Những ông vua tiền mặt
Những ông vua tiền mặt
Chỉ 10 công ty đã chiếm hơn 1/3 tổng lượng tiền nắm giữ bởi toàn bộ doanh nghiệp HOSE, HNX và UPCoM.
Một trong những chỉ tiêu để đo lường sức khỏe doanh nghiệp trong giai đoạn như hiện nay chính là tiền mặt. Những công ty với lượng tiền mặt lớn sẽ giúp nhà đầu tư an tâm hơn.
Còn đứng trên góc độ doanh nghiệp, sở hữu lượng tiền mặt khủng như nắm trong tay bảo hiểm an toàn trong mùa dịch, giúp doanh nghiệp có thể vượt qua sóng gió, chớp lấy cơ hội kinh doanh hay đơn giản là có đủ khả năng để thanh toán các nghĩa vụ tài chính khi đến hạn.
Những ông vua tiền mặt
Tính đến cuối năm 2019, tổng số tiền mà các công ty có cổ phiếu giao dịch tại HOSE, HNX, UPCoM nắm giữ là gần 508,800 tỷ đồng. Trong đó, 71 doanh nghiệp sở hữu lượng tiền lớn hơn 1,000 tỷ đồng (không tính đến các doanh nghiệp bảo hiểm, chứng khoán và ngân hàng do đặc thù riêng của ngành). Số liệu tiền mặt ở đây được tính trên lượng tiền mặt, các khoản tương đương tiền cộng với khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn.
Chỉ riêng top 10 vua tiền mặt đã nắm giữ hơn 180,000 tỷ đồng, xấp xỉ 35% lượng tiền mặt của toàn khối doanh nghiệp.
Nguồn: VietstockFinance
|
Những doanh nghiệp kể trên đều là những gương mặt tên tuổi và hoạt động trong các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế như xăng dầu, hàng không, hàng tiêu dùng hay bất động sản. Tùy vào đặc thù kinh doanh của từng ngành mà mỗi doanh nghiệp chọn cách nắm giữ tiền mặt khác nhau.
Điển hình như Tập đoàn Vingroup (HOSE: VIC) giữ lượng tiền ở dạng tiền mặt và tiền gửi với kỳ hạn từ 1-3 tháng, bởi nhu cầu thanh khoản lớn.
Về phần Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (UPCoM: ACV), do nhu cầu đầu tư tài sản cố định không lớn so với quy mô và nhu cầu vốn lưu động thấp nên hầu hết tiền của ACV được gửi ngân hàng với kỳ hạn ở mức dưới 1 năm, dài hơn so với VIC.
Vị trí vua tiền mặt cũng thuộc về ACV với gần 31,300 tỷ đồng tiền và tiền gửi tính đến cuối năm 2019. Tiền trong két của ACV được tích lũy qua nhiều năm nhờ dòng tiền dồi dào từ hoạt động kinh doanh tại các cảng hàng không, với lợi thế gần như độc quyền tại Việt Nam.
Tính đến cuối năm 2019, tiền mặt của ACV chiếm 84% tài sản ngắn hạn và 54% so với tổng tài sản của Công ty. Trong năm này, Công ty chi gần 1,958 tỷ đồng để mua sắm tài sản cố định và xây dựng, trong khi dòng tiền dương từ hoạt động kinh doanh lên đến hơn 9,066 tỷ đồng. Dù hoạt động trong ngành dịch vụ phi hàng không chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, nhưng lượng tiền mặt đáng mơ ước sẽ là yếu tố giúp ACV có thể sống sót.
Một đơn vị khác là Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (UPCoM: VEA) cũng sở hữu lượng tiền khổng lồ, với hơn 16,800 tỷ đồng tính đến cuối 2019. Trong 3 năm trở lại đây, hoạt động kinh doanh cốt lõi của Công ty không tạo ra nhiều lợi nhuận. Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh trong năm 2018 của VEA thậm chí âm hơn 4,100 tỷ đồng và trong năm 2019 chỉ ghi nhận dương gần 508 tỷ đồng. Tuy nhiên, lượng tiền của VEA vẫn tăng qua các năm nhờ vào khoản lợi nhuận và cổ tức được chia từ các công ty liên kết Toyota Việt Nam và Honda Việt Nam.
Ẵm lãi khủng từ nhà băng
Các đại gia tiền mặt thu về hàng trăm, cho đến ngàn tỷ đồng tiền lãi từ ngân hàng trong năm 2019.
No ấm nhất là ACV khi Công ty ghi nhận đến 1,796 tỷ đồng tiền lãi từ ngân hàng trong năm 2019. Số tiền này thậm chí lớn hơn doanh thu của nhiều doanh nghiệp trên sàn.
Tiếp theo là GAS, doanh nghiệp này ghi nhận gần 1,599 tỷ đồng lãi tiền gửi ngân hàng trong năm 2019. Bị kẹp giữa hai gọng kìm giá dầu giảm sâu và dịch cúm Covid-19, trong quý 1/2020, lợi nhuận sau thuế của GAS chỉ đạt 2,100 tỷ đồng, thấp nhất trong 9 quý gần đây. Khó khăn là thế nhưng với lượng tiền mặt lớn và lãi khủng từ tiền gửi sẽ là nguồn lực giúp GAS vượt khó và có vị thế tốt khi thị trường phục hồi trở lại.
Nguồn: VietstockFinance
|
Phía bên kia bảng cân đối
Khi “soi” lượng tiền mặt trên BCTC, ngoài số lượng ít nhiều thì những yếu tố như tiền đến từ đâu, tiền đang ở trạng thái nào hay kế hoạch sử dụng tiền trong tương lai cũng không kém phần quan trọng. Bởi lẽ, nguồn tiền đó có thể đến từ nguồn vay mượn hoặc do công ty bán một phần mảng kinh doanh. Trong những trường hợp đó, lượng tiền mặt thường không mang tính bền vững.
Nguồn: VietstockFinance
|
Trong top 10 những ông vua tiền mặt, ngoại trừ Tập đoàn Vingroup và Viettel Global (HOSE: VGI) có nợ vay nhiều hơn lượng tiền mặt, thì 8/10 doanh nghiệp còn lại đều có tiền mặt lớn hơn. Đáng chú ý như VEAM (UPCoM: VEA) có lượng tiền mặt gấp 65 lần nợ vay, Sabeco (HOSE: SAB) gấp gần 16 lần.