Thành phố phía Đông cần những điều kiện gì?

01/07/2020 11:42
01-07-2020 11:42:56+07:00

Thành phố phía Đông cần những điều kiện gì?

Theo các chuyên gia, Thành phố phía Đông cần được chính sách đặc thù để phát triển hiệu quả như mô hình Phố Đông (Thượng Hải) hay Gangnam (Seoul).

* Chủ tịch TP HCM: 'Học kinh nghiệm nước ngoài cho Thành phố phía Đông'

* TP.HCM dự kiến sáp nhập 19 phường và 3 quận để lập thành phố phía Đông

TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn - chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch - lý giải việc Trung ương nên cho TP HCM thí điểm cơ chế đặc thù ở Thành phố phía Đông bởi nguồn vốn để đầu tư hạ tầng thành phố mới này rất lớn. Do đó phải có cơ chế thoáng với những giải pháp phù hợp để thu hút dòng vốn trong và ngoài nước. Nếu chỉ trông vào nguồn ngân sách, TP HCM mất nhiều thời gian mới có thể triển khai đề án.

Ngoài việc Thành phố phía Đông cần có một quy hoạch tổng thể, TP HCM phải lên lộ trình cụ thể như: thời gian xây dựng, nhu cầu vốn mỗi năm, hiệu quả kinh tế xã hội, đóng góp ngân sách cho thành phố... "Không phải cứ nhập 3 quận sẽ mang lại hiệu quả mà còn nhiều việc phải làm để thành phố mới đóng góp trở lại cho TP HCM", ông Sơn nói.

Năm ngoái, theo ông Sơn, khi tổ chức cuộc thi thiết kế Khu đô thị sáng tạo ở phía Đông, thành phố chỉ mới đặt vấn đề phát triển khu đô thị chứ chưa đề cập lập thành phố. Đề bài lúc đó đưa ra chỉ tập trung vào một số khu đất có thể phát triển dự án. Dựa vào đây các đơn vị tư vấn đã đề xuất 6 khu trọng điểm trong 212 km2 chứ chưa bao trùm hết diện tích 3 quận.

Do đó với đề án Thành phố phía Đông, việc quy hoạch phải nâng lên tầm cao mới so với kết quả đạt được trong cuộc thi năm ngoái hàng chục lần. Vì lúc này không phải nghiên cứu cho một khu đô thị nữa mà cho cả một Thành phố rộng 212 km2 với hơn một triệu dân. Sáu khu đô thị ở phía Đông sẽ là động lực chỉnh trang các khu đô thị hiện hữu.

"Việc xây dựng Thành phố phía Đông sẽ giúp tổng sản phẩm nội địa (GDP) thành phố tăng rất nhiều. Nhưng để thực hiện được cần có cách tiếp cận mới và những giải pháp phù hợp cho đề án tham vọng thế này", ông Sơn nói.

Quận 2 với trung tâm là Khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ là một phần của Thành phố phía Đông theo kế hoạch của TP HCM. Ảnh: Hữu Khoa.

Đồng quan điểm, TS Huỳnh Thế Du, giảng viên Trường chính sách công và quản lý (Đại học Fulbright Việt Nam) cho rằng, đề xuất xây dựng Thành phố phía Đông mang tầm chiến lược quốc gia. Nếu đề án triển khai thành công góp phần giải quyết hai vấn đề có tính chiến lược của Việt Nam: tạo làn sóng tăng trưởng mới dựa vào đổi mới sáng tạo và tăng cường khả năng an ninh quốc phòng trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, khu vực.

"Đây là thời điểm phù hợp triển khai đề án vì xu hướng dịch chuyển chuỗi giá trị toàn cầu khỏi Trung Quốc do tác động của Covid-19 sẽ làm cho tiến trình này xảy ra nhanh hơn và TP HCM - trung tâm kinh tế lớn nhất nước với truyền thống đi đầu về sự đột phá đang mong muốn lấy lại vị thế của mình", ông Du nói.

Từ kinh nghiệm triển khai những mô hình tương tự trên thế giới, nhất là Gangnam (phía Nam sông Hàn) ở Seoul, Hàn Quốc và Phố Đông ở Thượng Hải, Trung Quốc, ông Du cho rằng Thành phố phía Đông cần được xem là dự án trọng điểm quốc gia với các cơ chế đặc biệt liên quan đến việc mở cửa ra bên ngoài, lựa chọn các đối tác chiến lược và trao quyền tự chủ cần thiết để TP HCM phát huy được khả năng, tiềm lực vốn có.

"Đây là sáng kiến tầm vóc và có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển của quốc gia nên Trung ương cần giao cho TP HCM quyền tự chủ đủ lớn để có thể triển khai thành công", ông Du nói và cho rằng lúc này TP HCM cần có sự chuẩn bị chu đáo, đầy đủ thông tin để chứng minh đề án hiệu quả.

Về tổ chức bộ máy hành chính cho Thành phố phía Đông trong tương lai, theo TS Ngô Viết Nam Sơn, thay vì sáp nhập 3 quận thành một thành phố thì TP HCM nên giữ lại 3 quận và 3 quận này sẽ thuộc Thành phố phía Đông. Phương án này phù hợp với mô hình đô thị thông minh mà thành phố đang thực hiện với cách quản lý hành chính hiện đại.

"Thành phố phía Đông nhỏ hơn cấp tỉnh, thành nhưng phải lớn hơn cấp quận chứ không thể xem nó ngang hàng với các quận khác. Đề án xây dựng Thành phố phía Đông của TP HCM rất giống với Phố Đông của Thượng Hải", ông Sơn nói và cho rằng Phố Đông là mô hình TP HCM có thể tham khảo.

Theo đó, khi phát triển Phố Đông, Thượng Hải chọn cơ chế hành chính mới gọi là Phó tỉnh - thấp hơn tỉnh nhưng cao hơn quận vì trong Phó tỉnh vẫn có nhiều quận. Phó tỉnh chịu sự quản lý của tỉnh (Phố Đông chịu sự quản lý của TP Thượng Hải) và Thành phố phía Đông chịu sự quản lý của TP HCM. Với phương án này, trong Thành phố phía Đông vẫn có 3 quận.

Đại học Quốc gia TP HCM sẽ là trung tâm giáo dục - đào tạo nhân lực chất lượng cao của Thành phố phía Đông theo kế hoạch. Ảnh: Hữu Khoa.

Ngoài ra, người đứng đầu chính quyền Thành phố phía Đông phải ngang cấp với Phó chủ tịch UBND thành phố, giống như Thị trưởng Phố Đông ngang cấp với Phó chủ tịch Thượng Hải. Điều này rất cần thiết vì với một thành phố mới có quy mô lớn, hiện đại, người đứng đầu phải cao hơn giám đốc sở mới có thể chỉ đạo thông suốt.

"Nếu lãnh đạo Thành phố phía Đông chỉ ngang cấp quận, tôi nghĩ đề án này khó thành công", ông Sơn nói.

Ông Đỗ Văn Đạo, nguyên Phó giám đốc Sở Nội vụ TP HCM cho rằng, đề nghị thành lập Khu đô thị sáng tạo và Thành phố phía Đông ở thời điểm hiện nay có nhiều thuận lợi về cơ sở pháp lý so với năm 2013. Bởi xét về mặt hành chính trước năm 1997, 3 quận trong đề án vốn là một đơn vị hành chính cấp huyện Thủ Đức. Về mặt lịch sử, người dân 3 quận hiện nay và huyện Thủ Đức vốn có truyền thống đoàn kết xây dựng địa phương ngày càng phát triển.

"Khó khăn nằm ở chỗ sẽ có tâm lý lo lắng về tương lai của đội ngũ cán bộ, công chức sau khi 3 quận sáp nhập", ông Đạo nói.

Để thực hiện được mục tiêu như yêu cầu đặt ra, thành phố cần đề xuất Trung ương được thực hiện những quyền tự chủ trong khuôn khổ mô hình chính quyền đô thị được luật hóa tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019.

Đồng thời, TP HCM trong thẩm quyền của mình sẽ thể chế hóa những cơ chế để phân cấp, ủy quyền cho chính quyền và lãnh đạo Thành phố phía Đông. Người đứng đầu được chủ động giải quyết các vấn đề về quản lý đô thị, đầu tư, phát triển kinh tế, kinh doanh... nhằm phục vụ tốt nhất doanh nghiệp và người dân.

6 khu chức năng của Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông theo phương án thiết kế được UBND TP HCM chọn trong cuộc thi năm ngoái. Ảnh: Hữu Công.

Đề án Thành phố phía Đông (diện tích 212 km2) tương đương quy mô phát triển quận Gangnam ở cuối thập niên 1960 và bằng nửa quy mô Phố Đông vào đầu thập niên 1990. Gangnam hiện có nhiều công ty lớn trên thế giới đặt trụ sở và là trung tâm đổi mới sáng tạo của Hàn Quốc. Còn Phố Đông giờ thành niềm tự hào và là nhân tố tạo dựng năng lực cạnh tranh toàn cầu của Trung Quốc. Quy mô GDP năm 2019 của Phố Đông gần 185 tỷ USD, bằng 50% Singapore, 70% Việt Nam, và gấp 3 lần TP HCM.

Theo TS Huỳnh Thế Du, so với thời điểm Gangnam và Phố Đông được bắt đầu, đề án Thành phố phía Đông hiện thuận lợi hơn về hạ tầng và điều kiện kết nối: diện tích đất đai để phát triển dự án được sẵn sàng; những điều kiện cơ bản cho trung tâm tài chính - thương mại tại Thủ Thiêm đã có và khu công nghệ cao tạo được vị thế của mình.

"Phía Nam sông Hàn vào thập niên 1960 là vùng đất nông nghiệp trồng bắp cải và lê, rất ít người sinh sống, nhưng sự thành công của Gangnam cho thấy chiến lược đúng đắn của Hàn Quốc nói chung, Seoul nói riêng trong việc tạo ra kỳ tích sông Hàn", ông Du nói.

Tương tự, tại Trung Quốc, ngay từ khi triển khai, do tầm quan trọng đặc biệt nên Phố Đông được đưa vào danh mục dự án trọng điểm quốc gia. Quy hoạch của Phố Đông gồm bốn cấu phần chính: trung tâm tài chính thương mại, khu công nghệ cao, khu chế xuất và khu thương mại tự do. Trong đó, trung tâm tài chính và khu công nghệ cao là các điểm nhấn quan trọng nhất.

Theo ông Du, sự năng động sáng tạo và quyết tâm của chính quyền Thượng Hải lẫn Chính phủ Trung Quốc đóng vai trò hết sức quan trọng, là nhân tố đem lại thành công cho Phố Đông. Từ một vùng đất nghèo và lạc hậu nằm bên con sông Hoàng Phố, Phố Đông trở thành trung tâm tài chính, thương mại, chuyển giao công nghệ, thu hút nhân tài... của khu vực và thế giới.

Hữu Công

Vnexpress







MÃ CHỨNG KHOÁN LIÊN QUAN (1)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Huyện Cần Giờ đã có kế hoạch sử dụng đất năm 2024

Kế hoạch sử dụng đất hàng năm của huyện Cần Giờ đã được UBND TP HCM phê duyệt. Huyện có gần 200 ha đất đăng ký chuyển mục đích sử dụng đất.

5 gói thầu lớn dự án sân bay Long Thành sắp được đấu thầu

Theo chủ đầu tư dự án thành phần 3 sân bay Long Thành, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam - CTCP (UPCoM: ACV), sẽ có thêm 5 gói thầu thuộc dự án được đấu thầu...

Bắc Giang sắp xây dựng thêm khu công nghiệp rộng 170ha

Khu công nghiệp Thái Đào - Tân An ưu tiên thu hút các ngành công nghiệp có công nghệ hiện đại, tiên tiến, thân thiện với môi trường.

Phương án sáp nhập thị xã Cửa Lò vào thành phố Vinh, sắp xếp 94 xã ở Nghệ An

Tỉnh Nghệ An dự kiến sẽ sáp nhập 3 đơn vị hành chính cấp huyện để mở rộng thành phố Vinh và sắp xếp 94 đơn vị hành chính cấp xã còn 45 đơn vị.

Dự án cao tốc Hòa Liên - Túy Loan gặp nhiều khó khăn trong giải phóng mặt bằng

Dự án xây dựng đường cao tốc đoạn Hòa Liên-Túy Loan, thuộc tuyến cao tốc Bắc-Nam phía đông TP. Đà Nẵng có chiều dài 11,5 km, được khởi công từ tháng 9/2023. Tuy...

Ai trúng thầu dự án cao tốc hơn 11 ngàn tỷ đồng tại Lạng Sơn?

Liên danh CTCP Xây dựng Đèo Cả, CTCP Tập đoàn Đèo Cả, CTCP Xây dựng công trình 568 và CTCP Lizen (HOSE: LCG) là nhà đầu tư trúng thầu dự án tuyến cao tốc cửa khẩu...

Đề xuất lấy đất quy hoạch công viên tại Khu đô thị Thủ Thiêm làm sân tập golf

Khu đất đề xuất xây dựng sân tập golf tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm được quy hoạch là đất công viên cây xanh, hiện trạng đã giải phóng mặt bằng, đang để trống.

Chính phủ yêu cầu nghiên cứu phương án tối ưu đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 152/TB-VPCP ngày 9/4/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà - Trưởng ban Ban Chỉ đạo tại Phiên họp lần...

Phấn đấu khởi công cao tốc TP.HCM - Mộc Bài trong năm nay

Theo Sở GTVT TP.HCM, với dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài TP.HCM đặt mục tiêu khởi công trong năm nay hoặc muộn nhất là 30-4-2025.

Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025

Ngày 01/04/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 29/CĐ-TTg về hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án dự kiến bố trí kế hoạch đầu tư công trung...

Cổ phiếu bất động sản

Cổ phiếu xây dựng


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98