Lấy ý kiến người dân về thành lập Thành phố Thủ Đức

22/09/2020 13:42
22-09-2020 13:42:00+07:00

Lấy ý kiến người dân về thành lập Thành phố Thủ Đức

Các quận 2, 9, Thủ Đức (TPHCM) đã sẵn sàng cho việc tổ chức lấy ý kiến người dân thường trú trên địa bàn về việc sắp xếp 3 quận này thành đơn vị hành chính cấp huyện mới, với tên là Thành phố Thủ Đức. Việc lấy ý kiến sẽ được hoàn tất trước ngày 3-10.

Quận Thủ Đức triển khai kế hoạch lấy ý kiến người dân

Đa dạng hình thức

Hiện đồng loạt các phường An Lợi Đông, Thảo Điền, Bình An… (quận 2) đã triển khai kế hoạch tổ chức lấy ý kiến cử tri về đề án, phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn.

Tương tự, ở các quận 9, Thủ Đức, kế hoạch lấy kiến về việc thành lập Thành phố (TP) Thủ Đức cũng được thực hiện. Ngoài tổ chức tiếp xúc, lấy ý kiến trực tiếp từ các cử tri, quận, phường cũng phổ biến đến khu phố, tổ dân phố lấy ý kiến người dân (qua phiếu) để gửi đến từng hộ gia đình trên địa bàn.

Nội dung lấy ý kiến tập trung vào 2 phần. Đó là đồng ý hoặc không đồng ý với việc “sắp xếp quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức thành đơn vị hành chính mới; đồng ý hoặc không đồng ý với việc “lấy tên TP Thủ Đức”. Ngoài ra, người dân cũng có thể đóng góp những ý kiến cụ thể, bày tỏ những mong muốn về TP Thủ Đức tương lai trong phiếu lấy ý kiến.

Để kết quả lấy ý kiến đảm bảo sâu sát và hiệu quả, Bí thư phường Phú Hữu (quận 9) Nguyễn Thị Hương Hiệp cho biết, phường đã thành lập ban chỉ đạo, phân công thành các tổ lấy ý kiến và tập huấn cho thành viên trong các tổ công tác. Phiếu lấy ý kiến sẽ được phát và thu trực tiếp tại nhà dân.

Ông Trần Văn Bảy, Chủ tịch UBND quận 9, thông tin thêm, quận 9 xây dựng, triển khai hình thức tuyên truyền các nội dung về TP Thủ Đức và việc lấy ý kiến người dân đa dạng, phong phú. Trong đó, quận sử dụng nhiều hình thức tuyên truyền như loa phát thanh, trang tin điện tử quận, các trang mạng xã hội… để mọi người dân đều nắm được chủ trương thành lập TP Thủ Đức. Quận tập trung cao điểm đợt tuyên truyền, lấy ý kiến người dân từ nay đến 3-10.

Đặc biệt, để phát huy quyền của công dân, các quận tổ chức lấy ý kiến tất cả người dân trưởng thành trên địa bàn. “Đây cũng là cách để toàn bộ cử tri từ đủ 18 tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực hành vi, có hộ khẩu thường trú trên địa bàn quận nêu quan điểm, đề xuất tên cho TP mới”, ông Trần Văn Bảy nhấn mạnh.

Trong khi đó, quận Thủ Đức cũng lên kế hoạch lấy ý kiến bắt đầu tổ chức lấy ý kiến người dân ở quận từ ngày 25-9. Theo Bí thư Quận ủy quận Thủ Đức Nguyễn Mạnh Cường, đây là sự kiện quan trọng mà lần đầu quận triển khai thực hiện. Do đó, Quận ủy chỉ đạo đến các cơ quan chức năng trên địa bàn, các phường, khu phố, tổ dân phố sâu sát nhằm tiếp nhận đầy đủ, hiệu quả ý kiến của mọi tầng lớp nhân dân.

Ủng hộ và gửi gắm

Nghe tin việc tổ chức lấy ý kiến về chủ trương sáp nhập quận 2, 9, Thủ Đức thành TP Thủ Đức, gặp người quen nào, ông Nguyễn Toàn Thu (64 tuổi, phường Bình Trưng Đông, quận 2) đều dò hỏi ý kiến ra sao. Riêng bản thân mình, ông Thu thể hiện rõ sự ủng hộ.

Theo ông Thu, tuổi của ông cũng không trông mong sẽ được hưởng thụ cuộc sống ở một đô thị kiểu mới (là TP Thủ Đức) theo định hướng của TPHCM. Song con cháu ông đều cư ngụ ở quận này, nên ông hy vọng thế hệ kế thừa sẽ được sinh sống và trưởng thành trong một môi trường hiện đại.

Ông Phạm Văn Thương (phường Trường Thọ, quận Thủ Đức) cũng đánh giá cao và hoàn toàn ủng hộ việc thành lập TP Thủ Đức. Theo ông, đây là một chủ trương quan trọng, thể hiện tầm nhìn của lãnh đạo TPHCM.

Ông còn góp ý thêm, để TP Thủ Đức phát triển đúng theo định hướng, mục tiêu mà TPHCM kỳ vọng, trước hết phải có phương án cải thiện môi trường sống cho người dân. Trong đó phải giải quyết hiệu quả tình trạng ngập nước, vệ sinh môi trường, kẹt xe, nhất là giao thông phải đồng bộ với hạ tầng.

Tiếp xúc nhiều người dân khác đang cư ngụ tại quận 2, 9, Thủ Đức, phóng viên cũng nhận được những gửi gắm như mong muốn của ông Thương. Nhiều ý kiến khác còn phân tích, mục tiêu TP Thủ Đức sẽ là khu đô thị sáng tạo, tương tác cao. Đây là nơi có không gian xanh, sạch, đẹp, đáng sống.

Do đó, trước mắt TPHCM cần khoanh vùng quận 2, 9, Thủ Đức để giải quyết triệt để những tồn tại hiện nay; đồng thời chăm lo tốt hơn đến cuộc sống của người dân, nhất là đẩy mạnh chuyển đổi nghề. Người dân cũng kỳ vọng về bộ máy quản lý của TP Thủ Đức hoạt động hiệu quả, thực hiện cải cách hành chính triệt để, vừa phục vụ người dân tốt hơn, vừa tạo sự hấp dẫn trong thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Liên quan đến tên gọi của đơn vị hành chính mới sau khi sáp nhập là “TP Thủ Đức”, hầu hết người dân cho rằng tên này là có ý nghĩa. Song không ít người dân, kể cả người dân ở quận Thủ Đức cũng đề nghị cân nhắc thêm về tên gọi.

Bà Trần Hồng Ngọc (phường Phú Hữu, quận 9) phân tích, Thủ Đức vốn là tên của huyện Thủ Đức cũ (gồm cả quận 2, 9 và Thủ Đức hiện nay). Khi tái sáp nhập lại mà vẫn lấy tên TP Thủ Đức dễ gây nhầm lẫn. “Tôi nghĩ TP nên cân nhắc chọn một cái tên lột tả được vai trò, vị trí của một TP trong TP, của một đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông mà TPHCM hướng đến xây dựng”, bà Ngọc bày tỏ.

Nhiều tác động tích cực khi sáp nhập

Theo yêu cầu của UBND TPHCM, các phường có liên quan phải hoàn tất lấy ý kiến của người dân về việc sắp xếp và báo cáo cho HĐND phường trước ngày 5-10. Trước ngày 7-10, UBND các quận tổng hợp, báo cáo kết quả và gửi HĐND quận, UBND TP. Trường hợp trên 50% tổng số cử tri trên địa bàn tán thành thì HĐND các cấp liên quan thảo luận, biểu quyết tán thành hoặc không tán thành chủ trương sắp xếp. Dự kiến, ngày 12-10, HĐND TP sẽ họp về nội dung này, làm cơ sở để UBND TPHCM hoàn thiện đề án trình Bộ Nội vụ.

Hiện 3 quận 2, 9 và Thủ Đức có 36 phường. Theo dự thảo đề án sắp xếp các đơn vị hành chính ở TPHCM, sau khi sáp nhập 3 quận này thì TP Thủ Đức sẽ giảm 2 phường. Trong đó, các phường An Khánh và phường Thủ Thiêm sáp nhập thành phường Thủ Thiêm (tên dự kiến); phường Bình An và phường Bình Khánh sáp nhập thành phường An Khánh (tên dự kiến).

Trụ sở làm việc của TP Thủ Đức tạm thời sử dụng trụ sở làm việc của các cơ quan, tổ chức, đơn vị hiện có trong hệ thống chính trị của 3 quận hiện hữu, sau đó sẽ sắp xếp lại.

Dự thảo cũng xác định một số tác động tiêu cực khi thực hiện đề án như tác động đến tâm tư, tình cảm của một số cán bộ, công chức, người lao động (do có xáo trộn về bộ máy, có dôi dư cán bộ, công chức). Việc thay đổi địa chỉ sẽ ảnh hưởng đến các loại giấy tờ, hoạt động, giao dịch của người dân. Ngoài ra, việc quản lý địa giới hành chính rộng hơn so với trước sẽ là thách thức trong công tác quản lý nhà nước, nhất là về quy hoạch, tệ nạn xã hội, tình hình an ninh trật tự…

Tuy nhiên, dự thảo cũng nêu rõ những tác động tích cực khi thực hiện sáp nhập 3 quận. Đó là việc tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế và khi sắp xếp sẽ nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức cấp phường, góp phần phục vụ người dân tốt hơn. Cùng với đó là việc tập trung được nguồn lực đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, hạn chế tối đa tình trạng đầu tư dàn trải. Đặc biệt, sau khi sáp nhập sẽ tạo nhiều cơ hội thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế của địa phương, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, và cơ cấu lao động hợp lý, thu hút sự quan tâm đầu tư trong và ngoài nước…

Thu Hường - Gia Minh

Sài Gòn Đầu Tư Tài Chính







TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Điều chỉnh quy hoạch TPHCM: Phát triển chung cư cao tầng chiếm tỷ trọng lớn

Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060 xác định phát triển nhà ở chung cư chiếm tỷ trọng lớn trong các loại hình xây dựng nhà ở mới;...

KCN Tây Bắc Hồ Xá của Quang Anh Quảng Trị nâng vốn lên hơn ngàn tỷ, gia hạn tiến độ

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Trị có quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công...

Đầu tư cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc hơn 18 ngàn tỷ theo hình thức PPP

Lâm Đồng phê duyệt cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc theo hình thức PPP, tổng mức đầu tư hơn 18 ngàn tỷ đồng, với kỳ vọng giải tỏa áp lực giao thông Quốc lộ 20 và tạo đà...

Chân dung doanh nghiệp đề xuất đầu tư mở rộng 300km cao tốc Bắc Nam hơn 45 ngàn tỷ

Vidifi mới đây gửi đề xuất lên Chính phủ về việc đầu tư mở rộng 300km cao tốc Bắc Nam phía Bắc theo phương thức đối tác công - tư (PPP). Vidifi - chủ đầu tư tuyến...

Bà Rịa - Vũng Tàu sắp có đô thị mới rộng 2,900ha?

Chiều 03/06, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ chủ trì cuộc họp nghe báo cáo quy hoạch chung tỷ lệ 1/5000 Đô thị mới Phước Hải, huyện Long Đất...

Thứ trưởng Bộ Xây dựng giải đáp về phương án bỏ giấy phép xây dựng nhà ở

Đại diện từ Bộ Xây dựng nói rằng quan điểm Bộ là tạo điều kiện tối đa cho người dân và doanh nghiệp.

Thái Nguyên tìm nhà đầu tư cho khu công nghệ thông tin tập trung 3.5 ngàn tỷ

Dự án khu công nghệ thông tin tập trung Yên Bình có diện tích gần 198ha, tổng mức đầu tư 3,500 tỷ đồng, được quy hoạch tại phường Tiên Phong, TP. Phổ Yên và xã Nga...

Bộ Xây dựng yêu cầu cắt giảm ngay thủ tục cấp giấy phép xây dựng

Bộ Xây dựng yêu cầu cắt giảm thủ tục cấp giấy phép xây dựng đối với các công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng đã có quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 hoặc các công...

Mở rộng sân bay Phú Quốc: Chính phủ giao tỉnh Kiên Giang lựa chọn nhà đầu tư

Chính phủ giao UBND tỉnh Kiên Giang lựa chọn nhà đầu tư trong nước và tổ chức thực hiện Dự án đầu tư mở rộng Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc bảo đảm phù hợp với...

Bình Định duyệt chi hơn 3.2 ngàn tỷ làm đường băng số 2 sân bay Phù Cát

UBND tỉnh Bình Định có quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Dự án đầu tư xây dựng đường cất hạ cánh số 2 và các công trình đồng bộ tại khu bay Cảng hàng không...

Cổ phiếu bất động sản

Cổ phiếu xây dựng


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98