Giải mã giá vàng trong nửa cuối năm

06/08/2020 09:56
06-08-2020 09:56:47+07:00

Giải mã giá vàng trong nửa cuối năm

Vàng vừa trải qua tháng 7 với cú tăng giá chóng mặt. Những dữ liệu kinh tế tồi tệ trong quí 2 cùng nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát lần 2 đang khiến thế giới chịu những thiệt hại nặng nề. Trước viễn cảnh suy thoái cận kề, dòng tiền đổ vào kênh vàng là điều được dự báo trước, song đà tăng nóng vừa qua cũng khiến nhiều nhà đầu tư phải dè dặt hơn với kênh tài sản này.

Vàng đã có “tháng 7 rực rỡ” khi kết thúc tháng tại 1.974 đô la Mỹ/ounce.

Tích lũy và tạo đà cho “tháng 7 rực rỡ”

Chỉ trong tháng 7, giá vàng từ mức 1.760 đô la Mỹ đã vọt lên tới mức 1.980 đô la và kết thúc tháng tại 1.974 đô la Mỹ/ounce, tương đương tăng hơn 200 đô la trong vòng một tháng. Đây là mức tăng trong tháng lớn nhất kể từ khi dịch bùng phát và cũng là lớn nhất kể từ khi có chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc vào đầu năm 2018.

Phân tích ở góc độ kỹ thuật, để tạo đà cho “tháng 7 rực rỡ” này, vàng đã trải qua giai đoạn tích lũy tương đối dài. Nhìn lại dữ liệu, trước đợt tăng kể trên, giá vàng đã đi ngang trong vùng (1.670-1.750 đô la/ounce) kể từ giữa tháng 4 đến nửa cuối tháng 6 rồi sau đó bứt khỏi vùng giá này và tăng mạnh. Đây cũng là giai đoạn điều chỉnh và tích lũy sau khi vàng bật tăng từ đáy 1.460 đô la, thiết lập vào nửa cuối tháng 3, lên quanh vùng 1.720 đô la thời điểm giữa tháng 4.

Vàng có lẽ cần một nhịp điều chỉnh trong tháng 8 sau khi đã tăng quá nóng vào tháng 7, nhưng sẽ rất khó có viễn cảnh giá vàng điều chỉnh giảm sâu trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn tồi tệ như hiện nay.

Qua mô hình giá, ta thấy giá vàng đi khá nhịp nhàng, có vùng tăng giá, vùng tích lũy và vùng bứt phá để tăng tiếp. Đáng chú ý là trong vùng tích lũy, giá vàng chỉ giảm tối đa về mức Fibonacci 0.236 của sóng tăng trước đó (chi tiết vẽ trong mô hình), có nghĩa là vàng không giảm sâu mà chỉ giảm điều chỉnh và cú phá vùng tích lũy vào ngày 22-6 đã xác nhận một sóng tăng mạnh tiếp theo trong tháng 7.

Các thông tin bi quan về kinh tế cũng không ngừng hỗ trợ giá vàng trong tuần cuối tháng 7 vừa qua, tiêu biểu là GDP của Mỹ trong quí 2 đã giảm sâu tới 32,9%. Kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cũng ghi nhận sụt giảm tới khoảng 12% trong quí 2. Mặc dù đã dự liệu trước tình trạng tồi tệ, song những thống kê kinh tế ảm đạm vẫn làm thất vọng các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, những thông tin về đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ 2 cũng khiến những dự báo kinh tế nửa cuối năm càng kém lạc quan hơn và dẫn dắt dòng tiền đổ vào các kênh trú ẩn truyền thống, trong đó có vàng.

Việc các nhà đầu tư đổ tiền vào vàng mỗi khi kinh tế toàn cầu đi xuống không phải điều xa lạ, nhưng việc giá vàng tăng nóng trong tháng 7 có lẽ phụ thuộc nhiều hơn từ yếu tố kỹ thuật. Cụ thể, giá vàng đã vượt qua được những mốc cản rất cứng tại vùng 1.760 đô la/ounce và phá qua ngưỡng cản tâm lý 1.800 đô la sau gần 10 năm. Đây là tín hiệu mạnh cho thấy nhà đầu tư đang đặt niềm tin vào vàng, và họ đổ tiền vào vàng nhiều hơn với niềm tin các nhà đầu tư khác cũng có động thái tương tự. Giá vàng tăng và hiệu ứng đám đông tạo quán tính cho đà tăng ngoạn mục lên trên mốc 2.000 đô la, đồng thời là một phần nguyên nhân đẩy chỉ số DXY (chỉ số biểu thị sức mạnh đồng đô la Mỹ) giảm về mức 93 điểm - là tháng giảm mạnh nhất của chỉ số này trong một thập kỷ vừa qua.

Tháng 8 có thể có một nhịp điều chỉnh

Giá vàng đang là chủ đề khá nóng và thời điểm hiện tại chưa có thông tin vĩ mô nào ảnh hưởng tiêu cực tới giá vàng. Với tình trạng dịch bệnh đang theo chiều hướng xấu hơn và có dấu hiệu không thể kiểm soát được ở nhiều quốc gia như Mỹ, đồng thời chưa có thông tin lạc quan về vaccin ngăn ngừa, kinh tế thế giới nửa cuối năm dự báo sẽ tiếp tục chìm trong suy thoái.

Những chính sách nới lỏng tiền tệ và tài khóa vì thế sẽ được duy trì, đồng nghĩa với môi trường dư tiền, đi kèm lãi suất thấp, sẽ tiếp diễn trong nhiều năm. Đây là liều thuốc kích thích dòng tiền đổ về kênh vàng với vai trò là một trong hầm trú ẩn an toàn nhất.

Tuy nhiên, cần ghi nhận rằng giá vàng đã tăng rất nóng trong tháng 7. Hiện tượng này khá giống với hồi tháng 8-2011 - giai đoạn giá vàng lên tới đỉnh 1.911 đô la/ounce, sau đó bắt đầu chu kỳ giảm sâu về vùng 1.060 đô la vào cuối năm 2015. Trong tháng 8-2011, giá vàng cũng tăng nóng hơn 200 đô la/ounce và cũng mất tương ứng ngay trong tháng 9 sau đó. Đây cũng là giai đoạn đảo chiều của thị trường vàng trong nước, khi giá tăng tới gần 50 triệu đồng/lượng trong tháng 8 và lao dốc xuống 41 triệu đồng/lượng chỉ một tháng sau đó.

Cần lưu ý, giai đoạn tháng 8-2011 và tháng 7-2020 khá giống nhau, đều đặt trong môi trường nới lỏng tiền tệ, tài khóa và lãi suất thấp. Song thời điểm hiện tại kinh tế thế giới đang chìm trong suy thoái chưa có lối thoát, trong khi giai đoạn 2011 là hậu suy thoái 2008-2009, kinh tế toàn cầu đang trong giai đoạn phục hồi.

Tóm lại giá vàng vẫn có dư địa tăng trong nửa cuối năm khi dự báo tăng trưởng toàn cầu vẫn rất ảm đạm. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đang ở mức thấp kỷ lục, đi kèm động thái không giảm thêm lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) khiến kênh đầu tư này không hấp dẫn thêm nhiều nhà đầu tư. Và trong bối cảnh Fed vẫn duy trì nới lỏng định lượng và dữ liệu kinh tế Mỹ không mấy khả quan thì đô la Mỹ sẽ không phải là lựa chọn đầu tư hấp dẫn, thay vào đó vàng là kênh đầu tư an toàn và tiềm năng sinh lời cao hơn.

Tuy nhiên, vàng có lẽ cần một nhịp điều chỉnh trong tháng 8 sau khi đã tăng quá nóng vào tháng 7. Sẽ rất khó có viễn cảnh giá vàng điều chỉnh giảm sâu trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn tồi tệ như hiện nay. Song nhịp điều chỉnh là có thể xảy ra và nếu nó diễn ra thì đó là giai đoạn cần thiết để vàng tích lũy, trước khi bắt đầu xu thế tăng mới. Giá vàng trong nước và thế giới đều ở đỉnh của mọi thời đại và vì thế các động thái mua mới đều cần được cân nhắc kỹ lưỡng, đặc biệt là giá vàng trong nước, khi có biểu hiện tăng nóng, có những lúc cao hơn giá vàng thế giới tới hơn 2 triệu đồng/lượng. 

Nhật Minh

TBKTSG





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

NHNN tiếp tục đấu thầu 16,800 lượng vàng vào sáng 25/04

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông báo sẽ tiếp tục phiên đấu thầu vàng miếng lần 2 vào sáng thứ Năm ngày 25/04/2024. 

Sau phiên đấu thầu đầu tiên, giá vàng trong nước tăng trở lại

Sau phiên đấu thầu vàng miếng đầu tiên, giá vàng miếng trong nước không những không hạ nhiệt mà còn tiếp tục tăng.

Vàng thế giới ổn định chờ dữ liệu kinh tế Mỹ

Giá vàng ổn định vào ngày thứ Ba (23/04) sau khi chạm mức thấp nhất trong hơn 2 tuần, do lo ngại dịu bớt về căng thẳng leo thang ở Trung Đông, trong khi nhà đầu tư...

Cân nhắc giảm giá tham chiếu trong các phiên đấu thầu vàng tiếp theo?

Số lượng vàng đấu thầu được và giá trúng thầu quá cao, do đó khó có thể kéo giảm giá vàng trong nước trên thị trường xuống.

3,400 lượng vàng đã trúng thầu, giá đấu cao nhất 81.33 triệu đồng/lượng

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa thông báo kết quả đấu thầu vàng miếng sáng ngày 23/04/2024.

Thanh niên Hàn Quốc đổ xô mua vàng từ máy bán tự động

Cơn sốt vàng ở Hàn Quốc đang lan sang giới trẻ, những người có ngân sách hạn chế nhưng có thể dễ dàng mua các miếng vàng nhỏ từ máy bán vàng tự động.

Vàng thế giới giảm hơn 2%, rớt mốc 2,330 USD

Giá vàng giảm hơn 2% xuống mức thấp nhất trong 1 tuần vào ngày thứ Hai (22/04), khi lo ngại về cuộc xung đột ở Trung Đông giảm bớt, khiến nhà đầu tư thu hẹp quy mô...

Vàng thế giới rớt hơn 60 USD xuống đáy 1 tuần

Giá vàng thế giới lao dốc hơn 2% trong ngày 22/04 khi nỗi lo về xung đột ở Trung Đông dịu bớt và nhà đầu tư giảm bớt vị thế trú ẩn an toàn.

Chỉ đấu thầu sẽ không đủ để bình ổn thị trường vàng?

Sáng nay (22/04), NHNN đã ra thông báo hủy đấu thầu vàng và dời lại vào sáng 23/04 do không đủ số lượng đăng ký. Thị trường vẫn đang kỳ vọng vào kết quả đấu thầu có...

NHNN sẽ đấu thầu 16,800 lượng vàng vào ngày 23/04, giá tham chiếu hạ xuống 80.7 triệu đồng/lượng

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có thông báo gửi đến các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp về việc đấu thầu vàng miếng ngày 23/04/2024.

Giá vàng và hàng hóa


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98