Bloomberg: Châu Phi bắt đầu có cái nhìn khác về vốn vay từ Trung Quốc
Bloomberg: Châu Phi bắt đầu có cái nhìn khác về vốn vay từ Trung Quốc
Sau nhiều năm vay nợ dễ dàng, nhiều quốc gia châu Phi giờ ngập chìm trong núi nợ mà họ không thể chi trả.
Tuyến đường sắt Tazara tại Tanzania. Đây là dự án tài trợ nước ngoài đầu tiên của Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg
|
Ông Dipak Patel có thể vẫn còn nhớ như in khung cảnh hoành tráng đến ngây ngất của chuyến viếng thăm Đại lễ đường Nhân dân tại Bắc Kinh trong năm 2003. Hàng dài những vệ sĩ vẻ mặt trang nghiêm và đồng đều về chiều cao, rồi đến bữa tối hoành tráng bao gồm vây cá mập hầm và súp yến xào. Chưa hết, ban nhạc People’s Liberation Army chơi những bài nhạc của Zambia (quê hương của ông Patel) và thậm chí còn hát bằng tiếng địa phương của quốc gia châu Phi này.
Với vai trò Bộ trưởng Thương mại Zambia tại thời điểm đó, ông Patel cùng đoàn đại biểu đến Bắc Kinh để củng cố mối quan hệ song phương, đồng thời muốn có nguồn tài trợ cho những sáng kiến cơ sở hạ tầng “khủng” tại quê nhà.
Trong lúc hầu hết các đại diện đều hăng hái chấp nhận mọi nguồn tài trợ mà họ có thể có cho các dự án như đập thủy điện và sân vận động quy mô 50,000 ghế, thì ông Patel lại tỏ vẻ thận trọng. “Lúc đó, tôi nghĩ cần phải xây dựng quan hệ đối tác chiến lược và suy nghĩ thật thông suốt trước khi quyết định”, ông nói. “Nhưng tôi chỉ là một tiếng nói nhỏ nhoi trong nội các”.
Chẳng ai để tâm đến lời cảnh báo của ông Patel và thế là Zambia bắt đầu vay nợ từ ngân hàng Trung Quốc để tài trợ cho dự án sân bay, bệnh viện, nhà ở và những con đường. Trong 10 năm qua, nợ nước ngoài của đất nước châu Phi này đã tăng gấp 7 lần, buộc Chính phủ Zambia phải yêu cầu chủ nợ giãn nợ vay trong năm nay. Trong đó, tín dụng Trung Quốc chiếm 1/3 nợ nước ngoài của Zambia.
Ông Patel – giờ là một nhà đầu tư bất động sản – đang chất vấn về tính hợp pháp của hàng tỷ USD đồng vốn Zambia đã vay từ nước ngoài mà không cần phải chờ Quốc hội thông qua. “Chẳng có ai khác ngoài Chính phủ biết về các điều khoản vay nợ”, ông nói. Chính phủ Zambia cho biết họ không cần sự đồng thuận từ Quốc hội.
Cam kết cho vay nợ hàng năm của Trung Quốc cho các nước châu Phi, phân theo lĩnh vực. Ảnh: Bloomberg
|
Ông Patel nằm trong số các nhà hoạt động xã hội (activist) và nhà quyết sách châu Phi lên tiếng chất vấn về những nguồn tín dụng khổng lồ từ Trung Quốc đã châm ngòi cho cuộc khủng hoảng nợ hiện tại - vốn ngày càng trầm trọng thêm vì đại dịch Covid-19.
Các nhà làm luật Nigeria đang xem xét lại các khoản vay từ Trung Quốc mà họ cho là không thuận lợi. Các Activists tại Kenya đang yêu cầu Chính phủ tiết lộ điều khoản của các khoản vay từ Trung Quốc được sử dụng trong dự án xây dựng tuyến đường sắt dài 470 km. Bên cạnh đó, Tổng thống Tanzania John Magufuli đã gọi thỏa thuận mà người tiền nhiệm ký với nhà đầu tư Trung Quốc là thỏa thuận “chỉ có kẻ điên mới dám ký”. Đây là thỏa thuận để xây dựng một cảng biển và khu vực kinh tế 10 tỷ USD.
Việc Trung Quốc cho các nước châu Phi vay nợ đã diễn ra từ thập niên 60. Lúc đó, sự hỗ trợ còn rất hạn chế vì Trung Quốc cũng nghèo như nhiều quốc gia châu Phi. Tuy nhiên, thời thế xoay vần và giờ Trung Quốc đã trở thành siêu cường kinh tế với khao khát tìm kiếm thị trường và nguồn nguyên vật liệu thô mới, đồng thời cũng mong nâng cao vị thế chính trị trên toàn cầu. Trong 2 thập kỷ qua, Bắc Kinh đã cho các nước đang phát triển vay nợ với tốc độ và quy mô chưa từng thấy kể từ khi ra đời Kế hoạch Marshall tại châu Âu sau Thế chiến II.
Tại châu Phi, Bắc Kinh đang háo hức khỏa lấp khoảng trống mà Mỹ và châu Âu để lại sau cuộc Chiến tranh Lạnh. Các Chính phủ nơi đây thèm muốn các khoản vay không gắn chặt với các chính sách thắt lưng buộc bụng của các định chế tài chính phương Tây, và Trung Quốc nhanh chóng làm điều đó.
“Khi người dân phàn nàn về các khoản vay của Trung Quốc, nó không giống như thể các quốc gia châu Phi có nhiều lựa chọn cho lắm”, ông Gyude Moore, hiện là thành viên cấp cao của Trung tâm Phát triển Toàn cầu (CGD) tại Washington, cho hay.
Cây cầu Maputo-Katembe tại Mozambique. Ảnh: Bloomberg
|
Thật khó bỏ lỡ “dấu chân” của Trung Quốc tại châu Phi. Tại Guinea-Bissau nhỏ bé, biển báo lối ra tại một tòa nhà Chính phủ được viết bằng tiếng Trung Quốc. Ở Mozambique, người dân phải trả bằng tiền Trung Quốc để đi qua cây cầu treo dài 2 dặm – cây cầu dài nhất tại lục địa này, kết nối thủ đô với các khu nghỉ dưỡng gần biển và Nam Phi. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới còn đóng góp vào việc xây dựng Viện bảo tàng Văn minh Da đen của Senegal.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng là nhà tài trợ lớn nhất cho các dự án cơ sở hạ tầng tại châu Phi, trong đó Ngân hàng Xuất-Nhập khẩu Trung Quốc (CEIB) và Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB) tài trợ cho 1/5 dự án lớn tại đây, theo thông tin từ Deloitte. Để có được 25% lượng nợ đó, các quốc gia châu Phi phải thế chấp dòng tiền tương lai từ việc xuất khẩu hàng hóa như dầu, ca cao và đồng.
Ngoại trưởng Trung Quốc, Vương Nghị (ở giữa). Ảnh: Bloomberg
|
Mặc dù khoản vay từ các nhà đầu tư tư nhân trên thế giới vẫn chiếm hơn 50% nợ nước ngoài của châu Phi, nhưng Viện Kinh tế Thế giới Kiel (KIWE) của Đức chỉ ra Trung Quốc cho vay còn nhiều hơn cả Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) và Câu lạc bộ Paris (một nhóm quốc gia giàu có) cộng lại.
Ngoài ra, còn nhiều khoản vay không được công khai và do đó, làm dấy lên hoài nghi Trung Quốc thực ra cho vay nhiều hơn ước tính. Viện Kiel cho biết 50% khoản cho vay mà Trung Quốc cung cấp cho các quốc gia đang phát triển (khoảng 200 tỷ USD) không được báo cáo cho IMF và WB tính tới năm 2016.
Các khoản cho vay từ Trung Quốc gợi nhớ sự bùng nổ các khoản vay trong thập niên 70 – yếu tố châm ngòi cho cuộc khủng hoảng nợ ở khắp các quốc gia đang phát triển trong 10 năm sau đó. “Chắn chắn chúng ta sẽ chứng kiến làn sóng vỡ nợ, chỉ là không biết làn sóng lớn hay nhỏ mà thôi”, Christoph Trebesch, một tác giả của nghiên cứu từ viện Kiel, cho biết.
Viện bảo tàng Văn minh Da đen. Ảnh: Bloomberg
|
Các điều khoản không được tiết lộ giúp nhiều khoản vay tránh được sự dò xét của công chúng, nhưng lại làm dấy lên nỗi lo lượng tiền này rồi sẽ vào túi những quan chức tham nhũng hoặc người trung gian. Một doanh nhân Hồng Kông có tên Sam Pa (có ít nhất 7 bí danh) được cho là đã đứng ra “mai mối” cho các thỏa thuận hàng tỷ USD tại châu Phi. Ông đã bị bắt giữ trong năm 2015 như một phần của chiến dịch chống tham nhũng tại Trung Quốc.
Đế chế kinh doanh mù mờ của ông Sam Pa – một phần được tài trợ bởi các ngân hàng Nhà nước Trung Quốc – đến nay vẫn chưa được các công tố viên giải mã xong. “Nếu có quá nhiều bí mật về hoạt động cho vay của Trung Quốc thì nhất định phải có điều gì đó bất hợp pháp”, Khelef Khalifa, một nhà hoạt động xã hội tại Kenya, cho biết. Ông Khelef Khalifa đã yêu cầu Chính phủ Kenya cung cấp thông tin chi tiết về các khoản vay từ Trung Quốc được sử dụng trong dự án đường sắt nối từ Cảng Mombasa tới thủ đô Nairobi.
Đối mặt với sự chỉ trích ngày càng dữ dội và đà giảm tốc của nền kinh tế, Trung Quốc bỗng tỏ ra cẩn trọng hơn. Sáng kiến “Vành đai và Con đường” – nhằm mục đích mở rộng quan hệ thương mại ra khắp thế giới – đã thắt chặt kiểm soát các dự án và hiện đang đo lường khả năng trả nợ của quốc gia trước khi chấp thuận cho vay.
Khoản cam kết cho vay hàng năm đã giảm từ mức đỉnh 30 tỷ USD (năm 2016) xuống còn 8.9 tỷ USD trong năm 2018, Đại học Johns Hopkins cho biết. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hứa với các nước châu Phi sẽ xóa tất cả các khoản vay không lãi suất trong năm nay.
Đường sắt Tazara trong năm 1973. Ảnh: Bloomberg,
|
Tuy nhiên, thậm chí sau khi được xóa nợ, châu Phi nhiều khả năng vẫn mang nợ chồng chất với Trung Quốc trong nhiều thập kỷ, vì họ đang phải đối mặt với cuộc suy thoái tệ nhất từ trước đến nay và có rất ít nguồn để vay nợ.
Zambia vẫn chưa trả hết lượng nợ vay tài trợ cho tuyến đường sắt Tazara – một tuyến đường dài 1,860 km được xây trong thập niên 70 để chở đồng đến cảng Dar es Salaam ở Tanzania và là dự án tài trợ nước ngoài đầu tiên cảu Trung Quốc.Tuyến đường sắt này hiện đang hư hỏng nặng và chỉ hoạt động với công suất rất thấp.
Theo ông Patel – cựu Bộ trưởng Thương mại Zambia, đây nên được xem là một tín hiệu để cẩn trọng khi tuyến đường sắt này chưa bao giờ đạt được mục tiêu và hoàn vốn cho khoản đầu tư. “Bạn có thể nghĩ rằng Chính phủ lẽ ra phải rút kinh nghiệm từ bài học đó”, ông nói. “Nếu vay nợ để tài trợ cho các dự án hầu như không mang lại lợi ích kinh tế, thì nó sẽ trở thành một gánh nặng về nợ nần”.