Chiến dịch "hạ sốt" giá vật tư của Trung Quốc liệu có thành công?

22/06/2021 08:45
22-06-2021 08:45:01+07:00

Chiến dịch "hạ sốt" giá vật tư của Trung Quốc liệu có thành công?

Có một thách thức lớn đối với Bắc Kinh. Đó là đợt sốt giá nguyên vật liệu thô trong năm nay là một cơn sốt có quy mô toàn cầu...

Chiến dịch
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.

Giá hàng hoá cơ bản đã “hạ nhiệt” thời gian gần đây, sau đợt tăng nóng và liên tục mấy tháng qua. Tuy nhiên, hãng tin Bloomberg cho rằng còn quá sớm để Bắc Kinh tuyên bố chiến thắng trong chiến dịch giảm sốt giá vật tư.

Trong hai tháng qua, Chính phủ Trung Quốc đã triển khai một loạt biện pháp – từ hạn chế giao dịch cho tới xả dự trữ quốc gia – nhằm giảm bớt sức ép lạm phát từ đà leo thang chóng mặt của giá nguyên vật liệu thô. Đến thời điểm hiện tại, giá nhiều mặt hàng đã tụt khỏi mức đỉnh thiết lập hồi tháng 5, đặc biệt là giá thép.

Tuy nhiên, chưa rõ nỗ lực của Trung Quốc đã đóng góp như thế nào trong sự xuống thang này, và kết quả đạt được cũng còn nhiều bấp bênh: giá than tăng mạnh trở lại, cho dù giá kim loại và nông sản giảm sâu.

Quan trọng hơn cả, việc giảm giá có thể không bền vững, và chiến dịch kiểm soát giá vật tư của Trung Quốc có thể lại thất bại như nhiều lần trước đây.

Bloomberg cho rằng có một thách thức lớn đối với Bắc Kinh. Đó là đợt sốt giá nguyên vật liệu thô trong năm nay là một cơn sốt có quy mô toàn cầu. Trung Quốc vẫn là nước nhập khẩu hàng hoá cơ bản lớn nhất thế giới, nhưng không còn là trung tâm của thị trường nguyên vật liệu thô. Một minh chứng rõ ràng: đợt sụt giá hàng hoá cơ bản trong tuần trước được cho là xuất phát chủ yếu từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chuyển sang lập trường cứng rắn, cho dù Bắc Kinh vẫn đang đẩy mạnh chiến dịch kiểm soát giá cả.

Nếu các nhà đầu cơ giá lên (bull) hàng hoá cơ bản đúng và sự giảm giá gần đây của các mặt hàng này chỉ là tạm thời, thì Trung Quốc có thể không còn nhiều sức mạnh trong việc hạ nhiệt cơn sốt này.

“Can thiệp có thể làm giảm bớt sức ép, nhưng rất khó để thay đổi xu hướng”, chiến lược gia trưởng Hao Hong của Bocom International nhận định. “Lạm phát giá hàng hoá cơ bản chủ yếu do tăng trưởng nhu cầu toàn cầu, thay vì do Trung Quốc. Trung Quốc phải chấp nhận giá cả”.

Dưới đây là diễn biến giá cả của một số nguyên vật liệu thô mà Trung Quốc tiêu thụ nhiều nhất, trong thời gian hai tháng nước này triển khai chiến dịch chống sốt giá:

KIM LOẠI ĐỒNG

Giá đồng giao sau tại thị trường Thượng Hải kết thúc tuần trước ở mức thấp nhất 2 tháng, sau “cú đấm kép” từ Bắc Kinh. Lời hứa xả dự trữ đồng chiến lược của Trung Quốc là một dấu hiệu nghiêm túc về việc nước này thực sự muốn hạ nhiệt giá đồng. Ngoài ra, Chính phủ nước này cũng cảnh báo các doanh nghiệp quốc doanh cắt giảm trạng thái hàng hoá cơ bản ở thị trường nước ngoài.

Nhưng cho dù nguồn cung đồng ở Trung Quốc có tăng nhờ xả dự trữ, các nhà đầu tư vẫn đặt câu hỏi về khả năng của nước này trong việc duy trì ảnh hưởng của nỗ lực trên.

Giá đồng sụt giảm sau khi Trung Quốc tuyên bố xả dự trữ. Đơn vị: Nhân dân tệ/tấn.

“Chúng tôi không cho rằng sự tăng giá của đồng đã khép lại”, một báo cáo của Citigroup hôm 17/6 có đoạn viết. Theo báo cáo, các biện pháp của Bắc Kinh “nhằm mục đích kiểm soát kỳ vọng và ngăn chặn đầu cơ, thay vì giải quyết thực sự những mất cân đối cung-cầu”. Với lượng đồng tồn kho thấp, nhiều khả năng các nhà đầu tư sẽ mua vào mỗi khi giá giảm, khiến giá đồng có thể tăng vọt trở lại trong những tháng sắp tới – Citigroup nhận định.

QUẶNG SẮT

Giá quặng sắt đã trải qua mấy tuần biến động mạnh khi Chính phủ Trung Quốc cố gắng hạ nhiệt giá thép ở nước này trong bối cảnh nhu cầu thép tăng vọt, nguồn cung bị hạn chế, và sản xuất công nghiệp toàn cầu hồi phục. Giá thép thanh dùng trong xây dựng ở Trung Quốc hiện đã giảm khoảng 18% so với mức đỉnh vào tháng 5, nhưng vẫn còn cao hơn nhiều so với mức bình quân dài hạn. Giá quặng sắt hiện mới giảm khoảng 10% so với mức cao kỷ lục thiết lập vào tháng 5.

Giá đồng sụt giảm sau khi Trung Quốc tuyên bố xả dự trữ. Đơn vị: Nhân dân tệ/tấn.

Nhu cầu thép của Trung Quốc được dự báo có thể yếu đi trong nửa sau của năm nay, nhưng đây là một dự báo có phần thiếu chắc chắn. Ngoài ra, những gói kích cầu khổng lồ trên toàn cầu có thể đẩy cao nhu cầu thép và các vật liệu xây dựng khác.

Chưa kể, Trung Quốc vừa muốn hạ sốt giá thép, vừa muốn kiềm chế sản lượng thép để bảo vệ môi trường. Đây là hai mục tiêu hoàn toàn xung đột.

THAN

Hôm thứ Sáu tuần trước, Uỷ ban Phát triển và cải cách Quốc gia Trung Quốc (NDRC) – cơ quan hoạch định chính sách kinh tế cấp cao nhất của nước này – đề cập cụ thể đến than khi nhắc lại cam kết bình ổn giá hàng hoá cơ bản. Giá than nhiệt ở Trịnh Châu lại đang leo thang trở lại, với giá than giao sau đạt mức cao nhất 4 tuần trong tuần trước. Nhu cầu tiêu thụ lớn ở thời kỳ cao điểm trong mùa hè diễn ra đồng thời với loạt sự cố tại các mỏ khai thác than gây gián đoạn nguồn cung. Sản lượng than của Trung Quốc chỉ tăng khiêm tốn trong tháng 5, và lượng than tồn kho đang ở mức thấp.

Giá đồng sụt giảm sau khi Trung Quốc tuyên bố xả dự trữ. Đơn vị: Nhân dân tệ/tấn.

Nếu nhu cầu than tiếp tục vượt nguồn cung, Trung Quốc sẽ gặp nhiều thách thức trong việc kiểm soát giá than vốn dĩ đã cao hơn nhiều so với ngưỡng mà Chính phủ nước này cho là có thể chấp nhận. Giới chức Trung Quốc đã tính đến việc áp dụng trần giá đối với than. Tuy nhiên, biện pháp như vậy có thể khiến giá biến động thậm chí mạnh hơn, thay vì đảo ngược cơn sốt – theo nhận định của nhà phân tích Michelle Leung thuộc Bloomberg Intelligence. Bà Leung nói rằng giá than nhiệt còn chưa đạt đỉnh.

THỊT LỢN

Vấn đề thịt lợn lại là một thách thức khác. Giá bán buôn thịt lợn ở Trung Quốc đã sụt gần 50% từ giữa tháng 1 đến nay, một cú giảm sâu đến nỗi Chính phủ nước này có vẻ muốn hãm lại. Tuần trước, NDRC kêu gọi các nhà chăn nuôi lợn giữ sản lượng ở mức hợp lý, sau khi đợt giảm giá thịt lợn kéo dài 16 tuần kích hoạt cảnh báo từ một hệ thống cảnh báo sớm mà Trung Quốc mới triển khai.

Giá đồng sụt giảm sau khi Trung Quốc tuyên bố xả dự trữ. Đơn vị: Nhân dân tệ/tấn.

Đàn lợn của Trung Quốc đã phục hồi nhanh từ sau sự tàn phá của dịch tả lợn châu Phi, nhưng giá thịt lợn giảm sâu đang đặt ra nguy cơ làm trệch hướng sự phục hồi này. Nhu cầu tiêu thụ thịt ở mức thấp do mùa vụ, những con lợn khổng lồ được xuất chuồng, và nhập khẩu thịt lợn tăng có thể sẽ tiếp tục đẩy giá thịt lợn ở Trung Quốc giảm sâu hơn. Công ty chăn nuôi lợn lớn nhất Trung Quốc Muyuan Foods hồi tháng 5 dự báo giá thịt lợn Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm và phải đến năm 2022, thậm chí 2023, mới chạm đáy.

An Huy

VnEconomy







TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Kinh tế Mỹ và kịch bản không hạ cánh

Từ chỗ được dự báo sẽ hạ cánh mềm, nền kinh tế Mỹ giờ đây đang có khả năng xảy ra kịch bản không hạ cánh, với lạm phát cao dai dẳng và tăng trưởng mạnh mẽ. Điều này...

Hoạt động kinh doanh của Mỹ giảm tốc trước thềm cuộc họp của Fed

Theo nhà kinh tế trưởng Chris Williamson tại S&P Global Market Intelligence, sự suy giảm nhu cầu và sự hạ nhiệt của thị trường lao động đã dẫn đến áp lực giá thấp...

Nhà đầu tư tăng đặt cược Fed tiếp tục nâng lãi suất

Trên các thị trường quyền chọn lãi suất của Mỹ, nhà đầu tư bắt đầu tăng đặt cược Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất trong 12 tháng tới. Đó là kịch bản ít...

Doanh thu du lịch toàn cầu năm 2024 dự báo đạt 5.800 tỷ USD

Báo cáo Các xu hướng kinh tế du lịch thế giới dự báo số lượt du khách đến trên toàn thế giới sẽ lên đến 13.579 tỷ lượt trong năm 2024, tức là phục hồi 103,9% so với...

Sức mạnh của đồng USD - kịch bản nằm ngoài dự báo cho năm 2024

Chỉ số đồng USD của Bloomberg đã tăng hơn 4% trong năm nay, cho thấy "đồng bạc xanh" đã tăng giá so với tất cả các đồng tiền của các nước phát triển và thị trường...

Các nền kinh tế lớn nhất ở châu Á trước áp lực đồng USD mạnh

Các nhà hoạch định chính sách ở Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đều đang nhắc tới việc ổn định đồng nội tệ khi các đồng tiền này chịu sức ép lớn do chênh lệch giữa...

Thủ tướng phát lệnh khởi công đoạn cuối cùng trên tuyến cao tốc Bắc Nam phía đông

Sáng 21/04, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát lệnh khởi công dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng với tổng nguồn vốn hơn 11,000 tỷ đồng, là đoạn...

Biến đổi khí hậu sẽ khiến thế giới tổn thất 38.000 tỷ USD mỗi năm vào năm 2050

Nghiên cứu của PIK ước tính đến năm 2050, biến đổi khí hậu sẽ lấy đi 17% GDP của thế giới, hầu hết các nền kinh tế đều chịu tổn hại do biến đổi khí hậu và tất cả...

Hội nghị mùa Xuân 2024: Nỗ lực giữ vững sự phục hồi và phát triển ổn định

Trọng tâm của Hội nghị mùa Xuân năm nay là tập trung thảo luận các vấn đề đang được toàn cầu quan tâm, bao gồm triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới, hợp tác quốc...

Thị trường bất động sản của Mỹ gặp khó khăn do lãi suất và giá nhà cao

Doanh số bán nhà đã qua sở hữu, chiếm phần lớn doanh số bán nhà của Mỹ, đã giảm 4,3% trong tháng 3/2024, xuống mức 4,19 triệu căn.


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98