Dâu tây Trung Quốc 'đội lốt' dâu tây Đà Lạt

27/07/2020 08:19
27-07-2020 08:19:20+07:00

Dâu tây Trung Quốc 'đội lốt' dâu tây Đà Lạt

Chỉ trong hai ngày, cơ quan chức năng bắt giữ hơn chục tấn dâu tây Trung Quốc được đưa từ Hà Nội vào Đà Lạt (Lâm Đồng) để “đội lốt” dâu tây Đà Lạt bán cho du khách.

Cơ quan chức năng thu giữ dâu tây Trung Quốc tại sân bay Liên Khương, Lâm Đồng. ảnh: Lâm Viên

Như Thanh Niên đã phản ánh, ngày 24.7, Công an TP.Đà Lạt phát hiện, tạm giữ 1 xe tải chở gần 2 tấn dâu tây Trung Quốc (TQ). Lô hàng này có giấy tờ nhập khẩu từ cửa khẩu Hà Khẩu (TQ) qua Lào Cai với số lượng 10 tấn vào ngày 2.7. Chủ hàng là P.T.S (29 tuổi, ngụ TP.HCM), chuyên nghề bán dâu tây trên mạng xã hội, khai mua với giá 50.000 - 60.000 đồng/kg, nhưng chứng từ mua hàng trên hóa đơn là Nguyễn Thị Nhung, thể hiện giá mua 5.000 đồng/kg.

Lâu nay dâu tây TQ giá rẻ vẫn âm thầm nhập về Đà Lạt, nhưng vào mùa thu hoạch rộ ít ai để ý. Nay dâu Đà Lạt khan hiếm thì dâu tây TQ ồ ạt nhập về nên mới bị lộ

Ông V.Đ.P (trồng dâu tây, ở P.8, TP.Đà Lạt)

Số dâu tây này được vận chuyển từ Lào Cai qua sân bay Nội Bài (Hà Nội), “quá cảnh” sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM), rồi bay ngược lên Đà Lạt để phân phối cho các vựa bán dâu tại đây. Đáng lưu ý, nếu đúng lô dâu này nhập khẩu ngày 2.7, nhưng sau 22 ngày dâu vẫn tươi rói, trong khi dâu tây Đà Lạt chỉ sau vài ngày đã bị dập, thâm bầm.

Trước đó, ngày 23.7, Công an H.Đức Trọng (Lâm Đồng) cũng bắt giữ 3 xe tải chở 3,5 tấn dâu tây TQ tại sân bay Liên Khương chuẩn bị đưa lên Đà Lạt tiêu thụ, nhưng không có hóa đơn chứng từ. Tối cùng ngày lực lượng chức năng thu giữ tiếp hơn 6 tấn dâu tây TQ ngay tại sân bay Liên Khương; tất cả số dâu này ghi tên người nhận ngoài thùng hàng, nhưng các chủ hàng đều “bỏ của chạy lấy người”.

Ồ ạt nhập về nên mới bị lộ ?

Theo tìm hiểu của Thanh Niên, từ đầu năm 2020, dâu tây TQ giá rẻ đều đặn nhập về Đà Lạt qua đường hàng không từ Nội Bài vào Liên Khương để trà trộn với dâu tây Đà Lạt hoặc “đội lốt” dâu tây Đà Lạt rồi đưa về TP.HCM và các tỉnh tiêu thụ với giá cao gấp 3 - 4 lần.

Ông Nguyễn Đức Cứ cho biết tháng 5.2020, Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Dâu tây Đà Lạt” cho UBND TP.Đà Lạt. Tiếp đó, tháng 7.2020 UBND TP.Đà Lạt trao giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu cho 10 tổ chức, hộ gia đình đợt đầu tiên. Việc cấp chứng nhận “Dâu tây Đà Lạt” nhằm bảo vệ thương hiệu và uy tín cho dâu tây Đà Lạt.

Ông V.Đ.P (P.8, TP.Đà Lạt), nhiều năm trồng dâu tây, cho biết: “Lâu nay dâu tây TQ giá rẻ vẫn âm thầm nhập về Đà Lạt, nhưng vào mùa thu hoạch rộ ít ai để ý. Nay dâu Đà Lạt khan hiếm thì dâu tây TQ ồ ạt nhập về nên mới bị lộ”. Theo ông P., có thời điểm dâu TQ về Đà Lạt giá chỉ 20.000 đồng/kg, với giá này nông dân Đà Lạt không thể “đua” nổi. Còn bà N.T.T.Th (chủ vựa dâu ở Đà Lạt) cho biết cách đây vài tháng có mối đến chào hàng dâu tây TQ giá chỉ 50.000 đồng/kg, trái rất đều, tươi rói, bà có mua thử mấy chục ký, nhưng sau khi chia ra các hộp nhỏ để bán, bà cảm thấy bị nhức đầu, xây xẩm mặt mày nên không dám mua nữa.

Ông Đỗ Đức Thuyết, chủ vườn dâu 88 Thánh Mẫu, vườn dâu canh tác tự nhiên theo phương pháp truyền thống, cho biết: “Tháng 7, Đà Lạt mưa nhiều nên dâu tây đậu trái rất ít. Mỗi ngày vườn của tôi chỉ thu hoạch được 5 - 7 kg, còn vào chính vụ từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, mỗi ngày thu hoạch 80 - 100 kg”.

Bà Phạm Ngọc Trâm, chủ vườn dâu Phước Lộc, canh tác dâu trong nhà kính theo công nghệ cao với các giống dâu Nhật, New Zealand, Hàn Quốc, cho biết: “Từ tháng 7 đến tháng 10 hằng năm, sản lượng dâu tây Đà Lạt rất ít do thời tiết. Hiện vườn dâu của tôi chỉ thu hoạch 5 - 7 kg/ngày, còn vào chính vụ thu từ 50 - 70 kg/ngày”. Do dâu khan hiếm, bà Ngọc xin mỗi khách chỉ mua 0,5 kg để nhường phần cho người khác. Dù dâu khan hiếm nhưng bà Ngọc vẫn bán giá cố định từ 350.000 - 400.000 đồng/kg (tùy loại). Theo bà Ngọc, việc nhập dâu TQ để bán sẽ làm ảnh hưởng thương hiệu dâu tây Đà Lạt.

Còn chủ vựa dâu Phúc Huệ (đường Nguyễn Công Trứ, Đà Lạt) cho biết để giữ uy tín cho dâu tây Đà Lạt, vựa của bà không nhập dâu từ TQ dù giá rẻ. Hiện dâu tây khan hiếm, sản lượng chỉ bằng 1/10 những tháng chính vụ nên giá bán cao hơn, từ 100.000 - 200.000 đồng/kg tùy loại và tùy giống.

Lấy mẫu dâu TQ giám định

Ngày 25.7, ông Nguyễn Đức Cứ, Trưởng phòng Kinh tế TP.Đà Lạt, cho biết sau khi Công an TP.Đà Lạt tạm giữ 2 tấn dâu tây TQ nhập vào Đà Lạt, cơ quan chức năng đã lấy mẫu đưa đi TP.HCM để giám định xem có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và có chứa chất độc hại hay không để cảnh báo, nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Theo ông Cứ, trong vài ngày qua, các cơ quan chức năng của TP phối hợp với các phường, xã tăng cường kiểm tra các quầy và điểm bán dâu tây trên địa bàn nhằm ngăn chặn việc nhập dâu tây TQ giá rẻ để “đội lốt” dâu tây Đà Lạt. UBND TP giao các phường giám sát các vựa, các điểm bán dâu để kịp thời phát hiện và xử lý.

Một cán bộ Công an TP.Đà Lạt cho biết thêm việc ngăn chặn dâu tây TQ “đội lốt” dâu tây Đà Lạt khá gay go, vì không thể cấm dâu tây TQ vào VN và Đà Lạt nếu có đủ hóa đơn, chứng từ và đã qua các khâu kiểm định an toàn. Nếu người bán để nguyên nhãn mác dâu TQ hoặc ghi rõ “dâu tây TQ” để người tiêu dùng không nhầm lẫn thì không có gì phải bàn. Cái khó là làm sao phát hiện dâu tây TQ nhưng người bán nói “dâu tây Đà Lạt” hoặc gắn nhãn mác “dâu tây Đà Lạt”, để xử lý. Nếu những người buôn bán hám lợi, có hành vi gian lận thương mại sẽ khiến nhiều du khách ăn dâu tây TQ nhưng phải trả tiền cho dâu tây Đà Lạt, chưa kể vấn đề an toàn thực phẩm dâu tây TQ trôi nổi có bảo đảm hay không.

Lâm Viên

Thanh niên





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

3 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cá tra sang thị trường UAE tăng 67% so với cùng kỳ

Tháng 3, Việt Nam xuất khẩu hơn 2 triệu USD cá tra sang UAE, tăng 62%. Lũy kế 3 tháng đầu năm 2024, giá trị xuất khẩu sang thị trường này đạt hơn 7 triệu USD, tăng...

Lần đầu tiên Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất vào Singapore

Ba tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Singapore đạt khoảng 36,15 triệu SGD, tăng hơn 80% so với cùng kỳ năm ngoái

FAO: Sản lượng thủy sản nuôi và khai thác đạt kỷ lục vào năm 2022

Theo số liệu của FAO, sản lượng thủy sản nuôi và khai thác toàn cầu đạt 223.2 triệu tấn vào năm 2022, đây là mức cao nhất kể từ năm 1950.

Chỉ số hàng hóa MXV-Index lấy lại đà tăng sau 3 ngày suy yếu

Số liệu từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, sắc xanh đỏ đan xen trên bảng giá, phản ánh diễn biến giá phân hoá của giá hàng hoá nguyên liệu thế giới...

Giá cà phê trong nước tăng như vũ bão, tiến sát 120.000 đồng/kg

Giá cà phê trong nước và quốc tế đồng loạt tăng từng ngày, phá vỡ mọi đỉnh lịch sử.

Sầu riêng sụt giá mạnh

Ngày 16-4, tại một số tỉnh ở ĐBSCL, giá sầu riêng giảm 45.000 - 50.000 đồng/kg so với cách đây 1 tháng. Thương lái hiện mua sầu riêng xô tại vườn với giá 65.000 -...

Chỉ số hàng hóa MXV-Index trở lại vùng đỉnh 7 tháng

Số liệu từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, kết thúc ngày giao dịch 10/4, lực mua chiếm ưu thế trở lại trên thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới...

Việt Nam có 4 loại hạt tỷ USD: Giá bán cao kỷ lục, sản lượng top đầu thế giới

Trúng thầu lớn, giá cao kỷ lục lịch sử, hàng trong kho sắp cạn, từ chối bớt đơn hàng… là những thông tin được đề cập khi nói đến 4 loại hạt tỷ USD của Việt Nam. Cả...

Giá cà phê tăng cao, nguy cơ đổ vỡ các hợp đồng liên kết

Thực tế hiện nay ngành cà phê Việt Nam đang phải đối mặt là giá tăng quá nhanh, ở mức quá cao, dẫn đến tình trạng tranh mua tranh bán, và có nguy cơ đổ vỡ hợp đồng.

EU chi gần 48 tỷ USD mua cà phê, Việt Nam thành nhà cung cấp lớn thứ hai

Thị trường EU sẽ bùng nổ khi dự tính chi gần 48 tỷ USD nhập khẩu cà phê trong năm 2024. Hiện Việt Nam trở thành nhà cung cấp cà phê lớn thứ hai cho khối thị trường...

Giá vàng và hàng hóa


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98