Việt Nam có thể không đón thêm được du khách nào đến hết năm 2020?

13/04/2020 08:58
13-04-2020 08:58:17+07:00

Việt Nam có thể không đón thêm được du khách nào đến hết năm 2020?

Ngành du lịch Việt Nam đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nặng nề do dịch Covid-19. Trường hợp xấu nhất, thị trường du lịch có thể "đóng băng" hoàn toàn từ nay cho đến hết năm 2020

Việt Nam có thể không đón thêm được du khách nào đến hết năm 2020?
Ngành Du lịch Việt Nam đang đối mặt với cuộc khủng hoàng chưa từng thấy trong lịch sử. Ảnh: H.Mai

Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, sau tháng 1 tăng cao 33% so với cùng kỳ, lượng du khách quốc tế đến Việt Nam đã suy giảm mạnh trong tháng 2 (giảm 22%) và tháng 3 (giảm 68%) do dịch Covid-19. Dự báo, số lượng du khách sẽ xuống đáy từ tháng 4 này do lệnh hạn chế đi lại và xuất nhập cảnh đã áp dụng trên thế giới.

Dự báo tình hình khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2020 sẽ phụ thuộc vào thời điểm dịch Covid-2019 được khống chế trên thế giới, Tổng cục Du lịch Việt Nam đã xây dựng một số kịch bản sơ bộ để tiếp tục theo dõi, đánh giá, đề ra các hoạt động ứng phó thích hợp.

Kịch bản 1: Dịch kết thúc cuối tháng 6

Trong trường hợp này, lượng khách quốc tế sẽ ở đáy từ tháng 4 đến tháng 6. Trong khoảng thời gian đó, gần như không có khách quốc tế đến Việt Nam. Số lượng khách sẽ hồi phục dần vào cuối năm nhưng còn thấp, chưa thể tăng trưởng dương so với cùng kỳ 2019.

Sau khi dịch được khống chế, hoạt động du lịch công vụ có thể phục hồi trước do nhu cầu trên toàn thế giới khẩn trương khôi phục các hoạt động giao dịch, trao đổi thương mại, sản xuất... Tuy nhiên, độ mở về đi lại chưa hoàn toàn như trước khi có dịch do các nước vẫn còn đề phòng sự quay lại của Covid‐19.

Tổng cục Du lịch nhận định các thị trường gần trong khu vực châu Á có khả năng sẽ phục hồi sớm hơn so với các thị trường xa như châu Âu, Bắc Mỹ, Úc...

Theo kịch bản này, khách du lịch quốc tế đến năm 2020 có thể giảm khoảng gần 70% so với năm 2019, chỉ còn khoảng 5,5 triệu lượt.

Kịch bản 2. Dịch kết thúc cuối tháng 9

Trong trường hợp này, đại dịch kéo dài trên thế giới, đặc biệt là ở châu Âu, Bắc Mỹ. Ở châu Á, Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước khác cơ bản khống chế được dịch trước, tuy nhiên các biện pháp hạn chế đi lại, giao thương vẫn bị hạn chế để ngăn ngừa dịch lây lan.

Nếu vậy, thời gian ngưng trệ gần như không có khách du lịch quốc tế sẽ kéo dài hơn trong khoảng từ tháng 4 đến tháng 9, chỉ có thể bắt đầu hồi phục rất hạn chế từ cuối năm với các hoạt động đi lại du lịch công vụ, giao thương. Theo kịch bản này, lượng khách du lịch quốc tế đến năm 2020 sẽ giảm khoảng gần 75%, chỉ còn khoảng 4,6 triệu lượt.

Ngoài ra, nếu tình hình diễn biến xấu hơn, đến hết tháng 12 mà dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc, từ tháng 4 đến tháng 12 sẽ gần như không có khách du lịch quốc tế.

Tổng số khách quốc tế đến Việt Nam năm 2020 sẽ dừng lại ở con số 3,7 triệu lượt trong 3 tháng đầu năm, giảm khoảng 80% so với năm 2019.

Mô hình phục hồi nào cho du lịch Việt Nam?

Thời gian qua, nhiều bàn luận đặt ra về kịch bản hồi phục của nền kinh tế nói chung, ngành du lịch nói riêng sau đại dịch Covid-19 theo các mô hình chữ V, chữ U, chữ L hay chữ W?

Trong đó, mô hình hồi phục hình chữ V thể hiện sự phục hồi nhanh tương đương với đà sụt giảm; mô hình chữ U thể hiện một quá trình trì trệ kéo dài trước khi phục hồi nhanh; chữ L thể hiện quá trình trì trệ chưa biết thời điểm phục hồi hoặc trước mắt phục hồi chậm; chữ W thể hiện sự thiếu ổn định, khó dự báo, tăng trưởng nhanh xen lẫn sụt giảm nhanh trong thời gian ngắn, nhất là khi dịch bệnh hoặc sự kiện có tác động tương tự có thể sớm lặp lại.

Từ các kịch bản nêu trên, Tổng cục Du lịch đánh giá du lịch Việt Nam trong năm 2020 có thể gần theo mô hình chữ L hơn các mô hình khác. Cụ thể, trong cả hai kịch bản dự báo đối với du lịch Việt Nam, dịch Covid‐19 kéo dài làm ngừng trệ các hoạt động du lịch trong một khoảng thời gian. Sau khi dịch được khống chế, khách du lịch quốc tế không còn nhiều thời gian để lên kế hoạch đi du lịch vào cuối 5, cộng thêm tâm lý vẫn còn e ngại sau khi dịch đi qua nên năm 2020 dự báo sẽ là năm tăng trưởng thấp kỷ lục của du lịch Việt Nam trong bối cảnh sụt giảm nghiêm trọng của du lịch thế giới.

"Khả năng phục hồi theo mô hình chữ U rất khó xảy ra do sau giai đoạn kéo dài ở đáy suy giảm, có sự thay đổi cả ở phía cung (sản phẩm, doanh nghiệp du lịch, hãng hàng không bị thiệt hại…) và cầu du lịch (thị trường hồi phục dần theo từng nhóm, nội địa và quốc tế, từng phân khúc). Mô hình chữ V đã không thể xảy ra và mô hình chữ W còn tiềm ẩn nhưng chưa thể dự báo trước" - Tổng cục Du lịch dự báo.

Trước đó, Tổng cục Du lịch ước tính thiệt hại du lịch Việt Nam do dịch Covid-19 trong các tháng 2, 3 và 4 sẽ vào khoảng 5,9 - 7 tỷ USD. Con số này dựa trên thất thu từ du lịch Trung Quốc là 1,8 - 2 tỷ USD, từ các thị trường khách quốc tế còn lại là 2,2 - 2,3 tỷ USD, và thị trường nội địa là 1,9 - 2,7 tỷ USD.

Tuy nhiên, thời điểm đưa ra con số đó là lúc các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu chưa bùng phát dịch Covid-19.

Đề xuất thêm nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch

Sau văn bản số 1156 trình Thủ tướng Chính phủ ngày 19.3 đề xuất các giải pháp cấp bách hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch phục hồi sau thời gian bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa tiếp tục có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đề xuất bổ sung các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch do ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất hỗ trợ gói tài chính cho các doanh nghiệp du lịch trong việc hoàn hủy tour thay vì thực hiện hủy tour. Gói tài chính này sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp phát hành “phiếu mua tour” có thời hạn 12 - 18 tháng với giá trị tương đương tour đã đặt cho các khách hàng không thể thực hiện được chuyến đi do tình hình dịch bệnh hoặc các trường hợp bất khả kháng khác.

Vớii doanh nghiệp vừa và nhỏ, chủ nhà có phòng cho khách du lịch thuê (homestay), người lao động mất việc làm trong cơ sở lưu trú du lịch, Bộ đề nghị đưa các đối tượng này vào diện được hỗ trợ trong gói 62.000 tỉ đồng giúp người dân gặp khó khăn chống dịch Covid-19; miễn phí cấp mới, cấp đổi, cấp lại giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế, nội địa, thẻ hướng dẫn viên du lịch trong năm 2020.

Đồng thời, đề nghị Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo các hãng hàng không hỗ trợ doanh nghiệp lữ hành giải phóng tiền đặt cọc mua vé máy bay trong thời gian dịch bệnh.

Hà Mai

Thanh niên







TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Cấp 'tín chỉ xanh' đối với các nhà máy sử dụng năng lượng sạch

Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm và trình tự, thủ tục cấp "tín chỉ xanh" đối với các nhà máy sử dụng nguồn năng lượng sạch.

Còn khoảng 32.000 tỷ đồng vốn đầu tư công chưa được phân bổ chi tiết

Tính đến cuối tháng Ba, vẫn còn khoảng 32.000 tỷ đồng vốn đầu tư công chưa được phân bổ chi tiết, thậm chí 15 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân là 0%.

Vì sao ngành điện muốn áp giá hai thành phần?

Với cách tính hiện nay, hai khách hàng dùng cùng lượng điện, tiền trả như nhau, nhưng chi phí nhà đèn bỏ ra cho họ chưa được phản ánh chính xác, theo chuyên gia.

Thủ tướng đề nghị Apple mở rộng kinh doanh và xác định Việt Nam là một cứ điểm của Apple trên toàn cầu

Sáng 16/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Tim Cook, Giám đốc điều hành Apple của Hoa Kỳ - công ty công nghệ lớn nhất thế giới và là nhà đầu tư nước ngoài lớn...

Điện mặt trời mái nhà dư thừa: Phát lên lưới giá 0 đồng, không được tính tiền

Điện mặt trời mái nhà chỉ được tự dùng, không được bán cho cá nhân, tổ chức khác. Nếu không dùng hết, phát lên lưới chỉ được ghi nhận sản lượng điện với giá 0 đồng...

Chủ tịch Tập đoàn Thuận An bị bắt: DN vài tỷ vốn tăng gấp 200 lần, nổi lên nhờ cầu đường

Từ một doanh nghiệp có quy mô vốn điều lệ chỉ vỏn vẹn 3,9 tỷ đồng, trong 10 năm trở lại đây Thuận An đã lớn nhanh như thổi, vốn điều lệ tăng gấp 200 lần lúc mới...

Nhiều tiệm vàng tại TP HCM bất ngờ đóng cửa

Cục Quản lý thị trường TP HCM cho biết sẽ tiếp tục đồng loạt kiểm tra các doanh nghiệp tư nhân kinh doanh mua bán vàng trên địa bàn thành phố

Thủ tướng yêu cầu phải bảo đảm cung ứng điện trong thời gian cao điểm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 38/CĐ-TTg ngày 15/4/2024 về việc triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng...

Ứng phó thế nào trước làn sóng thép ngoại tràn vào?

"Việc suy giảm thị phần nội địa của ngành sản xuất thép cuộn cán nóng trong nước là có. Việc mất 1/3 thị phần trong chưa đầy 1 năm là một trong những tín hiệu đáng...

CEO Apple Tim Cook đến Việt Nam bằng máy bay riêng

CEO Apple Tim Cook dự kiến có nhiều hoạt động trong 2 ngày 15 và 16-4 tại Việt Nam, trong đó sẽ gặp mặt một số nhà sáng tạo nội dung


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98