Cà Mau: 'Ngân hàng đất' đầu tư hơn 26 tỉ đồng bị bỏ không do… thiếu đất

21/05/2020 20:30
21-05-2020 20:30:15+07:00

Cà Mau: 'Ngân hàng đất' đầu tư hơn 26 tỉ đồng bị bỏ không do… thiếu đất

Tỉnh Cà Mau thành lập 'ngân hàng đất' hơn 26 tỉ đồng nhưng sau 2 năm đi vào hoạt động, ngân hàng đất chưa 'nạp' được... cục đất nào.

Cà Mau: 'Ngân hàng đất' đầu tư hơn 26 tỉ đồng bị bỏ không do… thiếu đất
Với kinh phí đầu tư nhiều tỉ đồng đến nay ngân hàng đất của Cà Mau là những đầm nước Ảnh: CTV

Để khai thác hiệu quả công trình cống Bào Trấu (thuộc Dự án thủy lợi tiểu vùng 10 - Nam Cà Mau) và để có nguồn vật liệu thay thế cho cát san lấp đang khan hiếm, giá cao, tỉnh Cà Mau đã tiến hành thành lập “ngân hàng đất” rộng 11 ha tại xã Trần Thới, H.Cái Nước. Thế nhưng sau 2 năm đi vào hoạt động, ngân hàng đất chưa "nạp" được... cục đất nào.

Đưa vào hoạt động sau khi nạo vét

Ngân hàng đất được tỉnh Cà Mau phê duyệt (bổ sung) vào tháng 8.2016 trong khi thực hiện dự án cống Bào Trấu, với kinh phí trên 20 tỉ đồng, nhằm mục đích tiếp nhận đất bùn từ việc nạo vét các tuyến kênh cấp 1, cấp 2 thuộc tiểu vùng 10 - Nam Cà Mau (dự án WB6) và mở rộng phạm vi tiếp nhận bùn đất sau nạo vét của các tuyến kênh lân cận.

Đây được xem là mô hình mới, lần đầu xuất hiện ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Cổng vào của ngân hàng đất. Ảnh: Gia Bách

Cuối năm 2017, khu vực ngân hàng đất sau khi thực hiện thu hồi, giải phóng mặt bằng đã bàn giao về Sở NN- PTNT tỉnh Cà Mau quản lý. Đến tháng 8.2018, ngân hàng đất hoàn thành các hạng mục công trình, với tổng kinh phí trên 26,6 tỉ đồng. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm các tuyến kênh trục cấp 1, cấp 2 thuộc tiểu vùng này đã nạo vét xong nên ngân hàng đất không có đất để "nạp" vào cho đến nay.

Ông Trần Quốc Nam, Giám đốc Trung tâm Quản lý, khai thác công trình thủy lợi tỉnh Cà Mau (sau đây gọi tắt là Trung tâm), thừa nhận: “Cuối năm 2018, Sở NN- PTNT giao cho Trung tâm quản lý, vận hành, khai thác ngân hàng đất. Nhưng lúc này các tuyến kênh thuộc tiểu vùng 10 đã nạo vét xong; trong khi chu kỳ nạo vét có thời gian từ 4- 5 năm nên phải bỏ không gần 2 năm qua vì thiếu đất".

Cũng theo lời ông Trần Quốc Nam, hiện ngoài những hạng mục đã đầu tư trước như: đường giao thông trục chính, đường bờ bao, đường giao thông nội bộ, bến bốc dỡ sà lan 100 tấn và các công trình hàng rào bảo vệ… thì ngân hàng đất không có thêm hạng mục mới nào vì không có kinh phí và con người.

Xin "bơm" thêm cả chục tỉ mua trang thiết bị

Để khắc phục tình trạng trên, Trung tâm đã lập đề án khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi liên quan đến ngân hàng đất trình lên UBND tỉnh Cà Mau.

Theo đề án, mục tiêu ngân hàng đất sẽ là khu chứa từ 50.000 - 70.000 m3/ đất năm, lấy từ nguồn đất nạo vét hệ thống kênh thuộc dự án tiểu vùng 10 - Nam Cà Mau. Ngoài ra, dự kiến ngân hàng này còn lấy thêm phần đất nạo vét hàng chục ngàn khối mỗi năm từ phía sông Bảy Háp, đoạn từ ngã ba Đầm Cùng, H.Cái Nước đến cửa biển Rạch Chèo (thuộc H.Phú Tân).

Cũng theo đề án, để vận hành tốt ngân hàng đất, nhà nước cần phải đầu tư thêm từ 6,5 - 12 tỉ đồng để mua trang thiết bị cần thiết. Cụ thể: xáng cạp gàu dây loại 45 tấn (từ 1- 2 chiếc) với kinh phí 1,5 - 3 tỉ đồng; xáng cạp gàu dây loại 25 tấn, kinh phí 1,2 tỉ đồng; sà lan chở đất loại 40 - 80 tấn (từ 1- 2 chiếc) có kinh phí 1,5 - 3 tỉ đồng; máy đào bánh xích gàu (từ 2 - 3 chiếc), kinh phí từ 1,5 - 3 tỉ đồng; xe ben chở đất loại 5 - 8 tấn (từ 2 - 3 chiếc) kinh phí từ 1 - 2 tỉ đồng…

Đề án cũng tính toán khấu hao tài sản mỗi năm ở ngân hàng đất này trên 1,98 tỉ đồng; chi phí bảo trì tài sản cố định và tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi mỗi năm 400 triệu đồng; chi phí quản lý vận hành 300 triệu đồng/năm và hàng loạt chi phí khác.

Trong khi đó, khối lượng dự kiến khai thác ở ngân hàng đất này là 60.000 m3 đất/năm với giá thành trung bình mỗi mét khối đất san lấp là 130.000 đồng, như vậy mỗi năm ngân hàng đất thu 4,68 tỉ đồng. Với doanh thu này, ngân hàng sẽ nộp vào ngân sách 470 triệu đồng và lợi nhuận sau thuế cũng được tạm tính đạt 330 triệu đồng/năm. Giá trị thu lại thấp hơn nhiều lần so với chi phí đầu tư và các loại thuế, phí khác liên quan.

Đi Hà Lan học tập kinh nghiệm

Được biết, trước khi thành lập ngân hàng đất, tỉnh Cà Mau có mời các nhà khoa học tham gia nghiên cứu và tổ chức đi thực tế sang Hà Lan để học tập kinh nghiệm. Khi đó, tỉnh Cà Mau có ý tưởng ngoài việc nhận đất bùn từ việc nạo vét các tuyến kênh cấp 1 và 2 thuộc tiểu vùng 10, sẽ thu gom đất sau khi người dân sên vét vuông tôm. Sau đó sản phẩm tận thu sẽ bán ra làm vật liệu trong xây dựng công trình và san lấp mặt bằng.

Tuy nhiên, ông Trần Quốc Nam cho rằng việc lấy bùn từ sên vét vuông tôm chỉ là ý tưởng và khó khả thi. "Khó để người dân sên vét vuông tôm đồng loạt. Mà khi sên vét, họ sử dụng san lấp mặt bằng của mình. Nếu có lấy được bùn từ sên vét vuông tôm thì cũng nhiêu khê để đưa về ngân hàng vì địa hình kênh rạch chằng chịt", ông Nam nói.

Trên thực tế, tiểu vùng 10 - Nam Cà Mau có diện tích tự nhiên đến 8.800 ha, bao gồm hệ thống sông ngòi chằng chịt, bao quanh là hệ thống đê bao và lộ nông thôn. Nếu dùng xe ben lưu thông vào các tuyến lộ nông thôn để chở đất sau khi nạo vét về ngân hàng, liệu kết cấu hạ tầng gồm mặt đường và cầu, cống trong khu vực có đảm bảo? Nếu dùng sà lan loại 40 - 80 tấn để vận chuyển bằng đường thủy cũng khó khả thi trong khi tiểu vùng bao gồm nhiều loại kênh thủy lợi ở các cấp độ, mức nước sâu và hệ thống cầu, cống có độ thông thuyền, giãn thuyền khác nhau? Còn lượng bùn phải tận thu từ việc sên vuông tôm của người dân, không lẽ phải đưa sà lan đến để chờ người dân sên vét đổ vào rồi chờ trầm lắng xuống để đưa về?.

"Thật sự bỏ không 11 ha trong 2 năm qua là quá hoang phí. Nhưng muốn làm gì cũng phải có kinh phí, trang thiết bị và con người, trong khi hiện tại tôi không có những thứ đó sao làm. Giờ chờ UBND tỉnh thông qua đề án để tôi có thể bắt tay thực hiện", ông Nam than.

Đề án cũng đề xuất phương án cho thuê ngân hàng đất với giá khởi điểm 1,33 tỉ đồng/năm, thời hạn 10 - 20 năm. Sau khi khấu trừ toàn bộ chi phí theo quy định của Bộ Tài chính trong hoạt động cho thuê tài sản công, theo phương án này mỗi năm ngân hàng đất sẽ nộp vào ngân sách nhà nước chưa đến 200 triệu đồng.

Gia Bách

Thanh niên





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Ví điện tử còn sống khỏe giữa “rừng” Mobile Banking?

Không chỉ phải cạnh tranh gay gắt với các đối thủ cùng ngành, giờ đây các nhà phát triển ví điện tử còn “đau đầu” giải bài toán thu hút khách hàng khi các nhà băng...

VietABank công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023

Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) vừa công bố báo cáo kiểm toán năm 2023 với những điểm tích cực như huy động vốn, dư nợ, thu nhập từ chứng khoán đầu tư (TPCP) đều...

Người dân giảm gửi tiền vào ngân hàng

Xu hướng giảm lãi suất huy động tiếp tục được duy trì trong quý 1/2024 khiến người dân không còn mặn mà với việc gửi tiết kiệm vào ngân hàng.

Bắt nữ Giám đốc Ngân hàng MSB chi nhánh Thanh Xuân lừa đảo 338 tỷ đồng

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó giám đốc Công an TP. Hà Nội cho biết, Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam bà Bùi Thị Hoài Anh, Giám đốc ngân hàng MSB...

Thêm khách hàng tố tài khoản tại MSB 'bốc hơi' gần 28 tỷ đồng

Vụ việc một tài khoản tại Ngân hàng MSB bị "bốc hơi" hơn 58 tỷ đồng chưa hết ồn ào thì lại có thêm một khách hàng phản ánh cũng bị rút sạch số tiền 27,7 tỷ đồng.

Đang thi hành 4 bản án, ông Trần Phương Bình tiếp tục hầu tòa

Dù đang thi hành 4 bản án, với tổng hình phạt chung là tù chung thân nhưng ông Trần Phương Bình tiếp tục phải hầu tòa vì làm thất thoát của Ngân hàng Đông Á 981 tỷ...

Giá USD ngân hàng lập đỉnh mới

Giá USD tại các ngân hàng thương mại hôm nay lập đỉnh mới, có ngân hàng đưa giá bán vượt mốc 25.000 đồng/USD. Còn giá USD trên thị trường tự do lại hạ nhiệt.

Nam A Bank được Moody’s nâng bậc xếp hạng, dự kiến tăng vốn mạnh mẽ

Nam A Bank (mã chứng khoán NAB - HOSE) vừa được Tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới Moody’s nâng bậc đánh giá tín nhiệm nhiều chỉ số xếp hạng quan trọng.

Tiên phong xu hướng ngân hàng mở, OCB hướng đến giải pháp tài chính xanh 

Với chiến lược hướng đến mô hình quản trị  bền vững, Ngân hàng Phương Đông (OCB) đã và đang tiên phong trong cuộc đua triển khai Open API theo xu hướng ngân hàng mở...

SeABank - Nơi những người dành cả thanh xuân để cống hiến

Trên hành trình 30 năm phát triển, kết nối giá trị cuộc sống của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, HOSE: SSB) không thể thiếu những con người tận tâm gắn bó...

Cổ phiếu ngân hàng

Cổ phiếu bảo hiểm


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98