5 lý do Mỹ vẫn chìm trong khủng hoảng xét nghiệm nCoV

10/07/2020 06:44
10-07-2020 06:44:43+07:00

5 lý do Mỹ vẫn chìm trong khủng hoảng xét nghiệm nCoV

Thiếu nguồn cung vật tư, tái mở cửa vội vàng và không có chiến lược toàn quốc khiến nước Mỹ vẫn chật vật trong nỗ lực xét nghiệm nCoV.

6 tháng kể từ khi Covid-19 bùng phát, Mỹ vẫn bị đánh giá chưa xử lý được vấn đề xét nghiệm nCoV. Nước này tuần trước tiến hành hơn 4 triệu lượt xét nghiệm, con số cao chưa từng thấy, nhưng diễn biến ngày càng trầm trọng của đại dịch khiến thành tích này không còn nhiều ý nghĩa.

Rào cản đầu tiên khiến Mỹ chưa thực hiện đủ xét nghiệm để tái mở cửa một cách an toàn là vấn đề về chuỗi cung ứng. Các phòng thí nghiệm thương mại trên cả nước vẫn gặp khó khăn trong việc được cung cấp đủ số lượng thuốc thử, loại hóa chất mà họ sử dụng để chuẩn bị cho xét nghiệm.

Theo Julie Khani, chủ tịch Hiệp hội Phòng thí nghiệm Lâm sàng Mỹ, họ còn thiếu ống hút thí nghiệm, dụng cụ mà các phòng thí nghiệm sử dụng để chuyển mẫu vào máy xét nghiệm. "Có những phòng thí nghiệm sẽ phải ngừng thu thập mẫu, hoặc chỉ tiến hành lấy mẫu với những người có nguy cơ cao. Thử thách thực sự khó khăn. Chúng tôi đang làm mọi thứ có thể để tránh nguy cơ này", Khani nói.

Cuối tháng trước, 22% phòng thí nghiệm y tế cộng đồng tại Mỹ cho biết họ chỉ còn đủ lượng thuốc thử và những thành phần xét nghiệm quan trọng khác cho một tuần hoặc ít hơn.

Một nhân viên y tế nghỉ ngơi tại một trạm lấy mẫu xét nghiệm nCoV ở thành phố Houston, bang Texas, Mỹ, hôm 7/7. Ảnh: Reuters.

Giới chuyên gia cảnh báo sự gián đoạn trong bất cứ khâu nào của chuỗi cung ứng cũng có thể nhanh chóng dẫn tới tình trạng quá tải. Một số bang cho biết nỗ lực phân phối vật tư xét nghiệm của chính phủ đôi khi khiến khối lượng công việc còn nặng nề hơn.

Trong thư gửi Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ gần đây, John Wiesman, giám đốc Sở Y tế bang Washington, cho biết chính phủ liên bang nhiều lần gửi tới địa phương này những lô vật tư đóng gói kém, không nhãn mác, không tương thích với thiết bị của họ hoặc không sử dụng được.

Wiesman lấy ví dụ về trường hợp chính phủ gửi 250.000 que tăm bông xét nghiệm được đóng thành gói lớn, khiến bang Washington phải khử trùng và đóng gói lại.

Ông vẫn gửi lời cảm ơn chính phủ vì nỗ lực hỗ trợ, cho biết tình hình đã tốt hơn nhiều so với sự thiếu hụt nghiêm trọng hồi đầu năm. Tuy nhiên, Wiesman lưu ý rằng những vấn đề cung ứng hiện nay "có nguy cơ gây hạn chế khả năng xét nghiệm tổng thể tại thời điểm quan trọng của đại dịch".

Khó khăn với các phòng thí nghiệm thêm chồng chất, khi quá trình tái mở cửa khiến số lượng mẫu xét nghiệm tăng lên nhanh chóng. Tuy nhiên, số lượng ca nhiễm mới tăng vọt trên cả nước chỉ là một phần. Nhu cầu gia tăng còn là kết quả của chính sách thúc đẩy xét nghiệm bên trong các nhà tù và viện dưỡng lão. Một số doanh nghiệp cũng tiến hành xét nghiệm hàng loạt nhân viên.

Nếu việc đi lại ở các bang được khôi phục như cũ, nhu cầu xét nghiệm có thể sẽ tiếp tục tăng lên. "Chúng tôi có thể hoàn thành 5.000 – 7.000 xét nghiệm mỗi ngày, đủ để kiểm soát dịch bệnh. Tuy nhiên, việc tái mở cửa sẽ đặt ra thử thách thực sự với chúng tôi, ngay khi lượng du khách trở lại gần với mức bình thường", Thống đốc Hawaii David Ige cho hay.

Giới chức liên bang Mỹ gần đây cho biết họ đang tìm hiểu chiến lược gộp mẫu, giúp mở rộng năng lực xét nghiệm với cùng số lượng vật tư. Phương pháp này trộn mẫu từ nhiều người rồi xét nghiệm. Nếu kết quả là dương tính, từng người sẽ được xét nghiệm riêng. Trung Quốc và một số nước khác đã sử dụng chiến lược này để sàng lọc số lượng lớn người dân.

Tuy nhiên, theo Scott Becker, giám đốc điều hành Hiệp hội Phòng thí nghiệm Y tế Cộng đồng Mỹ, không phải nơi nào cũng phù hợp với chiến lược gộp mẫu. Ông đánh giá cách tiếp cận này chỉ phát huy hiệu quả tốt nhất ở những khu vực có tỷ lệ nhiễm nCoV thấp, số lượng mẫu trong một nhóm được giới hạn, đồng thời giới chức có các phòng thí nghiệm chất lượng cao.

Để cắt đứt chuỗi lây nhiễm, chỉ thúc đẩy xét nghiệm là không đủ. Mục tiêu này còn đòi hỏi cần truy vết tiếp xúc các ca nhiễm, nhằm xét nghiệm và cách ly, tránh để virus lây lan rộng hơn.

Tuy nhiên, ngay cả khi Mỹ tăng quy mô xét nghiệm lên mức kỷ lục, họ vẫn bị tụt lại trong công tác truy vết tiếp xúc. Chính phủ liên bang hầu như đã giao nhiệm vụ này lại cho cấp địa phương, trong khi họ không đủ cả nhân lực lẫn ngân sách, dẫn tới không thể đáp ứng đủ khối lượng công việc.

Ngay từ nhiều tháng trước, các chuyên gia và giới chức đã cảnh báo Mỹ cần tối thiểu 100.000 người truy vết để tái mở cửa an toàn. Tuy nhiên, các bang đang thực hiện nhiệm vụ với chỉ 1/3 số nhân lực cần thiết. Sự thiếu hụt này nằm trong số những nguyên nhân số ca nhiễm nCoV tăng vọt gần đây.

Hôm 2/7, giám đốc Sở Y tế bang Alaska Anne Zink cho biết số lượng nhân viên ít ỏi của bà bắt đầu bị quá tải. "Trong phần lớn thời gian của đại dịch, 96% ca nhiễm của chúng tôi được liên lạc trong vòng hai giờ sau khi có kết quả dương tính. Tuy nhiên, tốc độ đó nhanh chóng bị giảm sút", Zink cho biết trong cuộc họp do thượng nghị sĩ Bill Cassidy tổ chức.

"Số ca nhiễm tại Alaska đang tăng lên, trong khi đội ngũ nhân viên y tế bị kiệt quệ, còn người dân tụ tập ngày càng đông. Trước đây chỉ có 4-5 trường hợp tiếp xúc, nhưng con số đó giờ đây lên đến 50 hoặc 100. Do đó, khả năng truy vết ngày càng vô cùng khó khăn", bà nói.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm nCoV cho người dân tại thành phố Austin, bang Texas, hôm 28/6. Ảnh: Reuters.

Vấn đề tiếp theo mà Mỹ đang đối mặt là sự chênh lệch tỷ lệ xét nghiệm giữa các khu vực trên cả nước. Hơn 20 triệu người tại Mỹ đang sống tại những khu vực không có điểm xét nghiệm nCoV, thường là những địa phương người da màu chiếm đa số, Quỹ Surgo, một tổ chức phi lợi nhuận trong lĩnh vực y tế, cho biết.

Covid-19 được cho là phơi bày sự chênh lệch sâu sắc về chủng tộc trong khả năng tiếp cận với xét nghiệm nCoV, cũng như lĩnh vực y tế nói chung tại Mỹ. Quốc hội đã thúc đẩy chính quyền Trump hành động nhiều hơn để theo dõi và giải quyết tác động của Covid-19 đối với cộng đồng người da màu.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã thiết lập quan hệ với Đại học Morehouse ở Atlanta, một tổ chức vì người da đen, nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng quốc gia giúp theo dõi ảnh hưởng của Covid-19 tới các nhóm chủng tộc thiểu số, đồng thời phục vụ họ tốt hơn.

Chính phủ cũng đã bắt tay vào việc thành lập các điểm xét nghiệm tại những cơ sở y tế đủ điều kiện, nhằm phục vụ "những cộng đồng dễ bị tổn thương trong xã hội". Tuy nhiên, nhiều nghị sĩ và các nhóm vận động đánh giá nỗ lực của chính phủ vừa muộn màng, vừa không đầy đủ.

Hồi đầu tháng, giám đốc CDC Robert Redfield buộc phải nhận lỗi trước quốc hội, do không cung cấp đầy đủ thông tin về sự chênh lệch giữa các chủng tộc trong đại dịch như luật pháp yêu cầu. Theo báo cáo chính quyền công bố tuần trước, số người gốc Phi nhiễm nCoV cao gần gấp ba lần so với người da trắng, số lượng phải nhập viện cũng gấp 4 lần. Người gốc Tây Ban Nha và châu Á cũng có nguy cơ nhiễm virus và nhập viện cao hơn người da trắng.

Việc Mỹ vẫn chìm trong khủng hoảng xét nghiệm còn bởi nhiệm vụ này bị phân về các địa phương. Chính quyền Trump vẫn quay lưng với phương án phát triển một chiến lược xét nghiệm thống nhất trên toàn quốc, dù họ đã giúp phân bổ nguồn cung ứng và kết nối hệ thống bệnh viện với các phòng thí nghiệm.

Phe Dân chủ và các chuyên gia y tế cho rằng Mỹ cần xây dựng kế hoạch toàn quốc, bao gồm nỗ lực liên bang mạnh mẽ hơn trong việc đảm bảo nguồn vật tư chủ chốt. "Chính quyền Trump thực sự chỉ muốn bỏ qua Covid-19, ngay cả khi số ca nhiễm đang tăng vọt trên toàn quốc. Cuộc khủng hoảng này đòi hỏi một kế hoạch xét nghiệm toàn quốc. Thật vô cùng đáng thất vọng khi chính phủ tiếp tục đẩy trách nhiệm cho các bang", nghị sĩ Frank Pallone cho hay.

Trước thềm kỳ nghỉ lễ quốc khánh 4/7, giới chức và chuyên gia y tế đã khẩn cầu người Mỹ cố gắng kiềm chế sự lây lan của nCoV, bằng cách thực hiện cách biệt cộng đồng và đeo khẩu trang nơi công cộng.

Một số bang, bao gồm Texas, Florida và California, đã hoãn tái mở cửa và ra lệnh đóng cửa các quán bar do số ca nhiễm nCoV tăng đột biến. Thống đốc Texas Greg Abbott hôm 2/7 ban sắc lệnh hành pháp bắt buộc người dân đeo khẩu trang tại hầu hết nơi công cộng.

Bất chấp các nỗ lực trên, Mỹ hôm 8/7 đánh dấu ngày thứ hai liên tiếp số ca nhiễm nCoV mới vượt 60.000, trong khi California và Texas ghi nhận số người chết vì Covid-19 trong một ngày cao kỷ lục. Mỹ vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới với gần 3,2 triệu ca nhiễm và gần 135.000 người chết.

Ánh Ngọc

Vnexpress







MÃ CHỨNG KHOÁN LIÊN QUAN (1)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Quan chức Mỹ cảnh báo nguy cơ Trung Quốc “xả” hàng giá rẻ ra nền kinh tế toàn cầu

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen mới đây bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc có thể bán sản phẩm dư thừa với giá rẻ, gây khó khăn cho Mỹ và các nước khác trong...

Huyền thoại đầu tư Ray Dalio: Trung Quốc có thể đối mặt với thập kỷ mất mát

Huyền thoại đầu tư Ray Dalio đã cảnh báo rằng Trung Quốc có nguy cơ rơi vào một thập kỷ mất mát nếu không giảm nợ và nới lỏng chính sách tiền tệ.

Thống đốc Fed: Số liệu lạm phát đáng thất vọng, Fed có thể hoãn hoặc giảm số lần hạ lãi suất

Thống đốc Fed Christopher Waller cho biết NHTW không vội hạ lãi suất sau khi các dữ liệu lạm phát công bố gần đây đều cao hơn dự báo. Ông cho rằng Fed sẽ hoãn hạ...

Lợi nhuận công nghiệp tăng, báo hiệu kinh tế Trung Quốc dần ổn định

Lợi nhuận của các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp ở Trung Quốc tăng trưởng trở lại trong 2 tháng đầu năm sau khi giảm liên tục trong suốt năm ngoái. Theo...

Cầu lớn bị sập, cảng biển hàng đầu của nước Mỹ phải đóng cửa

Vụ sập cầu Francis Scott Key ở Baltimore vào ngày 26/03 đã tạo ra một cơn chấn động và gây ra sự gián đoạn trong hoạt động của một trong những cảng biển bận rộn...

Vì sao Fed dự báo Mỹ không suy thoái?

Theo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), không hề có tín hiệu nào cho thấy kinh tế Mỹ sẽ suy thoái trong năm nay và cả năm 2025.

Quy mô kinh tế số Đông Nam Á có thể đạt 1.000 tỷ USD

Kinh tế số Đông Nam Á có thể đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2030, thậm chí là gấp đôi con số này, nếu các chính phủ có chính sách tốt, nhất là cải thiện kỹ năng số cho...

Fed: Kinh tế Mỹ không có dấu hiệu suy thoái trong những năm tới

Các nhà hoạch định chính sách của Fed đã công bố một loạt các dự báo mới về nền kinh tế, với nhận định tăng trưởng trong các năm 2024, 2025 và 2026 thậm chí còn...

Tuần bước ngoặt của nhiều ngân hàng trung ương lớn trên thế giới

Nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới vừa ghi nhận bước ngoặt về chính sách trong tuần trước. Trong đó, Thụy Sỹ trở thành nền kinh tế lớn đầu tiên trên thế giới...

Trung Quốc sẽ ban hành quy định mới để thúc đẩy thu hút vốn đầu tư nước ngoài

Thủ tướng Lý Cường khẳngn định Trung Quốc luôn chào đón mọi công ty từ tất cả các quốc gia trên thế giới đến đầu tư và tăng cường khẳng định chỗ đứng tại nước này.


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98