Kích hoạt hàng loạt dự án giao thông

08/08/2020 09:28
08-08-2020 09:28:52+07:00

Kích hoạt hàng loạt dự án giao thông

Nếu nhanh chóng được triển khai, các dự án xây dựng hạ tầng, giao thông sẽ là “liều vắc xin” giúp nền kinh tế Việt Nam thoát khỏi khủng hoảng do đại dịch Covid-19.

Nút giao thông Mỹ Thủy (Q.2, TP.HCM) tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 với việc xây thêm cầu Mỹ Thủy 3, góp phần giảm ùn tắc giao thông cho đường Đồng Văn Cống. ẢNH: ĐẬU TIẾN ĐẠT

“Thúc” từ Trung ương tới địa phương

Được nhận định là liều thuốc hữu hiệu nhất giúp toàn xã hội vượt qua khó khăn trước làn sóng Covid-19 thứ 2, nguồn vốn đầu tư công, đặc biệt trong lĩnh vực hạ tầng giao thông đang được Chính phủ cùng các bộ, ngành quyết liệt khơi thông.

Mới đây, Bộ GTVT cho biết sau khi 3 dự án đầu tư công đoạn Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn và cầu Mỹ Thuận 2 vừa đồng loạt triển khai thi công, đơn vị này đang đẩy nhanh hoàn thiện các thủ tục để khởi công 3 dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông được chuyển đổi từ hình thức công - tư (PPP) sang đầu tư công vào cuối tháng 9 (gồm đoạn Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và đoạn Phan Thiết - Dầu Giây). Theo đó, Bộ GTVT đã hoàn thành công tác phê duyệt điều chỉnh dự án từ 30.7, đã phê duyệt thiết kế kỹ thuật và dự toán các gói thầu. Dự kiến, Bộ sẽ phát hành hồ sơ mời thầu toàn bộ 13 gói thầu xây lắp của 3 dự án vào đầu tháng 8 (khoảng ngày 8.8).

Để đẩy nhanh tiến độ các thủ tục đấu thầu nhằm khởi công các dự án vào cuối tháng 9 tới như yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã yêu cầu các ban quản lý dự án tập trung nguồn lực tốt nhất, rút ngắn tối đa thời gian đấu thầu, song vẫn đảm bảo các tiêu chí khách quan, minh bạch.

Cùng với đó, 5 dự án đầu tư theo hình thức PPP cũng đã hoàn thành sơ tuyển và phát hành hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư vào cuối tháng 7, dự kiến tháng 12 tới lựa chọn xong nhà đầu tư và khởi công các dự án đầu năm 2021.

Không chỉ các dự án lớn mang tầm quốc gia được triển khai để nhanh chóng giải ngân đầu tư công, chính quyền từng địa phương cũng đang tìm mọi cách tháo gỡ khó khăn cho các dự án cầu, đường. Như UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vừa chủ động phối hợp với tỉnh Đồng Nai có văn bản kiến nghị Thủ tướng, Bộ GTVT xem xét giao UBND tỉnh này là cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết và thực hiện hợp đồng dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Đây là dự án hạ tầng giao thông quan trọng tạo thêm một tuyến kết nối giữa các đô thị lớn trong khu vực như Biên Hòa, Nhơn Trạch, Bà Rịa-Vũng Tàu và đã được Thủ tướng giao tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu bố trí ngân sách địa phương, huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để khẩn trương đầu tư theo đúng quy định

Tại TP.HCM, từ đầu năm đến nay, dù tập trung mọi hoạt động nhằm phòng, chống dịch Covid-19 nhưng Sở GTVT TP vẫn liên tục đưa thông báo phân luồng giao thông phục vụ thi công nhiều công trình hạ tầng như cầu Mỹ Thủy 3, mở rộng đường Đồng Văn Cống, xây dựng hầm chui và vòng xoay tại nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ... Bên cạnh đó, đơn vị này thường xuyên gửi văn bản đôn đốc các ban quản lý dự án, chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, đốc thúc công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) tại các dự án xây mới, sửa chữa, mở rộng cầu đường. Với khoảng 80% dự án đang tắc do GPMB, Sở GTVT TP đã kiến nghị áp trách nhiệm người đứng đầu để tránh tình trạng chây ì, “trên nóng dưới lạnh” bằng cách yêu cầu trong quá trình đăng ký kế hoạch vốn cho công tác bồi thường GPMB, khởi công xây dựng công trình phải có văn bản cam kết về tiến độ thực hiện GPMB của lãnh đạo UBND quận, huyện.

Hô hào thôi chưa đủ

TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển GTVT Việt Đức, đánh giá: Khi một nền kinh tế bước vào giai đoạn suy thoái, nhiều ngành sản xuất bị đình trệ, việc tập trung các nguồn lực, giải pháp để giải ngân vốn đầu tư công, không cắt giảm, thậm chí tăng nguồn đầu tư cho cơ sở hạ tầng bằng ngân sách nhà nước là hướng đi đúng và đã được đúc kết từ bài học kinh nghiệm của nhiều nước. Xây dựng cơ sở hạ tầng là hoạt động “ngốn” nhiều lao động, tạo ra nhiều công ăn việc làm, kéo theo nhiều dịch vụ kích thích tiêu dùng. Khi hoạt động xây dựng được tập trung thì các ngành nghề đi theo như sản xuất sắt thép, vật liệu xây dựng cũng sẽ chuyển động. Đây là chất xúc tác, mắt xích quan trọng thay đổi cục diện, ngăn chặn sự suy thoái của thị trường.

Chủ trương là đúng, tuy nhiên theo ông Tuấn, các dự án hạ tầng từ trước đến nay đã có rất nhiều vướng mắc dẫn đến chậm trễ, tắc giải ngân. Mặc dù Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo nhưng chính trong giai đoạn dịch bệnh, một số cơ quan, cá nhân vẫn không chuyển động vì ngại khó, đổ cho dịch bệnh, khiến tình hình càng trở nên khó khăn hơn. Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều dự án vướng mắc về cơ chế, thủ tục cố hữu trong các văn bản pháp lý...

“Để giải quyết vấn đề, trước hết các ban, ngành từ địa phương cần nhanh chóng rà soát lại tất cả các dự án, lên danh sách chia thành từng loại cụ thể. Những dự án nào do địa phương đầu tư bằng vốn địa phương, có quyền quyết định thì triển khai luôn, thúc các sở, ngành hành động ngay. Những dự án nào đòi hỏi thông qua HĐND thì có cơ chế thông qua sớm. Đối với các dự án cần sự can thiệp của T.Ư, đồng loạt nhiều địa phương kiến nghị thì Thủ tướng Chính phủ phải có chỉ thị đặc biệt cho phép tháo gỡ nhanh rào cản, rút ngắn một số khâu để các bộ có cơ sở hỗ trợ địa phương. Sau đó giám sát chặt chẽ, áp cam kết và chế tài đối với từng địa phương, từng sở, ban quản lý dự án... Một chủ trương được đề ra chỉ hô hào thôi chưa đủ, cần vạch ra kế hoạch, lập tức hành động thì mới có thể nhanh chóng phát huy tác dụng”, TS Vũ Anh Tuấn đề xuất.

Khi một nền kinh tế bước vào giai đoạn suy thoái, giải pháp để giải ngân vốn đầu tư công, tăng nguồn đầu tư cho cơ sở hạ tầng bằng ngân sách nhà nước là hướng đi đúng và đã được đúc kết từ bài học kinh nghiệm của nhiều nước

TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển GTVT Việt Đức 

Hà Mai

Thanh niên





MÃ CHỨNG KHOÁN LIÊN QUAN (1)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Sun Group được chấp thuận đầu tư mở rộng sân bay Phú Quốc gần 22 ngàn tỷ

Ngày 19/06, UBND tỉnh Kiên Giang trao quyết định cho CTCP Cảng hàng không Mặt trời (Tập đoàn Sun Group) làm chủ đầu tư thực hiện dự án mở rộng Cảng hàng không quốc...

Thi công ì ạch, loạt nhà thầu dự án cải tạo tuyến kênh dài nhất TPHCM bị phạt

Dự án cải tạo kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên hiện mới hoàn thành hơn 49% khối lượng, chậm so với tiến độ đề ra. Nhiều nhà thầu thi công chậm trễ đã bị...

Bình Dương trao giấy chứng nhận đầu tư KCN Bắc Tân Uyên 1 gần 786ha cho THACO

Khu công nghiệp Bắc Tân Uyên 1 có tổng diện tích gần 786ha, tổng vốn đầu tư hơn 75,000 tỷ đồng, dự kiến khởi công vào tháng 8/2025, đưa vào hoạt động một phần của...

Loạt doanh nghiệp xin làm cụm công nghiệp tại Bắc Ninh

Loạt doanh nghiệp mới đây xin đề xuất đầu tư các cụm công nghiệp trên địa bàn “thủ phủ công nghiệp” Bắc Ninh.

Khởi công dự án đường Vành đai 4 TPHCM qua Bình Dương

Dự án đường Vành đai 4 TPHCM đoạn qua tỉnh Bình Dương với chiều dài gần 48km, là công trình trọng điểm quốc gia đã được khởi công.

Thủ phủ công nghiệp Bắc Giang đón thêm loạt khu công nghiệp mới

5 tháng đầu năm 2025, Bắc Giang đã phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 cho 5 khu công nghiệp mới, tổng diện tích gần 833ha, thể hiện quyết tâm đẩy...

Tiến độ 3 KCN tại Long An từng là nợ xấu thời ông Trầm Bê

Ba khu công nghiệp (KCN) từng là khoản nợ xấu từ thời ông Trầm Bê và Ngân hàng Phương Nam, mới đây công bố báo cáo ĐTM. Sau gần 2 thập kỷ, qua tay xử lý nợ xấu của...

Văn Phú – Đèo Cả bắt tay đề xuất dự án Đại lộ cảnh quan ven sông Hồng: Kiến tạo trục sinh thái & văn hóa biểu tượng của Thủ đô

Thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 68-NQ/BCT: “Khuyến khích sự liên kết, hợp lực giữa các doanh nghiệp trong nước để kiến tạo những công trình quy mô lớn, có tầm...

Trung Nam Group góp vốn cùng 2 cá nhân làm khu công nghiệp gần 3.9 ngàn tỷ tại Ninh Thuận

Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp (KCN) Cà Ná - giai đoạn 1, tại xã Phước Diêm, tỉnh Ninh Thuận có quy mô 378ha, tổng vốn đầu tư...

Điều chỉnh quy hoạch TPHCM: Phát triển chung cư cao tầng chiếm tỷ trọng lớn

Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060 xác định phát triển nhà ở chung cư chiếm tỷ trọng lớn trong các loại hình xây dựng nhà ở mới;...

Cổ phiếu bất động sản

Cổ phiếu xây dựng


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98