Đối thoại với Soros về khủng hoảng

16/05/2020 10:00
16-05-2020 10:00:00+07:00

Đối thoại với Soros về khủng hoảng

Gregor Peter Schmitz phỏng vấn George Soros, nhà đầu tư huyền thoại...

George Soros chắc chắn thế giới hậu đại dịch sẽ không có cách nào để quay lại nền kinh tế toàn cầu hóa trước đây. Thế giới đã sẵn sàng cho sự trỗi dậy của Trung Quốc, số phận của nước Mỹ và sự sống còn của Liên minh châu Âu.

Chứng khoán cơ bản - Nền tảng vững chắc, đầu tư thành công

Phân tích & Định giá cổ phiếu - Nhìn thấu những giá trị tiềm ẩn

Phân tích Ngành - Chọn ngành đúng, không sợ thua lỗ

GREGOR PETER SCHMITZ: Ông đã trải qua nhiều cuộc khủng hoảng trong quá khứ. Vậy đại dịch Covid-19 có thể so sánh với đại dịch nào trước đây hay không?

GEORGE SOROS: Không. Đây là cuộc khủng hoảng vĩ đại của đời tôi. Ngay cả trước khi đại dịch xảy ra, tôi nhận ra rằng chúng ta đang sống trong một thời kỳ cách mạng, nơi những điều không thể hoặc thậm chí không thể tưởng tượng được trong điều kiện bình thường lại trở nên không chỉ có thể mà còn là cực kỳ cần thiết. Dịch Covid-19 xảy ra đã làm gián đoạn hoàn toàn cuộc sống của người dân và tạo ra những hành vi rất khác thường trong xã hội. Đó là một sự kiện có lẽ chưa bao giờ xảy ra trong lịch sử. Nó thực sự gây nguy hiểm cho sự tồn tại của nền văn minh loài người.

GREGOR PETER SCHMITZ: Cuộc khủng hoảng này có thể được ngăn chặn nếu các chính phủ có sự chuẩn bị tốt hơn không?

GEORGE SOROS: Chúng ta đã từng có đại dịch bệnh truyền nhiễm kể từ khi căn bệnh dịch hạch xuất hiện. Những căn bệnh truyền nhiễm này thường xảy ra vào thế kỷ XIX. Sau đó, chúng ta có dịch cúm Tây Ban Nha vào cuối Thế chiến thứ I, diễn ra theo ba đợt với đợt thứ hai là nguy hiểm nhất. Hàng triệu người đã chết. Chúng ta cũng chứng kiến những đợt bùng phát nghiêm trọng khác, chẳng hạn như cúm lợn cách đây một thập kỷ. Vì vậy, tôi thật sự ngạc nhiên khi các quốc gia không có sự chuẩn bị tốt cho những tình huống như thế này.

GREGOR PETER SCHMITZ: Đó có phải là vấn đề lớn nhất hiện nay: sự thiếu chắc chắn về cách đối phó với loại virus này trong những tháng tới hoặc năm tới?

GEORGE SOROS: Nó chắc chắn là một vấn đề rất lớn. Chúng ta đang nghiên cứu rất nhanh và bây giờ chúng ta biết nhiều về virus hơn khi nó vừa mới xuất hiện. Tuy nhiên, chúng ta đang nhắm bắn vào một mục tiêu di động vì bản thân virus thay đổi rất nhanh chóng. Tôi cho rằng các nhà khoa học sẽ mất nhiều thời gian để có thể phát triển vắc xin. Và ngay cả sau khi chúng ta đã phát triển được vắc xin thì cũng sẽ phải nghiên cứu nâng cấp hàng năm bởi vì virus xuất hiện rất nhiều biến thể. Đó là những gì chúng ta làm với bệnh cúm hàng năm.

GREGOR PETER SCHMITZ: Cuộc khủng hoảng này có làm thay đổi bản chất của chủ nghĩa tư bản không? Ngay cả trước khi Covid-19 dẫn đến sự suy thoái kinh khủng như hiện nay, những nhược điểm của toàn cầu hóa và thương mại tự do đã thu hút sự chú ý rất lớn.

GEORGE SOROS: Chúng ta sẽ không bao giờ quay trở lại điểm xuất phát trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Tôi chắc chắn về điều này. Nhưng đó cũng là điều duy nhất chúng ta có thể chắc chắn được. Tôi nghĩ rằng không ai có thể biết được chủ nghĩa tư bản sẽ phát triển như thế nào trong tương lai.

GREGOR PETER SCHMITZ: Cuộc khủng hoảng này có thể mang mọi người và các quốc gia lại gần nhau hơn không?

GEORGE SOROS: Về lâu dài là có. Ở thời điểm hiện tại, con người bị chi phối bởi nỗi sợ hãi. Và nỗi sợ thường khiến người ta tự làm tổn thương mình. Điều đó đúng với các cá nhân cũng như các tổ chức, các quốc gia và cả nhân loại.

GREGOR PETER SCHMITZ: Có phải chúng ta đang chứng kiến một trò chơi đổ lỗi hiện tại giữa Mỹ và Trung Quốc về nguồn gốc của virus?

GEORGE SOROS: Cuộc xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc làm phức tạp vấn đề bởi vì chúng ta phải hợp tác với nhau trong vấn đề biến đổi khí hậu và phát triển vắc xin chống lại Covid-19. Nhưng rõ ràng các cường quốc không thể làm việc cùng nhau vì họ đang cạnh tranh về việc ai sẽ phát triển và sử dụng vắc xin. Thực tế là chúng ta đã có hai hệ thống chính phủ rất khác nhau, dân chủ và…

GREGOR PETER SCHMITZ: Chuyên quyền?

SOROS: Chính xác. Điều đó làm cho mọi thứ khó khăn hơn nhiều. Có rất nhiều người nói rằng chúng ta nên hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc nhưng tôi không ủng hộ việc đó. Chúng ta phải bảo vệ xã hội dân chủ của chúng ta. Đồng thời, chúng ta phải tìm cách hợp tác chống lại biến đổi khí hậu và chủng mới của virus corona. Điều này không hề dễ dàng. Tôi đồng cảm với người dân Trung Quốc bởi vì họ sống dưới sự thống trị của một nhà độc tài, Chủ tịch Tập Cận Bình. Tôi nghĩ rằng nhiều người Trung Quốc có học thức rất phẫn nộ về điều đó và công chúng vẫn rất giận dữ vì ông ta đã giữ bí mật Covid-19 cho đến sau Tết Nguyên đán năm nay.

GREGOR PETER SCHMITZ: Quyền lực của ông Tập có thể bị suy yếu hay không khi người Trung Quốc nhận ra rằng chính phủ đã không xử lý tốt cuộc khủng hoảng vừa qua?

GEORGE SOROS: Tôi nghĩ là có. Khi ông Tập bãi bỏ giới hạn nhiệm kỳ, về bản chất là trở thành là nhà lãnh đạo trọn đời, ông đã phá hủy tương lai chính trị của những người đàn ông tham vọng nhất trong Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đó là sai lầm lớn của ông ấy. Tôi thấy ông ấy là người rất quyền lực, mạnh mẽ nhưng đồng thời cũng dễ bị tổn thương. Cuộc đấu tranh trong giới lãnh đạo Trung Quốc là điều mà tôi đang theo dõi rất sát sao vì tôi tin vào một xã hội mở. Thực tế là có nhiều người ở Trung Quốc cũng rất ủng hộ một xã hội mở.

GREGOR PETER SCHMITZ: Như vậy, Tổng thống Mỹ hiện tại không thực sự đại diện cho các giá trị của một xã hội cởi mở và tự do…

GEORGE SOROS: Đúng thế, đây là một trong những điểm mà tôi hy vọng nó sẽ không tồn tại được lâu. Ông Donald Trump đang muốn mình trở thành một nhà độc tài. Nhưng điều đó là không thể vì phải tuân theo hiến pháp. Và điều này sẽ ngăn ông ta thực hiện một số hành động nhất định. Tuy nhiên, Trump sẽ không từ bỏ bởi vì ông ta thực sự đang chiến đấu cho lợi ích riêng của mình. Trong quá khứ tôi từng hi vọng rằng ông Trump sẽ tự hủy hoại chính mình và thực tế hiện nay đã vượt quá sự mong đợi của tôi.

GREGOR PETER SCHMITZ: Liên minh châu Âu (EU) là nơi ông đang giành khá nhiều sự quan tâm sẽ đóng vai trò gì trong cuộc chơi quyền lực này?

GEORGE SOROS: Tôi đặc biệt quan tâm đến sự tồn tại của EU vì đây là một “liên minh không hoàn chỉnh”. Vì trong quá trình hình thành của EU từ trước đến nay chưa bao giờ tổ chức này đạt được sự đồng thuận giữa các thành viên và điều này đang khiến châu Âu ngày càng dễ bị tổn thương. Thậm chí EU còn dễ bị tổn thương hơn cả Mỹ, không chỉ vì đây là một liên minh không hoàn chỉnh mà còn là bởi sự chậm chạp trong việc thực thi luật pháp trong bối cảnh mà các mối đe dọa như dịch Covid-19 đang diễn biến rất nhanh. Điều đó khiến EU ngày càng gặp nhiều bất ổn.

GREGOR PETER SCHMITZ: Tòa án Hiến pháp Liên bang Đức (BGV) hồi tuần rồi đã đưa ra phán quyết gây sốc về Chương trình mua trái phiếu khu vực công (PSPP) của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Ông nhìn nhận thế nào về hành động này?

GEORGE SOROS: Thật sự mà nói, phán quyết đặt ra một mối đe dọa có thể phá hủy EU như là một thể chế dựa trên luật pháp, chính xác bởi vì nó được đưa ra bởi Tòa án Hiến pháp Liên bang Đức, một trong những tổ chức quyền lực nhất nước Đức. Trước khi đưa ra phán quyết, BGV đã thảo luận với Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) và sau đó quyết định thách thức nó. Từ đó hình thành nên sự xung đột giữa BGV và ECJ. Tòa án nào có quyền ưu tiên?

GREGOR PETER SCHMITZ: Về mặt kỹ thuật, các Hiệp ước Liên minh Châu Âu mang lại ưu thế rất lớn cho ECJ trong lĩnh vực này. Điều đó rất rõ ràng.

GEORGE SOROS: Phải. Khi nước Đức gia nhập EU, họ cam kết tuân thủ luật pháp châu Âu. Nhưng quyết định này đặt ra một vấn đề thậm chí còn lớn hơn: nếu tòa án Đức có thể đặt câu hỏi về các quyết định của ECJ, các nước khác có thể làm theo điều đó hay không? Hungary và Ba Lan có thể quyết định liệu họ có tuân theo luật pháp châu Âu hay tòa án của chính họ hay không?

Ba Lan đã ngay lập tức chớp lấy cơ hội và khẳng định uy quyền của các tòa án do chính phủ kiểm soát đối với luật pháp châu Âu. Tại Hungary, Viktor Orbán đã sử dụng tình huống khẩn cấp Covid-19 và bắt quốc hội bổ nhiệm chính mình như là một nhà độc tài. Quốc hội vẫn được giữ lại để ban hành các nghị định của ông ta. Rõ ràng điều này vi phạm luật pháp của châu Âu. Nếu phán quyết của BGV ngăn cản EU chống lại những hành động này thì đó sẽ là sự kết thúc của EU.

GREGOR PETER SCHMITZ: ECB có cần thay đổi chính sách của mình sau phán quyết này không?

GEORGE SOROS: Không nhất thiết. Phán quyết này chỉ yêu cầu ECB giải thích cho các chính sách tiền tệ hiện tại của mình. Điều đó sẽ tốn rất nhiều công sức của ECB khi đây là tổ chức duy nhất ở châu Âu có thể cung cấp các nguồn tài chính cần thiết để chống lại đại dịch. Do đó, chúng ta cần tập trung chú ý vào việc giúp châu Âu thành lập Quỹ phục hồi (Recovery Fund).

GREGOR PETER SCHMITZ: Ông có đề xuất nào về việc này không?

GEORGE SOROS: Tôi đã đề xuất rằng EU nên phát hành trái phiếu vĩnh viễn, mặc dù bây giờ tôi nghĩ rằng chúng nên được gọi là “trái phiếu Consol”. Trái phiếu loại này đã được nước Anh sử dụng thành công dưới tên đó từ năm 1751 và Hoa Kỳ trong suốt thập niên 1870. Hiện nay, nhiều người đã nhầm lẫn trái phiếu vĩnh viễn là trái phiếu được ban hành để các quốc gia thành viên cùng vượt qua khó khăn trong dịch Covid-19 (Coronabonds). Điều này đã bị Hội đồng châu Âu từ chối với lý do là sự tương tác của các khoản nợ tích lũy sẽ khiến các quốc gia thành viên không sẵn sàng chấp nhận.

Tôi tin rằng đề xuất của tôi về trái phiếu Consol có thể giải quyết tình trạng khó khăn hiện tại. BGV cho rằng các hành động của ECB đều là những hành động hợp pháp vì họ tuân thủ yêu cầu rằng việc mua trái phiếu của nó tỷ lệ thuận với mức độ sở hữu vốn góp của các quốc gia thành viên trong ECB (tạm gọi là ECB “capital key”). Tuy nhiên, bất kỳ giao dịch mua nào của ECB không tỷ lệ thuận với ECB “capital key”, đều có thể bị tòa án thách thức và coi là hành động không đúng với thẩm quyền.

Loại trái phiếu mà tôi đã đề xuất sẽ giải quyết vấn đề này bởi vì chúng sẽ được EU phát hành chung và nó sẽ được tự động cân đối và tồn tại mãi mãi. Các quốc gia thành viên chỉ phải trả lãi hàng năm ở mức 0.5%, đây là mức đã được các quốc gia thành viên nhất trí là có thể dễ dàng đăng kí trái phiếu.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói rằng châu Âu cần khoảng 1.1 nghìn tỷ euro để chống lại đại dịch này và thêm khoảng 1 nghìn tỷ euro nữa cho biến đổi khí hậu. Trái phiếu Consol có thể cung cấp số tiền đó cho các quốc gia thành viên EU.

Thật không may, người Đức và Liên bang “Hanseatic League” do người Hà Lan đứng đầu đang phản đối quyết liệt. Tuy nhiên, họ nên suy nghĩ lại vì EU hiện đang xem xét tăng gấp đôi ngân sách của mình, vốn sẽ chỉ cung cấp khoảng 100 tỷ euro và chỉ mang lại một phần mười lợi ích mà trái phiếu Consol có thể mang lại. Những lãnh đạo quốc gia muốn giữ phần đóng góp ngân sách EU của nước họ ở mức tối thiểu phải ủng hộ Consol. Họ sẽ phải ủy quyền cho một số loại thuế nhất định như thuế giao dịch tài chính và sẽ phải cung cấp cho EU nguồn lực riêng, đảm bảo xếp hạng AAA. Tuy nhiên, thuế sẽ không phải áp đặt vì điều này sẽ được trái phiếu Consol đảm nhận. Cả hai bên này và phần còn lại của châu Âu sẽ có lợi thế hơn rất nhiều. Các khoản thanh toán hàng năm trị giá 5 tỷ euro có giá trị hiện tại sẽ liên tục giảm và sẽ mang lại cho EU hơn 1 nghìn tỷ euro mà châu lục này đang cần gấp. Đây là một tỷ lệ chi phí/lợi ích đáng kinh ngạc.

GREGOR PETER SCHMITZ: Khi EU nới lỏng các quy tắc viện trợ nhà nước, Đức là quốc gia chiếm hơn một nửa số viện trợ từ EU. Từ đó, các chuyên gia cho rằng điều này sẽ làm suy yếu các nguyên tắc trong một thị trường nội khối và mang lại cho nước Đức một lợi thế cạnh tranh độc quyền. Ông nghĩ sao về điều này?

GEORGE SOROS: Tôi đồng ý với quan điểm của họ. Điều này thật sự không công bằng, đặc biệt là đối với Italy, quốc gia vốn trước đây được ví như là “người đàn ông ốm yếu của châu Âu” và nay lại là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19. Nhà lãnh đạo đảng Liên đoàn Phương Bắc (Lega) Matteo Salvini đang vận động cho việc Ý từ bỏ đồng tiền chung Euro và rời khỏi Liên minh châu Âu. Tuy nhiên may mắn thay, sự tín nhiệm của Matteo Salvini đã bị suy giảm đáng kể kể từ khi ông ta rời khỏi chính phủ. Dù vậy, ông ta vẫn đang tích cực kêu gọi mọi người ủng hộ cho lập trường này.

Đây tiếp tục là một mối đe dọa lớn. EU sẽ ra sao khi không còn Italy, một trong những quốc gia có mối quan hệ thân thiết nhất với EU? Thậm chí người dân Italy còn tin tưởng EU hơn cả chính phủ của họ. Nhưng họ đã bị đối xử tồi tệ trong cuộc khủng hoảng di cư năm 2015. Điều này sẽ khiến người dân Italy dần nghiêng sang ủng hộ Salvini của đảng Liên đoàn Phương Bắc và Phong trào Năm Sao của phe chủ nghĩa dân túy.

GREGOR PETER SCHMITZ: Ông có vẻ đang khá bi quan?

GEORGE SOROS: Thậm chí, tôi cho rằng EU đang phải đối mặt với một số vấn đề liên quan đến khả năng tồn tại. Đó không phải là điều phóng đại mà thực tế nó đang có biểu hiện như vậy. Phán quyết của BGV gần đây mới chỉ là một phần thách thức. Việc phát hành trái phiếu vĩnh viễn, điều mà trước đây chưa từng có tiền lệ, là cách dễ dàng và lý tưởng tại thời điểm này.

Giới thiệu về tác giả George Soros và Gregor Peter Schmitz

George Soros hiện là chủ tịch của Soros Fund Management và The Open Society Foundations. Ông là người tiên phong trong việc tạo ra các quỹ đầu cơ và là một huyền thoại trong giới tài chính.

Soros cũng là tác giả của nhiều cuốn sách, bao gồm: The Alchemy of Finance, The New Paradigm for Financial Markets: The Credit Crisis of 2008 and What it Means, The Tragedy of the European Union: Disintegration or Revival?. Cuốn sách gần đây nhất được xuất bản là In Defense of Open Society.

Nguồn: The Straits Times

Gregor Peter Schmitz là Tổng biên tập của tờ báo Augsburger Allgemeine. Ông cũng là đồng tác giả (với George Soros) của cuốn sách The Tragedy of the European Union: Disintegration or Revival?

Nguồn: Augsburger Allgemeine

Phòng Tư vấn Vietstock (Theo Project Syndicate)

FILI







MÃ CHỨNG KHOÁN LIÊN QUAN (1)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Sức mạnh của đồng USD - kịch bản nằm ngoài dự báo cho năm 2024

Chỉ số đồng USD của Bloomberg đã tăng hơn 4% trong năm nay, cho thấy "đồng bạc xanh" đã tăng giá so với tất cả các đồng tiền của các nước phát triển và thị trường...

Các nền kinh tế lớn nhất ở châu Á trước áp lực đồng USD mạnh

Các nhà hoạch định chính sách ở Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đều đang nhắc tới việc ổn định đồng nội tệ khi các đồng tiền này chịu sức ép lớn do chênh lệch giữa...

Thủ tướng phát lệnh khởi công đoạn cuối cùng trên tuyến cao tốc Bắc Nam phía đông

Sáng 21/04, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát lệnh khởi công dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng với tổng nguồn vốn hơn 11,000 tỷ đồng, là đoạn...

Biến đổi khí hậu sẽ khiến thế giới tổn thất 38.000 tỷ USD mỗi năm vào năm 2050

Nghiên cứu của PIK ước tính đến năm 2050, biến đổi khí hậu sẽ lấy đi 17% GDP của thế giới, hầu hết các nền kinh tế đều chịu tổn hại do biến đổi khí hậu và tất cả...

Hội nghị mùa Xuân 2024: Nỗ lực giữ vững sự phục hồi và phát triển ổn định

Trọng tâm của Hội nghị mùa Xuân năm nay là tập trung thảo luận các vấn đề đang được toàn cầu quan tâm, bao gồm triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới, hợp tác quốc...

Thị trường bất động sản của Mỹ gặp khó khăn do lãi suất và giá nhà cao

Doanh số bán nhà đã qua sở hữu, chiếm phần lớn doanh số bán nhà của Mỹ, đã giảm 4,3% trong tháng 3/2024, xuống mức 4,19 triệu căn.

Phố Wall lo Fed không giảm lãi suất trong năm 2024

Phố Wall đang nghĩ đến kịch bản Fed không giảm lãi suất trong năm 2024.

Cục Dự trữ Liên bang: Kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng nhẹ ở mức đồng đều

Theo mô hình GDPNow của Fed chi nhánh tại Atlanta, kinh tế Mỹ được dự báo sẽ tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng hằng năm ở mức 2,9% trong quý 1 năm 2024, sau khi tăng...

IMF: Thâm hụt tài khóa của Mỹ có thể gây rủi ro cho kinh tế toàn cầu

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), gánh nặng nợ của chính phủ Mỹ tạo ra nguy cơ ngắn hạn cho quá trình giảm lạm phát cũng như sự ổn định về tài chính về dài hạn cho...

IMF: Đà tăng của giá dầu có thể làm chệch hướng kinh tế thế giới

IMF kỳ vọng kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,2% trong năm nay và năm tới, tuy nhiên tình trạng gián đoạn trên thị trường dầu mỏ có thể là một trong những nhân tố...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98