Giao thông Sài Gòn thiếu kinh phí

20/06/2020 10:30
20-06-2020 10:30:54+07:00

Giao thông Sài Gòn thiếu kinh phí

Thiếu vốn, chính sách đầu tư dự án vốn ngoài ngân sách thay đổi, chậm giải phóng mặt bằng... là nguyên nhân giao thông TP HCM ngày càng "bức bối".

* Bổ sung vốn kịp thời, đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM Trần Quang Lâm trả lời chúng tôi về những khó khăn thu hút vốn đầu tư các dự án giao thông cấp thiết, tốc độ phát triển hạ tầng giao thông chậm hơn quy hoạch.

- TP HCM đóng góp gần 30% ngân sách quốc gia, là đầu tàu kinh tế và dân số đông nhất nước. Hiện mỗi năm thành phố chi bao nhiêu ngân sách cho việc này, thưa ông?

- Dù ngân sách còn hạn chế nhưng thời gian qua thành phố ưu tiên bố trí vốn hoàn thành nhiều dự án giao thông trọng điểm. Điều này góp phần phát triển hạ tầng giao thông, kéo giảm tình trạng ùn tắc tại một số nơi của thành phố như: khu vực xung quanh sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái...

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch - Đầu tư, giai đoạn 2015-2020, vốn dành cho lĩnh vực đầu tư giao thông của thành phố khoảng 59.000 tỷ, chiếm 39% so với tổng đầu tư của thành phố trong giai đoạn này.

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM Trần Quang Lâm báo cáo HĐND TP HCM về tiến độ và hiệu quả các dự án giao thông, ngày 17/6. Ảnh: Hữu Công.

- So với tỉnh thành khác số tiền này như thế nào và đáp ứng được bao nhiêu phần trăm với nhu cầu thực tế?

- Đầu nhiệm kỳ này thành phố đưa ra 172 dự án giao thông với tổng vốn đầu tư 373.000 tỷ đồng. Như vậy, số vốn 59.000 tỷ đồng chỉ chiếm khoảng 17% so với kế hoạch thực hiện.

Tôi không có số liệu về vốn đầu tư giao thông ở các địa phương khác. Nhưng một số nơi như Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng hiện hệ thống vành đai, đường cao tốc cơ bản hoàn thiện. Trong khi Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam còn chưa có vành đai 3, vành đai 4; cao tốc mới có 2 tuyến đưa vào khai thác, 3 tuyến còn lại chưa làm được.

- Tại sao nguồn vốn dành cho giao thông thành phố lại thấp hơn nhiều so với kế hoạch?

- Từ năm 2017 (năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách 2017-2020), tỷ lệ phân chia nguồn thu cho ngân sách TP HCM từ 23% giảm còn 18%. Với 5% của 400.000 tỷ đồng tức là thành phố bị giảm 20.000 tỷ - con số rất lớn. Trong khi vốn chi đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và kinh phí đảm bảo các chính sách, chế độ ngày càng tăng.

Ngoài ra, ngân sách Trung ương chi cho phát triển hạ tầng giao thông ở thành phố còn chậm so với kế hoạch. Đặc biệt đối với tuyến đường Vành đai 3 mới làm được một phần trên địa bàn quận 9 và tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành (dự kiến hoàn thành năm 2022).

Do chính sách thay đổi nên việc huy động nguồn vốn ngoài ngân sách đầu tư cho giao thông cũng gặp khó khăn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 437, quy định việc đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) chỉ áp dụng với các tuyến đường mới, không đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường độc đạo. Vì vậy các dự án giao thông ở thành phố dự kiến đầu tư theo hình thức BOT phải chuyển sang hình thức đầu tư khác.

Ngoài khó khăn về vốn thì việc vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư khiến nhiều dự án giao thông triển khai chậm.

- Những dự án quan trọng nào TP HCM chưa thể thực hiện do thiếu vốn?

- Đường Vành đai 2 dài 64 km thành phố đặt mục tiêu từ đầu nhiệm kỳ là phải khép kín nhưng do không đủ nguồn lực nên mới làm được một đoạn (đoạn 3). Còn đoạn 1 và 2 đang trình HĐND thành phố chủ trương đầu tư, dự kiến sau năm 2020 mới triển khai.

Ngoài ra, các dự án như mở rộng quốc lộ 13, đường Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh) ban đầu tính kết hợp ngân sách và BOT nhưng chưa thực hiện được. Các dự án thuộc tuyến quốc lộ 1, 22, 50... vướng một số quy định về huy động vốn ngoài ngân sách nên đang chậm trễ.

Dự án nút giao thông Mỹ Thủy (quận 2) sẽ được ưu tiên nguồn vốn để giải tỏa ùn tắc ở cảng Cát Lái và kết nối giao thông khu vực phía Đông thành phố. Ảnh: Quỳnh Trần.

- Thực trạng giao thông TP HCM hiện nay thế nào?

- Chiều dài đường bộ ở thành phố khoảng 4.555 km, trong đó hơn 2.000 km (gần 44%) có lòng đường trên 7 m. Tỷ lệ đất dành cho giao thông so với đất xây dựng đô thị gần 10% - thấp hơn nhiều so với Quy chuẩn xây dựng đô thị gần 24%. Mật độ đường giao thông đạt 2,17 km/km2 - thua xa Quy chuẩn mật độ đường đô thị là 10-13,3 km/km2. Tăng trưởng bình quân mật độ đường giao thông giai đoạn 2005-2019 thấp, chỉ đạt 3%/năm (từ 1,45 km/km2 năm 2005 lên 2,17 km/km2 năm 2019, bình quân mỗi năm tăng 0,048 km/km2).

So sánh các chỉ tiêu giao thông của TP HCM như: mật độ đường (chiều dài đường/ diện tích đất tự nhiên), tỷ lệ diện tích đất giao thông/diện tích đất xây dựng đô thị đều thấp hơn so với các thành phố tương đồng, đang phát triển như Bangkok, Đài Bắc, Singapore...

Sự liên kết giao thông giữa thành phố với các tỉnh lân cận chưa chặt chẽ. Mạng lưới đường còn thiếu, hạn chế năng lực lưu thông, đường Vành đai 2 chưa khép kín. Các tuyến quốc lộ 1, 13, 22, 50 chưa được đầu tư mở rộng theo quy hoạch; đường Vành đai 3, 4, đường cao tốc hướng tâm (TP HCM - Mộc Bài, TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, Biên Hòa) chưa được đầu tư nên rất nhiều ô tô vẫn phải quá cảnh, chạy vào trung tâm thành phố gây quá tải, ùn tắc...

- Thành phố có giải pháp nào để thu hút nguồn vốn phát triển giao thông?

-Thành phố đang rà soát để tập trung nguồn lực giai đoạn 2021-2025 cho một số công trình quan trọng, hiệu quả. Sắp tới một số dự án dù đã thông qua chủ trương đầu tư phải tạm dừng để ưu tiên dự án quan trọng như Vành đai 2, các tuyến quốc lộ và một số dự án kết nối cảng, sân bay. Tập trung đầu tư các công trình cần thiết với người dân nhưng đang đình trệ kéo dài.

UBND Thành phố chỉ đạo các sở ngành rà soát lại các quỹ đất công, xây dựng các đề án tạo thêm nguồn thu. Riêng Sở Giao thông Vận tải được giao nhiệm vụ xây dựng Đề án thu phí hạ tầng kết nối cảng biển. Vừa qua, Sở Giao thông Vận tải cử người tới Hải Phòng, Quảng Ninh học kinh nghiệm thực hiện vấn đề này.

Để phát triển đồng bộ hệ thống giao thông TP HCM, thành phố cũng cần sự hỗ trợ của Trung ương thông qua một số nội dung như: Đề án tăng tỷ lệ điều tiết cho TP HCM giai đoạn 2021-2030; sớm ban hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) làm cơ sở huy động nguồn lực; hỗ trợ nguồn lực đầu tư tuyến Vành đai 3, Vành đai 4 và các tuyến cao tốc kết nối từ TP HCM đi các tỉnh.

- Trong 5-10 năm tới, thành phố sẽ ưu tiên đầu tư những dự án nào?

- Qua mô phỏng tình hình giao thông, với tốc độ tăng dân số khoảng 200.000 người mỗi năm và phương tiện tăng gần 10%, đặc biệt là ôtô như hiện nay (đến năm 2025 thành phố sẽ có 890 ôtô/1.000 người), áp lực lên hạ tầng giao thông thành phố ngày càng lớn.

Trong đó, một số khu vực quá tải nghiêm trọng cần nhanh chóng đầu tư, nếu không sẽ ách tắc ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và đời sống người dân: quanh sân bay Tân Sơn Nhất khi nhà ga T3 nâng công suất sân bay này lên 20 triệu hành khách mỗi năm; đường và cầu kết nối giữa trung tâm thành phố và khu Nam; kết nối giao thông thành phố với hệ thống cảng biển Cát Lái, Hiệp Phước...

Hữu Công

Vnexpress





MÃ CHỨNG KHOÁN LIÊN QUAN (2)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Điều chỉnh quy hoạch TPHCM: Phát triển chung cư cao tầng chiếm tỷ trọng lớn

Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060 xác định phát triển nhà ở chung cư chiếm tỷ trọng lớn trong các loại hình xây dựng nhà ở mới;...

KCN Tây Bắc Hồ Xá của Quang Anh Quảng Trị nâng vốn lên hơn ngàn tỷ, gia hạn tiến độ

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Trị có quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công...

Đầu tư cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc hơn 18 ngàn tỷ theo hình thức PPP

Lâm Đồng phê duyệt cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc theo hình thức PPP, tổng mức đầu tư hơn 18 ngàn tỷ đồng, với kỳ vọng giải tỏa áp lực giao thông Quốc lộ 20 và tạo đà...

Chân dung doanh nghiệp đề xuất đầu tư mở rộng 300km cao tốc Bắc Nam hơn 45 ngàn tỷ

Vidifi mới đây gửi đề xuất lên Chính phủ về việc đầu tư mở rộng 300km cao tốc Bắc Nam phía Bắc theo phương thức đối tác công - tư (PPP). Vidifi - chủ đầu tư tuyến...

Bà Rịa - Vũng Tàu sắp có đô thị mới rộng 2,900ha?

Chiều 03/06, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ chủ trì cuộc họp nghe báo cáo quy hoạch chung tỷ lệ 1/5000 Đô thị mới Phước Hải, huyện Long Đất...

Thứ trưởng Bộ Xây dựng giải đáp về phương án bỏ giấy phép xây dựng nhà ở

Đại diện từ Bộ Xây dựng nói rằng quan điểm Bộ là tạo điều kiện tối đa cho người dân và doanh nghiệp.

Thái Nguyên tìm nhà đầu tư cho khu công nghệ thông tin tập trung 3.5 ngàn tỷ

Dự án khu công nghệ thông tin tập trung Yên Bình có diện tích gần 198ha, tổng mức đầu tư 3,500 tỷ đồng, được quy hoạch tại phường Tiên Phong, TP. Phổ Yên và xã Nga...

Bộ Xây dựng yêu cầu cắt giảm ngay thủ tục cấp giấy phép xây dựng

Bộ Xây dựng yêu cầu cắt giảm thủ tục cấp giấy phép xây dựng đối với các công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng đã có quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 hoặc các công...

Mở rộng sân bay Phú Quốc: Chính phủ giao tỉnh Kiên Giang lựa chọn nhà đầu tư

Chính phủ giao UBND tỉnh Kiên Giang lựa chọn nhà đầu tư trong nước và tổ chức thực hiện Dự án đầu tư mở rộng Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc bảo đảm phù hợp với...

Bình Định duyệt chi hơn 3.2 ngàn tỷ làm đường băng số 2 sân bay Phù Cát

UBND tỉnh Bình Định có quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Dự án đầu tư xây dựng đường cất hạ cánh số 2 và các công trình đồng bộ tại khu bay Cảng hàng không...

Cổ phiếu bất động sản

Cổ phiếu xây dựng


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98