Trump 'không kịp trở tay' trước Covid-19

14/04/2020 06:13
14-04-2020 06:13:36+07:00

Trump 'không kịp trở tay' trước Covid-19

Trong cuộc phỏng vấn tại Thụy Sĩ hôm 22/1, khi Mỹ mới ghi nhận một bệnh nhân Covid-19, Trump đã hạ thấp mối đe dọa từ chủng virus mới.

"Chúng tôi hoàn toàn kiểm soát nó. Bệnh nhân duy nhất là một người đến từ Trung Quốc. Mọi chuyện sẽ ổn thôi", Tổng thống Mỹ Donald Trump trả lời phỏng vấn CNBC tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ hồi tháng một.

Tuy nhiên, nCoV giờ đây lây lan khắp mọi ngóc ngách trên toàn cầu, với hơn 554.000 ca nhiễm và khoảng 22.000 người chết tại Mỹ. Đại dịch còn khiến mọi người bị cô lập, buộc các trường học, doanh nghiệp phải đóng cửa, làm đình trệ nền kinh tế và đẩy hàng triệu người đến cảnh thất nghiệp.

Vào thời điểm Trump phát biểu tại Thụy Sĩ, các dấu hiệu cảnh báo đã được đưa ra vài tuần. Trước khi Tổng thống Mỹ lần đầu tiên thông báo với công chúng về cuộc khủng hoảng, những bước cần thiết giúp đất nước chuẩn bị ứng phó đại dịch cũng không được thực hiện. Khi chính quyền Mỹ bắt đầu áp dụng các biện pháp kiềm chế nCoV, mọi thứ dường như đã quá muộn.

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong lễ ban phước lành ngày Phục sinh tại Nhà Trắng hôm 12/4. Ảnh: AFP.

Ngay trước khi bước sang năm 2020, Trung Quốc thông báo cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về "một dịch bệnh viêm phổi bí ẩn" đang lây lan khắp Vũ Hán, thành phố công nghiệp có 11 triệu dân sinh sống. Chính quyền đóng cửa chợ hải sản liên quan đến dịch bệnh, đưa tất cả người nhiễm virus tới một bệnh viện đặc biệt, đồng thời thu thập mẫu xét nghiệm để gửi đến các phòng thí nghiệm của chính phủ.

Theo các nguồn tin từ Trung Quốc, Lầu Năm Góc lần đầu tiên biết về nCoV vào tháng 12/2019. Tới đầu tháng một, mối đe dọa từ chủng virus mới được đưa vào các báo cáo tình báo lưu hành trong chính phủ. Ngày 3/1, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) Robert Redfield nhận được cuộc gọi cảnh báo từ người đồng cấp Trung Quốc. Tiến sĩ Anthony Fauci, cố vấn của Trump về Covid-19 hiện nay, cũng được cảnh báo trong khoảng thời gian này.

Giới chức y tế và tình báo Mỹ nhanh chóng nghi ngờ số liệu về Covid-19 của Trung Quốc. Họ gây sức ép nhằm đưa các nhà dịch tễ học Mỹ sang Trung Quốc, với mục đích hỗ trợ nước này ngăn chặn dịch bệnh, đồng thời thu thập thông tin phục vụ công tác chuẩn bị ứng phó của Mỹ. Giới chức Mỹ còn đề nghị Trung Quốc gửi các mẫu cho họ để phát triển vaccine và phương pháp xét nghiệm.

Trung Quốc quyết định chia sẻ trình tự gen của nCoV hôm 11/1. Cùng ngày, Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) bắt đầu nghiên cứu vaccine phòng bệnh. Bắc Kinh hồi cuối tháng một cũng cho phép Washington cử hai người tham gia nhóm của WHO đến Trung Quốc tìm hiểu về virus.

Dù vấn đề nCoV đã được nêu trong vài cuộc họp tình báo, Trump vẫn không được thông báo đầy đủ về mối đe dọa, cho tới khi Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ (HHS) Alex Azar gọi điện cập nhật tình hình hôm 18/1, trong lúc Tổng thống đang ở khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, bang Florida.

Nguồn tin cho biết Trump dành phần lớn cuộc trò chuyện với Azar để nói về thuốc lá điện tử, rằng ông đang xem xét chính sách mới yêu cầu hạn chế sử dụng nó. Giới chức Nhà Trắng đánh giá Trump không hoàn toàn nắm bắt được mức độ đe dọa của Covid-19, một phần bởi Azar, người bất đồng với một số cố vấn thân cận của Tổng thống, không truyền đạt tốt vấn đề.

Hơn nữa, Trump khi đó đang bị cuốn vào cuộc chiến xem xét bãi nhiệm và không tập trung nhiều đến những vấn đề khác. Tổng thống Mỹ dường như cũng không muốn gây áp lực lên Trung Quốc hoặc chỉ trích Chủ tịch Tập Cận Bình, người mà ông muốn đảm bảo quan hệ, với hy vọng chấm dứt chiến tranh thương mại trước khi chiến dịch tái tranh cử bước vào giai đoạn nước rút. Trong cuộc phỏng vấn tại Davos, ông chủ Nhà Trắng còn ca ngợi phản ứng với Covid-19 của ông Tập.

Trong khi đó, nội bộ Nhà Trắng có những dấu hiệu mâu thuẫn. Trump hôm 6/3 thông báo nghị sĩ Cộng hòa Mark Meadows trở thành tân chánh văn phòng Nhà Trắng thay thế Mick Mulvaney, người nằm trong nhóm chuyên trách về nCoV ban đầu. Cùng lúc, Văn phòng Quản lý và Ngân sách Nhà Trắng bất đồng với Bộ trưởng Azar về số tiền dùng để chống dịch.

HHS muốn gửi yêu cầu trợ cấp đặc biệt về nCoV lên quốc hội, nhưng văn phòng của Nhà Trắng từ chối suốt nhiều tuần, nhấn mạnh HHS nên chuyển đổi mục đích sử dụng 250 triệu USD ngân sách hiện có và dùng khoản tiền đó để mua đồ bảo hộ cho kho dự trữ quốc gia. Tuy nhiên, HHS giải thích rằng nếu không nhận được sự ủng hộ từ quốc hội, họ không thể mua đủ số lượng khẩu trang, áo bảo hộ và máy thở để nhanh chóng củng cố kho dự trữ.

Cuối cùng, yêu cầu của HHS cũng được gửi lên quốc hội, với số tiền đề nghị hỗ trợ ban đầu là 2,5 tỷ USD. Tuy nhiên, các nghị sĩ từ cả hai đảng đều cho rằng con số này quá thấp. Dự luật ngân sách đầu tiên mà quốc hội nhanh chóng thông qua, sau đó được Trump ký, trị giá 8 tỷ USD.

Bất chấp thái độ sốt sắng của HHS và quốc hội, không ai trong số các thân tín của Trump thúc đẩy ông khẩn trương ứng phó với nCoV. Hồi giữa tháng một, các cuộc họp về Covid-19 được tổ chức tại Nhà Trắng, nhưng trọng tâm lại là việc hồi hương nhân viên chính phủ Mỹ tại Trung Quốc, nơi dịch bệnh khởi phát.

Bản ghi nhớ hôm 29/1 của cố vấn cấp cao Nhà Trắng Peter Navarro đã dự đoán chính xác một số thách thức Mỹ phải đối mặt từ căn bệnh sẽ trở thành đại dịch. Tuy nhiên, Navarro bị những người khác trong Nhà trắng coi là "diều hâu" với Trung Quốc, nên cảnh báo của ông bị phớt lờ và không đến được tay Tổng thống.

Đây được cho là cảnh báo ở cấp cao và trực diện nhất từng lưu hành tại Nhà Trắng vào thời điểm Trump vẫn tỏ ra xem thường mối đe dọa từ nCoV với Mỹ. Trump hôm 7/4 thừa nhận ông "có nghe nói Navarro đã viết bản ghi nhớ nào đó về đại dịch, nhưng không xem nó, cũng không tìm đọc nó".

Hôm 30/1, WHO tuyên bố Covid-19 là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu, trong khi Trump vẫn tổ chức buổi vận động tranh cử chật kín người tại bang Iowa. Một ngày sau, chính phủ Mỹ cấm nhập cảnh đối với người nước ngoài từng đến Trung Quốc trong vòng 14 ngày, trừ thành viên gia đình của công dân Mỹ hoặc thường trú nhân.

Trump gọi đây là hành động cứng rắn, nhưng tiếp tục hạ thấp mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh. "Các bạn biết đó, theo lý thuyết, đến tháng 4, khi thời tiết ấm lên một chút, virus sẽ biến mất một cách kỳ diệu", Trump tuyên bố trong cuộc vận động gồm hàng nghìn người tại bang New Hampshire hôm 10/2. Đám đông hò reo ủng hộ trước lời khẳng định chưa có cơ sở của Tổng thống. 

Sau khi thượng viện Mỹ bác bỏ nỗ lực xem xét bãi nhiệm Trump của phe Dân chủ, Trump chuyển hướng chú ý sang chiến dịch tái tranh cử, ngay cả khi giới chức Nhà Trắng đang tập trung chống nCoV.

Ban đầu, Trump cử Azar dẫn dắt nhóm chuyên trách chống Covid-19 của chính phủ, nhưng đến cuối tháng 2 thay thế Bộ trưởng này bằng Phó tổng thống Mike Pence. Trong lúc nCoV lây lan toàn cầu, các thân tín của Trump trong Nhà Trắng, bao gồm cố vấn cấp cao Jared Kushner, con rể ông, và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, vẫn kêu gọi Tổng thống tránh những động thái lớn có khả năng đảo lộn thị trường tài chính.

Đến khi thị trường lao dốc vì Covid-19, Trump mới tăng cường phản ứng với đại dịch. Trong lúc ông công du Ấn Độ hồi cuối tháng 2, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm tới 1.000 điểm.

Theo Mick Mulvaney, Trump không ngủ suốt chuyến bay dài 18 giờ từ Ấn Độ về Mỹ, đồng thời theo dõi những bản tin dồn dập về dịch bệnh. Sáng 26/2, vài phút sau khi hạ cánh xuống thủ đô Washington, Trump quyết định chủ trì họp báo về Covid-19, dù Nhà Trắng trước đó thông báo Pence sẽ phụ trách sự kiện này.

Kể từ đó, Trump gần như luôn đứng trên bục phát biểu trong các cuộc họp báo hàng ngày về Covid-19, trở thành đại diện của cuộc chiến chống lại dịch bệnh, dù muộn màng.  

Ánh Ngọc

Vnexpress







MÃ CHỨNG KHOÁN LIÊN QUAN (2)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Thị trường bất động sản của Mỹ gặp khó khăn do lãi suất và giá nhà cao

Doanh số bán nhà đã qua sở hữu, chiếm phần lớn doanh số bán nhà của Mỹ, đã giảm 4,3% trong tháng 3/2024, xuống mức 4,19 triệu căn.

Phố Wall lo Fed không giảm lãi suất trong năm 2024

Phố Wall đang nghĩ đến kịch bản Fed không giảm lãi suất trong năm 2024.

Cục Dự trữ Liên bang: Kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng nhẹ ở mức đồng đều

Theo mô hình GDPNow của Fed chi nhánh tại Atlanta, kinh tế Mỹ được dự báo sẽ tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng hằng năm ở mức 2,9% trong quý 1 năm 2024, sau khi tăng...

IMF: Thâm hụt tài khóa của Mỹ có thể gây rủi ro cho kinh tế toàn cầu

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), gánh nặng nợ của chính phủ Mỹ tạo ra nguy cơ ngắn hạn cho quá trình giảm lạm phát cũng như sự ổn định về tài chính về dài hạn cho...

IMF: Đà tăng của giá dầu có thể làm chệch hướng kinh tế thế giới

IMF kỳ vọng kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,2% trong năm nay và năm tới, tuy nhiên tình trạng gián đoạn trên thị trường dầu mỏ có thể là một trong những nhân tố...

Cục Dự trữ liên bang Mỹ phát tín hiệu trì hoãn cắt giảm lãi suất

Theo Chủ tịch Fed, những dữ liệu gần đây không tạo cho Fed sự tin tưởng đủ lớn để cắt giảm lãi suất, mà trái lại nó cho thấy phải mất nhiều thời gian để đạt được...

Chủ tịch ECB: NHTW sẽ sớm hạ lãi suất

Trong ngày 16/04, Chủ tịch Christine Lagarde nhận định Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể cắt giảm lãi suất trong thời gian tới, nếu không có thêm bất kỳ cú...

Trung Quốc có thể cần chi 2.100 tỉ đô la để hồi sinh thị trường nhà ở

Thị trường nhà ở Trung Quốc có thể suy yếu hơn nữa khi những nỗ lực vực dậy lĩnh vực này chưa đủ mạnh để ngăn chặn cơn suy thoái kéo dài 3 năm qua. Theo ngân hàng...

Tesla sẽ cắt giảm ít nhất 14,000 nhân sự trên toàn cầu

Tesla sẽ cắt giảm hơn 10% lực lượng lao động toàn cầu, tương đương ít nhất 14,000 việc làm, do nhu cầu về xe điện toàn cầu giảm và cuộc chiến giá cả khốc liệt đã...

GDP Trung Quốc tăng trưởng 5.3% trong quý 1, vượt kỳ vọng

Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nhanh hơn dự báo trong quý 1/2024, theo dữ liệu công bố vào ngày 16/04.


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98