RCEP: Đừng quá thổi phồng

23/11/2020 10:42
23-11-2020 10:42:00+07:00

RCEP: Đừng quá thổi phồng

Ngày 15-11, Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), bao gồm 10 nước thành viên ASEAN và 5 nước (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand) đã được ký kết. Đây được xem là hiệp định thương mại tự do (FTA) lớn nhất thế giới có quy mô gần 27.000 tỷ USD, chiếm đến 30% tổng GDP toàn cầu với 2,2 tỷ người tiêu dùng. Việt Nam được đánh giá hưởng lợi nhiều từ “siêu FTA” này, song không ít ý kiến cho rằng không nên thổi phồng những lợi ích từ RCEP.

RCEP có lợi thế cho ngành dệt may, nhưng cơ hội này chưa chắc dành cho DN Việt. Ảnh: VIẾT CHUNG

Lợi thì có lợi…

Nói về RCEP, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM, cho rằng đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp (DN) đưa hàng vào thị trường Nhật Bản, 1 trong 3 đối tác nhập hàng dệt may lớn nhất của Việt Nam.

Cho đến thời điểm này, với Nhật Bản Việt Nam đã có 3 FTA song phương và đa phương, gồm ASEAN - Nhật Bản (AJCEP), Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA) và CPTPP, nhưng vẫn chưa thể tận dụng cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường này, do không đáp ứng được yêu cầu về quy tắc xuất xứ nên không được hưởng ưu đãi thuế quan.

Với RCEP có thể thu hút thêm DN nước ngoài, đặc biệt là DN Trung Quốc đến Việt Nam đầu tư mảng nguyên phụ liệu - yếu tố quan trọng trong việc đáp ứng quy tắc xuất xứ cho các FTA khác Việt Nam đã ký kết.

Song nhìn ở góc khác, cơ hội chưa chắc đã dành cho DN Việt Nam. Theo phân tích của một DN, trong nhóm DN xuất khẩu dệt may, da giày bao gồm DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI-phần nhiều của Đài Loan, Trung Quốc) và DN Việt Nam. Khả năng cao, các DN FDI có nguồn gốc Trung Quốc sẽ tận dụng tốt hơn cơ hội này trong cạnh tranh trực tiếp với DN Việt tại thị trường Việt Nam.

Chưa kể khi Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu vào Nhật Bản, các quốc gia khác trong RCEP như Trung Quốc (vốn trước đây chưa có FTA với Nhật Bản) cũng được hưởng điều này.

Dự báo hàng dệt may Việt Nam và Trung Quốc sẽ có cuộc đua mới khi vào xứ mặt trời mọc. Trong khi đó, tỷ lệ tận dụng của DN Việt Nam với nhiều FTA vẫn còn khá thấp, trung bình chỉ khoảng 30%.

Tương tự như dệt may, nông sản cũng là mặt hàng được đánh giá sẽ hưởng lợi khi RCEP có hiệu lực. Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho rằng với RCEP khả năng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng rau quả sang Trung Quốc - thị trường nhập khẩu rau quả lớn của Việt Nam - sẽ tăng nhanh.

Ngoài ra chúng ta cũng có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc… Nhưng trong cuộc chạy đua đẩy mạnh xuất khẩu, trái cây Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại của Thái Lan, Malaysia, Philippines. Và để thắng được trong cuộc đua này, 2 yếu tố cần đảm bảo là giá và chất lượng, tức đòi hỏi Việt Nam phải nỗ lực để chinh phục các thị trường khó tính trong khối.

Một trong những lý do RCEP được đánh giá là “siêu FTA” bởi có thị trường tiêu thụ tới 2,2 tỷ người. Tuy vậy, các nước trong RCEP phần nhiều thuộc khối sản xuất (các sản phẩm có tính tương đồng và cạnh tranh cao với hàng Việt), không phải khối tiêu thụ hàng hóa “made in Vietnam”, nên chưa thực sự là miếng bánh hấp dẫn DN.

Cẩn trọng nguy cơ

Nguy cơ đầu tiên được nói tới khi RCEP được ký là khả năng hàng hóa từ các quốc gia sẽ tràn vào Việt Nam nhiều hơn. Hiện Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN là những đối tác Việt Nam có thâm hụt thương mại lớn.

Cơ hội chưa chắc đã dành cho DN Việt Nam. Khả năng cao, các DN FDI có nguồn gốc Trung Quốc sẽ tận dụng tốt hơn cơ hội này trong cạnh tranh trực tiếp với DN Việt tại thị trường Việt Nam

Nói về cán cân thương mại với RCEP, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng RCEP về cơ bản là thỏa thuận mang tính kết nối các cam kết đã có của ASEAN với 5 đối tác trong 1 hiệp định.

Do đó không tạo ra cam kết mở cửa thị trường hay áp lực cạnh tranh mới, mà chủ yếu hướng đến tạo thuận lợi cho DN. Vì thế chúng ta không quá lo ngại về khả năng tăng nhập siêu, và DN Việt, chủ yếu là DNNVV sẽ có nhiều cơ hội tham gia chuỗi cung ứng mới do RCEP tạo ra.

Dù vậy, giám đốc một DN thuộc ngành hàng tiêu dùng chia sẻ lâu nay nhiều mặt hàng của Thái Lan được ưa chuộng ở Việt Nam và nhiều nước trong ASEAN, nên hàng Việt khi cạnh tranh trong khối rất vất vả. Nay có thêm RCEP sẽ thêm áp lực cho DN Việt.

Chúng ta có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu, có nghĩa các nước khác cũng vậy. Vấn đề là hiện nay trình độ tham gia của Việt Nam vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu vẫn còn hạn chế, thậm chí thấp hơn nhiều so với Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Philippines.

Đồng thời mức độ tham gia các công đoạn phức tạp của Việt Nam còn thấp. Theo báo cáo phát triển thế giới (WDR) năm 2020, mức độ tham gia của Việt Nam đang ở cấp độ “chế biến chế tạo mức hạn chế”, trong khi Malaysia, Thái Lan, Philippines đang ở trình độ “chế biến chế tạo và dịch vụ tiên tiến”.

Chia sẻ góc nhìn của mình, chuyên gia tư vấn tăng trưởng DN Phạm Việt Anh cho rằng mặt trái của các FTA về lâu dài là nguy cơ phá sản của ngành sản xuất yếu kém nội địa. Như vậy, nếu suy nghĩ một cách tích cực, các FTA sẽ tạo ra sức ép mạnh mẽ thúc đẩy DN trong nước về vi mô phải đổi mới để tồn tại, và vĩ mô phải đẩy nhanh tốc độ cải cách thể chế trong nước.

“Để xác định được lợi hại của các hiệp định phải có đầy đủ thông tin để suy xét thấu đáo theo hướng đa diện các lợi hại ngắn hạn và dài hạn, tính đa mục tiêu của các lĩnh vực, mới có thể đưa ra các nhận định xác thực. Tóm lại, lợi ích thấy rõ chỉ là trên lý thuyết. Cái khó nắm bắt nhất vẫn là động cơ, mục đích không nằm trên văn bản của các bên liên quan” - ông Việt Anh nhìn nhận.

Thanh Lâm

Sài Gòn Đầu tư tài Chính







TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Bộ Công Thương điều chỉnh kế hoạch cung ứng điện mùa nắng nóng 2024

Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 924/QĐ-BCT điều chỉnh kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2024 và các tháng cao điểm mùa khô...

NVIDIA tiếp tục sang Việt Nam khảo sát địa điểm đầu tư

NVIDIA, hãng sản xuất chíp trí tuệ nhân tạo hàng đầu thế giới, tiếp tục cử đoàn công tác sang Việt Nam khảo sát Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM để bỏ vốn đầu tư.

'Không ai muốn đầu tư để bán điện mặt trời mái nhà 0 đồng'

Chuyên gia cho rằng điện mặt trời mái nhà tự dùng nếu bán 0 đồng sẽ khó thu hút người dân, doanh nghiệp vì suất đầu tư không hiệu quả.

Khởi tố, bắt tạm giam ông Phạm Thái Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội

Ông Phạm Thái Hà, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội, bị bắt với cáo buộc lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để...

Xuất khẩu dệt may khởi sắc

Ngành dệt may đang đứng trước nhiều cơ hội nhưng cũng đối mặt nhiều thách thức buộc phải vượt qua để đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 44 tỉ USD trong năm 2024.

Tín chỉ carbon rừng: Nên bán hay để dành?

Có chuyên gia cho rằng nên bán tín chỉ carbon thay vì dự trữ bởi có thời hạn sử dụng, nhưng cũng có ý kiến đề xuất nên thành lập quỹ để có thể mua sớm những tín chỉ...

Ông lớn bán lẻ 190 năm của Nhật sắp mở trung tâm thương mại ở Hà Nội

Takashimaya, ông lớn bán lẻ có tuổi đời hơn 190 năm của Nhật Bản, lên kế hoạch đầu tư 13 triệu USD để xây dựng một trung tâm thương mại tại Hà Nội vào năm 2026.

Loạt đề xuất mới về kiểm kê khí nhà kính, giảm phát thải

Trong giai đoạn đầu, các cơ sở có mức phát thải lớn thuộc 3 lĩnh vực: nhiệt điện, sản xuất sắt thép, sản xuất xi măng sẽ được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà...

Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024 sẽ có một phiên họp dành riêng cho giới doanh nghiệp

Phiên họp dành riêng cho giới doanh nghiệp với chủ đề tận dụng các cơ hội để phát triển trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, do Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Thủ...

Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương trình ban hành chính sách mua bán điện trực tiếp

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách mua bán điện...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98