Lạm phát cao có đáng lo ngại?

15/06/2021 11:05
15-06-2021 11:05:07+07:00

Lạm phát cao có đáng lo ngại?

Khác xa với nhiều quan ngại về sự gia tăng của tỷ lệ lạm phát, những gì chúng ta chứng kiến trên thị trường chỉ là sự tăng giá tạm thời trước sự phục hồi kinh tế toàn cầu. Những ai lo sợ và liên tục cảnh báo về vấn đề lạm phát có thể bắt nguồn từ hai nguyên nhân. Một là họ có mục đích chính trị gì đó đằng sau. Hai là họ đang lo quá xa cho tương lai. Nhìn chung, chúng ta không nên nghe theo những ý kiến đó.

* Bài viết thể hiện quan điểm của JOSEPH E. STIGLITZ

Lo ngại về lạm phát lúc này là quá sớm

Sự tăng nhẹ của lạm phát ở Mỹ và Châu Âu đã gây ra rất nhiều sự lo lắng trên thị trường. Liệu có khả năng chính quyền Joe Biden có đang mạo hiểu đẩy nền kinh tế đến tình trạng tăng trưởng quá nóng với gói kích thích 1.9 tỷ USD, cùng với đó là những kế hoạch chi tiêu công nhằm phát triển cơ sở hạ tầng, tăng việc làm và hỗ trợ các gia đình ở Mỹ.

Sự quan ngại trên là quá sớm nếu xét đến sự bất ổn lớn mà chúng ta vẫn đang phải đối mặt. Chúng ta chưa bao giờ trải nghiệm khủng hoảng kinh tế gây ra bởi một đại dịch mà ở đó ngành dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề, khoảng cách ngày một lớn về bất bình đẳng và sự tăng vọt tỷ lệ tiết kiệm. Không một ai biết trước được tình hình dịch bệnh có thể sẽ được kiểm soát ở các quốc gia phát triển, chưa nói đến phạm vi toàn cầu. Rủi ro về dịch bệnh là khó tránh khỏi, tuy vậy chúng ta cũng song song với đó nên xây dựng những kế hoạch xa hơn trong tương lai. Theo quan điểm của tôi, chính quyền Biden cho tới giờ đã rất chính xác trong việc đánh giá giữa rủi ro khi hành động quá an toàn với rủi ro hành động quá mạnh mẽ.

Hơn nữa, phần lớn những áp lực lạm phát hiện nay bắt nguồn từ sự đứt gãy của chuỗi cung ứng ngắn hạn trên toàn cầu. Điều này là khó tránh khỏi khi chúng ta đang khởi động lại một guồng máy kinh tế mà đã từng có thời gian gần như đứng yên. Trên bình diện toàn cầu, chúng ta không thiếu năng lực sản xuất để cho ra đủ số lượng ô tô và thiết bị bán dẫn. Nhưng có một vấn đề là khi mà nhu cầu cho thiết bị bán dẫn và xe ô tô vẫn chưa thật sự được dự đoán chắc chắn, nguồn cung sẽ còn bị hạn chế nhiều mặt. Có thể nói rằng, sự phối hợp giữa các nhà sản xuất nhằm quản lý đầu vào hiệu quả hơn là một việc làm rất khó khăn. Chúng ta từ lâu đã được hưởng lợi từ một chuỗi cung ứng toàn cầu hoạt động hiệu quả mà quên đi rằng đây là nhiệm vụ không dễ dàng gì.

Ngay bây giờ, khi mà chuỗi cung ứng vẫn chưa phục hồi hoàn toàn, những đứt gãy vừa qua nhiều khả năng sẽ tiếp tục xảy ra và điều này sẽ kéo theo sự tăng giá của một số sản phẩm. Nhưng không có lý do gì để tin rằng những thay đổi về giá này sẽ gây áp lực tăng lạm phát về lâu dài, đặc biệt khi chúng ta đang có một hệ thống dư sức cung ứng sản phẩm cho thị trường. Cũng nhắc lại cho mọi người nhớ rằng, gần đây những chuyên gia cảnh bảo lạm phát do dư thừa nhu cầu thì nay lại đề cập tới đình trệ kéo dài (secular stagnation) gây ra bởi nhu cầu trên thị trường không đủ lớn (ngay cả khi lãi suất bằng 0).

Ở một đất nước mà sự bất bình đẳng và khoảng cách giàu nghèo ngày một sâu sắc, thiếu hụt lao động lại bất ngờ trở thành một liều thuốc tốt cho mọi người. Khi nhu cầu về lao động đang tăng mạnh, mức đáy thu nhập sẽ được nâng lên và nhóm lao động trình độ thấp sẽ dễ dàng kiếm việc hơn. Và tất nhiên, tình trạng thiếu hụt lao động diễn biến cụ thể như thế nào cần phải theo dõi thêm, nhưng ta có thể thấy rõ qua các báo cáo các doanh nghiệp đang khó khăn trong việc tuyển dụng, dù rằng tỉ lệ có việc làm vẫn đang thấp hơn trước khi dịch bệnh xuất hiện.

Phe bảo thủ đổ lỗi tình hình đang xảy ra cho những gói hỗ trợ thất nghiệp quá hào phóng gần đây. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu về kinh tế lượng đang so sánh nguồn cung nhân sự trên khắp các bang ở Mỹ đều cho thấy rằng, tỷ lệ lao động mất động lực để quay trở lại làm việc do các gói hỗ trợ này là rất nhỏ. Dù là phía nào đúng đi nữa, các chính sách hỗ trợ thất nghiệp sẽ kết thúc vào mùa thu này, bất chấp những hệ quả từ dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa chấm dứt.

Nguy cơ thiếu hụt tổng cầu

Thay vì lo lắng về lạm phát, chúng ta nên suy nghĩ điều gì có thể xảy ra với tổng cầu nếu chính phủ dừng các chính sách nới lỏng tài khóa này. Nhiều người lao động có thu nhập thấp nhất trong xã hội đang phải gồng mình để trả những khoản nợ lớn, trong nhiều trường hợp có thể dẫn tới mất khả năng trả nợ.

Suy giảm tiêu dùng đến từ các hộ gia đình đang gặp khó khăn về tài chính khó có thể được bù đắp bởi khoản tiết kiệm từ các hộ gia đình giàu có trong thời gian dịch bệnh vừa qua. Dựa trên số liệu về hàng tiêu dùng lâu bền (consumer durables) được giữ ổn định trong 16 tháng qua, có vẻ như giới giàu có sẽ tiếp tục đem khoản tiết kiệm tích lũy này đi đầu tư hoặc sẽ mua sắm dần trong vài năm tới thay vì đổ tiền ngay ra thị trường. Do vậy, trừ khi có thêm các chương trình tăng chi tiêu công mới, nền kinh tế này sẽ một lần nữa chứng kiến sự thiếu hụt tổng cầu.

Một yếu tố khác, ngay cả khi áp lực về lạm phát thực sự hiện hữu, chúng ta tự tin có đủ các công cụ để giảm tổng cầu của thị trường (điều tiết nhu cầu thị trường hợp lý sẽ giúp nền kinh tế phát triển bền vững hơn về lâu dài). Trong khoảng một thập kỷ trở lại đây, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã duy trì lãi suất gần như bằng 0. Tuy nhiên, chính sách lãi suất thấp như vậy không tốt cho nền kinh tế, nguồn vốn trên thị trường không phải là vô hạn. Mặt bằng lãi suất thấp đã bóp méo thị trường vốn bằng cách gián tiếp khuyến khích nhà đầu tư lựa chọn mức lãi suất bù rủi ro quá thấp. Đưa lãi suất quay trở về mức cao hơn hoàn toàn có thể đem lại điều tích cực cho thị trường. Dù rằng, với giới nhà giàu, những người đã và đang hưởng lợi từ mức lãi suất thấp này sẽ bị ảnh hưởng phần nào từ việc tăng lãi suất.

Để chắc chắn, nhiều chuyên gia theo dõi sát sao những đánh giá của Fed về rủi ro chính sách có thể xảy ra và họ lo rằng Fed sẽ không kịp hành động khi bắt đầu phát hiện ra vấn đề. Không đồng tình với quan điểm trên, tôi lại cho rằng những gì Fed đã làm trong thời gian qua là rất hợp lý; và tôi tin Fed sẽ thay đổi chính sách nới lỏng chỉ khi có bằng chứng cụ thể và duy trì ổn định một thời gian. Đương đầu với lạm phát từ lâu đã trở thành một bản năng của các ngân hàng trung ương. Nếu họ vẫn chưa thấy lạm phát là vấn đề nên được ưu tiên tại thời điểm này, thì tôi nghĩ chúng ta cũng không nên quá bận tâm về nó.

Một công cụ khác có thể được sử dụng là tăng thuế. Để đảm bảo kinh tế phát triển bền vững, chi tiêu công đóng vai trò hết sức quan trọng. Tỷ số đóng thuế trên GDP của Mỹ đang ở mức quá thấp, đặc biệt nếu xét tới yếu tố bất bình đẳng thu nhập sâu sắc hiện nay. Do vậy, nhu cầu cấp bách là phải tăng thuế lũy tiến nhằm hướng tới lao động có thu nhập cao, đó là chưa kể chúng ta cần phải áp thuế môi trường mạnh hơn nữa nhằm giải quyết các vấn đề về môi trường. Nhưng việc chần chừ trong các quyết định tăng thuế cũng có thể được thông cảm bởi nền kinh tế vẫn đang trong giai đoạn nhiều bất ổn.

Chúng ta nên thận trọng hơn khi đọc các bài phân tích cảnh báo về rủi ro lạm phát vì các phát biểu cảnh báo như vậy có thể mang trong mình động cơ chính trị. Theo tôi để đảm bảo sự phục hồi trơn tru hơn thì tăng đầu tư công là điều bắt buộc phải làm. Và may mắn cho chúng ta, nước Mỹ đang có những nhà lãnh đạo điều hành kinh tế rất kiên định bất chấp phải đương đầu những áp lực từ nhiều phía.

Giới thiệu về tác giả JOSEPH E. STIGLITZ

Joseph E. Stiglitz đạt giải Nobel Kinh tế năm 2001 và hiện tại đang là giáo sư tại trường Đại học Columbia. Ông từng đảm nhận chức vụ Kinh tế trưởng tại World Bank (1997-2000) và Chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế của Tổng thống Mỹ.

Ông được biết đến với những nghiên cứu tiên phong về vấn đề bất cân xứng thông tin. Trong đó, ông tập trung nghiên cứu về phân phối thu nhập, quản trị rủi ro, quản trị doanh nghiệp, chính sách công, kinh tế vĩ mô và toàn cầu hóa. Ngoài ra, ông còn là đồng chủ tịch Ủy ban quốc tế cấp cao về các-bon.

Nguồn: Nobelprize.org

Phòng Tư vấn Vietstock (Theo Project Syndicate)

FILI







TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Thị trường bất động sản của Mỹ gặp khó khăn do lãi suất và giá nhà cao

Doanh số bán nhà đã qua sở hữu, chiếm phần lớn doanh số bán nhà của Mỹ, đã giảm 4,3% trong tháng 3/2024, xuống mức 4,19 triệu căn.

Phố Wall lo Fed không giảm lãi suất trong năm 2024

Phố Wall đang nghĩ đến kịch bản Fed không giảm lãi suất trong năm 2024.

Cục Dự trữ Liên bang: Kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng nhẹ ở mức đồng đều

Theo mô hình GDPNow của Fed chi nhánh tại Atlanta, kinh tế Mỹ được dự báo sẽ tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng hằng năm ở mức 2,9% trong quý 1 năm 2024, sau khi tăng...

IMF: Thâm hụt tài khóa của Mỹ có thể gây rủi ro cho kinh tế toàn cầu

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), gánh nặng nợ của chính phủ Mỹ tạo ra nguy cơ ngắn hạn cho quá trình giảm lạm phát cũng như sự ổn định về tài chính về dài hạn cho...

IMF: Đà tăng của giá dầu có thể làm chệch hướng kinh tế thế giới

IMF kỳ vọng kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,2% trong năm nay và năm tới, tuy nhiên tình trạng gián đoạn trên thị trường dầu mỏ có thể là một trong những nhân tố...

Cục Dự trữ liên bang Mỹ phát tín hiệu trì hoãn cắt giảm lãi suất

Theo Chủ tịch Fed, những dữ liệu gần đây không tạo cho Fed sự tin tưởng đủ lớn để cắt giảm lãi suất, mà trái lại nó cho thấy phải mất nhiều thời gian để đạt được...

Chủ tịch ECB: NHTW sẽ sớm hạ lãi suất

Trong ngày 16/04, Chủ tịch Christine Lagarde nhận định Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể cắt giảm lãi suất trong thời gian tới, nếu không có thêm bất kỳ cú...

Trung Quốc có thể cần chi 2.100 tỉ đô la để hồi sinh thị trường nhà ở

Thị trường nhà ở Trung Quốc có thể suy yếu hơn nữa khi những nỗ lực vực dậy lĩnh vực này chưa đủ mạnh để ngăn chặn cơn suy thoái kéo dài 3 năm qua. Theo ngân hàng...

Tesla sẽ cắt giảm ít nhất 14,000 nhân sự trên toàn cầu

Tesla sẽ cắt giảm hơn 10% lực lượng lao động toàn cầu, tương đương ít nhất 14,000 việc làm, do nhu cầu về xe điện toàn cầu giảm và cuộc chiến giá cả khốc liệt đã...

GDP Trung Quốc tăng trưởng 5.3% trong quý 1, vượt kỳ vọng

Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nhanh hơn dự báo trong quý 1/2024, theo dữ liệu công bố vào ngày 16/04.


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98