Thế hệ bị bỏ rơi thứ hai

20/01/2021 15:11
20-01-2021 15:11:32+07:00

Thế hệ bị bỏ rơi thứ hai

Fang Tiantian vẫn nhớ nỗi đau ngày nhỏ khi bị cha mẹ bỏ lại ở làng. Nhưng 20 năm sau cô cũng bỏ lại con mình khi vừa cai sữa.

Đến lúc này, khi đã 30 tuổi, Fang hiểu tại sao bố mẹ lại làm vậy. Vào đầu những năm 90, quê hương cô ở tỉnh Quý Châu rất nghèo, con đường duy nhất để thoát khỏi cảnh đó là tìm việc ở các thành phố.

Nhưng những tổn thương mà Fang trải qua là có thật. Vắng cha mẹ, chỉ có ông bà ngoại già yếu, cô phải tự chăm sóc mình. Lớn lên Fang thành người tự ti, thu mình và biết không thể dựa vào bất kỳ ai. "Lần đầu tiên có kinh nguyệt tôi đã nghĩ rằng mình sắp chết", cô nhớ lại.

Hơn 20 năm sau, ngay sau khi sinh con, vợ chồng cô quay trở lại công việc ở Thượng Hải - để lại đứa con gái nhỏ ở quê, cách hơn 2.000 km.

Một đứa trẻ bị bỏ lại. Ảnh: Sixthtone.

Đó là thực trạng diễn ra trên khắp các vùng quê Trung Quốc mấy chục năm trở lại đây. Hàng triệu bậc cha mẹ - từng là con cái của những người lao động di cư - lặp lại việc sống xa con cái để làm những công việc được trả lương cao hơn ở thành thị. Họ xem việc sống xa nhau cả năm là bình thường. Xu hướng này đang tạo ra "thế hệ bị bỏ rơi thứ hai".

Fang mô tả cuộc sống của cô là "điển hình" của một đứa trẻ đến từ nông thôn. Bỏ học sớm, cô đến Thượng Hải năm 16 tuổi để làm việc tại một thẩm mỹ viện. Cô trở về quê vào đầu những năm 20 tuổi để kết hôn và sinh con, nhưng lại ra đi khi con gái tròn 2 tuổi. Vào thời điểm đó, Fang chưa bao giờ nghĩ nhiều đến việc ở cùng con tại quê nhà. Bất chấp tuổi thơ bất hạnh, cô cảm thấy việc ra phố mưu sinh là bình thường.

"Tất cả con của đồng nghiệp trong thẩm mỹ viện của tôi đều được ông bà nuôi dưỡng. Và tất cả con của chúng tôi đang được ông bà chăm sóc", cô nói.

Nhiều nghiên cứu phát hiện, bất kể "đã cảm thấy quen" đến thế nào, những đứa trẻ bị bỏ rơi có thể bị tổn thương tâm lý nghiêm trọng. Cảm xúc của trẻ bị bỏ lại tiêu cực hơn đáng kể so với những đứa trẻ có bố mẹ ở bên và gặp khó khăn giao tiếp. Nhiều người oán hận cha mẹ, hơn 10% mô tả cha mẹ là "đã chết".

Hồi chuông cảnh tỉnh Fang là vào năm 2015, khi cô đọc được tin 4 đứa trẻ, tuổi từ 5 đến 13 bị bỏ rơi từ vùng nông thôn Quý Châu, đã tự tử bằng cách uống thuốc trừ sâu. "Tôi không thể bình tĩnh lại được. Một đứa trẻ phải tuyệt vọng đến mức nào khi nói cái chết là giấc mơ của nó trong nhiều năm?", cô nói. Ngay tối hôm đó, cô đã gọi cho con gái mình để xem con có ổn không.

Liu và con gái. Ảnh: Sixthtone.

Vụ việc đã gây ra làn sóng phản đối kịch liệt trên toàn quốc, "đưa" hoàn cảnh của những đứa trẻ bị bỏ rơi lên chương trình nghị sự của các chính trị gia Trung Quốc. Vào đầu năm 2016, Trung Quốc, đã đặt mục tiêu "giảm đáng kể" số trẻ em bị bỏ rơi vào năm 2020.

Trong những năm tiếp theo, chính quyền Trung Quốc đã thông qua một loạt cải cách nhằm khuyến khích các gia đình nông thôn ở cùng nhau. Không chỉ tạo việc làm ngay tại địa phương, chính phủ nước này cũng thực hiện những thay đổi mang tính bước ngoặt đối với hệ thống hộ khẩu, ra lệnh cho các thành phố có dân số từ 1 đến 3 triệu người cho phép người nhập cư đăng ký thường trú. Các thành phố lớn hơn, đặc biệt là siêu đô thị như Bắc Kinh và Thượng Hải có chính sách tạo điều kiện cho trẻ nhập cư học tập.

Những nỗ lực này đã đạt được một số thành công. Năm 2019, ước tính có khoảng 8,5 triệu lao động di cư đã trở về quê hương so với 2,4 triệu năm 2015. Nhưng do sự chênh lệch đáng kể về trình độ phát triển giữa các khu vực của Trung Quốc - chẳng hạn như GDP bình quân đầu người của Thượng Hải cao gấp ba lần so với Quý Châu - người di cư thường miễn cưỡng trở về quê. Hơn nữa nhiều bậc cha mẹ phải gửi con về quê sau tiểu học, do trường công ở thành phố hết chỉ tiêu.

Mỗi năm, khoảng 70.000 học sinh trung học cơ sở rời các thành phố Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến để trở về vùng nông thôn Trung Quốc. Những "trẻ em bị trả lại" này chiếm hơn 20% học sinh tại các trường công ở nông thôn, nơi các em thường dễ bị lạm dụng và bắt nạt.

Trong khi đó, ở một số làng, sự ly tán trong gia đình vẫn là "sự bình thường". Liu Yue, người điều hành một trường mẫu giáo ở tỉnh Hà Nam, ước tính rằng 70 trong số 100 học sinh của cô là trẻ em bị bỏ rơi. Mặc dù chồng Liu và nhiều người hàng xóm của cô ấy ra phố, nhưng cô gái 27 tuổi không bao giờ muốn rời xa đứa con gái 2 tuổi của mình.

Khi còn nhỏ, Liu chỉ gặp cha mỗi năm một lần. Cô nhớ rõ cảm giác phấn khích nghe tin bố về và sự nhút nhát khi bố ở bên mấy ngày ngắn ngủi. "Ngày đầu tiên tôi chỉ dám nhìn bố từ xa. Ngày thứ hai, tôi mới đủ can đảm để gọi bố", cô nói.

Liu nhạy cảm đến độ nhìn một học sinh mới biết ngay em có bố mẹ ở bên hay không. Giống như cô, trẻ bị bỏ rơi thiếu tự tin, nhưng rất kiên cường và tự chủ. "Nếu ngã, chúng sẽ không khóc. Chúng đứng dậy, phủi bụi bẩn và tiếp tục đi. Nhìn các con tôi thấy phiên bản mình ngày nhỏ", cô chia sẻ và tin, sự vắng mặt dài ngày của cha góp phần vào bất an thường trực trong mình.

Nhà làm phim 35 tuổi, Jiang Nengjie, ở Hồ Nam, nói: "Về một mặt nào đó những đứa trẻ bị bỏ rơi bây giờ còn bất hạnh hơn xưa". Hầu hết những đứa trẻ thế hệ anh, cha mẹ rời quê đi khi con đã đi mẫu giáo hoặc cấp một. Nhưng bây giờ cha mẹ ỷ vào công nghệ mà rời xa từ lúc con còn ẵm ngửa.

Anh Jiang làm hàng chục bộ phim về những đứa trẻ bị bỏ lại tại quê nhà của mình. Ảnh: Sixthtone.

Jiang vẫn nhói lòng nhớ nỗi đau mà anh và các chị em của mình cảm thấy vào ngày mẹ phải đi làm và 12 tháng nữa mới được gặp mẹ. "Ngày hôm đó cả nhà chúng tôi ăn sáng cùng nhau, không ai nói chuyện với ai. Sau đó, chúng tôi đứng ở cửa, nhìn mẹ rời đi mà không nói một lời này", anh tâm sự.

Ở Thượng Hải, Fang và chồng cô bận bịu công việc từ 10h sáng đến 11h đêm, 6 ngày mỗi tuần, ít có thời gian gọi điện cho con cái. Mỗi năm vợ chồng cô gặp con 10 ngày dịp Tết Nguyên Đán. Dịch bệnh đầu năm 2020 cho phép Fang ở quê 2 tháng. Đây là khoảng thời gian cô nhận ra cần phải thay đổi.

Lý do vì Fang nhìn thấy con 9 tuổi trộm tiền của ông bà nội. Con gái chưa bao giờ được dạy nói không với người lạ. Fang cũng nhận thấy một số dân làng đã trở về nhà và kiếm sống bằng việc bán nông sản qua mạng xã hội. Cô bàn với chồng và cuối cùng quyết định: Sau Tết năm nay sẽ cùng nhau trở về Quý Châu.

"Trước đây, bố mẹ tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc làm việc ở thành phố. Nhưng bây giờ chúng tôi có nhiều cách để kiếm tiền tại nhà. Vậy tại sao tôi phải bỏ con gái mình lại?", cô nói.

Bảo Nhiên

Vnexpress





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Shopee, Lazada, TikTok kiếm nghìn tỷ tại Việt Nam nhờ phục vụ chị em

Tổng doanh thu bán lẻ 5 sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Tiktok Shop Quý 1/2024 đạt hơn 71.000 tỷ đồng, trong đó phần không nhỏ tới từ các món...

Vé máy bay dịp lễ 30-4, 1-5 đang cạn nhanh

Các chuyến bay từ Hà Nội, TP HCM đến địa phương vào thời gian bắt đầu kỳ nghỉ 30-4, 1-5 đã bán từ 75-100% số vé, tính chất di chuyển "lệch đầu" thể hiện rõ nét

Giám đốc Nhã Nam: Không chỉ là lời xin lỗi “nhã nhặn”!

Sau 9 năm gắn bó, ngày 16/4, tiến sĩ Đặng Hoàng Giang thông báo dừng hợp tác với Nhà xuất bản Nhã Nam. Qua 2 ngày giữ im lặng trước cơn bão dư luận, rạng sáng 18/4...

Giá vé bay cao ngất ngưởng, người dân chọn du lịch bằng xe cá nhân

Vé máy bay giá cao chót vót, một số chặng ngắn của ngành đường sắt “khan vé” đã khiến nhiều người dân lựa chọn đi du lịch bằng xe cá nhân nhằm tiết giảm chi phí.

Đường bay nào đang 'sốt' vé dịp nghỉ 30/4-1/5?

Các chặng bay xuất phát từ Hà Nội và TPHCM đi các điểm du lịch như Nha Trang, Buôn Ma Thuột, Đà Nẵng, Côn Đảo, Phú Quốc, Quy Nhơn, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, tỷ lệ...

Phim có doanh thu cao trong nền điện ảnh còn… thấp!

Năm ngoái, với việc vượt mốc doanh thu hơn 200 tỷ đồng chỉ sau hơn 1 tuần phát hành, “Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh” đã giúp Lý Hải xác lập và giữ vững kỷ lục thực...

Giá vé máy bay cao điểm: Thái Lan rẻ gây sốc, Việt Nam vẫn 'trên trời'

Việc Thái Lan giảm giá vé máy bay ngay trước lễ hội Songkran (tết té nước) chứng tỏ quyết sách táo bạo ít quốc gia nào theo kịp. Trong khi tại Việt Nam, mùa cao...

Nghỉ lễ 30/4 - 1/5: Thủ tướng chốt nghỉ 5 ngày

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 2450/VPCP-KGVX ngày 12/4/2024 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc hoán đổi ngày làm việc dịp nghỉ lễ...

TPHCM: Phạt nguội hơn 29,000 trường hợp trong quý 1/2024

Đại diện Công an TPHCM cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2024, lực lượng Cảnh sát giao thông TP đã gửi 29,200 thông báo vi phạm cho chủ phương tiện. Đến thời điểm...

Nghỉ lễ 30/4-01/05: Trình Thủ tướng phương án nghỉ 5 ngày liên tục

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc hoán đổi ngày làm việc để dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm 2024, người lao động...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98