Thu thuế thu nhập cá nhân tăng: Thuế đang đánh vào động lực tăng trưởng quan trọng nhất

17/09/2020 13:55
17-09-2020 13:55:12+07:00

Thu thuế thu nhập cá nhân tăng: Thuế đang đánh vào động lực tăng trưởng quan trọng nhất

Việc số thuế thu nhập cá nhân Nhà nước thu được tăng liên tiếp trong hai tháng vừa qua, trong bối cảnh rất khó khăn hiện nay, không thể xem là điểm sáng của nền kinh tế, mà trái lại điều này có thể làm tiêu tan luôn động lực tăng trưởng quan trọng nhất của kinh tế Việt Nam – chi tiêu dùng của dân cư.

Ngành hàng không bị tác động nặng nề nhất từ dịch Covid-19. Ảnh: LÊ ANH

Báo cáo “Tác động của dịch Covid-19 đến tình hình lao động việc làm tại Việt Nam” của Tổng cục Thống kê (TCTK) công bố đầu tháng 7, đưa ra con số việc làm của 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị tác động xấu do dịch. Lực lượng lao động và lao động có việc làm đều giảm trên 2 triệu người, là mức giảm lớn nhất trong vòng 10 năm qua.

Còn tại cuộc điều tra, cũng của TCTK, nhằm đánh giá tác động của dịch Covid-19 đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được thực hiện vào tháng 4-2020, trong 126.565 doanh nghiệp trong phạm vi điều tra có tới 85,7% bị tác động bởi dịch Covid-19. Trong đó, một số ngành kinh tế có tỷ lệ doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực cao, như: hàng không 100%, dịch vụ lưu trú 97,1%, dịch vụ ăn uống 95,5%, hoạt động của các đại lý du lịch 95,7%, giáo dục và đào tạo 93,9%. Các ngành công nghiệp như dệt may, sản xuất da, các sản phẩm từ da, sản xuất các sản phẩm điện tử, sản xuất ô tô đều có tỷ lệ trên 90%...

Kết quả là, thu nhập bình quân tháng của lao động trong quí 2-2020 giảm 525.000 đồng so với quí trước và giảm 279.000 đồng so với cùng kỳ, xuống 5,2 triệu đồng. Đây là năm đầu tiên trong vòng năm năm qua thu nhập của lao động trong quí 2 giảm so với cùng kỳ năm (giảm 5,1%).

Hầu hết các loại thuế Nhà nước thu được cũng giảm, như thu thuế giá trị gia tăng giảm khoảng 17%, thuế thu nhập doanh nghiệp giảm 15,4% so với cùng kỳ. Thuế tiêu thụ đặc biệt cũng sụt giảm sâu trong quí 2.

Nhưng thật kỳ lạ, thuế thu nhập cá nhân thu được lại tăng. Theo số liệu từ TCTK, thu thuế thu nhập cá nhân tám tháng qua đạt 77.100 tỉ đồng, trong đó tháng 6 thu được 6.900 tỉ đồng, tháng 7 là 7.400 tỉ đồng và tháng 8 vọt lên 10.400 tỉ đồng.

Trong các yếu tố của cầu cuối cùng như tiêu dùng cuối cùng của dân cư, tiêu dùng của Chính phủ, đầu tư và xuất khẩu thì tiêu dùng cuối cùng của dân cư lan tỏa tốt nhất đến giá trị sản xuất và giá trị tăng thêm của nền kinh tế Việt Nam.

Dù có đưa ra bất kỳ lý do gì để lý giải thì đây vẫn cứ là hiện tượng lạ! Theo chính sách về thuế thu nhập cá nhân, sau khi chiết trừ gia cảnh cho bản thân và người phụ thuộc (nếu có), thì phần thu nhập chịu thuế sẽ được tính thuế theo biểu lũy tiến từng phần. Hơn nữa, mức giảm trừ gia cảnh cũng đã được điều chỉnh từ 9 triệu đồng/tháng lên mức 11 triệu đồng/tháng đối với đối tượng nộp thuế; điều chỉnh từ 3,6 triệu đồng lên 4,4 triệu đồng/tháng đối với người phụ thuộc. Quy định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2020 và áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020.

Như vậy, về nguyên tắc, theo quy định mới này, từ quí 3-2020 với mức giảm trừ mới tăng lên thì thuế thu nhập cá nhân thu được sẽ phải giảm. Điều kỳ lạ ở đây là thu thuế thu nhập cá nhân tăng một phần là nhờ chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc. Trong nhiều trường hợp, người lao động không đồng ý mua bảo hiểm xã hội bắt buộc, trong khi người sử dụng lao động vẫn phải trả lương. Về nguyên tắc, đó là hao phí lao động sống thì đương nhiên là chi phí của doanh nghiệp, nhưng do không mua bảo hiểm xã hội nên khi cơ quan thuế xuống quyết toán, phần chi phí này sẽ bị bóc tách ra và phải nộp 20% thuế thu nhập cá nhân cho phần lương bị bóc tách đó. Từ đó dẫn đến doanh nghiệp phải lựa chọn phương án nộp thuế thu nhập cá nhân theo phương thức lương khoán để được nộp 10% thuế trên thu nhập của người lao động (phần thu nhập này chưa trừ phần chiết trừ gia cảnh), thay vì là 20%.

GDP theo phương pháp chi tiêu chính bằng tổng cầu cuối cùng (nhiều người quen miệng gọi là tổng cầu, nhưng tổng cầu rất khác tổng cầu cuối cùng - Final Demand Expenditure) bao gồm chi tiêu dùng cuối cùng của dân cư, chi tiêu dùng cuối cùng của chính phủ, đầu tư và xuất khẩu thuần.

Xét các yếu tố của tổng cầu cuối cùng, có thể thấy tỷ lệ tiêu dùng cuối cùng của dân cư so với GDP của Việt Nam trong 10 năm qua chiếm khoảng 68% (trong khi đó tỷ lệ này của Trung Quốc chỉ là 39%, Mỹ 68%); tiêu dùng cuối cùng của Chính phủ so với GDP là 6% (Trung Quốc 14%, Mỹ 10%); đầu tư so với GDP là 30% (Trung Quốc 45%, Mỹ 25%).

Do tỷ lệ tiêu dùng cuối cùng so với GDP của Trung Quốc chỉ là 39%, nên để bù khoản thiếu hụt trong tiêu dùng cuối cùng để thúc đẩy tăng trưởng GDP, Trung Quốc phải tung ra một lượng đầu tư cực lớn chiếm tới 45% GDP.

Điều này cho thấy tiêu dùng cuối cùng của dân cư đóng vai trò quan trọng trong quy mô GDP của Việt Nam. Ngoài ra, tính toán từ các mô hình cân bằng tổng thể cho thấy, trong các yếu tố của cầu cuối cùng như tiêu dùng cuối cùng của dân cư, tiêu dùng của Chính phủ, đầu tư và xuất khẩu thì tiêu dùng cuối cùng của dân cư lan tỏa tốt nhất đến giá trị sản xuất và giá trị tăng thêm của nền kinh tế Việt Nam.

Đại dịch Covid-19 đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế thế giới và Việt Nam, đẩy kinh tế thế giới vào suy thoái với sự sụt giảm tăng trưởng còn nghiêm trọng hơn cả thời kỳ khủng hoảng tài chính 2008-2009. Trong bối cảnh đó, một trong những động lực để kinh tế Việt Nam duy trì được mức tăng trưởng dương trong năm nay là kích thích tiêu dùng của dân cư.

Tiêu dùng cuối cùng của dân cư phụ thuộc vào hai yếu tố, nghịch biến với giá cả và đồng biến với thu nhập của họ. Khi tổng thuế thu nhập cá nhân thu được tăng sẽ dẫn tới thu nhập của dân cư và đương nhiên tiêu dùng cuối cùng giảm, kéo theo GDP giảm và ảnh hưởng lan tỏa - giảm thiểu sản xuất của chu kỳ sản xuất sau.

Tóm lại, trong bối cảnh hiện nay, việc giảm thuế để gia tăng thu nhập trong dân cư không chỉ giúp kích thích chi tiêu của người dân, mà còn kích thích sản xuất ở chu kỳ sản xuất tiếp theo. Thực tế, đối tượng chịu thuế thu nhập cá nhân hiện nay đã tăng lên so với trước đây rất nhiều, nên việc miễn giảm thuế là nên xem xét bởi việc này có tác động lan tỏa trên diện rộng. Còn nếu không được hỗ trợ, người dân buộc thắt chặt chi tiêu, thì hoạt động sản xuất kinh doanh cũng sẽ thu hẹp. Vì vậy, để khôi phục nền kinh tế cần có sự can thiệp của chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa một cách nhanh chóng, dễ dàng và đúng thời điểm. 

Bùi Trinh

TBKTSG







TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Không để bị động trong quản lý, điều hành giá

Ngày 24/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá xem xét công tác quản lý, điều hành giá quý 1 và định hướng công tác...

Vụ Thuduc House: Cục Thuế TP.HCM xin giảm nhẹ cho các bị cáo trong ngành

Trước phiên xét xử phúc thẩm vụ án xảy ra tại Thuduc House, Cục Thuế TP.HCM đã có văn bản gửi các cơ quan tố tụng xin xem xét giảm nhẹ cho các bị cáo nguyên là công...

Hoàn thiện chính sách thuế giá trị gia tăng - thúc đẩy 3 động lực góp phần tăng trưởng kinh tế

Hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) phù hợp với thực tiễn Việt Nam và thông lệ quốc tế; đồng thời thúc đẩy 3 động lực chủ yếu góp phần tăng...

Gần 32.000 tỉ đồng tiền hoàn thuế trở về với doanh nghiệp

Thu ngân sách 3 tháng đầu năm qua kênh thuế được 490.196 tỷ đồng thì Nhà nước cũng hoàn thuế trở lại cho các doanh nghiệp tổng cộng 31.892 tỉ đồng.

Ngành Hải quan thu ngân sách hơn 88 ngàn tỷ đồng trong quý 1/2024

Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, quý 1/2024, số thu ngân sách của ngành Hải quan đạt 88,354 tỷ đồng, bằng 26.3% dự toán được giao, giảm 4.2% so với cùng kỳ năm...

Sửa Luật Thuế Giá trị gia tăng: Điều gì khiến doanh nghiệp chế xuất lo lắng

Sau hơn 15 năm thực hiện, Luật Thuế Giá trị gia tăng một lần nữa được sửa đổi và lấy ý kiến rộng rãi của cộng đồng doanh nghiệp. Bên cạnh những "điểm mừng", dự thảo...

Nhận diện chiêu lừa đảo mới nhằm chiếm đoạt tiền mùa quyết toán thuế

Đối tượng lừa đảo gọi điện thoại tự xưng là cán bộ thuế yêu cầu cung cấp thông tin, hình ảnh CCCD để được hỗ trợ làm thủ tục giảm thuế, hoàn thuế, quyết toán thuế...

Tổng cục Thuế yêu cầu giải quyết dứt điểm các hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng còn tồn

Tổng cục Thuế yêu cầu công tác thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế phải được thực hiện quyết liệt nhằm kiểm soát chặt chẽ việc hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) đảm...

Năm 2024 Chính phủ lên kế hoạch vay, trả nợ công tối đa 676,057 tỷ đồng 

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 260/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch vay, trả nợ công năm 2024 và Chương trình quản lý nợ công 03 năm giai đoạn...

Tổng cục Thuế: 15,931 cửa hàng đã thực hiện xuất hoá đơn bán lẻ xăng dầu

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh, sau gần 4 tháng triển khai, tính đến ngày 02/04/2024, có 15,931/15,935 cửa hàng xăng dầu trên toàn quốc đã...

Cổ phiếu ngân hàng

Cổ phiếu bảo hiểm


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98