Mùa hè 'ảm đạm' đón chờ kinh tế châu Âu

22/03/2021 08:52
22-03-2021 08:52:37+07:00

Mùa hè 'ảm đạm' đón chờ kinh tế châu Âu

Tốc độ tiêm phòng vaccine Covid-19 chậm chạp ở các nước Liên minh châu Âu (EU) báo hiệu điềm xấu cho hàng triệu việc làm và các doanh nghiệp phụ thuộc vào hoạt động du lịch trong mùa hè sắp tới.

Bàn ghế được xếp lại bên ngoài một quán bar ở TP. Turin, Ý sau khi giới chức trách tái áp đặt lệnh phong tỏa với 2/3 đất nước trong 3 tuần kể từ ngày 15-3 để kìm hãm số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đang trong nhanh. Ảnh: Getty

Chiến dịch tiêm chủng triển khai nhanh chóng ở Mỹ,  hứa hẹn đưa hàng triệu người Mỹ quay trở lại kỳ nghỉ ở gần các bãi biển vào mùa hè này. Ngược lại, người dân và nền kinh tế châu Âu đang phải đối mặt là một mùa hè ‘ảm đạm’.

Du lịch mùa hè đối mặt viễn cảnh u ám

Các chính phủ của EU từng hy vọng rằng số lượng người châu Âu được tiêm vaccine Covid-19 vào đầu năm 2021 sẽ đạt mức đủ để nới lỏng lệnh phong tỏa, mở ra một mùa hè tương đối bình thường cho mọi người. Đối với hàng triệu doanh nghiệp cầm cự trong suốt mùa đông vừa qua,  đặc biệt là ở Ý, Hy Lạp và Tây Ban Nha, nơi du lịch tạo ra một phần lớn việc làm và hoạt động kinh tế, viễn cảnh đó mang lại cái thở phào nhẹ nhõm.

Song tốc độ chậm chạp của chiến dịch tiêm chủng của EU, cộng với những lo ngại gần đây về tính an toàn của vaccine Covid-19 của hãng dược AstraZeneca, có thể khiến nền kinh tế châu Âu đối mặt với một mùa hè mất mát kinh doanh. Một số quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc lớn vào du lịch như Tây Ban Nha thậm chí có thể tăng trưởng âm một lần nữa trong năm nay.

Nhiều nước EU, bao gồm cả Pháp và Ý,  đã tái áp đặt các hạn chế đi lại nghiêm ngặt và đóng cửa nền kinh tế một phần khi họ đương đầu với làn sóng lây nhiễm Covid thứ ba với số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đang tăng cao trở lại.

Theo dữ liệu của Google Mobility, hiện nay, số lượt khách ghé thăm các không gian bán lẻ và giải trí như nhà hàng, quán cà phê và trung tâm mua sắm ở Tây Âu chỉ bằng một nửa so với trước đại dịch. Ở Mỹ, số lượt khách ghé những nơi này chỉ thấp hơn khoảng 10% so với trước đại dịch.

Việc tái áp đặt phong tỏa dự kiến sẽ khiến khu vực sử dụng đồng euro (eurozone), vốn được dự báo suy giảm 3 tháng đầu năm 2021, bước vào cơn suy thoái kép.

Giờ đây, chiến dịch tiêm chủng chậm chạp có thể khiến nền kinh tế eurozone sa lầy trong nhiều tháng. Các nước EU lớn như Pháp, Đức và Ý chỉ mới tiêm ít nhất một mũi vaccine Covid-19 cho chưa đến 10% dân số của họ, so với mức 23% ở Mỹ.

EU đề ra mục tiêu cho các nước thành viên là đến tháng 9, phải phải tiêm vaccine xong cho 70% dân số của họ. Nhưng mục tiêu đó vẫn không chắc chắn do các vấn đề về nguồn cung vaccine Covid-19 và nhiều người dân châu Âu từ chối tiêm vaccine của AstraZeneca.

Giorgio Ravecca, người điều hành một khu nghỉ mát trên bờ biển phía tây bắc của Ý, đang lo ngại chính phủ Ý sẽ hạn chế hoạt động du lịch bãi biển trong năm nay. Chính phủ Ý đã đóng cửa các điểm trượt tuyết trong suốt mùa đông vừa qua, điều mà ông Ravecca lo ngại có thể xảy ra với lĩnh vực kinh doanh của mình. Đối mặt  với số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng nhanh trở lại, giới chức trách ở Ý đã tái áp lệnh phong tỏa nghiêm ngặt đối với 2/3 đất nước trong một tháng kể từ ngày 15-3.

Ravecca nói: “Nhà chức trách đã mất quá nhiều thời gian để triển khai tiêm vaccine Covid-19 và đã quá trễ để giúp chúng tôi vào mùa hè này”.

Du lịch và lữ hành đóng góp khoảng 13% GDP của Ý, theo Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC). Tỷ lệ đó tăng lên 14% đối với Tây Ban Nha và 21% ở Hy Lạp.

Theo Công ty tư vấn Oxford Economics, tổng doanh thu từ du lịch và lữ hành của Ý vào năm ngoái giảm 50%, xuống còn 88 tỉ euro và mức giảm ở Tây Ban Nha là gần 2/3 so với năm trước đó, chỉ còn 44 tỉ euro.

Tái mở cửa chậm trễ sẽ kìm hãm tốc độ phục hồi kinh tế

Vẫn chưa rõ các chính phủ ở châu Âu sẽ áp đặt những hạn chế đi lại đến mức nào vào mùa hè sắp tới. Việc cho phép người dân đi du lịch với ít hạn chế vào mùa hè năm ngoái đã gieo mầm cho làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai ở châu Âu.

Trong khi Hy Lạp và Bồ Đào Nha cho biết họ sẽ bắt đầu mở cửa biên giới vào tháng 5 để đón du khách nước ngoài, sự gia tăng mới về số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 có thể khiến họ phải lùi lại kế hoạch này.

Trước khi các chương trình tiêm chủng ở châu Âu bắt đầu vấp phải khó khăn do thiếu nguồn cung vaccine và lo ngại về tính an toàn, các nhà hoạch định chính sách dự báo ​​ kinh tế của khu vực này sẽ cải thiện nhanhh trong suốt mùa hè nhờ chiến dịch tiêm chủng tăng tốc.

Theo kịch bản đó, chỉ dưới một nửa trong số 19 nước thành viên của khu vực eurozone phục hồi GDP về mức trước đại dịch  ào cuối năm 2021 dù nền kinh tế eurozone được dự báo tăng trưởng khoảng 4% trong năm nay.

Thất thu kinh doanh trong mùa hè mất mát sẽ ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp. Nếu việc mở cửa trở lại bị trì hoãn 3 tháng hoặc lâu hơn, EU dự báo ​​khu vực kinh tế eurozone chỉ tăng trưởng 2,5% trong năm nay. Nếu kịch bản đó diễn ra, eurozone sẽ chưa phục hồi đầy đủ vào cuối năm 2022. Hơn nữa, sự phục hồi chậm chạp có thể gây ra tổn thương lâu dài hơn đối với nền kinh tế eurozone.

Ngay cả khi các hạn chế đi lại được dỡ bỏ vào mùa hè này, EU dự kiến ​​GDP của Ý và Tây Ban Nha sẽ chưa trở lại mức trước đại dịch cho đến cuối năm 2022, muộn hơn một năm so với Đức, làm trầm trọng thêm sự chia rẽ từ lâu giữa miền bắc giàu có của châu Âu với miền nam, nơi kinh tế phát triển yếu kém hơn.

Các nhà kinh tế của Ngân hàng Morgan Stanley dự báo nền kinh tế Tây Ban Nha có thể suy giảm một lần nửa trong năm nay nếu hoạt động kinh doanh trong mùa du lịch cao điểm vào mùa hè này yếu hơn so với năm ngoái.
Trong khi ngành dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề, một số nhà sản xuất châu Âu đã thích ứng trước các hạn chế đi lại, giúp họ tránh phải đóng cửa vào năm 2020 và phục hồi mạnh mẽ trong năm nay.

Trong tháng 1, sản xuất công nghiệp ở khu vực eurozone tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước đó, chậm dứt hai năm suy giảm. Lĩnh vực sản xuất của Ý ghi nhận tăng trưởng trong tháng 2, nối dài đà tăng trưởng sang tháng thứ tám liên tiếp. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất mạnh mẽ khó có thể bù đắp hoàn toàn sự trì trệ ở lĩnh vực dịch vụ của châu Âu do các đợt phong tỏa mới.

Đồng thời, các ngân hàng châu Âu đang đặt ra các điều kiện khó khăn hơn và tốn kém hơn đối với các doanh nghiệp và hộ gia đình muốn vay vốn vì lo ngại rằng đại dịch kéo dài sẽ ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của họ, theo dữ liệu của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Hoạt động cho vay của ngân hàng đối với các doanh nghiệp ở eurozone gần như ngưng trệ trong khoảng thời gian từ tháng 12-2020 đến tháng 1-2021. Tuần trước, ECB cho biết họ sẽ tăng cường mua trái phiếu của eurozone để kìm hãm chi phí vay nợ đang tăng nhanh.

Khánh Lan

TBKTSG





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Biến đổi khí hậu sẽ khiến thế giới tổn thất 38.000 tỷ USD mỗi năm vào năm 2050

Nghiên cứu của PIK ước tính đến năm 2050, biến đổi khí hậu sẽ lấy đi 17% GDP của thế giới, hầu hết các nền kinh tế đều chịu tổn hại do biến đổi khí hậu và tất cả...

Hội nghị mùa Xuân 2024: Nỗ lực giữ vững sự phục hồi và phát triển ổn định

Trọng tâm của Hội nghị mùa Xuân năm nay là tập trung thảo luận các vấn đề đang được toàn cầu quan tâm, bao gồm triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới, hợp tác quốc...

Thị trường bất động sản của Mỹ gặp khó khăn do lãi suất và giá nhà cao

Doanh số bán nhà đã qua sở hữu, chiếm phần lớn doanh số bán nhà của Mỹ, đã giảm 4,3% trong tháng 3/2024, xuống mức 4,19 triệu căn.

Phố Wall lo Fed không giảm lãi suất trong năm 2024

Phố Wall đang nghĩ đến kịch bản Fed không giảm lãi suất trong năm 2024.

Cục Dự trữ Liên bang: Kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng nhẹ ở mức đồng đều

Theo mô hình GDPNow của Fed chi nhánh tại Atlanta, kinh tế Mỹ được dự báo sẽ tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng hằng năm ở mức 2,9% trong quý 1 năm 2024, sau khi tăng...

IMF: Thâm hụt tài khóa của Mỹ có thể gây rủi ro cho kinh tế toàn cầu

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), gánh nặng nợ của chính phủ Mỹ tạo ra nguy cơ ngắn hạn cho quá trình giảm lạm phát cũng như sự ổn định về tài chính về dài hạn cho...

IMF: Đà tăng của giá dầu có thể làm chệch hướng kinh tế thế giới

IMF kỳ vọng kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,2% trong năm nay và năm tới, tuy nhiên tình trạng gián đoạn trên thị trường dầu mỏ có thể là một trong những nhân tố...

Cục Dự trữ liên bang Mỹ phát tín hiệu trì hoãn cắt giảm lãi suất

Theo Chủ tịch Fed, những dữ liệu gần đây không tạo cho Fed sự tin tưởng đủ lớn để cắt giảm lãi suất, mà trái lại nó cho thấy phải mất nhiều thời gian để đạt được...

Chủ tịch ECB: NHTW sẽ sớm hạ lãi suất

Trong ngày 16/04, Chủ tịch Christine Lagarde nhận định Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể cắt giảm lãi suất trong thời gian tới, nếu không có thêm bất kỳ cú...

Trung Quốc có thể cần chi 2.100 tỉ đô la để hồi sinh thị trường nhà ở

Thị trường nhà ở Trung Quốc có thể suy yếu hơn nữa khi những nỗ lực vực dậy lĩnh vực này chưa đủ mạnh để ngăn chặn cơn suy thoái kéo dài 3 năm qua. Theo ngân hàng...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98