Sửa Nghị định 20: Cần áp dụng hồi tố để tránh bất công với doanh nghiệp

12/04/2020 22:00
12-04-2020 22:00:00+07:00

Sửa Nghị định 20: Cần áp dụng hồi tố để tránh bất công với doanh nghiệp

Theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), với việc không áp dụng hồi tố đối với các doanh nghiệp (DN) chịu thiệt hại từ khoản 3 Điều 8 Nghị định 20/2017/NĐ-CP về quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết (Nghị định 20), ước tính số tiền các DN bị thiệt hại lên tới gần 5.000 tỷ đồng…

Sửa Nghị định 20: Cần áp dụng hồi tố để tránh bất công với doanh nghiệp
 

Cơ quan soạn thảo đang “đi ngược”?

VNREA vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về việc cho phép hồi tố đối với các DN chịu thiệt hại từ khoản 3 Điều 8 Nghị định 20 sau khi Bộ Tài chính tiếp tục có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ về việc không áp dụng hiệu lực hồi tố đối với điều khoản này cho các kỳ tính thuế trước năm 2019.

Tại văn bản này, VNREA cho rằng, quan điểm của cơ quan chủ trì soạn thảo Nghị định trong trường hợp này dường như đã “đi ngược lại” với lựa chọn của đa số thành viên Chính phủ, “không tiếp thu” ý kiến của Bộ Tư pháp (cho rằng việc áp dụng hồi tố hay không hồi tố đối với trường hợp này đều không có vướng mắc về mặt pháp lý) và cũng không phù hợp với báo cáo của chính Bộ Tài chính gửi Chính phủ, trong đó thừa nhận sự thiệt thòi (chính xác là thiệt hại) cho những DN đã nghiêm túc thực hiện chính sách thuế của nhà nước theo quy định tại khoản 3, Điều 8, Nghị định 20.

Trước đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Văn phòng Chính phủ đã có phiếu lấy ý kiến các thành viên Chính phủ về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20. 

Đa số thành viên Chính phủ đồng ý phương án quy định hiệu lực “hồi tố” đối với Nghị định này, cho phép chuyển chi phí lãi vay không được trừ trong các năm 2017, 2018, 2019 do vượt quá tỷ lệ 20% sang các kỳ tính thuế tiếp theo. Đồng thời, Văn phòng Chính phủ đã đề nghị Bộ Tài chính tổng hợp, tiếp thu, giải trình, hoàn thiện Dự thảo Nghị định theo đúng quy định trước ngày 29/3/2020.

“Việc không quy định hiệu lực hồi tố của Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 20 đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho rất nhiều DN trong cả nước, với số tiền ước tính khoảng 4.975 tỷ đồng…”- đại diện VNREA phản ảnh.

VNREA khẩn thiết kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quy định hiệu lực “hồi tố” cho Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 20, theo đó trần lãi vay 30% cần được áp dụng các các kỳ tính thuế năm 2017, 2018, 2019 đối với tất cả các DN (không phân biệt DN đã qua thanh tra, kiểm tra thuế hay chưa); cho phép DN chuyển phần chi phí lãi vay vượt mức khống chế theo quy định tại Nghị định 20 sang kỳ sau, thời gian chuyển có thể xem xét và 5 năm kể từ sau kỳ bị loại, phù hợp với quy định về kỳ chuyển lỗ. 

Luật sư nói gì?

Trao đổi với PLVN, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO, cho rằng, theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì trường hợp này hoàn toàn có thể áp dụng quy định hồi tố, vì không tăng nghĩa vụ, mà chỉ có lợi cho đối tượng nộp thuế.

“Tuy có vướng mắc nhất định, vì đã quyết toán thuế xong xuôi rồi, nhưng hoàn toàn có thể xử lý bằng cách cho phép khấu trừ vào các khoản thuế, phí sẽ phải nộp…”- Luật sư khẳng định và cho biết, trên thực tế vẫn xảy ra nhiều vụ việc, cơ quan thuế và các cơ quan chức năng khác đã có quyết định không công nhận một số khoản thu, chi đã tất toán và đã nộp (hoặc không phải nộp) từ nhiều năm trước.

Phân tích sâu hơn kiến nghị của VNREA, Luật sư Đức cho rằng, nếu chứng minh được rằng đầu ra đầu vào của DN "nhập nhèm", có yếu tố trốn thuế, hoặc, bóc tách để chỉ ra được từng đồng, chỗ nào là trốn thuế, là chuyển giá, là sai... thì DN phải chấp nhận các khoản thu theo Nghị định 20, còn không, Bộ Tài chính cần hồi tố để tránh bất công với DN.

Về nội dung sửa đổi Nghị định 20, trong đó cơ quan soạn thảo nâng tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập DN không vượt quá tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế từ mức 20% lên 30%, Luật sư Đức cho rằng, bản thân khoản 3 Điều 8 Nghị định 20 vốn dĩ sai từ cơ bản, không có chuyện nâng trần chi phí lãi vay lên 30% là hợp lý hay không. “Theo tôi, phải bỏ điều khoản này, giống như việc bỏ trần chi phí quảng cáo cho DN trong năm 2015”- Luật sư đề nghị.

Theo luật sư Đức, việc nâng trần chi phí lãi vay từ 20% lên 30% tổng lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao của Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 20 tương tự với việc nâng trần chi phí quảng cáo, khuyến mại... từ 10% lên 15% đối với DN theo Luật DN 2007, nhưng, sau đó, Chính phủ đã gỡ bỏ mức trần khống chế này vì nhiều lý do. 

Thứ nhất, đây là các khoản chi phí phát sinh thực tế, hợp pháp, hợp lệ của DN thì cần phải được chấp nhận được tính vào chi phí được trừ. Thứ hai, quy định áp trần bất hợp lý dẫn đến tình trạng DN phải gian dối, đối phó thay vì làm đúng, chi thật. Thứ ba, bản chất khoản chi của DN này cũng chính là khoản thu của DN khác, không phải là sự thất thoát, nên áp trần là không hợp lý.

"Như đã nói, nếu DN có dấu hiệu trốn thuế, chuyển giá thì 1 đồng cũng phải thu. Nhưng đây là thu sai, DN không có tội, không chuyển giá, không ăn bớt. Do đó, “oan sai” này cần sửa sai và khắc phục tận gốc, bây giờ là cơ hội sửa sai, còn để nhiều năm nữa thì không sửa chữa khắc phục được nữa"- Luật sư Đức bày tỏ quan điểm.

Luật sư cũng chỉ ra sự mâu thuẫn của chính cơ quan soạn thảo khi cho phép áp dụng hồi tố cho năm 2019 nhưng lại không áp dụng cho 2 năm trước đó là 2017 và 2018 với rất nhiều viện dẫn, lý do. 

“Nhưng, nếu áp dụng cho năm 2019 thì nay cũng đã sang quý II/2020, đã hết thời hạn quyết toán thuế cho năm 2019. Để công bằng, đề nghị phạt lại ngành thuế lãi suất 18%/năm số tiền "thuế oan" DN đã nộp từ khi Nghị định 20 có hiệu lực cho tới nay, tương tự như mức lãi chậm nộp mà ngành thuế đang áp dụng đối với các DN chậm nộp tiền thuế…”- Luật sư đề nghị. 

Thanh Thanh

Pháp luật VN





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Bộ Tài chính yêu cầu hoàn tất xử lý tài sản công dôi dư trước ngày 30/06/2025

Bộ Tài chính vừa ban hành hướng dẫn chi tiết yêu cầu các địa phương hoàn tất việc xử lý trụ sở, nhà đất và các tài sản công dôi dư trước ngày 30/06/2025, nhằm tránh...

Sau sáp nhập người lao động tại TP HCM hưởng lương tối thiểu theo vùng nào?

Nếu mức lương tối thiểu áp dụng theo địa bàn cấp xã thấp hơn so với trước ngày 1-7 thì tiếp tục thực hiện mức lương đã áp dụng trước đó.

Sửa Hiến pháp: Lý do không thể giữ các thành phố, thị xã thuộc tỉnh như cấp cơ sở

Theo Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, việc tổ chức đồng loạt đơn vị hành chính đô thị là các phường sẽ góp phần thống nhất mô...

Phó Thủ tướng: VNPT, Viettel hoàn thiện các chatbot để người dân sử dụng trợ lý ảo từ 1/7

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đề nghị VNPT và Viettel tiếp tục hoàn thiện các chatbot để người dân, cán bộ có thể sử dụng sớm trợ lý ảo, tốt nhất là bắt...

Những điểm mới của Dự thảo Luật Công nghiệp Công nghệ số sắp được thông qua

Dự thảo Luật Công nghiệp Công nghệ số đã thể chế hóa các chủ trương lớn được nêu tại Nghị quyết số 57-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Sở Nội vụ TP.HCM thông tin về việc sắp xếp cán bộ cấp huyện khi thực hiện chính quyền 2 cấp

Từ 1/7, TP.HCM sẽ không còn cấp huyện. Trước mắt, Thành phố sẽ chuyển 100% biên chế cấp huyện bố trí biên chế cấp xã.

Hướng dẫn mới nhất của Quốc hội về kiện toàn bộ máy sau sắp xếp đơn vị hành chính

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành hướng dẫn cụ thể về tổ chức, hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp sau sáp nhập các tỉnh thành, bỏ cấp huyện...

Quốc hội thông qua phương án cả nước còn 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh, có hiệu lực ngay

Kể từ hôm nay, cả nước có 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh, gồm 28 tỉnh và 6 thành phố; trong đó có 19 tỉnh và 4 thành phố hình thành sau sắp xếp và 11 tỉnh, thành phố...

Hợp nhất tỉnh thành: Không chỉ là phép cộng diện tích, dân số mà còn là phép nhân của GDP

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, để đạt mục tiêu tăng GDP theo cấp số nhân từ việc hợp nhất tỉnh, thành cần có sự đầu tư, trong đó, cần có thể chế đủ rộng, một thể...

Chính quyền địa phương 2 cấp sẽ vận hành từ 1/7/2025: Cả hệ thống chính trị đều đang nỗ lực

Một cuộc “cách mạng” được ví như tái cấu trúc toàn diện từ không gian lãnh thổ đến thể chế, bộ máy, con người... đang được gấp rút triển khai với mốc thời gian cụ...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98