Mỹ lỡ thời cơ vàng chống Covid-19 vì kỳ thị khẩu trang

29/07/2020 21:10
29-07-2020 21:10:00+07:00

Mỹ lỡ thời cơ vàng chống Covid-19 vì kỳ thị khẩu trang

Mike DeWine, thống đốc Ohio, được ca ngợi vì nhanh chóng đóng cửa bang ngăn Covid-19, nhưng lại hứng chỉ trích vì yêu cầu người dân đeo khẩu trang.

DeWine hồi tháng 3 là một trong những lãnh đạo cấp bang đầu tiên ở Mỹ đưa ra phản ứng quyết liệt với Covid-19: ra lệnh đóng cửa toàn bộ bang Ohio để ngăn đại dịch. Một tháng sau, Thống đốc Ohio đưa ra một đề xuất được đánh giá khiêm nhường hơn: nếu doanh nghiệp muốn mở cửa, khách hàng và nhân viên phải đeo khẩu trang.

Đề xuất của ông lập tức vấp phản ứng gay gắt, từ chỉ trích trên mạng xã hội, đến các cuộc gọi liên tiếp từ người dân, thậm chí là những lời đe dọa.

Ngày hôm sau, Thống đốc DeWine phải rút lại đề xuất. "Yêu cầu mọi người đeo khẩu trang là điều xúc phạm tới một số người dân Ohio. Tôi nhận ra điều này", ông buồn rầu nói.

Ba tháng trôi qua kể từ thời điểm đó và Mỹ đã ghi nhận thêm hàng chục nghìn ca nhiễm mới và hàng nghìn ca tử vong vì Covid-19. Thống đốc DeWine muốn thử đề xuất biện pháp này một lần nữa.

Khẩu trang là cách đơn giản nhất và là một trong những vũ khí hiệu quả nhất để chống nCoV. Tuy nhiên, ngay từ đầu, người Mỹ đã không hưởng ứng việc đeo khẩu trang.

Hướng dẫn sai lầm từ giới chức y tế, văn hóa kỳ thị khẩu trang và chia rẽ chính trị sâu sắc là các yếu tố gây ra tình trạng này. Ngoài ra, việc Tổng thống Donald Trump trước đây không ủng hộ đeo khẩu trang cũng khiến nhiều người Mỹ xem thường biện pháp đơn giản này.

Kết quả là Mỹ đã bỏ phí một trong những cơ hội tốt nhất để chống lại Covid-19.

"Một số quốc gia đã thực hiện đeo khẩu trang ngay khi dịch xảy ra và tỷ lệ tử vong của họ rất thấp", Monica Gandhi, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học California ở San Francisco, cho hay.

Gandhi nhận định trong tất cả sai lầm của Mỹ về cách phản ứng với Covid-19, việc chần chừ sử dụng khẩu trang rộng rãi có thể là sai lầm lớn nhất.

Một người đàn ông đeo khẩu trang vào cổ tay khi đi bộ ở thủ đô Washington tuần trước. Ảnh: Washington Post.

Mỹ đang thay đổi quan điểm về khẩu trang trong tháng này, khi phần lớn các bang và các chuỗi bán lẻ lớn nhất đất nước đồng loạt yêu cầu đeo khẩu trang bắt buộc. Nhưng thay đổi này được đánh giá là quá chậm trễ, khi các nhà khoa học từ lâu đã chỉ ra hiệu quả của khẩu trang, thậm chí trước khi có hướng dẫn từ giới chức y tế.

Hồi tháng 2, khi nCoV âm thầm lây lan trong các cộng đồng, cả Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cùng Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ đều không khuyến nghị người khỏe mạnh đeo khẩu trang. Họ kêu gọi dành khẩu trang cho nhân viên y tế tuyến đầu, giữa lúc nguồn cung vật tư y tế thiếu hụt. Thông điệp này cũng được các quan chức hàng đầu của chính quyền Trump nhắc lại sau đó.

Giám đốc CDC Robert Redfield hồi tháng hai từng được hỏi liệu người khỏe mạnh có nên đeo khẩu trang và câu trả lời của ông trước quốc hội là "không".

Tiến sĩ Anthony S. Fauci, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu Mỹ, từng nói rằng "không có lý do gì" để bất kỳ ai ở Mỹ phải đeo khẩu trang. Tổng Y sĩ Mỹ Jerome Adams trong một bài đăng Twitter hôm 29/2 cũng cảnh báo mọi người "dừng mua khẩu trang".

Giới chức y tế Mỹ đưa ra khuyến nghị này dựa trên suy nghĩ sai lầm rằng hầu hết các ca lây nhiễm đều bắt nguồn từ người có triệu chứng bệnh rõ ràng. Họ cho rằng chỉ cần cách ly người bị sốt, ho và có một số triệu chứng khác, số ca nhiễm sẽ được kiểm soát.

Nhưng không lâu sau đó, các đội truy vết Covid-19 của CDC bắt đầu phát hiện bằng chứng về "mầm bệnh thầm lặng". Theo một báo cáo hồi cuối tháng 3, một cơ sở chăm sóc người cao tuổi ở Seattle phát hiện 13 trường hợp nhiễm không triệu chứng trong số 23 người dương tính với nCoV.

Nhiều chuyên gia ủng hộ không đeo khẩu trang tranh luận rằng họ không tin việc che mặt có thể tạo ra sự khác biệt đáng kể. Họ lo lắng rằng khẩu trang có thể khiến mọi người ít tuân thủ cách biệt cộng đồng.

Nhưng một số người khác, bao gồm cả George Gao, tổng giám đốc CDC Trung Quốc, cảnh báo Mỹ đang phạm phải "sai lầm lớn" khi không quy định đeo khẩu trang bắt buộc.

Zeynep Tufekci, giáo sư về khoa học thông tin tại Đại học Bắc Carolina ở Chapel Hill, đã xem xét các bằng chứng về Covid-19 và biết rằng rửa tay, cách ly người nhiễm là không đủ để ngăn Covid-19. Nếu mọi người có thể lây virus trước khi họ xuất hiện triệu chứng, "nó sẽ là một câu chuyện hoàn toàn khác", Tufekci từng cảnh báo.

Jeremy Howard, một chuyên gia về trí thông minh nhân tạo tại Đại học San Francisco, có chung quan điểm về vai trò của khẩu trang dù không có chuyên môn về y tế cộng đồng.

"Cá nhân tôi chưa từng đeo khẩu trang. Tôi từng nghĩ nó thật kỳ quái. Nhưng tôi nghe thấy rằng nó có thể giúp ích một chút", ông nói.

Các dữ liệu, đặc biệt là ở châu Á, nơi khẩu trang đã trở nên thông dụng trong đợt dịch SARS bùng phát và sau đó là Covid-19, đều cho thấy tác dụng của khẩu trang. Tại châu Âu, bằng chứng cũng rất thuyết phục: khẩu trang đã được sử dụng rộng rãi ở Cộng hòa Czech, nhờ chiến dịch của những người có ảnh hưởng lớn trong xã hội. Tỷ lệ lây nhiễm đã nhanh chóng giảm xuống.

"Tôi thật sự bất ngờ. Dường như đây là một biện pháp y tế cộng đồng hiệu quả nhất mà chúng ta có", Howard nói.

Tuy nhiên, trong chính quyền Tổng thống Donald Trump, cuộc tranh luận về khẩu trang đã kéo dài nhiều tuần mà chưa thể tìm thấy tiếng nói chung về khuyến nghị cho công chúng.

Trong tuần cuối cùng của tháng 3, khi số ca nhiễm ở Mỹ đã xấp xỉ 100.000, CDC thay đổi quan điểm và đề xuất với Nhà Trắng đưa ra khuyến nghị công chúng đeo khẩu trang thường xuyên. Quan chức cấp cao, đặc viện là thành viên của đội phản ứng Covid-19 do Phó tổng thống Mike Pence dẫn đầu, phản đối vì cho rằng nó không cần thiết.

Trong hướng dẫn mới được đưa ra đầu tháng 4, Nhà Trắng chỉ khuyến khích, chứ không bắt buộc, người dân che mặt khi "ở nơi công cộng mà các biện pháp cách biệt cộng đồng khác khó được duy trì, như cửa hàng tạp hóa, hiệu thuốc, đặc biệt là các khu vực có lây nhiễm cộng đồng".

Tổng thống Trump sau đó cho rằng "nó có thể là lời khuyên tốt", nhưng tuyên bố ông sẽ không đeo khẩu trang.

Ban đầu, một số trợ lý của Trump nói rằng họ không thích ý tưởng Tổng thống đeo khẩu trang ở nơi công cộng, bởi nó khiến ông trở nên yếu ớt và thể hiện hình ảnh không tốt về mặt chính trị. Họ nghĩ rằng nó sẽ khiến những người khác hoảng loạn hoặc nghĩ rằng dịch bệnh tồi tệ hơn báo cáo. Họ cũng sợ những người ủng hộ Trump sẽ phản đối bất kỳ chỉ thị nào từ chính phủ.

Nhiều cố vấn của Trump, trong đó có cả Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows, cũng hoài nghi về việc khẩu trang liệu có thể tạo nên sự khác biệt.

Khi không tìm thấy tiến triển nào ở Nhà Trắng về khuyến nghị dùng khẩu trang, Howard khi đó chuyển mục tiêu sang đặt hy vọng vào các thống đốc, đặc biệt là những người thuộc đảng Cộng hòa sẵn sàng áp dụng cách tiếp cận khoa học để chống Covid-19. DeWine, thống đốc Ohio, đứng đầu danh sách này.

Thống đốc 73 tuổi từng được giới chuyên gia y tế ca ngợi vì quyết định cấm tụ tập, đóng cửa trường học và cơ sở kinh doanh hồi tháng 3 khi nCoV bắt đầu xuất hiện ở Ohio. DeWine cũng từng tới châu Á trước đại dịch và thấy khẩu trang được sử dụng phổ biến.

Tuy nhiên, việc yêu cầu người dân đeo khẩu trang không dễ dàng, bởi nó liên quan tới việc "hàng triệu người Ohio phải đưa ra các quyết định cá nhân hàng chục lần mỗi ngày". Người Mỹ cũng không có văn hóa đeo khẩu trang vì lợi ích của sức khỏe cộng đồng.

Việc Trump kiên quyết không đeo khẩu trang càng khiến nỗ lực Thống đốc Ohio trở nên khó khăn gấp bội. "Tôi thực sự mong muốn thấy Tổng thống đeo khẩu trang", DeWine từng nói.

Ông cho rằng ngay cả khi các bằng chứng về tác dụng của khẩu trang ngày càng rõ ràng, hướng dẫn về về biện pháp này từ giới chức y tế cộng đồng vẫn rất mâu thuẫn. Ngay cả khi tiến sĩ Fauci cùng nhiều quan chức khác đã thừa nhận thay đổi quan điểm về khẩu trang và thống nhất đưa ra khuyến nghị mới, một số quan chức cấp cao khác của chính quyền, đặc biệt là Tổng thống Trump, vẫn "không chung thuyền".

"Đây chính là vấn đề", Fauci nói.

Người dân biểu tình phản đối lệnh cách ly ở nhà bên ngoài trụ sở bang Ohio, hôm 13/4. Ảnh: AP.

Khi Covid-19 một lần nữa bùng phát mạnh ở nhiều bang ở Mỹ tháng trước, cuộc tranh luận về khẩu trang và các biện pháp kiểm soát Covid-19 lại tiếp tục.

Thành phố Joplin hồi đầu tháng 6 không ghi nhận ca nhiễm nCoV. Nhưng vài tuần sau, thành phố 50.000 dân ở tây nam bang Missouri trở thành một trong những nơi có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất Mỹ.

Hội đồng thành phố hồi cuối tháng 6 đã có cuộc tranh luận 5 tiếng về việc có nên yêu cầu đeo khẩu trang bắt buộc, nhưng đề xuất bị bãi bỏ khi chỉ có một phiếu ủng hộ. Hai tuần sau, khi các bệnh viện đối mặt tình trạng quá tải, hội đồng thành phố một lần nữa thảo luận về đề xuất đeo khẩu trang. Lần này, nó được thông qua với 6 phiếu thuận và 3 phiếu chống.

Các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy phần lớn người Mỹ thuộc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều ủng hộ việc đeo khẩu trang bắt buộc. Nhiều bang, trong đó có Ohio, cũng bắt đầu áp dụng quy định này vài tuần gần đây.

Thậm chí Trump cũng đã thay đổi quan điểm về khẩu trang. Trong cuộc họp báo về Covid-19 ngày 21/7, Trump cho biết ông đang dần quen với việc đeo khẩu trang và sẽ đeo vật dụng này tại nơi đông người hoặc khi đi thang máy. "Tôi sẽ vui lòng sử dụng nó. Bất cứ điều gì có khả năng giúp ích đều là thứ tốt", ông chủ Nhà Trắng nói.

Các chuyên gia cho rằng sự thay đổi này là quá muộn và chậm chạp, khi số ca nhiễm nCoV tăng mạnh tại nhiều bang trên cả nước, nhưng "muộn còn hơn không". Mỹ vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới với hơn 4,4 triệu ca nhiễm và hơn 150.000 người chết vì Covid-19.

Thanh Tâm

Vnexpress







MÃ CHỨNG KHOÁN LIÊN QUAN (1)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Kinh tế thế giới trong cơn hỗn loạn

Cuộc chiến thuế quan của ông Trump đã mang đến sự khó lường và hệ quả là niềm tin bị đánh mất.

CBAM của EU có thực sự thúc đẩy giảm phát thải hay là một rào cản thương mại?

Carbon Border Adjustment Mechanism (CBAM) của EU là một trong những chính sách môi trường quan trọng nhất của Liên minh châu Âu trong những năm gần đây. Được thiết...

Người duy nhất sống sót kể lại giây phút kinh hoàng trong thảm kịch máy bay 241 người chết

Trong một trong những thảm họa hàng không tồi tệ nhất thập kỷ qua, Ramesh Vishwaskumar, 40 tuổi, trở thành người duy nhất sống sót sau vụ rơi máy bay Air India...

Thảm kịch hàng không Air India: 242 người trên máy bay Boeing 787 gặp nạn

Một chiếc máy bay Boeing 787 Dreamliner của Air India chở 242 hành khách và phi hành đoàn đã gặp nạn ngay sau khi cất cánh từ Ahmedabad (Ấn Độ) trong ngày 12/6...

Ngân hàng Thế giới gỡ lệnh cấm tài trợ điện hạt nhân sau nhiều thập kỷ

Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ dỡ lệnh cấm đối với việc cấp vốn cho lĩnh vực điện hạt nhân sau nhiều thập kỷ duy trì. Đây là một bước chuyển về chính sách nhằm thúc đẩy...

WSJ: Trung Quốc chỉ nới lỏng xuất khẩu đất hiếm trong 6 tháng

Trung Quốc đang đặt giới hạn 6 tháng đối với các giấy phép xuất khẩu đất hiếm dành cho các nhà sản xuất ô tô và nhà máy của Mỹ, theo nguồn tin thân cận. Động thái...

Nội dung thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung dần được hé lộ

Tổng thống Trump cho biết Trung Quốc sẽ cung cấp nam châm và đất hiếm và Mỹ sẽ thực hiện các cam kết của mình, trong đó có việc cho phép sinh viên Trung Quốc theo...

Ông Trump lại dọa sẽ đơn phương áp thuế quan trong hai tuần tới

Tổng thống Donald Trump cho biết sẽ gửi thư thông báo mức thuế quan đơn phương cho các đối tác thương mại trong 1-2 tuần tới, tức trước khi kết thúc thời gian hoãn...

Nóng: Mỹ có thể gia hạn thời gian hoãn thuế quan với các quốc gia có thiện chí

Chính quyền Trump đang cân nhắc gia hạn lệnh tạm hoãn thuế quan 90 ngày cho các đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ, với điều kiện những quốc gia này thể hiện "thiện...

Ông Trump nói Mỹ thu 55% thuế quan, Trung Quốc chỉ thu 10% 

Trong ngày 11/06, Tổng thống Donald Trump thông báo Trung Quốc sẽ cung cấp trước đất hiếm cho Mỹ trong khuôn khổ thỏa thuận thương mại mới, gọi đây là thỏa thuận...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98