Bên trong Luxshare – Công xưởng Apple đang thành hình tại Việt Nam

Ngay trong những năm tháng Foxconn nổi lên như mảnh ghép lớn nhất trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Apple, các giám đốc điều hành của gã khổng lồ Đài Loan này vẫn luôn để mắt tới một nhà cung ứng nhỏ khác của Trung Quốc: Luxshare-ICT.

Công ty Luxshare chỉ như một đốm sáng trên đường chân trời. Tuy nhiên, trong mắt những giám đốc đầy kinh nghiệm của Foxconn, Luxshare dường như “được đúc cùng một khuôn” với Foxconn. Chí ít thì nhà sáng lập Luxshare, Grace Wang cũng từng là nhân viên của một công ty liên kết với Foxconn và sở hữu phong cách giống với nhà sáng lập Foxconn Terry Gou. Họ tin rằng Luxshare rồi sẽ trở thành một đối thủ đáng gờm trong tương lai.

“Chúng tôi theo sát bước chân của Luxshare nhiều năm qua. Tính cách của bà Grace Wang có đôi chút giống ông Terry Gou – bà có ý chí sắt đá, học hỏi nhanh, sở hữu đội ngũ đầy tham vọng và khả năng cạnh tranh cao”, một giám đốc tại Foxconn nói.

Được thành lập trong năm 2004 và có lúc được gọi là “phiên bản nhỏ của Foxconn”, Luxshare tăng trưởng nhanh chóng và hiện đang săn lùng các đối thủ Đài Loan bằng một kế hoạch thâu tóm có khả năng làm thay đổi một trong những chuỗi cung ứng công nghiệp quan trọng bậc nhất thế giới.

Doanh thu của Luxshare tăng gấp 5 lần lên mức 62.09 tỷ nhân dân tệ (8.89 tỷ USD) trong 5 năm qua, khi hãng này ký được nhiều hợp đồng với Apple và các tên tuổi lớn trong làng công nghệ, bao gồm Microsoft, Google, Amazon, HP hay Dell. Vốn hóa thị trường của Luxshare cũng tăng vọt như tên lửa, lên mức 375.1 tỷ Nhân dân tệ – tương đương giá trị của Foxconn.

“Thậm chí Chủ tịch của Foxconn là Young Liu cũng chú ý diễn biến giá cổ phiếu Luxshare – vốn hóa của một công ty nhỏ bé một thời giờ đã vượt Foxconn”, một giám đốc điều hành trong chuỗi cung ứng iPhone nói với Nikkei Asian Review.

Nguồn: Nikkei Asian Review

Trở thành nhà lắp ráp iPhone

Giai đoạn phát triển kế tiếp của Luxshare đã tới. Trong tháng 7 vừa qua, Công ty ký hợp đồng 3.3 tỷ nhân dân tệ để thâu tóm một nhà máy sản xuất iPhone ở Trung Quốc từ Wistron, công ty quy mô nhỏ nhất trong bộ 3 nhà lắp ráp iPhone Đài Loan cùng với Foxconn và Pegatron.

Trước đó, Luxshare cũng đã cung ứng linh kiện iPhone cho Apple. Động thái mua lại nhà máy từ Wistron đánh dấu bước chuyển biến Luxshare thành nhà lắp ráp iPhone – một thiết bị tiêu dùng có thiết kế cao cấp và mang tính biểu tượng. Cùng lúc đó, động thái này cũng chấm dứt kỷ nguyên thống trị của các công ty Đài Loan trong lĩnh vực sản xuất điện thoại logo táo khuyết.

Tuy nhiên, tham vọng của Luxshare chưa dừng lại ở đó. Nguồn tin thân cận từ Nikkei cho biết, Luxshare đang trong quá trình đàm phán để thâu tóm các nhà cung ứng công nghệ khác và có thể thỏa thuận trong vài tháng tới. Điều này nhằm gia tăng sự hiện diện của Luxshare trên thị trường và củng cố mối quan hệ với Apple – vốn chiếm hơn 50% doanh thu của Luxshare.

Về phía Apple, đơn vị đánh giá cao Luxshare không chỉ trong việc kinh doanh, khi trong tháng 12/2012, CEO Apple Tim Cook đến thăm cơ sở sản xuất AirPods của Luxshare và ca ngợi nhà sáng lập Wang như “người hiện thực hóa giấc mộng Trung Hoa”.

Sự thích thú của Apple dành cho Luxshare cũng thể hiện tầm quan trọng của Trung Quốc đối với gã khổng lồ công nghệ này, giữa lúc căng thẳng Mỹ-Trung có nguy cơ xé toạc chuỗi cung ứng toàn cầu. Apple hiện có 20% doanh thu đến từ thị trường Trung Quốc.

Trước đây, Apple đã yêu cầu nhiều nhà cung ứng bên ngoài Trung Quốc hỗ trợ cho kế hoạch đa dạng hóa khỏi quốc gia tỷ dân giữa sự leo thang căng thẳng địa chính trị. Tuy nhiên, Luxshare luôn là lựa chọn hàng đầu của táo khuyết để đảm bảo một chuỗi cung ứng trung thành và toàn diện bên trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Ông Terry Gou

“Apple hoàn toàn nắm rõ về cuộc đàm phán giữa Luxshare với các nhà cung ứng Apple khác và tất cả những động thái này đều được Apple chấp thuận”, một giám đốc trong ngành chia sẻ. “Rõ ràng là Apple muốn Luxshare đóng vai trò to lớn hơn trong chuỗi cung ứng tại Trung Quốc giữa lúc Bắc Kinh và Washington xung đột”. Apple không bình luận về vấn đề này.

Dù rằng Luxshare chủ yếu chỉ vận hành các cơ sở tại Trung Quốc, nhưng họ vẫn đáp lại lời kêu gọi đa dạng hóa nơi sản xuất. Bằng chứng là năm 2019, Luxshare đã xây dựng nhà máy ở miền Bắc Việt Nam để lắp ráp tai nghe AirPods cho Apple, Nikkei Asian Review ghi nhận. Ngoài ra, Luxshare cũng thành lập liên doanh với nhà sản xuất linh kiện âm thanh Merry Electronics để sản xuất linh kiện cho Apple.

Luxshare theo chân Foxconn đến mọi nơi

Cũng như Foxconn – do ông Gou thành lập trong năm 1974, Luxshare đã mở rộng bằng cách đầu tư vào nhiều nhà sản xuất linh kiện khác nhau. Mục tiêu đằng sau là để mở rộng danh mục sản phẩm và gắn kết chặt chẽ hơn với gã khổng lồ công nghệ (Apple) của Mỹ.

Nguồn: Nikkei Asian Review

Trước khi bước chân vào mảng lắp ráp iPhone, Luxshare đã cung ứng nhiều linh kiện iPhone và mô-đun cho Apple, bao gồm động cơ rung, loa, mô-đun sạc không dây và mô-đun ăng-ten sau hơn 5 năm nỗ lực dấn thân vào thị trường linh kiện điện tử cao cấp hơn.

Ngoài ra, họ cũng cung ứng mô-đun quan trọng cho phép kết nối Bluetooth trong tai nghe không dây AirPods Pro của Apple, linh kiện mà trước đây chỉ có các công ty khác cung ứng.

Danh mục sản phẩm cung ứng rộng và đa dạng như thế này từng là chìa khóa thành công của Foxconn, mang lại cho họ khả năng kiểm soát chuỗi cung ứng mạnh hơn và gia tăng tính cạnh tranh.

Những ai biết đến Luxshare cho rằng Công ty này cũng đang theo chân Foxconn mở rộng tới Đông Nam Á và Ấn Độ.

“Rất khó lòng thoát khỏi sự đeo bám của Luxshare… Luxshare theo chân Foxconn đến mọi nơi”, một người thân cận với Foxconn cho hay. “Luxshare muốn làm mọi thứ mà Foxconn định làm và kể cả những thứ mà Foxconn không làm”.

Lôi kéo nhân sự từ đối thủ cạnh tranh

Bà Wang từng nói các công ty Đài Loan sở hữu sự chuyên nghiệp phi thường và kỷ luật tốt trong việc quản lý chuỗi cung ứng, theo lời của một vị giám đốc chuỗi cung ứng. “Thế nhưng, các công ty Đài Loan không thể so với chúng tôi về tốc độ và sự quyết liệt. Họ thiếu đi một đặc điểm quan trọng: Hành động như một con sói”, vị giám đốc dẫn lại lời của bà Wang.

Nhìn qua tấm gương chiếu hậu, bà Wang từng là nhân viên trong dây chuyền sản xuất tại Foxlink (một công ty sản xuất thiết bị kết nối được thành lập bởi em trai của ông Terry Gou) trong thập niên 80 và nhanh chóng leo lên những chức vụ cao. Tuy nhiên, sau đó bà lại quyết định rời đi để gầy dựng công ty xuất-nhập khẩu linh kiện của chính bà vào cuối thập niên 90 – tiền thân của Luxshare.

Công ty Trung Quốc này lần đầu tiên lọt top 200 nhà cung ứng của Apple trong năm 2013 với vai trò là nhà cung ứng thiết bị kết nối. Mãi cho đến năm 2017, Luxshare mới trở thành nhà lắp ráp AirPods và sau đó lấn sang lắp ráp đồng hồ Apple Watch trong năm 2019. Tại thời điểm này, thông qua việc mua lại nhà máy của Wistron, họ dự kiến sản xuất một lượng nhỏ iPhone từ năm 2021 và bước vào sản xuất quy mô lớn vào năm 2022.

CEO Apple Tim Cook (bên phải) và Chủ tịch Luxshare Grace Wang (ở giữa) trong một chuyến viếng thăm tới nhà máy của Luxshare. Ảnh: Nikkei Asian Review

Mối quan hệ ngày càng khắng khít với Apple cho thấy nhà cung ứng Trung Quốc này có thể đạt được các tiêu chuẩn hà khắc về chất lượng và hiệu quả sản phẩm.

“Các công ty Trung Quốc này hoàn toàn có lợi thế cạnh tranh, không chỉ nhờ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương mà còn nhờ có hệ số P/E rất cao ở thị trường vốn Trung Quốc – một yếu tố giúp họ dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn”, Sean Kao, Chuyên viên phân tích chuỗi cung ứng kỳ cựu tại IDC, nhận định. “Điều này cho phép họ đặt cược nhiều hơn vào các khoản đầu tư công nghệ hoặc thâu tóm mà không cần phải lo ngại về tỷ suất lợi nhuận và chuyện lãi lỗ”.

Một yếu tố then chốt khác giúp Luxshare thành công là đội ngũ tài năng mà họ lôi kéo từ đối thủ cạnh tranh trong chuỗi cung ứng, dựa trên nguồn tin từ Nikkei. Thư ký Hội đồng Quản trị Luxshare, David Huang gia nhập vào Công ty trong năm 2013 và từng là một nhân viên kỳ cựu tại Foxconn. Một trường hợp khác là Giám đốc phụ trách mạng lưới từ Foxconn đã gia nhập vào Luxshare trong năm 2019 và trở thành một trong những lãnh đạo “nòng cốt” dẫn dắt mảng ăng-ten của Luxshare.

Dù vậy, Luxshare cũng đã phát triển một nền văn hóa thật sự khác biệt. Foxconn – được định hình bởi ông Gou – có một môi trường quân đội. Các giám đốc cấp cao bị ông Gou la mắng hoặc bị bắt đứng trong cuộc họp nếu phạm sai sót. Chủ tịch hiện tại của Foxconn Young Liu – vốn nhận trách nhiệm quản lý công ty từ ông Gou vào tháng 6/2019 – đang cố gắng làm hạ nhiệt môi trường “quân đội” bằng cách giao tiếp nhiều hơn với những nhân viên trẻ tuổi thông qua các cuộc họp không chính thức.

Trong khi đó, Luxshare có đội ngũ quản lý trẻ hơn 10 tuổi hoặc thậm chí 20 tuổi so với Foxconn. Công ty khuyến khích nhân viên mới bày tỏ quan điểm trong nhóm chat hàng trăm người trên WeChat – có cả nhóm quản lý trong đó.

“Bà Grace thực sự lắng nghe ý kiến của những quản lý trẻ tuổi và các trưởng nhóm, đồng thời giúp người trẻ cảm thấy được tôn trọng như họ đang ở vị trí trung tâm của Công ty”, một người thân cận với Luxshare chia sẻ. “Đôi khi, bà ấy đi ngang qua và thấy mọi người đang trao đổi công việc… Bà ấy sẽ nói ‘đừng bận tâm đến tôi, để tôi đi lấy chút cà phê cho các cậu’”.

Đủ sức “cướp” ngôi của Foxconn?

Sau khi ký thỏa thuận mua lại nhà máy lắp ráp iPhone từ Wistron, Luxshare hiện đang để mắt tới những công ty sản xuất khung kim loại cho iPhone. Những linh kiện kim loại này là thành phần quan trọng trong các thiết bị điện tử, từ điện thoại thông minh, laptop và máy tính cho tới thiết bị có thể đeo..

Nguồn: Nikkei Asian Review

Tuy vậy, giới quan sát không cho là Luxshare sẽ nhanh chóng “cướp” ngôi vương của Foxconn. Nếu không có trợ cấp từ Chính phủ Trung Quốc và nếu cuộc thương chiến gây đảo lộn chuỗi cung ứng thì liệu Luxshare có thể cạnh tranh ở các thị trường bên ngoài Trung Quốc hay không?

“Tôi không nói là Foxconn sẽ đối mặt với rủi ro ghê gớm từ Luxshare vì Foxconn cũng đã gầy dựng thế mạnh trong nhiều năm và không công ty nào trên thế giới có thể dễ dàng thay thế Foxconn”, một vị giám đốc chuỗi cung ứng từng hiểu biết về Foxconn và Luxshare nhận định. “Foxconn đã xây dựng quy mô sản xuất khổng lồ và vẫn đóng vai trò then chốt trong chuỗi cung ứng thiết bị điện tử hiện nay và tương lai”.

Trong khi đó, một vị giám đốc của Foxconn lại thể hiện niềm tin mạnh mẽ: “Chúng tôi hoàn toàn ý thức về những bước đi gần đây của Luxshare. Tuy nhiên, không có gì phải sợ, chúng tôi đã sẵn sàng cho trận chiến này và sẽ không thua”.

Thế nhưng, rõ ràng là sự trỗi dậy của Luxshare và mối quan hệ khắng khít của công ty này với Apple có thể thúc Foxconn phải cảnh giác – như Chủ tịch Liu nói rõ vào ngày 12/08.

“Việc có thêm đối thủ mới là chuyện như cơm bữa trong thị trường tự do”, ông Liu cho biết khi đang thông báo về kết quả quý 2/2020. “Foxconn sẽ tiếp tục nâng cao khả năng cạnh tranh và tôi tin tất cả đối thủ cạnh tranh đều biết rằng không dễ dàng cướp mất ngôi vị số một thế giới. Chúng tôi biết Luxshare sắp lắp ráp iPhone, và sẽ theo dõi”.

Sean Kao, Chuyên viên phân tích chuỗi cung ứng kỳ cựu tại IDC cho biết, rất khó để kết luận ai là người chiến thắng trong cuộc chiến chuỗi cung ứng thiết bị điện tử, khi mà tất cả công ty không chỉ cần có cơ sở sản xuất tại Trung Quốc mà còn phải mở rộng ra nước ngoài. “Vẫn chưa rõ liệu các công ty Trung Quốc này có thể thành công khi hoạt động ở Việt Nam, Ấn Độ và các quốc gia khác hay không… Họ cần thời gian để chứng minh mình có thể cạnh tranh như khi đang ở quê nhà”.

Vũ Hạo (Theo Nikkei Asian Review)

Thiết Kế: Tuấn Trần

FILI

22-08-2020 10:00:00+07:00

Tin cùng chuyên mục

Hotline: 0908 16 98 98