Dự báo chỉ số giá tiêu dùng năm 2020 sẽ tăng ở mức 3,5-4%

02/07/2020 15:52
02-07-2020 15:52:00+07:00

Dự báo chỉ số giá tiêu dùng năm 2020 sẽ tăng ở mức 3,5-4%

Trong 6 tháng cuối năm sẽ tiếp tục có nhiều yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá như giá nhiên liệu có xu hướng tăng, giá dịch vụ hàng không, giá dịch vụ giáo dục, sách giáo khoa tăng, rủi ro thiên tai.

* Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu và tìm giải pháp để kiểm soát lạm phát dưới 4%

Mua sắm hàng hóa tại siêu thị Big C Long Biên (Hà Nội). (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Tại hội thảo “Diễn biến thị trường giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2020” diễn ra ngày 2/7, tại Hà Nội, các chuyên gia đều cho rằng có nhiều áp lực làm tăng chỉ sô giá tiêu dùng (CPI) trong những tháng cuối năm nhưng CPI dự báo cả năm vẫn ở mức 3,5%-4%.

Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Bá Minh - Viện trưởng Viện Kinh tế-Tài chính, cho rằng 6 tháng cuối năm 2020, thị trường, giá cả ở Việt Nam có 2 nhân tố chính làm tăng CPI như giá nhiều loại nguyên, nhiên vật liệu trên thị trường thế giới sẽ tăng trở lại khi dịch COVID-19 trên thế giới dần dần được khống chế và các hoạt động sản xuất, thương mại, giao lưu quốc tế được khôi phục.

Tình hình thiên tai, dịch bệnh ở Việt Nam vẫn còn diễn biến rất phức tạp, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi, hạn hán, xâm nhập mặn, nắng nóng và bão lũ cực đoan… sẽ ảnh hưởng rất lớn các hoạt động sản xuất nông nghiệp, cung cầu hàng hóa trên thị trường và đời sống sinh hoạt của nhân dân.

Nhưng ông Nguyễn Bá Minh cũng đưa ra 3 yếu tố sẽ kiềm chế tốc độ tăng CPI năm 2020 như tình hình dịch bệnh COVID-19, chiến tranh thương mại, xung đột chính trị trên thế giới còn nhiều bất ổn, khó lường… khiến cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu chưa thể hồi phục được ngay và làm cho giá cả nguyên, nhiên vật liệu trên thị trường thế giới khó tăng như kỳ vọng.

Đồng thời, cung-cầu thịt lợn ở Việt Nam những tháng cuối năm 2020 sẽ bớt căng thẳng, giá thịt lợn sẽ dần hạ nhiệt, không cao như cuối năm 2019 do các doanh nghiệp đang tích cực tái đàn và nhiều nơi đạt kết quả tốt.

“Cả hệ thống chính trị của Việt Nam luôn chủ động, tích cực triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, bình ổn giá cả thị trường, điều hành chính sách tiền tệ kiên định mục tiêu giữ ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát đã đề ra. Đây chính là yếu tố tích cực ổn định CPI” - ông Nguyễn Bá Minh nói.

Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cũng dự báo, trong 6 tháng cuối năm sẽ tiếp tục có nhiều yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá như giá nhiên liệu có xu hướng tăng, giá dịch vụ hàng không tăng, giá dịch vụ giáo dục, sách giáo khoa tăng, rủi ro thiên tai…

Ngược lại, cũng có nhiều yếu tố tác động làm giảm áp lực lên mặt bằng giá như giá điện cơ bản được giữ ổn định trong năm; giá thóc gạo nguồn cung cơ bản được đảm bảo không tăng với biên độ không lớn; giá thịt lợn đang được bổ sung nguồn cung; giá các mặt hàng tiêu dùng, lương thực thực phẩm trên thị trường cơ bản ổn định do nguồn cung dồi dào. Vì vậy, dự báo CPI sẽ ở mức 3,5-3,9% trong năm 2020.

Tiến sỹ Nguyễn Đức Độ nhận định, với việc lạm phát so với cùng kỳ năm trước hiện chỉ ở mức 3,17%, thì mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4% trong năm 2020 sẽ đạt được nếu CPI trong các tháng còn lại tăng trung bình dưới 0,6%/tháng.

Theo ông Nguyễn Đức Độ thì, điều này hoàn toàn khả thi bởi áp lực lạm phát trong 6 tháng cuối năm sẽ không quá lớn bởi dự báo kinh tế thế giới chưa hồi phục nên giá dầu khó tăng mạnh. Nhiều khả năng, giá dầu xoay quanh mức 40 USD/thùng, nếu dịch bệnh được các nước khống chế thành công.

Bên cạnh đó, giá thịt lợn dù có thể không giảm mạnh nhưng sẽ khó tăng mạnh trong thời gian tới khi Chính phủ cho nhập khẩu thịt lợn hơi, giống. Do đó, trên cơ sở những luận điểm này, ông Nguyễn Đức Độ cho rằng vẫn giữ nguyên dự báo lạm phát trung bình năm 2020 ở mức 3,5% như đã đưa ra từ đầu năm.

Đồng quan điểm, Phó giáo sư, Tiến sỹ Ngô Trí Long cho rằng, việc điều hành giá cả nói riêng, kiểm soát lạm phát 2020 nói chung sẽ phức tạp và khó khăn hơn nhiều so với các năm trước do thế giới đang trong cuộc khủng hoảng y tế chưa từng có, “đòn” COVID-19 làm cho nền kinh tế không chuyển động.

Do đó, Phó giáo sư, Tiến sỹ Ngô Trí Long cho rằng cần tiếp tục khẳng định niềm tin của thị trường vào kiểm soát lạm phát và ổn định vĩ mô của Chính phủ và các cơ quan chức năng. Áp lực là có nhưng có thể vượt qua khi các cơ quan điều hành chính sách thận trọng và chú trọng kiểm soát lạm phát, xem xét lại vấn đề giá của bộ sách giáo khoa, giảm được giá thịt lợn… như thế mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 4% có thể đạt được.

Để thực hiện kiểm soát lạm phát theo chỉ tiêu Quốc hội giao, Cục Quản lý giá cũng cho rằng cần tiếp tục thực hiện một cách thận trọng, linh hoạt và chủ động, theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường, giá cả để có các giải pháp kịp thời bình ổn thị trường./.

Thùy Dương

Vietnam+





MÃ CHỨNG KHOÁN LIÊN QUAN (1)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Quốc hội thông qua 8 Luật (sửa đổi) nhằm tạo thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh

Với 90,38% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung 8 luật quan trọng nhằm tháo gỡ vướng mắc, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng...

Danh sách Phó Chủ tịch UBND các tỉnh, thành mới sau sáp nhập

Ngày 24/6/2025, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã ký các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ chỉ định nhân sự giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND các...

Chính phủ công bố danh sách Chủ tịch UBND các tỉnh, thành mới sau sáp nhập

Ngày 24/6/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký các Quyết định chỉ định nhân sự giữ chức vụ Chủ tịch UBND các tỉnh, thành mới sau sáp nhập.

Thủ tướng đề nghị ngân hàng hàng đầu Trung Quốc tham gia trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam

Chiều 24/6, tại Thiên Tân, trong chương trình công tác tham dự Hội nghị WEF Thiên Tân và làm việc tại Trung Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Cát Hải...

Chuyên gia VPBankS: Ngân hàng Nhà nước chưa cần tăng lãi suất trong năm nay để kiểm soát tỷ giá

Ngày 23/06, tỷ giá trung tâm do NHNN công bố đạt 25,028 VND/USD, tăng gần 3% so với đầu năm. Tỷ giá trung tâm leo thang cũng kéo giá USD niêm yết ở các NHTM tăng...

Tư nhân được đảm nhiệm vị trí lãnh đạo, quản lý trong cơ quan Nhà nước

418/423 đại biểu Quốc hội sáng nay đã tán thành thông qua Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi); trong đó có cơ chế tiếp nhận tư nhân vào làm quản lý, lãnh đạo ở một số...

Quốc hội biểu quyết thông qua nhiều dự án luật, họp bàn về công tác nhân sự

Cùng với việc biểu quyết thông qua nhiều dự án luật và Nghị quyết quan trọng, trong buổi chiều ngày 24/6, Quốc hội sẽ họp riêng về công tác tổ chức, nhân sự thuộc...

Thủ tướng: Ứng phó kịp thời tình hình Trung Đông, kiên định mục tiêu tăng trưởng

Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục làm mới, mạnh mẽ hơn động lực tăng trưởng truyền thống như đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng; đột phá trong động lực tăng trưởng mới như khoa...

Bộ Nội vụ ban hành hướng dẫn mới nhất về sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính

Giữ ổn định số lượng Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh trong thời gian chuyển tiếp; hướng dẫn tổ chức chính quyền tại đặc khu có dân số dưới 1,000 người; quy trình chuyển...

Tuần làm việc cuối của Kỳ họp 9, Quốc hội bàn công tác nhân sự

Tuần làm việc cuối của Kỳ họp 9, Quốc hội khóa XV sẽ thông qua 22 luật, 21 nghị quyết, đồng thời xem xét công tác nhân sự thuộc thẩm quyền.


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98