Thế “tiến thoái lưỡng nan” của tỷ phú Trần Bá Dương tại HNG

26/07/2021 13:01
26-07-2021 13:01:57+07:00

Thế “tiến thoái lưỡng nan” của tỷ phú Trần Bá Dương tại HNG

Ông Trần Bá Dương vẫn được biết đến với những thành công vang dội khi xây dựng, phát triển CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco) lớn mạnh hay việc “biến” vùng sình lầy Thủ Thiêm trở thành khu đô thị kiểu mẫu Sala. Song, thương trường luôn khó lường, vị tỷ phú dường như đang gặp thế “tiến thoái lưỡng nan” tại thương vụ giải cứu CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico, HOSE: HNG).

Những thương vụ gây tiếng vang của tỷ phú Trần Bá Dương

Tỷ phú Trần Bá Dương sinh năm 1960, là con thứ 5 trong gia đình có 8 anh chị em tại Thừa Thiên Huế. Ông tốt nghiệp kỹ sư cơ khí tại trường Đại học Bách Khoa TP. HCM. Nhờ vào những kiến thức đã tích lũy trên ghế nhà trường, ông từng đưa ra dự án “Chuyển đổi tay lái nghịch". Dự án này được Bộ Giao thông Vận tải chấp nhận và đã thành công.

Đến năm 1997, ông Trần Bá Dương quyết định thành lập Công ty TNHH Ô tô Trường Hải, nay là CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco), tại Biên Hoà, Đồng Nai. Tiếp đó đến năm 2000, ông mở xưởng lắp ráp xe tải hạng nhẹ mang thương hiệu KIA. Bước ngoặt đến với Thaco vào năm 2008, khi Jardine Cycle và Carriage, một nhà phân phối xe hơi của Singapore, đã chi 77 triệu USD để mua 20% cổ phần Công ty.

Có dòng vốn lớn, Thaco tăng trưởng mạnh mẽ các năm sau đó và từng bước vượt qua các tên tuổi trên thị trường. Đến năm 2014, Thaco đã chính thức vượt qua Toyota để trở thành doanh nghiệp có thị phần lớn nhất và duy trì liên tục cho đến nay.

Ông Trần Bá Dương

Thương vụ gây tiếng vang lớn thứ hai của ông Dương chính là biến vùng sình lầy Thủ Thiêm trở thành khu đô thị kiểu mẫu Sala. Nhớ lại vào năm 2012, ông Trần Bá Dương được mời gọi đầu tư tại Thủ Thiêm (tọa lạc Quận 2 cũ, nay thuộc TP. Thủ Đức, TP. HCM).

Vị tỷ phú xuất thân từ miền Trung đã quyết định thử sức với bất động sản bằng việc thành lập CTCP Đại Quang Minh vào năm 2011. Hiện, Thaco đang nắm giữ 90% vốn của Đại Quang Minh.

Đại Quang Minh được biết đến là chủ đầu tư tiên phong, ông lớn tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, với việc phát triển khu đô thị Sala có tổng diện tích khoảng 128 ha và hàng loạt các dự án hạ tầng kỹ thuật trọng điểm như: Quảng trường Trung tâm và Công viên Bờ sông; 4 tuyến đường chính Thủ Thiêm; Cầu Thủ Thiêm 2; Cầu đi bộ nối Thủ Thiêm và phố đi bộ Nguyễn Huệ; Dự án vùng Châu thổ phía Nam...

Hiện quỹ đất của Thaco đang có khá dồi dào. Ngoài Khu đô thị Sala rộng hơn 106 ha cùng 150 ha Lâm viên sinh thái tại Thủ Thiêm, Thaco còn đang phát triển Khu công nghiệp và đô thị 650 ha tại Chu Lai, cũng như sở hữu 100 showroom có vị trí tốt tại các đô thị lớn.

Giải cứu "vua cá tra" Hùng Vương bất thành

Bên cạnh những thương vụ thành công vang dội, một dấu lặng trong chặng đường dài của tỷ phú Trần Bá Dương được mang tên CTCP Hùng Vương (UPCoM: HVG). Thaco từng đầu tư vào Hùng Vương từ đầu năm 2020 thông qua công ty con Thadi (nay tên là Thagrico). Theo thoả thuận, Thagrico và những cổ đông liên quan sở hữu 35% cổ phần và tham gia quản trị, cử đại diện giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Tài chính và các chuyên gia phụ trách kỹ thuật, bán hàng. Hai bên lập liên doanh phát triển mảng sản xuất heo giống với quy mô 45,000 con, trong đó Thagrico nắm 65% tương ứng giá trị đầu tư 2,000 tỷ đồng. Nhờ đó, Hùng Vương kỳ vọng sẽ thoát tình trạng thua lỗ triền miên.

Tuy nhiên, dưới sự điều hành của nhân sự và vốn tài chính từ phía Thaco, doanh nghiệp thủy sản này vẫn kinh doanh bết bát. Thậm chí cổ phiếu HVG còn bị buộc hủy niêm yết trên sàn chứng khoán TP. HCM (HOSE) vào 05/08/2020.

Thaco đã quyết định thoái hết vốn khỏi HVG vào cuối năm 2020. Đầu tháng 7/2021, đến lượt ông Trần Bá Dương và đơn vị liên quan là Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Trân Oanh cũng “dứt áo” khỏi Hùng Vương bằng việc bán hết cổ phiếu nắm giữ.

Rót 40 ngàn tỷ đồng vào HNG

Thương vụ mới nhất và cũng gây không ít xôn xao của ông Trần Bá Dương là việc rót vốn mạnh vào CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico, HOSE: HNG) sau khi nhận một cuộc điện thoại và bức thư của ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) vào đầu năm 2018.

Tại ĐHĐCĐ bất thường vào đầu tháng 1/2021, HNG đã công bố kế hoạch tái cơ cấu và chuyển giao vị trí Chủ tịch HĐQT từ Bầu Đức sang cho ông Dương.

Trước đó, HNG đã thực hiện một đợt tái cơ cấu. HNG bán 4 công ty con trị giá 9,200 tỷ đồng; đồng thời phát hành cổ phiếu tăng vốn thêm 7,000 tỷ đồng, thu về tổng cộng 16,000 tỷ đồng.

Sau tái cấu trúc, Thagrico sẽ sở hữu 63.08% vốn của HNG. Thagrico có vốn góp 75% của Thaco và 25% của gia đình ông Dương. Theo như lời chia sẻ của ông Trần Bá Dương tại buổi ĐHĐCĐ bất thường của HNG ngày 08/01/2021, số vốn mà Thaco đã đầu tư vào HNG đã đạt 40,000 tỷ đồng.

Tiếp theo đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2021 diễn ra ngày 31/05/2021 của Thaco, Ban lãnh đạo cho biết riêng năm 2020, Tập đoàn đã đầu tư vào HNG 2,464 tỷ đồng. Thaco dự kiến sẽ tiếp tục đầu tư vào HNG thêm 3,691 tỷ đồng trong 2021.

Ông Trần Bá Dương và ông Đoàn Nguyên Đức tại ĐHĐCĐ bất thường tháng 1/2021 của HNG

Mặt khác, việc ông Trần Bá Dương nắm giữ ghế Chủ tịch HNG cũng có nghĩa là ông sẽ nắm toàn quyền điều hành diện tích đất nông nghiệp mà ông Đức đã phát triển được lên tới 84,000 ha ở ba nước Đông Dương, trong đó HNG sở hữu 35,000 ha. Tại cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường hồi đầu năm (08/01/2021), ông Dương nói: “Với tôi việc làm Chủ tịch HNG là bất đắc dĩ, vì khi tôi vào HNG chỉ mong muốn giúp Công ty thoát hiểm và đất nước có một công ty nông nghiệp quy mô lớn theo mô hình sản xuất công nghiệp”.

Theo ông Dương, làm nông nghiệp quy mô lớn một cách bài bản đòi hỏi đầu tư hạ tầng thủy lợi, điện nước tưới tiêu, giao thông, hệ thống logistic gồm kho lạnh,... là cần có thời gian. Kinh nghiệm hai năm đầu bắt tay vào làm thử nghiệm và rút kinh nghiệm từ những bước đi tiên phong của ông Đức giúp ông Dương hiểu phải làm từng bước và bài bản, không nóng vội. HNG thời gian qua cũng đã cố gắng trồng được 12,000 ha chuối, 6,000 ha xoài và 6,600 ha cây ăn trái các loại. Vấn đề là khi cố gắng trồng nhiều để tạo ra doanh thu, có tiền trả nợ thì lại xảy ra đại dịch Covid-19, khiến việc tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn.

Câu chuyện tái cơ cấu HNG được ông Dương tiết lộ, khi HNG gặp khó khăn, các cổ đông ngồi lại để tìm cách tái cơ cấu. Phương án ban đầu đưa ra là ông Dương mua lại một phần tài sản của HNG để cùng chăm sóc diện tích cây trồng.

Nhưng tính toán cho thấy vẫn không đủ cân đối tài chính cho HNG. Tình hình của HNG vẫn chưa cải thiện khi đến cuối năm 2020, Công ty vẫn ghi nhận nợ phải trả 16,000 tỷ đồng và lỗ lũy kế 2,300 tỷ đồng. Vì thế, phương án vừa bán tài sản và bán cổ phần tăng vốn tiếp tục được đưa ra nhằm giúp HNG thoát khỏi gánh nặng nợ nần và có tiền để đầu tư.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2021 ngày 08/01, cổ đông HNG đã thông qua phát hành 741 triệu cp (bao gồm hoán đổi nợ và phát hành mới) với giá phát hành 10,000 đồng cho CTCP Nông Nghiệp Trường Hải (Thagrico). Nếu tính cả việc chuyển nhượng công ty con, kế hoạch năm nay có thể giúp HNG thu về 16,000 tỷ đồng để trả hết nợ ngân hàng, nợ nhóm Thaco, đối tác... và còn dư để bổ sung vốn lưu động.

Dừng đầu tư vào HNG, tỷ phú Trần Bá Dương ở thế “tiến thoái lưỡng nan”

Thông tin gây sửng sốt mới đây ngày 23/07/20201 do HNG phát ra là quyết định dừng phát hành cổ phiếu hoán đổi nợ và dừng phương án chào bán riêng lẻ cho Thagrico theo yêu cầu của đơn vị này. Cụ thể hơn, HNG sẽ dừng thực hiện phát hành 550 triệu cp để hoán đổi khoản nợ 5,500 tỷ đồng tại Thagrico và dừng phát hành riêng lẻ hơn 191.4 triệu cp HNG cho Thagrico.

Có ba lý do mà đơn vị của Tỷ phú Trần Bá Dương quyết định dừng đầu tư vào HNG. Thứ nhất, nhằm hỗ trợ HNG trả nợ vay ngân hàng BIDV và các ngân hàng khác, Thagrico đã nhận chuyển nhượng 3 công ty con của HNG (bao gồm Cao su Đông Dương, Đông Pênh và Cao su Trung Nguyên) vào năm 2019, với tổng diện tích 22,462 ha với tổng số tiền 7,623 tỷ đồng.

Mặc dù đã hoàn tất việc thanh toán, nhưng đến nay đã quá 2 năm, Thagrico vẫn chưa nhận được giấy tờ đất của các công ty trên, do các giấy tờ này đang bị giữ lại ở BIDV.

Đến cuối năm 2020 và đầu 2021, Thagrico tiếp tục nhận chuyển nhượng 4 công ty bao gồm An Đông Mia, Cao su Hoàng Anh Quang Minh, Hoàng Anh Đăk Lăk và Bò sữa Tây Nguyên với tổng diện tích 20,744 ha. Tuy nhiên giấy tờ đất các đơn vị này đang thế chấp để đảm bảo cho các khoản nợ của HAG tại BIDV. Trong khi đó Thagrico đã đầu tư xây dựng hạ tầng, trồng mới cây ăn trái trên diện tích của các công ty đã nhận chuyển nhượng trên, nhưng hiện tại vẫn chưa có giấy tờ đất. Do đó, công ty không huy động được nguồn vốn để tiếp tục đầu tư cho các dự án này.

Thứ hai, trong điều kiện khó khăn của HNG và phương án phát hành cổ phiếu vẫn chưa được thực hiện, thì từ đầu năm 2021, phía HAG lại liên tục bán cổ phiếu HNG với khối lượng lớn để giảm tỷ lệ sở hữu của nhóm này xuống 16.34% và thậm chí còn 11.43%. Trong khi theo cam kết phát hành cổ phần thì nhóm HAG phải duy trì tỷ lệ sở hữu là 25.24%. Điều này đã làm giá cổ phiếu HNG tụt xuống dưới mệnh giá.

Cuối cùng, diễn biến của dịch Covid-19 đang gây ra rất nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Thagrico, ảnh hưởng trực tiếp đến chuỗi cung ứng vật tư nông nghiệp cho các nông trường tại Lào và Campuchia, cũng như hoạt động xuất khẩu trái cây. Khó khăn này buộc Thagrico phải điều chỉnh lại kế hoạch đầu tư và sản xuất kinh doanh trong điều kiện mới.

Quyết định dừng đầu tư của Thaco đang đặt một dấu chấm hỏi rất lớn về tương lai của HNG. Về phía ông Trần Bá Dương, quyết định này cũng đặt ông vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, nhất là khi vị tỷ phú này đã rót 40 ngàn tỷ vào HNG.

Liệu HNG có thể vượt qua khó khăn trước mắt, hay đây sẽ là thương vụ giải cứu bất thành tiếp theo của tỷ phú Trần Bá Dương?

Sau thông tin tỷ phú Trần Bá Dương bất ngờ dừng đầu tư,  cổ phiếu HNG đã giảm sàn ngay trong phiên sáng 26/07, xuống còn 7,680 đồng/cp. Khối lượng dư bán sàn đạt đến hơn 32 triệu cp.

Duy Na

FILI





MÃ CHỨNG KHOÁN LIÊN QUAN (3)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật cán bộ

Bộ Chính trị quyết định khiển trách ông Đào Ngọc Dung, cảnh cáo đối với bà Phạm Thị Hải Chuyền và ông Huỳnh Văn Tí. Riêng ông Lê Viết Chữ bị đề nghị khai trừ ra...

Khởi tố, bắt khẩn cấp lãnh đạo Tập đoàn Tâm Lộc Phát

Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an TP. Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, tiến hành khám xét khẩn cấp trụ sở làm việc của CTCP Tập đoàn Tâm Lộc Phát. Đồng...

Tổng Giám đốc Nhã Nam Nguyễn Nhật Anh bị đình chỉ chức vụ, nắm bao nhiêu cổ phần công ty?

Ngoài vai trò Tổng Giám đốc và đại diện pháp luật (theo giấy phép kinh doanh thay đổi gần nhất vào tháng 10/2022), ông Nguyễn Nhật Anh còn nắm lượng lớn cổ phần tại...

Nữ cựu chủ tịch Vimedimex được đề nghị án treo

Cáo buộc vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản gây thiệt hại tài sản nhà nước, VKS đề nghị bị cáo Nguyễn Thị Loan, cựu chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn...

Chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng lên tiếng vì bị nhầm ảnh với chủ tịch Tập đoàn Thuận An

Bị đăng nhầm ảnh với ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thuận An, người vừa bị khởi tố, bắt tạm giam - ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty Chứng khoán...

Chủ tịch Thuận An Group Nguyễn Duy Hưng bị bắt

Ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Thuận An Group, bị bắt với cáo buộc vi phạm về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và đưa hối lộ.

Thu nhập Chủ tịch CKG “khủng” cỡ nào?

Năm 2023, thu nhập Chủ tịch HĐQT CKG Trần Thọ Thắng đạt con số 11.7 tỷ đồng, tương đương gần 1 tỷ đồng/tháng và chiếm hơn một nửa thu nhập của HĐQT, BKS và Ban Điều...

Bắt nguyên Phó Tổng giám đốc LDG

Ông Nguyễn Quốc Vy Liêm - nguyên Phó Tổng giám đốc CTCP Đầu tư LDG (HOSE: LDG) đã có hành vi lừa dối khách hàng tại dự án Khu dân cư Tân Thịnh (huyện Trảng Bom...

Bị cáo Trương Mỹ Lan lĩnh án tử hình

Sau khi xem xét, HĐXX quyết định tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan mức án tử hình cho 3 tội danh, buộc bồi thường gần 677.000 tỷ đồng.

PSD vội vã thay Chủ tịch mới

Ngày 09/04, CTCP Dịch vụ Phân phối Tổng hợp Dầu khí (HNX: PSD) cập nhật một số nội dung tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2024, trước thời điểm họp chỉ 3 ngày, gây chú ý...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98