“Bom nợ” ở Evergrande, tập đoàn địa ốc “quá lớn để đổ vỡ” của Trung Quốc

01/08/2021 20:30
01-08-2021 20:30:00+07:00

“Bom nợ” ở Evergrande, tập đoàn địa ốc “quá lớn để đổ vỡ” của Trung Quốc

Quãng thời gian nhiều năm phát triển bùng nổ và vay nợ ồ ạt đã phản lại Evergrande và nhà sáng lập vươn lên từ nghèo khó.

Tỷ phú Hui Ka Yan, Chủ tịch tập đoàn Evergrande. Ảnh: Bloomberg.

Trong tháng 7 vừa qua, tỷ phú Hui Ka Yan - một trong những người giàu nhất Trung Quốc - đã có một cuộc gọi video với các ngân hàng chủ nợ.

Tập đoàn bất động sản khổng lồ Evergrande Group của ông Hui đang ngập trong tin xấu, nhưng ông vẫn tươi cười và đề nghị các chủ nợ đừng để ý đến những dòng tít báo, những tin đồn, những nhà bán khống, và những ồn ào khác - nguồn thạo tin tiết lộ với hãng tin Bloomberg về cuộc gọi trên.

Ông Hui khẳng định rằng Evergrande sẽ vượt qua tất cả, cho dù giá cổ phiếu của tập đoàn đang lao dốc không phanh và giá trái phiếu đang phản ánh nguy cơ vỡ nợ.

Nhưng các nhà đầu tư không chắc ông Hui có thể vượt qua được những khó khăn này bằng cách nào. Evergrande đang nhanh chóng trở thành nỗi lo tài chính lớn nhất ở Trung Quốc - đất nước vốn dĩ đã không thiếu những nỗi lo tài chính. Ngay cả khi đợt bán tháo cổ phiếu công nghệ Trung Quốc thời gian gần đây thu hút sự chú ý của toàn thế giới, các nhà đầu tư vẫn theo dõi Evergrande bằng một tâm trạng lo lắng đặc biệt. Từ Hồng Kông tới New York, một câu hỏi được đặt ra: mọi chuyện đối với tập đoàn bất động sản này còn có thể xấu đi tới mức nào?

QUY MÔ KHỔNG LỒ VÀ ẢNH HƯỞNG CỦA EVERGRANDE

Câu trả lời ngắn gọn là “rất xấu”. Dù không nổi tiếng khắp thế giới như “đế chế” thương mại điện tử của Jack Ma, Evergrande lại có quy mô và ảnh hưởng cực kỳ lớn. Cách đây mới chỉ 3 năm, đây là công ty bất động sản lớn nhất thế giới, còn ông Hui - theo xếp hạng tỷ phú Bloomberg Billionaires Index - sở hữu khối tài sản ròng 42 tỷ USD, giàu thứ nhì Trung Quốc, chỉ sau Jack Ma.

Với nghĩa vụ nợ lên tới 300 tỷ USD và mối liên hệ với vô số ngân hàng, Evergrande - tập đoàn bất động sản nặng nợ nhất thế giới - có thể gây ra những cú sốc lớn trong hệ thống tài chính và toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc, nếu chuyện xấu xảy ra.

Và rồi, quãng thời gian nhiều năm phát triển bùng nổ và vay nợ ồ ạt đã phản lại Evergrande và nhà sáng lập vươn lên từ nghèo khó. Trong vòng 12 tháng ngắn ngủi, giá cổ phiếu tập đoàn đã lao dốc hơn 70%, trong khi giá trái phiếu giảm còn chưa đầy 0,5 USD trên mỗi 1 USD mệnh giá, một mức thấp kỷ lục. Trên giấy tờ, khối tài sản cá nhân của ông Hui đã “bốc hơi” hơn 20 tỷ USD.

Tin xấu nối tiếp nhau ập đến. Cách đây ít ngày, S&P Global Ratings cắt giảm hai bậc định hạng tín nhiệm của Evergrande. Hôm thứ Ba vừa rồi, giá cổ phiếu Evergrande sụt 13% sau khi tập đoàn quyết định không trả một khoản cổ tức đặc biệt, và do giới đầu tư lo ngại việc Bắc Kinh siết kiểm soát đối với các công ty trong lĩnh vực Internet và một số lĩnh vực khác sẽ đẩy thị trường chứng khoán Trung Quốc vào một vòng xoáy đi xuống. Phiên ngày thứ Sáu, cổ phiếu Evergrande giảm hơn 9%, nâng tổng mức giảm cả tuần lên hơn 26%.

Ông Hui đã thực hiện một loạt ý tưởng, từ mua lại cổ phiếu cho tới bán bớt nhiều bộ phận của tập đoàn, với hy vọng sẽ chặn được thảm hoạ và xoa dịu được các nhà đầu tư như “đang ngồi trên đống lửa”. Tuy nhiên, Bloomberg Intelligence nói rằng có lẽ đã đến lúc Evergrande nên có hành động triệt để hơn, chẳng hạn bán một cổ phần lớn cho một doanh nghiệp quốc doanh.

“Evergrande khó thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn này, vì niềm tin vào tập đoàn đã suy sụp ở hầu hết những người nắm giữ lợi ích”, nhà phân tích Iris Chen của Nomura nhận định.

Thời gian không còn nhiều. Tháng 3 sang năm, có nghĩa là chỉ còn chưa đầy 8 tháng kể từ bây giờ, 2 tỷ USD trái phiếu Evergrande sẽ đáo hạn, tiếp theo là 1,45 tỷ USD trái phiếu nữa đáo hạn trong tháng 4. Evergrande đã thanh toán được hết trái phiếu đáo hạn năm nay, nhưng đây sẽ là một việc nhiều thách thức trong năm 2022 nếu khả năng tiếp cận với thị trường vốn của tập đoàn không kịp phục hồi – theo S&P. Ở thời điểm hiện tại, thị trường đang phát tín hiệu rằng các nhà đầu tư trái phiếu Evergrande có thể không lấy lại được đủ tiền.

“Trung Quốc thực sự muốn gửi đi một thông điệp rằng không có công ty nào là quá lớn để đổ vỡ cả”.

Nhà phân tích David Loevinger thuộc TCW Group

Evergrande là một cái tên thống trị trên thị trường bất động sản Trung Quốc, với các dự án trải rộng khắp hơn 225 thành phố. Tuy nhiên, với nghĩa vụ nợ lên tới 300 tỷ USD và mối liên hệ với vô số ngân hàng, tập đoàn bất động sản nặng nợ nhất thế giới có thể gây ra những cú sốc lớn trong hệ thống tài chính và toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc nếu chuyện xấu xảy ra. Nhiều triệu người Trung Quốc mua nhà của Evergrande cũng sẽ bị ảnh hưởng.

“Rõ ràng là tình hình đã xấu đi nhiều”, nhà quản lý danh mục Jennifer James của Janus Henderson Investors nói về khó khăn của Evergrande. “Chính phủ Trung Quốc có thể hành động nhanh chóng nếu họ chọn cách kiểm soát việc này. Rủi ro hệ thống và rủi ro xã hội là rất cao”.

NHỮNG LỰA CHỌN CỦA EVERGRANDE

Câu hỏi đặt ra lúc này là liệu Bắc Kinh có “giải cứu” Evergrande nếu ông Hui hết lựa chọn. Việc cứu một công ty lớn và có quan hệ rộng rãi như Evergrande sẽ ngăn chặn được một vụ sụp đổ gây tổn thất lớn. Nhưng một cuộc “giải cứu” doanh nghiệp như vậy cũng có thể bị xem như ngầm bỏ qua cho việc vay nợ bất cẩn - nguyên nhân đẩy những doanh nghiệp Trung Quốc đình đám một thời khác như Anbang Group và HNA Group vào rắc rối.

Liệu các công ty chủ chốt của Trung Quốc có còn được xem là “quá lớn để đổ vỡ”, và điều gì sẽ xảy ra khi những công ty này không còn được coi là như vậy? Đó là những câu hỏi mà các nhà đầu tư toàn cầu đang rất muốn có lời giải đáp.

“Trung Quốc thực sự muốn gửi đi một thông điệp rằng không có công ty nào là quá lớn để đổ vỡ cả”, nhà phân tích David Loevinger thuộc TCW Group nhận định. “Rõ ràng, việc giảm thiểu rủi ro hệ thống tài chính là một ưu tiên hàng đầu của họ”.

Trên thị trường chứng khoán, giới bán khống cổ phiếu Evergrande đang chiếm ưu thế. Lượng cổ phiếu bị bán khống của tập đoàn này đã chiếm khoảng 20% số cổ phiếu lưu hành – theo dữ liệu của IHS Markit. Cổ phiếu Evergrande chốt tuần này ở mức 5,26 Đôla Hồng Kông/cổ phiếu, mức thấp nhất 4 năm. Tệ hơn, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy Trung Quốc tăng cường kiểm soát cơn sốt giá nhà và ngành bất động sản nói chung, như một nỗ lực nhằm thu hẹp khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn ở quốc gia tỷ dân.

Đối với Evergrande, đáng lo hơn cả chuyện cổ phiếu bị bán khống là sự khắt khe của các chủ nợ. Ba ngân hàng nắm tổng cộng 7,1 tỷ USD trái phiếu Evergrande gần đây đã quyết định không gia hạn một số khoản vay đáo hạn trong năm nay. Nguồn thạo tin nói rằng các chủ nợ lớn của Evergrande ở Trung Quốc đại lục, bao gồm China Minsheng Banking Corp có kế hoạch sớm tiến hành một cuộc họp để bàn về các khoản nợ của Evergrande và chờ chỉ đạo của cơ quan chức năng.

Mới đây, ít nhất 4 ngân hàng lớn ở Hồng Kông đã dừng cấp các khoản vay thế chấp nhà cho hai dự án chung cư của Evergrande ở thành phố này, vì lo ngại rằng Evergrande thiếu thanh khoản để hoàn thành dự án. Theo nguồn thạo tin, các ngân hàng sau đó đã xem lại quyết định vì Cơ quan Tiền tệ Hồng Kông đặt câu hỏi về động thái này.

Một số người mua nhà tại dự án của Evergrande cảm thấy lo sợ. Lily Chan mua một căn hộ 1 phòng ngủ ở Emerald Bay II, một trong các dự án của Evergrande ở Hồng Kông. Cô quyết định rút lại tiền vì các tuyến giao thông từ dự án này không giống như mong đợi ban đầu. Tuy nhiên, khi cô gọi tới đường dây nóng chăm sóc khách hàng của Evergrande, không có ai bắt máy.

Bằng nhiều cách, Evergrande đã làm cho mình trở thành “quá lớn để đổ vỡ”. Tập đoàn này nắm trong tay một lượng bất động sản khổng lồ, trong khi ngành địa ốc hiện đã chiếm tới 13% nền kinh tế Trung Quốc, từ mức chỉ 5% vào năm 1995.

Có một khả năng rất dễ trở thành hiện thực là Evergrande trở thành một công ty nhỏ hơn. Để giải quyết khó khăn, ông Hui đã bán cổ phần trong nhiều công ty con của tập đoàn, và nhiều khả năng sẽ tiếp tục bán. Evergrande nắm số cổ phần trị giá khoảng 80 tỷ USD trong các mảng kinh doanh – theo nhà phân tích Agnes Wong của BNP Paribas ở Hồng Kông.

Năm nay, Evergrande đã huy động được gần 8 tỷ USD bằng việc bán cổ phần trong công ty ô tô điện, công ty Internet, một công ty bất động sản ở Hàng Châu, và nền tảng trực tuyến FCB Group. Nỗ lực này giúp Evergrande giảm nợ được 20%, còn 570 tỷ Nhân dân tệ (88 tỷ USD) vào thời điểm cuối tháng 6.

Theo nguồn thạo tin, Evergrande đang tính niêm yết một công ty con về du lịch. Các tài sản khác có thể bán bao gồm một công ty nước suối và một công ty chăm sóc sức khoẻ. Tuy nhiên, tất cả đều không phải là giải pháp chóng vánh, vì bất kỳ thương vụ nào cũng khó hoàn tất trước năm 2022.

Cũng theo nguồn thạo tin, Evergrande đang đàm phán với các công ty đối thủ để bán các dự án bất động sản trên toàn quốc.

SẼ CÓ MỘT CUỘC TÁI CƠ CẤU?

Bên cạnh đó, ông Hui cũng có thể nhờ tới sự hỗ trợ của các “đại gia” khác như ông đã từng làm trước đây. Dưới sức ép giảm vay nợ mà Bắc Kinh đặt ra trong những năm gần đây, ông Hui đã tăng cường mối quan hệ tài chính với các tập đoàn bất động sản lớn khác của Trung Quốc. Trong vòng 1 thập kỷ qua, những công ty như vậy đã có giao dịch ít nhất 16 tỷ USD với Evergrande.

Tháng này, tập đoàn Asia Orient Holdings của vị đại gia kín tiếng Poon Jing đã mua thêm trái phiếu Evergrande, bổ sung vào lượng nắm giữ đã lớn trước đó. Tuy nhiên, bản thân nhiều doanh nhân lớn khác của Trung Quốc cũng đang gặp khó khăn tài chính, nên khó có chuyện ra tay giúp đỡ ông Hui.

Rốt cục, số phận của Evergrande có thể được quyết định bởi Bắc Kinh, hoặc bởi một chính quyền địa phương hay một doanh nghiệp quốc doanh nào đó tung ra cho tập đoàn này một “phao cứu sinh” hoặc một chương trình tái cấu trúc bắt buộc.

Đầu tháng 7, chính quyền tỉnh Quảng Đông, nơi Evergrande đặt trụ sở, đã tổ chức một cuộc họp với lãnh đạo tập đoàn để thảo luận về cách thức xử lý vấn đề nợ nần của tập đoàn – nguồn thạo tin cho hay.

Bất kỳ một chương trình “giải cứu” hay tái cấu trúc nào cũng đều có khả năng gây ra tổn thất lớn cho ông Hui, vì Chính phủ Trung Quốc muốn vừa hạn chế lớn nhất thiệt hại, vừa kiềm chế các doanh nhân lớn. Đầu tháng 7, tỷ phú Zhang Jindong đã mất quyền kiểm soát mảng bán lẻ của Suning sau khi tập đoàn này nhận gói giải cứu 1,36 tỷ USD từ chính phủ. Đó cũng có thể là lộ trình cho Evergrande trừ phi ông Hui tìm được sự hậu thuẫn từ khu vực tư nhân.

Tuy nhiên, cũng có những lý do để tin rằng Bắc Kinh, các chính quyền địa phương hoặc doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc sẽ không để Evergrande đổ vỡ. Cách đây hơn 1 tuần, Phó thị trưởng một thành phố ở miền Bắc Trung Quốc đã kêu gọi các doanh nghiệp quốc doanh tăng nắm giữ cổ phần trong Shengjing Bank, một ngân hàng mà Evergrande nắm cổ phần 36%.

Bằng nhiều cách, Evergrande đã làm cho mình trở thành “quá lớn để đổ vỡ”. Tập đoàn này nắm trong tay một lượng bất động sản khổng lồ, trong khi ngành địa ốc hiện đã chiếm tới 13% nền kinh tế Trung Quốc, từ mức chỉ 5% vào năm 1995.

Vị tỷ phú này xuất thân từ nghèo khó, là con trai của một người thợ xẻ, đã có 35 năm tuổi đảng, và đã đầu tư vào những lĩnh vực mà Chính phủ Trung Quốc ưu tiên như ô tô điện và đông dược. Những mối liên hệ tốt đẹp đó giữa ông Hui với Chính phủ Trung Quốc cũng có thể giúp ích cho ông, nhưng việc đó còn phải chờ xem.

“Các lực lượng thị trường và đòi hỏi của Chính phủ đang hạn chế các lựa chọn của Evergrande. Thị trường khiến giá cổ phiếu và trái phiếu của Evergrande giảm chóng mặt, trong khi Chính phủ vừa làm các kênh vốn bị đóng lại, vừa yêu cầu giảm nợ nhanh”, Giám đốc đầu tư Brock Silvers của Kaiyuan Capital nhận định. “Sự thiếu kiên nhẫn của Bắc Kinh có thể dẫn tới một cuộc tái cơ cấu trong ngắn hạn”.

An Huy

VnEconomy





MÃ CHỨNG KHOÁN LIÊN QUAN (3)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Thị trường bất động sản của Mỹ gặp khó khăn do lãi suất và giá nhà cao

Doanh số bán nhà đã qua sở hữu, chiếm phần lớn doanh số bán nhà của Mỹ, đã giảm 4,3% trong tháng 3/2024, xuống mức 4,19 triệu căn.

Phố Wall lo Fed không giảm lãi suất trong năm 2024

Phố Wall đang nghĩ đến kịch bản Fed không giảm lãi suất trong năm 2024.

Cục Dự trữ Liên bang: Kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng nhẹ ở mức đồng đều

Theo mô hình GDPNow của Fed chi nhánh tại Atlanta, kinh tế Mỹ được dự báo sẽ tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng hằng năm ở mức 2,9% trong quý 1 năm 2024, sau khi tăng...

IMF: Thâm hụt tài khóa của Mỹ có thể gây rủi ro cho kinh tế toàn cầu

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), gánh nặng nợ của chính phủ Mỹ tạo ra nguy cơ ngắn hạn cho quá trình giảm lạm phát cũng như sự ổn định về tài chính về dài hạn cho...

IMF: Đà tăng của giá dầu có thể làm chệch hướng kinh tế thế giới

IMF kỳ vọng kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,2% trong năm nay và năm tới, tuy nhiên tình trạng gián đoạn trên thị trường dầu mỏ có thể là một trong những nhân tố...

Cục Dự trữ liên bang Mỹ phát tín hiệu trì hoãn cắt giảm lãi suất

Theo Chủ tịch Fed, những dữ liệu gần đây không tạo cho Fed sự tin tưởng đủ lớn để cắt giảm lãi suất, mà trái lại nó cho thấy phải mất nhiều thời gian để đạt được...

Chủ tịch ECB: NHTW sẽ sớm hạ lãi suất

Trong ngày 16/04, Chủ tịch Christine Lagarde nhận định Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể cắt giảm lãi suất trong thời gian tới, nếu không có thêm bất kỳ cú...

Trung Quốc có thể cần chi 2.100 tỉ đô la để hồi sinh thị trường nhà ở

Thị trường nhà ở Trung Quốc có thể suy yếu hơn nữa khi những nỗ lực vực dậy lĩnh vực này chưa đủ mạnh để ngăn chặn cơn suy thoái kéo dài 3 năm qua. Theo ngân hàng...

Tesla sẽ cắt giảm ít nhất 14,000 nhân sự trên toàn cầu

Tesla sẽ cắt giảm hơn 10% lực lượng lao động toàn cầu, tương đương ít nhất 14,000 việc làm, do nhu cầu về xe điện toàn cầu giảm và cuộc chiến giá cả khốc liệt đã...

GDP Trung Quốc tăng trưởng 5.3% trong quý 1, vượt kỳ vọng

Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nhanh hơn dự báo trong quý 1/2024, theo dữ liệu công bố vào ngày 16/04.


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98