Mối nguy cá tầm nhập từ Trung Quốc

03/04/2021 19:00
03-04-2021 19:00:00+07:00

Mối nguy cá tầm nhập từ Trung Quốc

Nhiều loại cá tầm được nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam không chỉ không thuộc danh mục cho phép nhập mà còn có nguy cơ ảnh hưởng đến quá trình sinh sản, phát triển của các loài sinh vật khác tại Việt Nam.

Nhiều mẫu cá tầm nhập khẩu từ Trung Quốc đều không thuộc danh mục cho phép nhậpTỔNG CỤC QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG

“Giết” nghề nuôi cá tầm trong nước

Ngày 2.4, một tin rao bán cá tầm trên nhóm “Tôi là dân T.P” đặc biệt gây chú ý cho các bà nội trợ ở TP.HCM vì giá rẻ sốc. Trong khi cá tầm sống bán tại các cửa hàng chuyên hải sản nổi tiếng và trong siêu thị tại TP.HCM giá từ 270.000 - 280.000 đồng/kg thì trên trang này rao chỉ 85.000 đồng/kg, trung bình mỗi con nặng từ 700 - 900 gr.

Liên hệ để mua, người bán khẳng định: “Đây là cá từ trại của ông anh trên Đà Lạt, cá nuôi bị chết ngộp, còn tươi chứ không phải cá đông lạnh của Trung Quốc”. Hỏi tiếp trại nuôi cá của “ông anh” đặt ở đâu ở Đà Lạt, người bán lắc đầu bảo trại nằm trên đồi, lâu nay chuyên cung cấp cho nhà hàng quán ăn, nay vì chết ngộp nên mới bán rẻ vậy.

Thực tế, thị trường cá tầm đang “vàng thau lẫn lộn” mà không chỉ với người mua, người bán cũng không phân biệt được xuất xứ cá, ngoại trừ căn cứ vào… giá cả. Bà Minh Trang, chuyên kinh doanh sỉ các loại thủy hải sản khu vực chợ đầu mối Bình Điền (TP.HCM), cho hay cá tầm tươi loại 1 bán sỉ giá 250.000 đồng/kg là thấp nhất. Loại này chỉ có nhà hàng sang trọng mới mua và bán ra gấp 2 - 3 lần so với giá gốc, từ 600.000 - 800.000 đồng/kg. Còn loại nhỏ chưa tới 1 kg/con, giá tầm 200.000 - 220.000 đồng/kg. Tuy nhiên, loại này thường lẫn lộn giữa cá nuôi trong nước và cá nhập về từ Trung Quốc.

“Rất nhiều người rao bán cá tầm Đà Lạt nhưng trộn lẫn cá tầm sống từ Trung Quốc. Khi mua sỉ, không thể cầm từng con để “soi” được, nên tùy vào uy tín nơi mình mua hàng mà biết thôi. Đặc biệt, cá Trung Quốc hiện nay về nhiều, đa số hàng tiểu ngạch, dân chuyên môn trong ngành thủy sản, có nghiên cứu mới phân biệt nổi, chứ người bán như chúng tôi, không biết được loại nào đang cấm bán, loại nào đang không, vì nhìn vào na ná nhau hết à”, bà Trang thông tin.

Với cá tầm rao bán giá dưới 100.000 đồng/kg với lời giải thích “chết ngộp”, bà Trang khẳng định: “Cá đông lạnh từ Trung Quốc về đó. Hàng đó trước ít, vì bên hải quan chưa siết kiểm tra. Vài tuần nay, phía hải quan ngoài kia (ý nói hải quan tại các cửa khẩu biên giới giáp ranh với Trung Quốc - PV) tăng cường kiểm tra, giữ lại nên cá nhập về bị chết, chở vào bán rẻ. Thực tế với giá đó cũng không rẻ vì cá tầm mua từ Trung Quốc có giá bèo lắm và chết rồi cấp đông thì chất lượng giảm, khác hoàn toàn cá sống được chế biến trong nhà máy, rồi cấp đông. Không biết họ nuôi bằng thứ thức ăn tăng trọng gì mà cá tầm đông lạnh thịt ăn bở vô cùng”.

Theo các nhà nuôi cá tầm tại H.Lạc Dương (Lâm Đồng), chính cá tầm được đưa vào Việt Nam bằng đường tiểu ngạch trong thời gian qua đã “giết chết” nghề nuôi cá tầm mới được thai nghén vài năm qua của Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Chức (Lâm Đồng) cho biết giá bán cá tầm tại hồ từ nhiều năm qua thấp nhất là 200.000 đồng/kg, thường giá cao tầm 230.000 - 240.000 đồng/kg, tùy thời điểm. Thế nhưng năm qua đại dịch Covid-19 nên không khách, giá rớt xuống 150.000 đồng/kg, lỗ “sặc máu” vẫn không có người mua, nên năm nay nhiều gia đình giải nghệ, bỏ hồ, không nuôi nữa. “Vẫn biết do dịch nên gà vịt, cá tôm gì cũng bị rớt giá, nhưng cá tầm trong nước rớt giá và không ai mua một phần do cá từ Trung Quốc nhập lậu tràn vào nhiều quá”, ông Chức khẳng định.

Nhập khẩu, chưa có kết quả kiểm định đã bán

Không chỉ có cá tầm nhập lậu theo phản ánh của các nhà kinh doanh, cá tầm nhập theo đường chính ngạch vẫn đang có vấn đề lớn. Ngày 30.3 vừa qua, Tổng cục Hải quan đã có thông tin đến báo chí cảnh báo tình trạng nhập khẩu cá tầm theo đường chính ngạch, có giấy phép được nhập hẳn hoi, nhưng kết quả kiểm tra thì khai cá tầm chủng loại này, nhưng nhập chủng loại khác, toàn loại không thuộc danh mục được cho phép nhập bởi Tổng cục Thủy sản, không được cấp giấy chứng nhận bởi Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam.

Cụ thể, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 3, có 2 trường hợp nhập khẩu cá tầm chính ngạch từ Trung Quốc đều vi phạm. Đó là trường hợp với Công ty TNHH đầu tư - XNK An Hưng nhập khẩu 12 tấn cá tầm từ Trung Quốc vào Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị - Lạng Sơn. Loại cá khai là Xiberi từ Trung Quốc, chủng loại này nằm trong danh mục cho phép nhập cá tầm sống của Việt Nam. Thế nhưng, kết quả giám định của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 cho thấy: 3 mẫu cá tầm trong lô hàng này không đúng chủng loại với khai hải quan và giấy phép nhập khẩu do Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam cấp trước đó. Trường hợp thứ 2 là Công ty TNHH nông lâm thủy sản Đức Vui nhập khẩu 9,2 tấn cá tầm sống qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai, tờ khai hải quan cũng ghi cá tầm Xiberi xuất xứ Trung Quốc. Kết quả cả 6 mẫu cá trong lô hàng này cũng y như trên, không đúng chủng loại với tờ khai hải quan và giấy phép nhập khẩu do Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam cấp.

Đáng nói hơn, lô 12 tấn cá tầm của Công ty An Hưng tuy chưa được hải quan xác nhận thông quan, nhưng sau khi có kết quả kiểm định, cơ quan hải quan quay lại kiểm tra thì toàn bộ 12 tấn cá tầm sống đã “không cánh mà bay”. Theo quy định, hàng nhập về, trong khi chờ kết quả giám định, doanh nghiệp được phép đưa hàng về bảo quản trong kho thuê tại cảng hoặc kho công ty và hoàn toàn chịu trách nhiệm với cơ quan quản lý khi để thất thoát hay “tẩu tán” khi chưa được phép.

Phải quyết liệt hơn nữa

Trong thông tin đến báo chí về tình hình nhập khẩu cá tầm không đúng loại được phép, Tổng cục Hải quan cũng đã dẫn nhận định của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 để đưa ra cảnh báo đối với sản phẩm nhập khẩu sống này.

Cụ thể, cá tầm nhập khẩu theo dạng chính ngạch từ Trung Quốc về Việt Nam có rất nhiều loại khác nhau trong một lô hàng. Việc nhập khẩu các loài con lai (không chỉ riêng cá tầm) sẽ làm ảnh hưởng quá trình sinh trưởng của các loài sinh vật tại Việt Nam, đôi khi có hại cho môi trường sống.

Trong phần kiến nghị Bộ NN-PTNT, Tổng cục Hải quan yêu cầu được bộ này hỗ trợ chuyên môn, phối hợp với cơ quan hải quan lấy mẫu giám định các lô cá tầm nhập khẩu ngay tại cửa khẩu, không cho phép doanh nghiệp đưa hàng về kiểm dịch tại các địa điểm bảo quản theo đề nghị của doanh nghiệp đến khi có kết quả giám định của các đơn vị liên quan để đảm bảo an ninh, an toàn, phòng chống lây lan dịch bệnh, bảo vệ môi trường. Thứ hai, xác định cụ thể chủng loại cá tầm nhập khẩu có đúng với giấy phép CITES hay không. Nếu không, đề nghị Bộ NN-PTNT trao đổi với Cơ quan CITES Trung Quốc và có biện pháp xử lý triệt để đối với vấn đề này. Thứ ba, thực hiện việc truy xuất nguồn gốc đối với các lô hàng cá tầm nói riêng và các mặt hàng động vật, thực vật tươi sống hoặc đã qua chế biến nhập khẩu...

Theo chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú, với sự đồng lòng từ trên xuống dưới, đặc biệt với các biện pháp ngăn chặn từ cơ quan chuyên môn là Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương, hải quan... sau chỉ đạo của Chính phủ, tôm hùm đất đã “hết đất sống” tại thị trường Việt Nam từ dạo đó. Đã có kinh nghiệm rồi, phạt nặng người kinh doanh loại cá tầm ngoại lai, phạt nặng, thậm chí truy cứu hình sự đơn vị cố ý nhập khẩu loại này, văn phòng Chính phủ đã có ý kiến từ tháng 1.2021, chắc chắn cá tầm ngoại lai từ Trung Quốc cũng sẽ hết đất sống. “Quan trọng là quyết tâm của cơ quan quản lý đến đâu, chứ cứ mạnh ai nấy kêu và cảnh báo thì ngành nông nghiệp Việt Nam còn bị ảnh hưởng nhiều nữa bởi ba thứ ngoại lai có hại này, không riêng gì con cá tầm”, ông Phú cảnh báo.

Trong tháng đầu năm nay, Bộ NN-PTNT cũng đã phối hợp các cơ quan, địa phương lấy một số mẫu cá tầm ngẫu nhiên tại hai chợ ở Hà Nội (chợ Yên Sở) và TP.HCM (chợ Bình Điền). Kết quả cho thấy có 8/11 mẫu cá tầm thương phẩm được xác định hình thái không phù hợp với loài cá tầm được phép kinh doanh tại Việt Nam theo quy định.

Nguyên Nga

Thanh niên





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Ngành sắn đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2023

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) dự kiến đến năm 2030 diện tích trồng sắn áp dụng quy trình canh tác bền vững đạt 50%. Kim ngạch xuất khẩu sắn và...

3 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cá tra sang thị trường UAE tăng 67% so với cùng kỳ

Tháng 3, Việt Nam xuất khẩu hơn 2 triệu USD cá tra sang UAE, tăng 62%. Lũy kế 3 tháng đầu năm 2024, giá trị xuất khẩu sang thị trường này đạt hơn 7 triệu USD, tăng...

Lần đầu tiên Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất vào Singapore

Ba tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Singapore đạt khoảng 36,15 triệu SGD, tăng hơn 80% so với cùng kỳ năm ngoái

FAO: Sản lượng thủy sản nuôi và khai thác đạt kỷ lục vào năm 2022

Theo số liệu của FAO, sản lượng thủy sản nuôi và khai thác toàn cầu đạt 223.2 triệu tấn vào năm 2022, đây là mức cao nhất kể từ năm 1950.

Chỉ số hàng hóa MXV-Index lấy lại đà tăng sau 3 ngày suy yếu

Số liệu từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, sắc xanh đỏ đan xen trên bảng giá, phản ánh diễn biến giá phân hoá của giá hàng hoá nguyên liệu thế giới...

Giá cà phê trong nước tăng như vũ bão, tiến sát 120.000 đồng/kg

Giá cà phê trong nước và quốc tế đồng loạt tăng từng ngày, phá vỡ mọi đỉnh lịch sử.

Sầu riêng sụt giá mạnh

Ngày 16-4, tại một số tỉnh ở ĐBSCL, giá sầu riêng giảm 45.000 - 50.000 đồng/kg so với cách đây 1 tháng. Thương lái hiện mua sầu riêng xô tại vườn với giá 65.000 -...

Chỉ số hàng hóa MXV-Index trở lại vùng đỉnh 7 tháng

Số liệu từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, kết thúc ngày giao dịch 10/4, lực mua chiếm ưu thế trở lại trên thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới...

Việt Nam có 4 loại hạt tỷ USD: Giá bán cao kỷ lục, sản lượng top đầu thế giới

Trúng thầu lớn, giá cao kỷ lục lịch sử, hàng trong kho sắp cạn, từ chối bớt đơn hàng… là những thông tin được đề cập khi nói đến 4 loại hạt tỷ USD của Việt Nam. Cả...

Giá cà phê tăng cao, nguy cơ đổ vỡ các hợp đồng liên kết

Thực tế hiện nay ngành cà phê Việt Nam đang phải đối mặt là giá tăng quá nhanh, ở mức quá cao, dẫn đến tình trạng tranh mua tranh bán, và có nguy cơ đổ vỡ hợp đồng.

Giá vàng và hàng hóa


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98