Mấu chốt là khơi thông 'đầu ra' cho dòng vốn

10/10/2020 10:10
10-10-2020 10:10:21+07:00

Mấu chốt là khơi thông 'đầu ra' cho dòng vốn

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã lần thứ 3 trong năm nay giảm các loại lãi suất điều hành để hỗ trợ nền kinh tế cũng như kích thích tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi hiện nay lại là câu chuyện phải giải quyết đầu ra cho các doanh nghiệp, trước khi nói đến việc thúc đẩy nhu cầu vay tăng trở lại.

Ngân hàng Nhà nước đã lần thứ 3 giảm lãi suất trong năm nay. Ảnh: THÀNH HOA

Quan trọng là tháo gỡ đầu ra

Thực tế, giới phân tích cũng cho rằng tác động giảm lãi suất càng về sau này càng hạn chế, khi nền kinh tế tiếp tục gặp nhiều khó khăn và doanh nghiệp vẫn hoạt động cầm chừng, thiếu các động lực khôi phục năng lực sản xuất kinh doanh về lại như giai đoạn trước dịch, chứ chưa nói đến việc mở rộng đầu tư. Tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, nhiều quốc gia đang đối mặt với các làn sóng lây nhiễm mới và có thể tái giãn cách xã hội, khiến hoạt động thương mại toàn cầu chưa thể sớm phục hồi.

Dễ nhận thấy là dù đã có hai đợt giảm lãi suất điều hành trong tháng 3 và tháng 5, tiếp đó hàng loạt ngân hàng tiếp tục giảm mạnh lãi suất đầu vào trong quí 3 và triển khai nhiều chương trình cho vay ưu đãi, nhưng diễn biến tăng trưởng tín dụng vẫn thiếu khởi sắc khi nhu cầu vay vốn rất thấp.

Chính vì vậy, nhiệm vụ trước mắt là phải tìm cách giải quyết đầu ra cho cộng đồng doanh nghiệp, thông qua thúc đẩy tiêu dùng từ khu vực tư nhân lẫn Chính phủ bằng các chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa, đẩy mạnh chi tiêu công, ưu tiên sử dụng những sản phẩm trong nước có thể tự sản xuất được.

Các gói giải cứu cho đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh cần được triển khai nhanh chóng với các thủ tục đơn giản, phù hợp hơn. Rõ ràng khi thu nhập của người dân bị suy giảm quá mức, tác động tiêu cực lên tiêu dùng là điều tất yếu.

Ngoài ra, việc tiếp tục đa dạng các đối tác thương mại, tận dụng triệt để các ưu đãi, lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết để thúc đẩy xuất khẩu, tháo gỡ sản phẩm đầu ra cho doanh nghiệp cũng là nhiệm vụ quan trọng số một. Thông tin gần đây cho thấy hai tháng sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu vào EU tăng thêm 700 triệu đô la Mỹ, rõ ràng là một dấu hiệu lạc quan cho giai đoạn kế tiếp.

Việc kiểm soát dịch bệnh tốt cũng là điều kiện cần thiết để giữ cho các hoạt động sản xuất và tiêu dùng tiếp tục tăng trưởng trở lại. Vì vậy, trước làn sóng dịch bệnh có thể bùng phát trở lại trong mùa đông sắp tới, Việt Nam nên nâng cao các chính sách quản lý nhập cảnh và xét nghiệm chặt chẽ hơn đối với người từ nước ngoài vào.

Những tín hiệu tích cực

Kết quả cho thấy nhờ những biện pháp kiểm soát dịch bệnh tốt mà nền kinh tế sau khi lao dốc trong quí 2 đã bắt đầu hồi phục tốt trong quí 3. Cụ thể nếu như GDP quí 2 chỉ tăng vỏn vẹn 0,36% thì sang quí 3 tăng lên mức 2,62% so với cùng kỳ năm 2019. Tương tự chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quí 2 chỉ tăng 0,74% thì sang quí 3 tăng 2,34%, với ngành chế biến, chế tạo, sản xuất và phân phối điện đang phục hồi khá tốt.

Một chỉ báo khác cũng cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh đang khởi sắc trở lại là Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI), khi IHS Markit công bố báo cáo cho thấy số lượng đơn hàng mới, sản lượng và triển vọng kinh doanh của Việt Nam đều tích cực hơn so với tám tháng trước đó. Cụ thể PMI sau khi giảm sâu xuống 45,7 điểm trong tháng 8 đã bật mạnh lên mức 52,2 điểm trong tháng 9 vừa qua.

Chỉ số PMI sản xuất tháng 9 của Trung Quốc - đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, cũng bật lên mức 51,5 điểm, cao hơn mức của tháng 8, cũng là một yếu tố tích cực. Về cơ bản chỉ số này trên 50 cho thấy các hoạt động trong nền kinh tế đang được mở rộng.

Tuy nhiên, để hoạt động sản xuất tiếp tục phục hồi tốt thì việc tiêu thụ sản phẩm phải được đảm bảo. Dữ liệu thống kê cho thấy chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn tăng chậm, khi tháng 9 chỉ tăng 1,2% so với tháng trước; lũy kế chín tháng tăng 2,6% so với cùng kỳ, thấp hơn nhiều mức tăng 9,5% của cùng kỳ năm 2019.

Ở chiều ngược lại, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 30-9-2020 tăng 24,3% so với cùng thời điểm năm trước. Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân chín tháng năm nay khá cao với 75,6%, cao hơn mức 72,1% của cùng kỳ năm trước. Vì vậy, nếu tỷ lệ tồn kho tiếp tục cao khi không có giải pháp tháo gỡ đầu ra cho doanh nghiệp, hoạt động sản xuất sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực trở lại là tất yếu.

Đáng lưu ý là theo dự báo của Bộ Công Thương, từ tháng 10 này trở đi, nếu đà kiểm soát dịch bệnh được duy trì như hiện tại, sản xuất sẽ tăng trưởng cao hơn để chuẩn bị cho các tháng cuối năm khi thị trường tiêu thụ bước vào mùa cao điểm.

Ở phía cầu của nền kinh tế, nếu như tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quí 2 giảm đến 5,8% so với quí trước và giảm 4,6% so với cùng kỳ năm trước, thì bước sang quí 3 tăng vọt 14,4% so với quí trước và tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ đó mà lũy kế chín tháng đã ghi nhận sự tăng trưởng dương trở lại ở mức 0,7% so với cùng kỳ năm trước.

Khi sức cầu tiêu dùng phục hồi tốt, đầu ra của doanh nghiệp được đảm bảo thì mới có thể thúc đẩy các hoạt động sản xuất duy trì đà tăng trưởng, và doanh nghiệp mới dám đẩy mạnh vay vốn phục vụ cho hoạt động kinh doanh cũng như mở rộng đầu tư.

Số liệu cũng cho thấy diễn biến tăng trưởng tín dụng cũng song hành sát sao cùng với các hoạt động sản xuất trong nền kinh tế. Cụ thể, đi kèm với sự khởi sắc của nền kinh tế trong tháng 9 vừa qua, hoạt động cho vay trong nửa cuối tháng 9 cũng có dấu hiệu tăng nhanh hơn. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng đến ngày 15-9 nếu như chỉ mới đạt 4,81% so với đầu năm, đến ngày 22-9 là 5,12% thì đến ngày 30-9 đã lên mức 6,09% . Như vậy, chỉ trong vòng hai tuần cuối tháng 9 tín dụng đã tăng thêm 1,28 điểm phần trăm, chiếm hơn một phần năm mức tăng của cả chín tháng.

Với cao điểm mùa kinh doanh và tiêu dùng cuối năm, bên cạnh các giải pháp tháo gỡ đầu ra cho doanh nghiệp sớm mang lại kết quả tốt, kỳ vọng hoạt động cho vay sẽ tiếp tục tăng nhanh trong thời gian còn lại của năm nay. NHNN mới đây cũng cho biết kỳ vọng tín dụng những tháng cuối năm sẽ tiếp tục có mức tăng khá, dự kiến năm 2020 tăng 8-10%.

Triêu Dương

TBKTSG





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

NHNN bơm ròng mạnh nhất trong hơn một năm

NHNN đã bơm ròng 25,550 tỷ đồng trong phiên 23/04, mức cao nhất kể từ cuối tháng 2/2023. Trong đó, nhà điều hành đã cho 9 thành viên vay tổng cộng gần 36,000 tỷ...

Tăng cường đảm bảo an toàn trong mua, bán ngoại tệ

Ngày 23/04/2024, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM vừa có văn bản về việc phối hợp tuyên truyền đến người dân quy định về hoạt động mua bán ngoại tệ.

LPBank triển khai ngay Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 về việc tăng vốn điều lệ

LPBank vừa thông qua Nghị quyết Hội đồng Quản trị (HĐQT) về việc triển khai phương án tăng vốn điều lệ năm 2024.

TPBank đặt kế hoạch lợi nhuận 7,500 tỷ tăng 34% năm 2024, kết quả tích cực ngay từ quý đầu

Sáng 23/4, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank - HOSE: TPB) đã tổ chức thành công Đại hội Cổ Đông (ĐHCĐ) thường niên năm 2024. Báo cáo kết quả kinh doanh năm 2023...

Lạm phát và câu chuyện đánh đổi trong điều hành chính sách tiền tệ

Lạm phát và chính sách điều hành lãi suất từ Fed là một trong những yếu tố chính ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ của nhiều quốc gia...

Tỷ giá USD/VND tại ngân hàng và tự do vẫn nóng

Sức nóng của USD trên thị trường quốc tế duy trì ở mức cao khiến tỷ giá USD/VND tại ngân hàng và tự do tiếp tục leo dốc dù Ngân hàng Nhà nước phát đi thông báo sẵn...

Áp lực tỷ giá USD và 'bàn tay' hữu hình

Từ cuối tháng 3-2024 tới nay, đồng đôla Mỹ tiếp tục tăng giá so với nhiều đồng tiền trên thế giới, đã gây áp lực lên chính sách điều hành của nhiều nước, đặc biệt...

TS. Phạm Xuân Hòe: Tiền chạy sang vàng, ngân hàng sẽ phải tăng lãi suất để thu hút tiền gửi

TS. Phạm Xuân Hòe khẳng định tiền gửi ngân hàng giảm trong quý 1 chính là do dịch chuyển sang vàng khi lợi nhuận từ việc nắm vàng từ đầu năm đã tăng lên rất cao.

Công ty tài chính đua nhau báo lỗ, thị trường tài chính tiêu dùng còn cửa sáng?

PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân dự báo, trong năm nay, tình hình thị trường tài chính tiêu dùng khó có thể khởi sắc ngay, cần thêm thời gian để tạo sự đột phá.

VIB: Doanh thu tăng 8%, lợi nhuận quý 1 đạt hơn 2,500 tỷ đồng

Ngân hàng TMCP Quốc Tế Việt Nam (HOSE: VIB) công bố kết quả kinh doanh quý 1/2024 với kết quả tích cực, bảng tổng kết tài sản vững mạnh và hiệu quả hoạt động duy...

Cổ phiếu ngân hàng

Cổ phiếu bảo hiểm


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98