Những lưu ý trước ngày Thông tư 03 có hiệu lực

15/05/2021 09:42
15-05-2021 09:42:37+07:00

Những lưu ý trước ngày Thông tư 03 có hiệu lực

Thông tư 03 đã mở thêm không gian, làm ấm quan hệ tín dụng giữa ngân hàng và doanh nghiệp giữa lúc dịch Covid-19 rất phức tạp, nhưng vẫn còn một số khu vực chưa được hưởng lợi như mong đợi và mối lo rủi ro nợ xấu tiềm ẩn...

* Thông tư 03: Tốt nhưng chưa hẳn?

Ảnh minh họa

Sau bao nhiêu chờ đợi, mới đây, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 03/2021/TT-NHNN, hiệu lực vào 17/5/2021 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Đây là kết quả của thời gian 9 tháng với nhiều lần xin ý kiến Thủ tướng, làm việc với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan, Thông tư này mới được ra đời và chỉ còn vài ngày nữa, sẽ chính thức đi vào cuộc sống. Theo đánh giá ban đầu của các chuyên gia,  đây được xem là tin vui đối với cả doanh nghiệp và các ngân hàng thương mại.

NÚT THẮT ĐẾN ĐÂU, THÁO GỠ ĐẾN ĐÓ

Theo ông Đoàn Thái Sơn, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Thông tư 01 được thiết kế mở do các tác động của dịch bệnh Covid-19 chưa thể đong đếm hết. Trong bối cảnh đó, cách tiếp cận của Ngân hàng Nhà nước là vừa đảm bảo hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp và người dân, đồng thời phải bảo đảm an toàn hệ thống.

Chính vì vậy, tại Thông tư 01, ngân hàng thương mại được tái cơ cấu với các tất cả các khoản nợ phát sinh từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính. Tuy nhiên, nhằm tránh trục lợi từ chính sách, Thông tư 03 quy định chặt chẽ hơn: các khoản nợ được tái cơ cấu phải phát sinh từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính trước ngày 10/6/2020.

Bên cạnh đó, ở Thông tư 01, chỉ cho phép tái cơ cấu các khoản nợ phát sinh nghĩa vụ từ 23/1/2020 đến sau ba tháng, kể từ ngày Thủ tướng công bố hết dịch. Vấn đề này đã gây khó khăn cho tổ chức tín dụng khi xác định các khoản nợ đủ điều kiện để tái cơ cấu, cũng như theo dõi và hạch toán trong kế toán khi ngày lấy mốc có thể không trùng với kỳ hạch toán kế toán của ngân hàng.

Nhằm khắc phục vấn đề đó, Thông tư 03 mới đã mở rộng, bổ sung thêm các điều kiện để cho phép các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tái cơ cấu các khoản nợ còn lại đến hạn.

Theo đó, các tổ chức tín dụng được phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ với các khoản nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến hết năm 2021. Ngoài ra, phía nhà điều hành vẫn giữ nguyên quy định thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ không vượt quá 12 tháng, kể từ ngày tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu. Việc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ được thực hiện hết ngày 31/12/2021.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.

Một khó khăn khác cũng được Thông tư 03 giải quyết đó là tránh cú sốc lợi nhuận cho các ngân hàng. Hiện số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ sẽ được giữ nguyên nhóm nợ đã phân loại, không phải áp dụng nguyên tắc phân loại vào nhóm nợ có mức độ rủi ro cao hơn theo quy định. Tuy nhiên, vào thời điểm kết thúc thời hạn tái cơ cấu, ngân hàng phải dùng một khoản tiền lớn để trích lập dự phòng rủi ro, theo đó lợi nhuận sẽ bị hụt đi đáng kể.

Để tránh tình trạng này, thay vì để ngân hàng tự chủ động trích lập thì nhà điều hành đã đưa ra một lộ trình cụ thể kéo dài trong ba năm và yêu cầu các đơn vị phải tuân thủ.

Trong đó, số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung là số tiền chênh lệch giữa dự phòng cụ thể phải trích lập đối với toàn bộ dư nợ khách hàng nếu không tái cơ cấu và số trích lập trên dư nợ được cơ cấu của khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tỷ lệ trích lập này sẽ phải đạt tối thiểu 30% số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung, muộn nhất 31/12/2021, và tăng lên tối thiểu 60% và 100% lần lượt tại cuối 2022 và 2023.

CÁC BÊN CÙNG THỞ PHÀO

Số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến ngày 5/4/2021, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 262 nghìn khách hàng với dư nợ khoảng 357 nghìn tỷ đồng. Đồng thời, miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 663 nghìn khách hàng với dư nợ 1,27 triệu tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số luỹ kế từ 23/1/2020 đạt hơn 3,16 triệu tỷ đồng cho 456,6 nghìn khách hàng. Nhưng đó mới chỉ là con số của Thông tư 01.

Với việc bổ sung và mở rộng các điều kiện để cơ cấu lại khoản nợ như ở Thông tư 03, dự kiến các con số trên sẽ tiếp tục tăng mạnh. Điều này đồng nghĩa có thêm nhiều doanh nghiệp được hưởng lợi nhờ chính sách.

Về phía doanh nghiệp, theo nhìn nhận của bà Nguyễn Thị Phương Thanh, chuyên viên phân tích của Công ty Chứng khoán VNDirect, khi các khoản vay được xếp vào diện cơ cấu, doanh nghiệp sẽ được gia hạn về thời gian trả nợ, làm giảm bớt áp lực chi phí tài chính lên doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi sản xuất sau dịch Covid-19.

Cũng theo bà Thanh, đối với ngân hàng, tác động của Thông tư 03 là nhiều hơn trong cả ngắn hạn và dài hạn.

Thứ nhất, danh mục nợ tái cơ cấu của các ngân hàng có thể tăng nhẹ trong 2021 do điều kiện để cho phép các khoản nợ tái cơ cấu được mở rộng. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng đến lợi suất tài sản của các ngân hàng là không đáng kể.

Thứ hai, việc bổ sung quy định phân bổ trích lập dần dự phòng nợ xấu trong ba năm sẽ giảm bớt chi phí dự phòng cho ngân hàng, đặc biệt trong năm 2021. 

Thực tế cho thấy, riêng trong quý đầu năm 2021, tăng trưởng lợi nhuận các ngân hàng thương mại đều đạt mức hai con số, thậm chí tăng gấp hai, gấp ba lần cùng kỳ năm trước. Trong đó, việc giảm chi phí trích lập dự phòng đóng góp không nhỏ vào mức tăng trưởng lợi nhuận.

VẪN CÒN NHỮNG LO LẮNG

Những năm trước, tại mỗi kỳ họp đại hội đồng cổ đông, ban lãnh đạo ngân hàng phải căng mình trước chất vấn của cổ đông về câu chuyện nợ xấu. Nhưng, năm nay, nhờ có Thông tư 03, dường như các cổ đông ngân hàng đều “ngó lơ” vấn đề này.

Theo phản ánh từ một số ngân hàng thương mại, về cơ bản, Thông tư 03 được đánh giá là tốt. Đồng thời, đến tận 17/5/2021 mới chính thức có hiệu lực nên chưa có nhiều góp ý thực tế. Mới đây, tại hội nghị triển khai Thông tư này do Ngân hàng Nhà nước tổ chức, chỉ có duy nhất một ý kiến đóng góp của bà Phạm Thị Trung Hà, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Quân đội - MB.

Bà Hà cho biết, dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến tất cả các ngành và lĩnh vực, trong đó ảnh hưởng nặng nề nhất là ngành vận tải và dịch vụ lưu trú. Theo đánh giá của ngân hàng, khó khăn hiện nay với một số ngành, lĩnh vực liên quan đến dịch vụ lưu trú, du lịch, logicstics, vận tải vẫn còn tiếp tục kéo dài trong khi một số ngành khác đã bắt đầu phục hồi, tăng trưởng.

Mặt khác, dự báo dịch vụ lưu trú khó khăn sẽ kéo dài do thị trường du lịch chưa mở cửa cho khách quốc tế vào, nên kể cả cơ cấu thời gian trả nợ thêm 12 tháng thì doanh nghiệp vẫn chưa thể trả nợ. Đặc biệt là tại khu vực miền Trung như Đà Nẵng, Khánh Hòa, các tỉnh liên quan đến phát triển chủ yếu trong lĩnh vực dịch vụ, doanh nghiệp đang rất khó khăn.

Bà Phạm Thị Trung Hà, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng  Quân đội - MB.

Do đó, bà Hà mong muốn Ngân hàng Nhà nước có chính sách đặc thù, chính sách riêng cho lĩnh vực dịch vụ, lưu trú. “Đơn cử như, thời hạn cơ cấu nợ với nhóm khách hàng này kéo dài hơn đối với nhóm khách hàng còn lại”, bà Hà đóng góp ý kiến.

Về kiến nghị của bà Hà, Phó Thống đốc Đoàn Thái Sơn cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã cân nhắc vấn đề này. Phó Thống đốc cũng trấn an ngân hàng, doanh nghiệp rằng, không nên quá lo lắng, bởi căn cứ tình hình thực tế, nếu sau khi Thông tư 03/2021/TT-NHNN hết hiệu lực mà doanh nghiệp vẫn khó khăn, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh.

Ngoài ra, một số chuyên gia cho rằng việc tháo gỡ những bất cập tại Thông tư 03 về cơ bản là tốt nhưng ở một bình diện khác, các khoản nợ cơ cấu kéo lùi lại chứ không phải biến mất và đó là một rủi ro tiềm ẩn trong tương lai, khi dịch được khống chế. Lúc đó, các tổ chức tín dụng phải phân loại nợ về đúng vị trí, lợi nhuận hầu như đều bị giảm đi 60% - 70%, nhất là những ngân hàng mở rộng thị phần thì rủi ro lại càng lớn.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nếu dịch bệnh vẫn tiếp diễn, doanh nghiệp được cơ cấu mà không thể trả nợ, ngân hàng cũng sẽ không dám cho vay mới do lo ngại rủi ro.

“Chính phủ cần có giải pháp hỗ trợ ngành ngân hàng bằng cách cho phép khoanh nợ với thời hạn tối đa hai năm. Nếu được như vậy, các tổ chức tín dụng mới hết hẳn khó khăn và bảo đảm tính pháp lý khi cho vay mới đối với những khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19”, ông Hùng nói.

Ở góc nhìn khác, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng cho rằng, ngoài chính sách tại Thông tư 03, Ngân hàng Nhà nước cũng cần tích cực định hướng dòng tiền để giúp nền kinh tế phát triển bền vững, tránh trường hợp tiền bị đổ vào những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

“Khi kinh tế vĩ mô ổn định, các doanh nghiệp sẽ hưởng lợi rất nhiều. Mà khi doanh nghiệp hồi phục, câu chuyện nợ cơ cấu chuyển thành nợ xấu sẽ dễ dàng được giải quyết”, ông Khánh chia sẻ.

Đào Hưng

VnEconomy





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Bắt nữ Giám đốc Ngân hàng MSB chi nhánh Thanh Xuân lừa đảo 338 tỷ đồng

Theo lãnh đạo Công an TP Hà Nội, Giám đốc Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam chi nhánh Thanh Xuân Bùi Thị Hoài Anh đã lừa đảo 8 bị hại với số tiền 338 tỷ đồng.

Thêm khách hàng tố tài khoản tại MSB 'bốc hơi' gần 28 tỷ đồng

Vụ việc một tài khoản tại Ngân hàng MSB bị "bốc hơi" hơn 58 tỷ đồng chưa hết ồn ào thì lại có thêm một khách hàng phản ánh cũng bị rút sạch số tiền 27,7 tỷ đồng.

Đang thi hành 4 bản án, ông Trần Phương Bình tiếp tục hầu tòa

Dù đang thi hành 4 bản án, với tổng hình phạt chung là tù chung thân nhưng ông Trần Phương Bình tiếp tục phải hầu tòa vì làm thất thoát của Ngân hàng Đông Á 981 tỷ...

Giá USD ngân hàng lập đỉnh mới

Giá USD tại các ngân hàng thương mại hôm nay lập đỉnh mới, có ngân hàng đưa giá bán vượt mốc 25.000 đồng/USD. Còn giá USD trên thị trường tự do lại hạ nhiệt.

Nam A Bank được Moody’s nâng bậc xếp hạng, dự kiến tăng vốn mạnh mẽ

Nam A Bank (mã chứng khoán NAB - HOSE) vừa được Tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới Moody’s nâng bậc đánh giá tín nhiệm nhiều chỉ số xếp hạng quan trọng.

Tiên phong xu hướng ngân hàng mở, OCB hướng đến giải pháp tài chính xanh 

Với chiến lược hướng đến mô hình quản trị  bền vững, Ngân hàng Phương Đông (OCB) đã và đang tiên phong trong cuộc đua triển khai Open API theo xu hướng ngân hàng mở...

SeABank - Nơi những người dành cả thanh xuân để cống hiến

Trên hành trình 30 năm phát triển, kết nối giá trị cuộc sống của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, HOSE: SSB) không thể thiếu những con người tận tâm gắn bó...

Eximbank vinh dự nhận giải thưởng thanh toán quốc tế xuất sắc từ Citibank

Ngày 26/3/2024, Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank) vinh dự được Citibank trao tặng giải thưởng “Chất lượng Thanh toán Quốc tế xuất sắc” (USD Payments...

MSB nói gì về việc khách hàng bị mất 58 tỷ trong tài khoản?

Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (HOSE: MSB) vừa có thông tin phản hồi về trường hợp một khách hàng tại Hà Nội phản ánh mất số tiền hơn 58 tỷ đồng trong tài khoản.

Vụ Trương Mỹ Lan: Cựu cục trưởng thanh tra 'xấu hổ' vì nhận hối lộ 5,2 triệu USD

Nhận hối lộ 5,2 triệu USD từ thuộc cấp của bà Trương Mỹ Lan, bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước) trình bày rất ân...

Cổ phiếu ngân hàng

Cổ phiếu bảo hiểm


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98