Trung Quốc viết lại “luật chơi” đối với các tỷ phú công nghệ

12/04/2021 08:35
12-04-2021 08:35:37+07:00

Trung Quốc viết lại “luật chơi” đối với các tỷ phú công nghệ

Từng là "con cưng" của Bắc Kinh, các tỷ phú công nghệ Trung Quốc và công ty của họ giờ đây đối diện với thách thức lớn từ ngay trong nước.

* Trung Quốc phạt Alibaba 2.8 tỷ USD vì kinh doanh độc quyền

Hai tỷ phú công nghệ Trung Quốc Pony Ma (trái) và Jack Ma.

Đầu tháng 3 vừa qua, tại kỳ họp thường niên Quốc hội Trung Quốc, Tổng giám đốc (CEO) Pony Ma của Tencent đã chủ động đề xuất thiết lập quy định chặt chẽ hơn với đế chế công nghệ trị giá 700 tỷ USD mà ông sáng lập.

Vài ngày sau, ông Simon Hu tuyên bố rời vị trí CEO Ant Group - công ty công ty công nghệ tài chính trực thuộc hãng thương mại điện tử Alibaba.

Ngay sau đó, tỷ phú Colin Huang, nhà sáng lập đồng thời là Chủ tịch điều hành công ty thương mại điện tử Pinduoduo cũng bất ngờ từ chức.

Còn Jack Ma, nhà sáng lập Alibaba, đã không xuất hiện công khai trước công chúng trong nhiều tháng trời, ngoại trừ một video hồi tháng 1 với nội dung thảo luận về hệ thống giáo dục quốc gia.

Chính phủ Trung Quốc không chỉ muốn kiểm soát hành vi của các tỷ phú công nghệ mà còn cả kho dữ liệu khổng lồ các đế chế công nghệ nắm trong tay cũng như khối tài sản mà các công ty này sở hữu.

Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu các đại công ty công nghệ này cũng trồi sụt một cách khó hiểu. Sau khi chứng kiến tổng vốn hóa thị trường tăng vọt 1,2 nghìn tỷ USD so với hồi năm 2016, cả 3 ông lớn Alibaba, Pinduoduo và Tencent đều ghi nhận giá cổ phiếu giảm sâu trong những tuần gần đây.

Ant Group dù chưa niêm yết nhưng định giá cũng giảm mạnh từ mức 300 tỷ USD hồi tháng 10/2020 xuống chỉ còn 200 tỷ USD ở thời điểm hiện tại.

Tính chung các tập đoàn công nghệ lớn của Trung Quốc đã có khoảng 700 tỷ USD giá trị vốn hóa bị bốc hơi trên thị trường chứng khoán trong thời gian chỉ từ tháng 2 đến nay.

Giá cổ phiếu Xiaomi, nhà sản xuất smartphone hàng đầu Trung Quốc, đã giảm mạnh hơn 20% kể từ đầu năm đến nay.

Bilibili, dịch vụ phát video trực tuyến với hơn 200 triệu người dùng được thị trường kỳ vọng sẽ bứt phá trong năm nay, cũng chứng kiến cổ phiếu tụt dốc 6% trong phiên giao dịch đầu tiên trên sàn Hong Kong hôm 29/3.

Chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng, Baidu - công cụ tìm kiếm số 1 Trung Quốc đại lục - mất một nửa mức tăng giá trị thị trường đạt được trong suốt năm qua.

Meituan, ứng dụng gọi xe và giao đồ ăn phổ biến bậc nhất thị trường tỷ dân cũng ghi nhận giá trị thị trường tụt mạnh hơn 25% trong cùng kỳ.

Cơn khát cổ phiếu công nghệ đã hạ nhiệt trên thị trường Mỹ - nơi nhiều gã khổng lồ Trung Quốc bao gồm Alibaba, Baidu, Bilibili và Pinduoduo - niêm yết. Nhưng so với các công ty công nghệ Mỹ, những doanh nghiệp Trung Quốc chịu tổn thất nặng nề hơn. Và các tỷ phú công nghệ Trung Quốc có nhiều lý do để quan ngại sau hàng loạt diễn biến như vậy.

KHI "LUẬT CHƠI" ĐƯỢC VIẾT LẠI

Chính phủ Trung Quốc không chỉ muốn kiểm soát hành vi của các tỷ phú công nghệ mà còn cả kho dữ liệu khổng lồ các đế chế công nghệ nắm trong tay cũng như khối tài sản mà các công ty này sở hữu, bao gồm cổ phần các doanh nghiệp khác. Và bất kỳ động thái mạnh tay nào của Bắc Kinh cũng có thể định hình lại một trong những ngành công nghiệp giá trị bậc nhất hành tinh.

Tác động sẽ bắt đầu từ những tập đoàn công nghệ hàng đầu như Alibaba hay Tencent.

Không giống như những đại gia công nghệ Mỹ từ lâu đã bị chính phủ Mỹ đưa vào tầm ngắm vì hàng loạt cáo buộc độc quyền, vi phạm quyền bảo mật riêng tư người dùng hay truyền bá thông tin sai lệch, những ông lớn công nghệ Trung Quốc trước đây vốn có mối quan hệ mật thiết với chính phủ. Thậm chí có thể coi các tập đoàn này như hiện thân của "giấc mơ Trung Hoa". 

Rủi ro với các đại gia công nghệ Trung Quốc trên chính quê nhà ngày đang ngày một lớn hơn khi Bắc Kinh tỏ ý muốn viết lại "luật chơi" sau bao năm ngầm chấp thuận sự bành trướng không kiểm soát của những "đứa con cưng".

Nhưng khi quyền lực mà những ông lớn công nghệ nắm giữ trong tay trở nên quá lớn, Chính phủ cảm thấy đã đến lúc phải siết chặt sự kiểm soát.

Mở màn cho sự thay đổi này là chuỗi "vận đen" xảy đến với tỷ phú Jack Ma và tập đoàn Alibaba ngay sau bài phát biểu chỉ trích hệ thống tài chính Trung Quốc, mà trong đó Jack Ma ví các ngân hàng quốc doanh với những "tiệm cầm đồ". Cơ quan quản lý thị trường chứng khoán Trung Quốc sau đó tuyên bố đình chỉ thương vụ IPO trị giá 37 tỷ USD của Ant Group. Sau đó, Ant Group cũng phải chịu sức ép tái cấu trúc và thu hẹp quy mô hoạt động trong một số lĩnh vực kinh doanh.

Một thông điệp lớn mà Bắc Kinh muốn gửi đến các nhà lãnh đạo công nghệ sau vụ việc của Jack Ma, là những ông trùm công nghệ nên "đi đúng hướng, tập trung vào lĩnh vực kinh doanh cốt lõi và tránh bình luận về kinh tế chính trị". Đó cũng được xem là nguyên nhân vì sao trước kỳ họp Quốc hội Trung Quốc vừa qua, CEO Pony Ma kêu gọi siết chặt quy định liên quan mật thiết đến hoạt động kinh doanh của Tencent. Lời kêu gọi này không gì khác chính là tín hiệu Pony Ma gửi đến Bắc Kinh rằng Tencent sẽ không vượt quá giới hạn.

Còn với tỷ phú Colin Huang, việc đột ngột rời Pinduoduo có thể là một phản ứng cảnh giác với những rủi ro có thể xảy ra khi Pinduoduo đứng trước tiềm năng trở thành công ty thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc. Khối tài sản của tỷ phú Colin Huang gần đây vượt qua Jack Ma, điều này càng thu hút nhiều sự chú ý của các nhà chức trách với chính bản thân ông Huang và cả Pinduoduo. "Ông ấy đã nhìn thấy những gì diễn ra (với Jack Ma cũng như Alibaba), và ông ấy quyết định rời đi" - một chuyên gia phân tích trong ngành nhận định.

MỐI QUAN NGẠI CỦA NHÀ ĐẦU TƯ

Một nguyên nhân lý giải cho sự sụt giá cổ phiếu hàng loạt đại công ty công nghệ Trung Quốc thời gian qua có thể là do trong mắt các nhà đầu tư, số phận của doanh nghiệp luôn có sự ràng buộc nhất định với những nhà sáng lập có tầm nhìn xa. Điều đó giải thích vì sao giá cổ phiếu Pinduoduo tụt mạnh 8% sau tin tức về sự ra đi đột ngột của tỷ phú Colin Huang.

Thị trường cũng quan ngại liệu nhà chức trách Trung Quốc sẽ làm gì với kho dữ liệu người dùng - tài nguyên quý giá nhất mà các đại gia công nghệ sở hữu. Các công ty kỹ thuật số đã xây dựng được một cơ sở dữ liệu khổng lồ và tiên tiến bậc nhất thế giới, từ thông tin cá nhân đến mạng lưới bạn bè người dùng, thậm chí cả lịch sử du lịch, thói quen chi tiêu, tỷ lệ hoàn trả khoản vay tín dụng… Ant Group được cho là đã nắm giữ dữ liệu của hơn 1 tỷ người dùng, ngang bằng với kho dữ liệu khổng lồ của Facebook và Google. Tức là những tập đoàn công nghệ lớn khác của Trung Quốc còn sở hữu kho dữ liệu người dùng phong phú hơn.

Chấm điểm tín dụng với mỗi cá nhân là một trong những vấn đề hàng đầu trong cuộc chiến kiểm soát dữ liệu giữa các công ty công nghệ và chính phủ Trung Quốc. Trong nhiều năm, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã nỗ lực tạo ra một hệ thống chấm điểm tín dụng tập trung, nhưng kết quả không quá lạc quan. Giờ đây, có vẻ (PBOC) đang chuyển hướng sang nắm quyền kiểm soát nhiều hơn với hệ thống chấm điểm của các công ty công nghệ.

Cho đến nay ở Trung Quốc, luật pháp quy định quyền bảo mật dữ liệu thuộc về cá nhân, các công ty công nghệ không có quyền chia sẻ dữ liệu đó với Chính phủ. Nhưng thật khó để cho rằng đó là một trở ngại ngăn cản Bắc Kinh tiếp xúc với nguồn dữ liệu khổng lồ mà các đại gia công nghệ Trung Quốc đang nắm giữ trong tay.

Đối diện với nguy cơ như vậy, các công ty công nghệ như Alibaba và Tencent có lý do để chống lại nỗ lực kiểm soát dữ liệu của Bắc Kinh. Nhất là khi việc để Bắc Kinh kiểm soát dữ liệu sẽ làm xói mòn "lợi thế thông tin" mà họ đang được hưởng. Và khi doanh nghiệp có nguy cơ gặp bất lợi, các nhà đầu tư cũng đứng ngồi không yên.

Phần lớn các ông trùm công nghệ Trung Quốc đã mở rộng hoạt động kinh doanh thành một hệ sinh thái đa dạng với nhiều dịch vụ, sản phẩm và tiện ích, có tầm ảnh hưởng khổng lồ với toàn nền kinh tế kỹ thuật số, vượt xa cả những lĩnh vực kinh doanh của bản thân doanh nghiệp.

Thêm một nguyên nhân dẫn đến xói mòn niềm tin nhà đầu tư, là sự để mắt Bắc Kinh với khối tài sản khác mà các đại gia công nghệ nắm giữ.

Phần lớn các ông trùm công nghệ Trung Quốc đã mở rộng hoạt động kinh doanh thành một hệ sinh thái đa dạng với nhiều dịch vụ, sản phẩm và tiện ích. Trong thập kỷ qua, các đại công ty như Alibaba và Tencent cũng đồng thời trở thành nhà đầu tư mạo hiểm lớn bậc nhất Trung Quốc khi rót vốn vào hàng loạt công ty khác, qua đó thu về tầm ảnh hưởng khổng lồ với toàn nền kinh tế kỹ thuật số, vượt xa cả những lĩnh vực kinh doanh của bản thân doanh nghiệp.

Chẳng hạn, dưới sự lãnh đạo của Jack Ma, Alibaba và Ant Group đã tích lũy được lượng cổ phần lớn trong hàng loạt công ty truyền thông, tài chính, hậu cần và cả chăm sóc sức khỏe. Tencent cũng được biết đến như cổ đông lớn của hàng loạt sàn thương mại điện tử hàng đầu Trung Quốc như JD.com và Pinduoduo, hay ứng dụng gọi đồ ăn Meituan. Cả Alibaba và Tencent cùng nắm giữ cổ phần trong Didi Chuxing, một dự án khởi nghiệp gọi xe được kỳ vọng sẽ IPO trong năm nay với mức định giá khoảng 300 tỷ USD. Như vậy, không quá khi nói rằng Alibaba và Tencent vừa là hai trong số các công ty công nghệ lớn nhất hành tinh, vừa là những nhà đầu tư công nghệ hàng đầu thế giới.

Quyết định buộc Ant Group tái cơ cấu là một minh chứng cho ý định của các nhà chức trách về quy hoạch lại các "đế chế" công nghệ nói chung. Tencent gần đây cũng xác nhận đang làm việc với các cơ quan quản lý để xem xét những khoản đầu tư trong quá khứ. Mảng tín dụng của Tencent, tương tự như Ant Group nhưng với quy mô nhỏ hơn, có khả năng được tách thành một công ty mẹ nằm dưới quyền tài phán của PBOC.

CHUẨN BỊ CHO TÍN HIỆU XẤU

Sự thay đổi trong mối quan hệ giữa các tập đoàn công nghệ lớn của Trung Quốc và chính phủ có thể cũng gây khó khăn cho những nhà đầu tư nước ngoài. Chẳng hạn, hai cổ đông lớn nhất của Alibaba năm 2011 là Yahoo! và SoftBank từng buộc phải chấp nhận khi Alibaba chuyển nhượng bất hợp pháp Alipay mà không có sự chấp thuận của họ.

Nếu vụ việc tương tự lặp lại một lần nữa, các cổ đông nước ngoài lớn như SoftBank (hiện nắm giữ 24,9% cổ phần của Alibaba) hay Naspers (cổ đông lớn nhất của Tencent thông qua công ty mẹ Prosus) có thể sẽ chịu nhiều hệ lụy khác liên quan bên cạnh sự sụt giảm giá cổ phiếu. Hôm 8/4, Prosus đã tuyên bố rút cổ phần của họ trong Tencent từ mức 30,9% xuống 28,9% để huy động tiền cho các dự án kinh doanh khác.

Phải thấy rằng các tập đoàn Trung Quốc không lạ lẫm với sự thay đổi hướng gió của Bắc Kinh.

Hãy nhìn vào những tấm gương đi trước. HNA và Anbang Insurance từng là hai tập đoàn lớn nhất Trung Quốc, chi hàng tỷ USD cho các thương vụ thâu tóm tài sản khắp thế giới. Nhưng từ năm 2018, họ buộc phải đối diện với sức ép bán hàng loạt tài sản. Số phận các nhà lãnh đạo tập đoàn cũng lao đao theo. Một số may mắn vẫn tiếp tục làm ăn một cách lặng lẽ, số khác ngồi tù hoặc chịu sự ghẻ lạnh.

Có thể những ông lớn công nghệ Trung Quốc - vốn được gọi là "con cưng" của nước này - cũng như loạt nhà sáng lập danh tiếng đứng sau sẽ tránh được số phận tương tự, bởi thành tựu rõ rệt mà họ mang lại cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Nhưng với những động thái mạnh tay gần đây của Bắc Kinh, một tương lai màu xám chờ đợi các "ông trùm" công nghệ Trung Quôc không còn là điều ngoài sức tưởng tượng.

Diên Vỹ

VnEconomy





MÃ CHỨNG KHOÁN LIÊN QUAN (2)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Tòa án Montenegro quyết định dẫn độ “cha đẻ” tiền kỹ thuật số Luna về Hàn Quốc

Tòa phúc thẩm Montenegro cho biết đã bác đơn kháng cáo của Do Kwon và giữ nguyên phán quyết trước đó của tòa án cấp dưới quyết định dẫn độ đối tượng này về Hàn Quốc.

Hai đại gia ở Vĩnh Phúc, sở hữu tập đoàn ‘lớn nhanh như thổi’ rồi nhúng chàm

Nguyễn Văn Hậu và Trịnh Văn Quyết - hai đại gia quê Vĩnh Phúc - sở hữu tập đoàn nghìn tỷ, từng phất lên như diều gặp gió và đều nhúng chàm với hàng loạt sai phạm.

Lisa Su, ‘nữ tướng’ AMD khuấy đảo ngành bán dẫn

CEO AMD Lisa Su đạt được những thành tựu chưa từng có: nữ CEO đầu tiên của một công ty bán dẫn lớn, cứu AMD khỏi bờ vực sụp đổ và khuấy đảo ngành công nghệ vốn do...

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng là một trong những người có ảnh hưởng nhất trong ngành ô tô toàn cầu

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng bất ngờ góp mặt trong danh sách MotorTrend PowerList 2024 - một bảng xếp hạng gồm 50 người có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong ngành công nghiệp...

5 'bóng hồng' quyền lực của làng công nghệ thế giới

Thế giới công nghệ khô khan ngày càng xuất hiện nhiều 'nữ tướng' nổi bật như tân CEO X Linda Yaccarino, CEO AMD Lisa Su hay Reshma Saujani, CEO Girls Who Code.

Facebook sập toàn cầu, cổ phiếu sụt giảm, nỗi đau tỷ USD của Mark Zuckerberg

Facebook sập trên toàn cầu là sự cố hiếm hoi đối với một ông lớn công nghệ thế giới. Ông chủ Mark Zuckerberg ngay lập tức mất vài tỷ USD, nhưng còn chịu nỗi đau khi...

Tỷ phú Bill Gates đến Đà Nẵng và Hội An

Tỷ phú Bill Gates vừa đến Việt Nam sau khi tham dự đám cưới của con trai tỷ phú Mukesh Ambani.

Tỷ phú Elon Musk kiện cha đẻ ChatGPT vì từ bỏ mục tiêu phi lợi nhuận

Tỷ phú Elon Musk đã đâm đơn kiện OpenAI và CEO Sam Altman cùng một số cá nhân khác, với lý do họ đã từ bỏ mục tiêu ban đầu của OpenAI là phát triển trí tuệ nhân tạo...

Ý tưởng kinh doanh triệu USD từ bộ bài phát triển EQ đơn giản

Khi giảng viên dùng một bộ bài làm giáo cụ, Jenny Woo đã nảy ra ý tưởng kinh doanh độc đáo trên Amazon, hiện mang lại doanh thu hàng triệu USD/năm.

Startup Fintech 1Long nhận vốn 500,000 USD

Một nền tảng ứng dụng công nghệ tài chính cho biết người dùng có thể tích lũy tài sản với số tiền ban đầu chỉ từ 10 ngàn đồng (dưới 1 đô la Mỹ).


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98