổ số năm 2023 đạt 153.037 tỉ đồng, tăng tới 11%

Bộ Tài chính nêu rõ toàn bộ nguồn thu từ xổ số được nộp vào ngân sách địa phương và hằng năm được Quốc hội phê duyệt để chi cho đầu tư phát triển.

Bộ Tài chính: Tiến độ cổ phần hóa, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước còn chậm

Theo Bộ Tài chính, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước còn chậm, không đạt kế hoạch đã được Thủ tướng giao do còn nhiều hạn chế ở khâu...

Cổ phiếu ngân hàng

Cổ phiếu bảo hiểm


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98