Kỹ sư, thạc sĩ Ấn Độ đào mương kiếm sống vì Covid-19

29/09/2020 08:52
29-09-2020 08:52:05+07:00

Kỹ sư, thạc sĩ Ấn Độ đào mương kiếm sống vì Covid-19

Ở Ấn Độ, nhiều kỹ sư và thạc sĩ phải chuyển sang lao động chân tay để tồn tại khi kinh tế bị đại dịch tàn phá.

Một buổi chiều ở miền nam Ấn Độ, Earappa Bawge hì hục cuốc đất đào mương. Chiếc áo sơ mi trắng của anh dán chặt vào lưng vì mồ hôi. Tiếng cuốc buồn tẻ khiến anh nhớ lại niềm hy vọng đã đổ vỡ.

Chỉ vài tháng trước, chàng kỹ sư 27 tuổi này còn nghiền ngẫm những file dự án trong phòng máy lạnh tại một nhà máy cách đó hàng trăm dặm. Công việc này là tấm vé thoát khỏi cảnh nghèo đói ở nông thôn cho cả gia đình Bawge, những người đã hy sinh nhiều năm để anh có thể hoàn thành việc học.

Tuy nhiên, Bawge giờ phải trở lại làng quê nơi anh sinh ra, vì đại dịch đã tàn phá kinh tế Ấn Độ. Để tồn tại, Bawge bắt đầu đào mương theo một chương trình công trình công cộng. Cùng làm việc với anh là một cựu nhân viên ngân hàng, một bác sĩ thú y và ba sinh viên MBA. Vào cuối ngày, mỗi người nhận được 3,7 USD.

"Nếu không làm, chúng tôi sẽ không có ăn", Bawge nói khi trán còn lấm tấm mồ hôi, "Cái đói đánh bại mọi khát vọng".

Earappa Bawge (bên phải) đang cuốc đất với mức lương 3,7 USD mỗi ngày. Ảnh: Washington Post.

Khi nền kinh tế Ấn Độ lao đao vì hậu quả của một trong những đợt phong tỏa nghiêm ngặt nhất thế giới, chương trình việc làm nông thôn trở thành phao cứu sinh cho nhiều người trong hàng chục triệu người mất việc. Chương trình của chính phủ này cho phép 100 ngày làm việc không cần tay nghề ở các vùng nông thôn để chống lại đói nghèo và giảm sự biến động của tiền lương nông nghiệp.

Chương trình này cũng là giải pháp cuối cùng cho các sinh viên tốt nghiệp đại học cũng như các cựu nhân viên văn phòng khi bế tắc mưu sinh. Hơn 17 triệu người mới đăng ký tham gia chương trình từ tháng 4 đến giữa tháng 9. Gần 60 triệu hộ gia đình đã tham gia trong thời gian đó - cao hơn tổng số của cả năm ngoái và nhiều nhất trong lịch sử 14 năm của chương trình.

GDP Ấn Độ giảm 24% trong quý II/2020 so với cùng kỳ năm ngoái, tệ hơn bất kỳ nền kinh tế lớn nào khác. Trong thời gian phong tỏa toàn quốc, hơn 120 triệu việc làm đã bị mất, hầu hết thuộc khu vực phi chính thức. Nhiều công nhân đã bắt đầu quay lại làm việc nhưng lương thấp hơn trước nhiều.

Kể cả những người làm công ăn lương chính thức cũng bị ảnh hưởng lớn. Một cuộc khảo sát của Trung tâm Giám sát Kinh tế Ấn Độ cho thấy 21 triệu việc làm được trả lương đã bị mất từ tháng 4 đến tháng 8. Nhóm bị ảnh hưởng nặng nề nhất là lao động có trình độ chuyên môn như kỹ sư, giáo viên và kế toán.

Trong khi đó, đại dịch vẫn chưa có hồi kết. Ấn Độ đã ghi nhận hơn 5 triệu trường hợp nhiễm Covid-19 và đang gia tăng nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Nước này có khả năng vượt Mỹ về số ca nhiễm nếu tiếp tục với tốc độ hiện tại.

Khi nền kinh tế suy thoái, số lượng người tham gia chương trình lao động chân tay có tên MGNREGA này cao đến mức vượt xa khả năng cung cấp công việc của các hội đồng địa phương. "Chúng tôi thực sự chỉ mong đợi mọi người đến đó khi không còn gì khác", Amit Basole, Nhà kinh tế học tại Đại học Azim Premji ở Bangalore, cho biết.

Theo các quan chức địa phương, hơn 11.000 người có trình độ đại học trở lên đã làm việc theo chương trình này trong quận kể từ khi cuộc phong tỏa bắt đầu. Họ đã đào mương, vệ sinh hồ và trồng cây.

"Nhu cầu vẫn tăng", Gyanendra Kumar Gangwar, giám sát chương trình ở Bidar, cho biết, "Thật đáng buồn khi chúng tôi không thể cung cấp công việc phù hợp với trình độ của họ".

Bawge là sinh viên tốt nghiệp đại học thế hệ thứ nhất thuộc một bộ lạc bản địa, một trong những nhóm thiệt thòi nhất ở Ấn Độ. Hoàn thành tấm bằng cử nhân đồng nghĩa với việc hy sinh số thu nhập đáng lẽ có thể nuôi sống gia đình 5 người của anh trong nhiều năm.

Khi cha anh qua đời vào năm cuối đại học, áp lực đè nặng lên Bawge về việc phải tìm kiếm một công việc có thu nhập. Cuối năm ngoái, tương lai của anh có vẻ tươi sáng khi Bawge nhận vị trí quản lý tại một công ty sản xuất công cụ ở Bangalore, thủ phủ công nghệ của Ấn Độ. Anh hy vọng sẽ gắn bó tại đây và thăng tiến.

Sau đó, nhà máy đóng cửa trong thời gian phong tỏa. Anh nói rằng chuyển sang lao động chân tay không phải là quyết định dễ dàng. "Ban đầu tôi rất nản vì cảm thấy tất cả những hy sinh mà gia đình dành cho việc học của mình đã lãng phí", anh nói.

Sống cùng làng với anh còn có Atish Meter, một thanh niên 25 tuổi có bằng MBA. Giờ anh cũng đi đào mương với Bawge. Hồi tháng 2, Meter còn là nhân viên tín dụng chuyên tìm khách vay mua nhà tại một trong những ngân hàng lớn nhất Ấn Độ ở Bangalore. Anh nhận được mức lương khoảng 200 USD mỗi tháng, đủ để có thể tiết kiệm được một khoản nhỏ. Anh yêu thích công việc phải mặc sơ mi và đi giày chỉnh tề này.

Tuy nhiên, sau khi lệnh phong tỏa được áp dụng, không khách hàng nào quan tâm đến việc vay tiền. Do vậy, anh không thể hoàn thành chỉ tiêu và bị quản lý gây áp lực phải nghỉ việc. Anh trở về làng, dự kiến ở nhà khoảng một tháng, rồi trở lại thành phố tìm việc mới.

Nhưng bây giờ, Meter đang lo lắng về việc quay lại khi số ca nhiễm tăng cao ở Bangalore. "Bạn bè của tôi đã rất sốc khi biết tôi đang làm công việc này", anh nói về việc cuốc đất, "Họ nói tôi đã tốt nghiệp MBA và bây giờ lại làm cái này".

Atish Meter từng là nhân viên ngân hàng với bằng MBA giờ về quê cuốc đất. Ảnh: Washington Post.

Tình hình tương tự đang diễn ra ở các vùng khác của đất nước. Ở bang Telangana, Shankaraiah Karravula, một giáo viên đi dạy 14 năm buộc phải chuyển sang chương trình việc làm nông thôn khi không nhận được lương từ lúc trường học đóng cửa vào tháng 3. "Tôi sẵn sàng làm bất cứ công việc gì", anh nói.

Tại bang miền đông Odisha, Rajendra Pradhan, một kỹ sư 24 tuổi, gần đây đã đăng ký tham gia chương trình. "Điều đó khiến tôi đau lòng, nhưng gia đình tôi phụ thuộc vào tôi", anh nói, "Tôi không thể ngồi yên và nhìn họ đau khổ".

Khi lệnh phong tỏa chính thức được dỡ bỏ vào tháng 6, tỷ lệ thất nghiệp đã được cải thiện, nhưng nhiều chỉ số kinh tế vẫn đi xuống. Sudha Narayanan, một nhà kinh tế tại Viện Nghiên cứu Phát triển Indira Gandhi ở Mumbai, cho biết bà hy vọng chương trình công trình nông thôn sẽ vẫn là một mạng lưới an toàn quan trọng trong hai năm tới.

"Đó là lựa chọn dự phòng, nhưng không có tín hiệu nào trong nền kinh tế cho thấy tất cả các công việc sẽ khôi phục", bà cho rằng chính phủ cần mở rộng nguồn vốn cho chương trình và tăng số ngày làm việc được đảm bảo.

Đối với Bawge, công việc này đã giúp gia đình anh có miếng ăn. Anh vẫn nuôi hy vọng nhà máy sẽ gọi anh trở lại. Nơi này đã mở cửa sau khi các hạn chế được dỡ bỏ, nhưng quản lý nói rằng không có đủ công việc để tuyển lại tất cả nhân viên. "Cha tôi khăng khăng tôi phải học để có tương lai tốt đẹp hơn ông ấy", Bawge nói, "Nhưng phong tỏa đã giết chết giấc mơ của chúng tôi".

Phiên An

Vnexpress





MÃ CHỨNG KHOÁN LIÊN QUAN (1)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Vụ Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam: Cấm xuất cảnh bà Nguyễn Thị Út Em

Cơ quan chức năng TP HCM đang thực hiện biện pháp cấm xuất cảnh đối với bà Nguyễn Thị Út Em do nợ thuế thu nhập cá nhân

Vụ 4 tiếp viên hàng không vận chuyển ma tuý: Tiền giao dịch ma túy trên 25.000 tỉ đồng

Để ngăn ngừa và triệt phá các vụ án ma túy lớn, Công an TP HCM triển khai nhiều giải pháp.

Vé số Vietlott lên cơn sốt khi giải Jackpot 1 sắp chạm ngưỡng 300 tỉ đồng

Người dân tiếp tục đổ xô mua vé số Power 6/55 khi giá trị của giải Jackpot 1 sắp chạm ngưỡng 300 tỉ đồng vào kỳ quay số ngày 26-3.

TPHCM tiêu hủy gần 3,500 sản phẩm hàng hóa giả mạo thương hiệu, không rõ nguồn gốc

Ngày 24/03, Cục Quản lý thị trường TPHCM cho biết, Đội Quản lý thị trường số 9, Cục Quản lý thị trường TPHCM đã giám sát thực hiện việc tiêu hủy hàng hóa đối với...

Hàn Quốc: Nhà hàng và quán ăn được phép bán rượu theo ly từ tháng 4 năm nay

Bản sửa đổi liên quan đến việc sửa đổi nghị định thực thi giấy phép rượu tại Hàn Quốc đề xuất cho phép bán các loại rượu như soju, loại đồ uống có cồn chưng cất...

Nhiều vụ vi phạm hàng giả tại TP.HCM

Cửa hàng thiết bị gia dụng thông minh "Ông trùm nội trợ" tại quận Gò Vấp (TP HCM) kinh doanh 44 đơn vị sản phẩm hàng điện gia dụng có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu...

Cảnh báo người dùng Việt về chiến dịch lừa đảo trực tuyến qua email mới

Bên cạnh thông tin 6 hình thức lừa đảo phổ biến trên không gian mạng Việt Nam tuần qua, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cũng lưu ý người dùng Việt về chiến dịch...

Vụ Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam: Sở GD-ĐT TP HCM nói "đây là vấn đề lớn"

Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM đã thành lập đường dây nóng, tiếp nhận phản ánh, tổ xử lý đơn thư liên quan đến Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam.

Luật hóa trách nhiệm của người nổi tiếng quảng cáo sản phẩm

Dự thảo Luật Quảng cáo (sửa đổi) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố gần đây quy định người nổi tiếng khi thực hiện quảng cáo sản phẩm phải chịu trách...

Sự thật bất ngờ về 'thịt bò Kobe thượng hạng' bán la liệt với giá siêu rẻ

Thịt bò Kobe vân cẩm thạch đậm vị tan mềm khi ăn hay bò Kobe thượng hạng về lô mới... là thông tin được rao bán la liệt trên "chợ mạng". Tiểu thương khẳng định "là...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98