Kịch bản nào cho nền kinh tế quá phụ thuộc du lịch?

27/08/2020 08:30
27-08-2020 08:30:18+07:00

Kịch bản nào cho nền kinh tế quá phụ thuộc du lịch?

Không nơi nào có nền kinh tế bị thiệt hại nặng nề hơn Thái Lan, nơi ngành du lịch chiếm 11% GDP.

Khao Sản, con phố Tây giữa Bangkok, cuối tuần thường chật kín người trong những quán bar, tiệm xăm, hàng ăn, nhà nghỉ... Không khí sôi động về đêm thu hút dân du lịch bụi, đặc biệt là khách Tây.

Nhưng đó là khung cảnh xa vời thực tại. Giờ, vào một tối thứ 7 giữa tháng 8, con phố im lìm. Chỉ còn vài người Thái bước qua những cửa hiệu đóng chặt, phớt lờ lời mời của nhân viên những nhà hàng chào bán đồ ăn, thức uống...

Đường phố Khao Sản bình thường chật kín khách du lịch, nay có thừa chỗ cho người dân chơi thể thao. Ảnh: AFP

Khao Sản chính là minh chứng cho thấy rõ ràng ảnh hưởng của đại dịch tới Bangkok, thành phố đông khách nhất thế giới 4 năm liền trước khi du lịch quốc tế đóng băng.

"Tôi chưa từng thấy điều gì như này. Thường chúng tôi không có thời gian nghỉ, dù chỉ một phút", Pookie, một bồi bàn, cho hay. "Rất nhiều hàng quán ở đây đã đóng cửa, và nếu khách nước ngoài không trở lại sớm, chúng tôi phải dẹp tiệm. Có vài người địa phương đến vào cuối tuần, nhưng thế không đủ để chúng tôi trang trải", cô chỉ vào những dãy bàn trống.

Đón kỷ lục 39,8 triệu lượt khách quốc tế vào năm ngoái với mức đóng góp 11,4% GDP, Thái Lan từng kỳ vọng con số năm nay là 40 triệu lượt. Nhưng với những lệnh cấm bay và hạn chế vì dịch, ngân hàng trung ương ước tính năm 2020 xứ sở chùa Vàng chỉ đón khoảng 8 triệu lượt khách.

Top 10 thành phố khách du lịch chi tiêu cao nhất thế giới năm 2018, đơn vị tỷ USD. Ảnh: Statista

Tác động của đại dịch dường như đổ dồn vào Bangkok, nơi khách du lịch thường phải dành ít nhất một đến hai đêm ở thủ đô trước khi đến những vùng biển ngập nắng gió hay đền chùa Phật giáo trên vùng cao. Câu hỏi đặt ra là liệu đã đến lúc thành phố này nên từ bỏ mô hình phát triển du lịch đại trà.

Tony Matthews, giảng viên khoa quy hoạch đô thị và môi trường tại Đại học Griffith của Australia, nhận định câu hỏi trên là vấn đề rất nhiều thành phố trên thế giới chật vật tìm lời giải, bởi tương lai bất định của du lịch đô thị trong thời gian ngắn và trung hạn sắp tới. "Những thành phố phụ thuộc nặng nề vào du lịch đang đối mặt với khủng hoảng khổng lồ. Họ muốn đợi đến khi du lịch đại trà trở lại, hay bắt đầu phát triển những ngành công nghiệp và nền kinh tế trọng điểm khác?", ông Matthews cho hay.

"Nhưng bạn không thể nhanh chóng tái trang bị cho nền kinh tế đô thị, và quá trình chuyển đổi khỏi mô hình kinh tế phụ thuộc vào du lịch không dễ dàng, trừ phi có thứ gì đó sẵn có để thị trường tiếp quản - ít nhất phải là khoản đầu tư có lợi", chuyên gia này phân tích.

Chất lượng hơn số lượng

Vé máy bay giá rẻ thúc đẩy sự bùng nổ của ngành du lịch trong những năm gần đây, khiến các thành phố từ Amsterdam (Hà Lan) đến Sydney (Australia) quá tải. Những điểm đến nổi tiếng nhất phải chật vật cân bằng nhu cầu của người địa phương với du khách - những người thúc đẩy nền kinh tế nhưng cũng có thể gây thiệt hại.

Theo tập đoàn tư vấn McKinsey, tình trạng quá tải làm tăng giá nhà cho thuê, gây áp lực lên cơ sở hạ tầng như phương tiện công cộng và quá trình quản lý chất thải, gây tổn hại hệ sinh thái và những di sản văn hóa. Với những lệnh hạn chế vì nCoV, một số thành phố đang thay đổi chiến lược kinh tế tập trung vào ngành du lịch.

Giới chức Barcelona (Tây Ban Nha) cho biết sẽ đề cao "chất lượng hơn số lượng", quảng cáo thực phẩm địa phương và thu hút nhiều khách chi trả cao. Còn tại Amsterdam (Hà Lan), các nhà chức trách thông báo sẽ phát triển một mô hình "bánh rán vòng" - ưu tiên các mục tiêu về xã hội và sinh thái để người dân có cuộc sống tốt hơn, như cải thiện chất lượng nhà ở, hệ thống chăm sóc sức khỏe, khí hậu và đa dạng sinh học.

Matthews phân tích: "Với tương lai kiếm ít tiền hơn từ khách du lịch, Amsterdam nên cố gắng cải thiện các nền tảng kinh tế theo các cách khác. Nhưng các thành phố trên thế giới đã xây dựng vị thế du lịch và các ngành liên quan theo thời gian, do đó người dân có xu hướng phụ thuộc vào những yếu tố này sẽ không muốn thay đổi cách tiếp cận, trừ khi họ buộc phải làm vậy".

Chính phủ Thái Lan còn cấm bán hàng rong trên đường Khao San và các khu vực khác để thu hút nhiều khách du lịch hơn. Ảnh: AFP

Thái Lan đã đóng cửa một số bãi biển nổi tiếng nhất vài năm gần đây để các rạn san hô và môi trường có thời gian phục hồi, bởi ô nhiễm từ hoạt động du lịch. Các quán bar và tiệm massage "sung sướng" tại Bangkok và một số thị trấn bãi biển nổi tiếng cũng bị dẹp bỏ.

David Robinson, một chuyên gia từ lâu phản đối du lịch đại trà, đánh giá hiện các nhà chức trách có cơ hội định hướng ngành kinh tế không khói tới một mô hình bền vững hơn.

Robinson, giám đốc của Bangkok River Partners, một mạng lưới các doanh nghiệp thúc đẩy văn hóa và di sản, cho rằng: "Cuộc đua để đứng đầu bảng xếp hạng 'nơi được ghé thăm nhiều nhất' không mang lại lợi lộc gì cho đất nước này. Nhiều hơn chỉ là đông khách hơn, mà không hề tốt hơn; chắc chắn không có lợi hơn về tài chính. Mô hình này không bền vững".

Kịch bản mới

Thái Lan đã thành công trong cuộc chiến chống Covid-19, ghi nhận khoảng 3.300 trường hợp mắc bệnh và ít hơn 60 trường hợp tử vong vì nCoV. Tuy nhiên, các kế hoạch về "hành lang du lịch an toàn" với một số quốc gia sạch bóng Covid-19 trong khu vực đã bị gác lại, vì những làn sóng bùng phát mới ở Đông Á.

Thái Lan sẽ cho phép doanh nhân và khách du lịch y tế nhập cảnh có giới hạn; kích cầu du lịch nội địa với các gói kích cầu hơn 700 triệu USD để giảm chi phí khách sạn và chuyến bay cho người dân.

Tanes Petsuwan, phó giám đốc phụ trách marketing của Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT), cho biết khách du lịch nội địa chiếm khoảng 30% tổng thị trường, và trước đây chưa được chú ý nhiều.

"Đây là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất từ trước đến nay với ngành du lịch; từ sóng thần, Sars, Mers, cúm gia cầm, cho đến biến cố chính trị - không có cuộc khủng hoảng nào tồi tệ như Covid-19. Nó thay đổi mọi thứ", ông Petsuwan nói.

"Du lịch sẽ không bao giờ như trước: dòng xe khách bên ngoài Cung điện Hoàng gia hoặc chợ Chatuchak, hướng dẫn viên dẫn các đoàn khách lớn... Chúng tôi sẽ không thấy lại điều đó, vì vậy đang chuẩn bị cho một kịch bản mới".

Michael Marshall, giám đốc thương mại của Minor Hotels Group - tập đoàn điều hành hơn 500 khách sạn, cho biết trong khi thị trường hội nghị bị thu hẹp, thị trường có nhu cầu về du lịch sinh thái và các kỳ nghỉ chăm sóc sức khỏe.

Ông cho rằng phát triển thị trường du lịch xa xỉ là cơ hội để tồn tại, nhưng thị trường nội địa sẽ giúp giữ chân chúng tôi ở một mức độ nhất định.

Còn Robinson đánh giá: "Các nhà chức trách cũng không thể đơn giản "nhấn nút tắt" ngành công nghiệp giải trí, mà không có chiến lược và kế hoạch chuyển tiếp để phát triển du lịch văn hóa. Tôi khuyến khích người dân địa phương khám phá thành phố họ đang sống thêm lần nữa".

Rose Duangkamol và bạn của cô, cư dân Thái Lan, đang làm điều có ý nghĩa to lớn với ngành du lịch và dịch vụ địa phương - khi ăn mì xào trên đường Khao Sản. "Trước đây chúng tôi thường đến đây một lần mỗi tháng, nhưng giờ chúng tôi ghé thường xuyên hơn. Thật tuyệt khi đường phố không quá đông đúc", Rose bày tỏ.

Bảo Ngọc

Vnexpress







TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Biến đổi khí hậu sẽ khiến thế giới tổn thất 38.000 tỷ USD mỗi năm vào năm 2050

Nghiên cứu của PIK ước tính đến năm 2050, biến đổi khí hậu sẽ lấy đi 17% GDP của thế giới, hầu hết các nền kinh tế đều chịu tổn hại do biến đổi khí hậu và tất cả...

Hội nghị mùa Xuân 2024: Nỗ lực giữ vững sự phục hồi và phát triển ổn định

Trọng tâm của Hội nghị mùa Xuân năm nay là tập trung thảo luận các vấn đề đang được toàn cầu quan tâm, bao gồm triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới, hợp tác quốc...

Thị trường bất động sản của Mỹ gặp khó khăn do lãi suất và giá nhà cao

Doanh số bán nhà đã qua sở hữu, chiếm phần lớn doanh số bán nhà của Mỹ, đã giảm 4,3% trong tháng 3/2024, xuống mức 4,19 triệu căn.

Phố Wall lo Fed không giảm lãi suất trong năm 2024

Phố Wall đang nghĩ đến kịch bản Fed không giảm lãi suất trong năm 2024.

Cục Dự trữ Liên bang: Kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng nhẹ ở mức đồng đều

Theo mô hình GDPNow của Fed chi nhánh tại Atlanta, kinh tế Mỹ được dự báo sẽ tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng hằng năm ở mức 2,9% trong quý 1 năm 2024, sau khi tăng...

IMF: Thâm hụt tài khóa của Mỹ có thể gây rủi ro cho kinh tế toàn cầu

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), gánh nặng nợ của chính phủ Mỹ tạo ra nguy cơ ngắn hạn cho quá trình giảm lạm phát cũng như sự ổn định về tài chính về dài hạn cho...

IMF: Đà tăng của giá dầu có thể làm chệch hướng kinh tế thế giới

IMF kỳ vọng kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,2% trong năm nay và năm tới, tuy nhiên tình trạng gián đoạn trên thị trường dầu mỏ có thể là một trong những nhân tố...

Cục Dự trữ liên bang Mỹ phát tín hiệu trì hoãn cắt giảm lãi suất

Theo Chủ tịch Fed, những dữ liệu gần đây không tạo cho Fed sự tin tưởng đủ lớn để cắt giảm lãi suất, mà trái lại nó cho thấy phải mất nhiều thời gian để đạt được...

Chủ tịch ECB: NHTW sẽ sớm hạ lãi suất

Trong ngày 16/04, Chủ tịch Christine Lagarde nhận định Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể cắt giảm lãi suất trong thời gian tới, nếu không có thêm bất kỳ cú...

Trung Quốc có thể cần chi 2.100 tỉ đô la để hồi sinh thị trường nhà ở

Thị trường nhà ở Trung Quốc có thể suy yếu hơn nữa khi những nỗ lực vực dậy lĩnh vực này chưa đủ mạnh để ngăn chặn cơn suy thoái kéo dài 3 năm qua. Theo ngân hàng...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98