Hy Lạp tiếp tục đóng cửa ngân hàng
Hy Lạp tiếp tục đóng cửa ngân hàng
Thời gian đóng cửa hệ thống ngân hàng bị kéo dài 2 ngày so với kế hoạch để ngăn nguy cơ cạn kiệt tiền mặt, sau khi Hy Lạp bị Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) từ chối bơm thanh khoản.
Yêu cầu tăng trần Hỗ trợ Thanh khoản Khẩn cấp (ELA) được Hy Lạp gửi đi ngay sau cuộc trưng cầu dân ý ngày 5/7, ở đó người dân nước này đồng lòng phản đối yêu cầu thắt lưng buộc bụng của châu Âu. Tuy nhiên, trong cuộc họp chiều qua, ECB đã từ chối.
Nếu không được hỗ trợ, hệ thống ngân hàng Hy Lạp sẽ hết tiền trong vài ngày tới và có nguy cơ sụp đổ. Việc này đang làm tăng sức ép buộc họ tái khởi động đàm phán cứu trợ với châu Âu.
ECB cũng khiến việc tiếp cận số vốn hiện tại trở nên khó khăn hơn, khi giảm định giá tài sản các ngân hàng dùng làm thế chấp. Cơ quan này cho biết họ chỉ có thể cấp tiền nếu nhận đủ tài sản thế chấp và phải cân nhắc kỹ tình hình tài chính của Hy Lạp, do các ngân hàng này nắm giữ rất nhiều trái phiếu Chính phủ.
Người dân Hy Lạp xếp hàng rút tiền trước một ATM ở Athens. Ảnh: CT Post
|
"Việc này sẽ càng khiến hệ thống ngân hàng Hy Lạp khó khăn hơn, đồng thời cảnh báo Chính phủ Hy Lạp cần đạt thỏa thuận sớm với nhóm chủ nợ", Ken Wattret tại BNP Paribas nhận xét.
ECB là ngân hàng trung ương cho cả 19 nước khu vực đồng euro. Các quốc gia phải tuân theo quy định của họ về dòng tiền hay nguyên tắc hoạt động trong ngân hàng. Năm nay, cơ quan này đã phải nhiều lần tung hỗ trợ khẩn cấp để duy trì hệ thống nhà băng Hy Lạp.
Giới hạn rút tiền từ ATM một ngày với các chủ thẻ ngân hàng trong nước vẫn được giữ nguyên tại 60 euro, Hiệp hội Ngân hàng Hy Lạp hôm qua thông báo. Các quy định khác về chuyển tiền ra nước ngoài cũng sẽ được gia hạn.
Hệ thống ngân hàng Hy Lạp đang cạn tiền rất nhanh. Người dân nước này đã rút hàng chục tỷ euro trong vài tháng qua, do lo ngại kinh tế suy sụp. Hy Lạp đã đóng cửa ngân hàng cả tuần trước, sau khi nước này rút khỏi các cuộc đàm phán cứu trợ với châu Âu, buộc ECB đóng băng trần hỗ trợ thanh khoản.
Hôm 5/7, người dân nước này cũng đã bỏ phiếu "Không" với các điều kiện thắt lưng buộc bụng để đổi lấy gói cứu trợ của nhóm chủ nợ. Kết quả này đã làm tăng khả năng Hy Lạp có thể rời eurozone.
Trước đó, Hy Lạp đã bị Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tuyên bố vỡ nợ. Các lãnh đạo châu Âu sẽ họp bàn hôm nay để thảo luận đề xuất tái đàm phán của Hy Lạp. Nước này muốn một thỏa thuận mới với các điều kiện dễ chịu hơn và được xóa lượng lớn nợ vay. Tuy vậy, không có gì đảm bảo các quốc gia eurozone sẽ đồng ý với đề nghị như vậy.
Hà Thu