Chứng khoán toàn cầu rớt mạnh, giá dầu lao dốc vì biến thể mới của virus SARS-CoV-2
Chứng khoán toàn cầu rớt mạnh, giá dầu lao dốc vì biến thể mới của virus SARS-CoV-2
Chứng khoán toàn cầu rớt mạnh trong ngày thứ Hai (21/12) khi biến chủng của virus SARS-CoV-2 khiến nước Anh phải đưa ra các biện pháp phong tỏa và giới hạn di chuyển, qua đó giáng đòn nặng nề vào triển vọng hồi phục của kinh tế toàn cầu.
Hợp đồng tương lai chứng khoán Mỹ lao dốc, trong đó hợp đồng tương lai Dow Jones lao dốc hơn 500 điểm, hợp đồng S&P 500 giảm hơn 1%, qua đó chấm dứt chuỗi tăng hưng phấn của Phố Wall trong tuần trước.
Ở thị trường khác, chứng khoán châu Âu tụt dốc sau khi các quốc gia khắp châu lục này cấm du khách từ Anh trong một nỗ lực ngăn chặn lây lan biến chủng virus Covid-19 mới. Chỉ số Stoxx Europe 600 sụt 2.4%, trong đó giảm mạnh nhất là chứng khoán ngân hàng, năng lượng, du lịch và giải trí.
“Đây rõ ràng là điều mà các nhà quyết sách lo ngại”, Paul Donovan, Chuyên gia kinh tế trưởng tại UBS Global Wealth Management, cho hay. “Việc virus lây lan nhanh hơn có thể sẽ khiến các nước kéo dài các biện pháp kiểm soát Covid-19 và điều đó sẽ gây ra tác động mạnh về kinh tế”.
Giá dầu cũng rớt mạnh khi nhà đầu tư lo sợ lệnh giới hạn di chuyển tại châu Âu và Anh sẽ kìm hãm nhu cầu sử dụng nhiên liệu. Hợp đồng dầu Brent tương lai sụt 5.1% xuống 49.49 USD/thùng.
Ở Anh – nơi các quan chức vừa thông báo siết chặt các biện pháp phong tỏa tại London và khu vực lân cận, chỉ số FTSE 100 sụt 1.9%.
Càng khiến nhà đầu tư lo ngại về thị trường Anh là việc các nhà đàm phán chưa tiến tới thỏa thuận Brexit dù đã tới hạn chót ngày 20/12, qua đó làm gia tăng khả năng Anh rời khỏi EU mà không có thỏa thuận. Đồng Bảng Anh sụt 2.2% so với USD, mức giảm mạnh nhất kể từ đợt bán tháo tồi tệ nhất trong tháng 3/2020, và dao động quanh mức 1.32 USD.
Các biện pháp đóng cửa biên giới càng tiếp thêm sự căng tăng cho các nền kinh tế châu Âu vốn vẫn đang chật vật vì các biện pháp kiểm soát Covid-19. Chính phủ Anh cho biết biến chủng mới dường như lây lan nhanh hơn 70% so với các biến chủng trước đó.
“Sự xuất hiện của biến chủng nguy hiểm này sẽ làm ngắn hạn trở nên tệ hơn nhiều so với dự báo trước đó”, Nicholas Brooks, Trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế và đầu tư tại Intermediate Capital Group, cho hay.
Các hợp đồng tương lai chứng khoán Mỹ vẫn rớt mạnh mặc dù Quốc hội vừa nhất trí về gói cứu trợ 900 tỷ USD – một yếu tố sẽ xoa dịu căng thẳng cho nền kinh tế lớn nhất thế giới trong mùa đông. Gói cứu trợ này cũng sẽ thúc đẩy chi tiêu trong vài tháng tới.
“Đây là một liều thuốc chống trầm cảm hơn là gói kích thích”, ông Donovan cho biết. “Liệu việc phát thêm 600 USD cho dân và trợ cấp thất nghiệp thêm 300 USD có đủ để xoa dịu nỗi lo thất nghiệp hay không. Chúng tôi cũng không chắc”.
Tại thời điểm này, nhà đầu tư và chuyên gia kinh tế cho biết biến chủng virus mới và các biện pháp kiểm soát di chuyển có thể có tác động hạn chế đối với công ty và thị trường Mỹ. Các quan chức tại đây ít sẵn lòng đưa ra biện pháp giới hạn di chuyển và hoạt động kinh doanh hơn các quốc gia châu Âu. Ngoài ra, biến chủng này cũng chưa xuất hiện tại Mỹ và các quan chức lên tiếng trấn an, đồng thời kêu gọi người dân tăng cường cảnh giác trong ngày 20/12.
“Miễn ra vắc-xin Covid-19 được tung ra trước quý 2/2021 như kế hoạch, hoạt động kinh tế tại Mỹ sẽ trở lại bình thường”, ông Brooks nói thêm. Biến chủng mới và biện pháp kiểm soát di chuyển từ các quốc gia khác sẽ không làm thay đổi triển vọng trong trung hạn của nền kinh tế Mỹ, vị chuyên gia này nói thêm.
Trên thị trường trái phiếu, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống 0.91%, từ mức 0.947% trong ngày 18/12. Đồng USD tăng giá so với Euro, Yên Nhật và Bảng Anh, từ đó đẩy chỉ số USD tăng 1%.