Mở cửa và thích ứng an toàn từ đầu tháng 10, kinh tế có thể tăng trưởng 2,1%

01/10/2021 16:56
01-10-2021 16:56:59+07:00

Mở cửa và thích ứng an toàn từ đầu tháng 10, kinh tế có thể tăng trưởng 2,1%

Từ chỗ được xem là “ngôi sao” tăng trưởng kinh tế của thế giới trong nửa đầu năm nay, nhưng chỉ một đợt bùng phát dịch Covid-19 đã khiến xu hướng đó của Việt Nam đảo chiều hoàn toàn, đẩy hàng loạt doanh nghiệp vào cảnh phải đóng cửa, lao động mất việc. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, kinh tế Việt Nam vẫn có thể đạt mức tăng trưởng 2,1% trong năm nay, nếu mở cửa và thích ứng an toàn từ đầu tháng 10.

Nếu mở cửa cho doanh nghiệp hoạt động trở lại từ đầu tháng 10-2021, các chuyên gia cho rằng kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng 2,1% trong năm nay. Ảnh: TTXVN

Doanh nghiệp đóng cửa, lao động mất việc vì Covid-19

Tại hội thảo trực tuyến “Bức tranh kinh tế Việt Nam và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL): dự báo kinh tế quí 4-2021 và triển vọng 2022” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ phối hợp với Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) và Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) tổ chức, ông Võ Tân Thành, Phó chủ tịch VCCI, cho biết đợt bùng phát dịch Covid-19 lần này đã tạo ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ nền kinh tế.

Ông Thành dẫn chứng, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quí 3 năm nay ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quí đến nay.

Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường nhiều hơn số thành lập mới. Trong 9 tháng năm 2021, cả nước có 117.800 doanh nghiệp gia nhập thị trường, trong đó, số doanh nghiệp thành lập mới là 85.500 doanh nghiệp, giảm 13,6%. Cùng thời gian, có 90.300 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, trung bình mỗi tháng có 10.000 doanh nghiệp, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Tại ĐBSCL, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong ba tháng gần đây lên tới gần 90%. Trong khi đó, các doanh nghiệp có thể duy trì hoạt động thông qua thực hiện “ba tại chỗ” cũng chỉ hoạt động được từ 5-10% công suất với chi phí rất cao, theo ông Thành.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), dẫn đánh giá của Ngân hàng thế giới (WB) cho biết nền kinh tế Việt Nam là “ngôi sao” khi đạt mức tăng trưởng 6,64% trong nửa đầu năm – mức tăng trưởng cao hàng đầu thế giới. “Nhưng, sự bùng phát làn sóng dịch bệnh lần thứ 4, xu hướng kinh tế đã đảo chiều hoàn toàn”, ông nói.

Lần đầu tiên trong suốt hai thập niên qua, kể từ khi Tổng cục Thống kê công bố số liệu thống kê theo quí, tăng trưởng GDP của Việt Nam quí 3 ước tính âm 6,17% so với cùng kỳ. “Tăng trưởng âm một vài phần trăm là điều có thể, nhưng âm sâu tới 6,17% thì ít ai nghĩ đến”, ông nói. Theo ông Lộc, TPHCM và một số địa phương trung tâm của dịch bệnh có thể âm sâu tới hai con số, thậm chí xu hướng này vẫn tiếp tục, nếu tình hình không được cải thiện.

Dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê, ông Lộc cho biết, có 94% doanh nghiệp trong cả nước đang gặp khó khăn do dịch bệnh, trong đó, tại 19 tỉnh, thành phía Nam, có 98% doanh nghiệp thiệt hại nặng nề, đặc biệt là ở vùng Đông Nam bộ và ĐBSCL.

Trên phương diện lao động và việc làm, theo ông Lộc, quí 3-2021, số lao động đang làm việc trong nền kinh tế giảm 2,4 triệu người so với quí trước. “Điều này có nghĩa, “đội quân” thất nghiệp đã tăng 2,4 triệu người, chỉ trong 1 quí”, ông Lộc nói. Ông cho rằng đằng sau 2,4 triệu lao động cũng chính là sinh kế bằng đó gia đình, báo động cho chính sách an sinh, đe doạ sự bình yên của xã hội và của mỗi gia đình.

Năm 2021, tăng trưởng kinh tế có thể đạt 2,1%

Ông Vũ Tiến Lộc cho biết, năm 2021, dự kiến nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng khoảng 5,6% – mức phục hồi lớn nhất trong vòng 80 năm qua, trong khi đó, Việt Nam đang có nguy cơ lỡ nhịp, phải đứng ngoài tiến trình nối lại các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông Nguyễn Xuân Thành, chuyên gia kinh tế, nói: “Với bức tranh kinh tế của Việt Nam và toàn cầu mà chúng ta có thể quan sát được, rõ ràng việc hạ tăng trưởng kinh tế cho năm 2021 của Việt Nam là đương nhiên”.

Theo ông Thành, để phục hồi kinh tế trong quí 4-2021 và năm 2022, phải mở cửa một cách bền vững, không thể quay lại giãn cách diện rộng như thời gian qua. “Nếu chúng ta quay lại, tức mở rồi lại đóng, chẳng những không có phục hồi kinh tế mà còn dẫn tới đổ vỡ kinh tế trong năm 2022”, ông nhận định.

Ông Thành cho rằng, với kịch bản mở cửa bền vững, thích ứng an toàn để phục hồi kinh tế, cần sự hỗ trợ từ cả hai phía “tiền tệ và tài khoá” nhằm đảm bảo “gánh nặng” không đặt lên chỉ một phía tiền tệ hoặc tài khoá.

“Ví dụ, chúng ta không mở rộng gói tài khoá, mà chỉ phụ thuộc vào gói tiền tệ để đảm bảo tín dụng vẫn thanh khoản tốt, thì sẽ có nguy cơ gây bất ổn vĩ mô”, ông Thành nói. Ông cho rằng hai chính sách này phải hỗ trợ cho phục hồi kinh tế, thậm chí là kích cầu trong năm 2022 để có sự tăng trưởng mạnh hơn.

Theo ông, có một thuận lợi lớn, khác với tất cả những cuộc khủng hoảng trước, đó là cho đến thời điểm này, các nền tảng về ổn định, cân đối vĩ mô của Việt Nam vẫn không bị “xói mòn”.

Cụ thể, 9 tháng đầu năm, lạm phát bình quân chưa đến 2%, trong khi đó, tăng trưởng tín dụng, dù tháng 9 có giảm do cầu giảm, nhưng 9 tháng đầu năm đã tăng 7,2% (cả năm định hướng của Ngân hàng Nhà nước là 12%).

Còn cán cân quốc tế vẫn thặng dư, dòng vốn nước ngoài vẫn “chảy” về Việt Nam, tiền vào vẫn nhiều hơn đi ra. “Theo tính toán của tôi, năm ngoái chúng ta thặng dư được 19 tỉ đô la Mỹ, giúp tăng dự trữ ngoại tệ. Còn năm nay, chúng ta vẫn có thặng dư, nhưng có lẽ rơi vào khoảng 8 tỉ đô la Mỹ”, ông cho biết. Theo ông, với mức dự trữ trên 100 tỉ đô la Mỹ chưa sử dụng, có thể dùng để thúc đẩy kinh tế.

Trong khi đó, nợ công năm nay có thể tăng lên, nhưng vẫn ở mức 55%, tức so với trần 65%, thì dư địa chính sách từ phía tài khoá vẫn còn rất nhiều.

Theo ông Thành, nếu Việt Nam mở cửa và thích ứng an toàn từ đầu tháng 10-2021, có thể đến giữa tháng 10-2021, nhiều doanh nghiệp đã quay lại sản xuất, thì dự báo tăng trưởng của quí 4 có thể tăng 3,5% so với quí trước. “Như vậy, cả năm 2021 có khả năng tăng trưởng được 2,1%”, ông dự báo, nhưng nói rằng quí 4 tăng 3,5% cũng là rất khó khăn.

Nếu mở cửa “ngập ngừng” thì quí 4 tăng trưởng thấp hơn 2%, cho nên cả năm chỉ tăng trưởng được 1%. “Nếu không mở cửa được, tức quí 4 không tăng trưởng, thì đương nhiên năm 2021 sẽ âm”, ông Thành nói.

Ông Thành cho rằng, đến thời điểm này, các gói hỗ trợ có triển khai thì cũng là quá muộn để có tác động trong năm 2021. “Đối với doanh nghiệp, kỳ vọng làm được từ phía chính sách, đó là duy trì được ổn định vĩ mô và mở cửa thích ứng an toàn bền vững, chứ trong kịch bản này thì doanh nghiệp phải tự xoay, tức cho mở cửa và doanh nghiệp còn nguồn lực sẽ mở sản xuất”, ông nhận định.

Theo ông Thành, khi doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hoạt động trở lại, thống nhất xuyên suốt là không yêu cầu phải thực hiện ba tại chỗ. Bởi, với yêu cầu tiếp tục ba tại chỗ, thậm chí bốn tại chỗ, thì không thể mở cửa lại bền vững được.

“Cách làm phải là: nếu công nhân đã tiêm vaccine liều 1 hoặc nếu chưa tiêm, chúng ta chỉ cần yêu cầu xét nghiệm thường xuyên”, ông đề nghị và lưu ý xét nghiệm với nhóm nguy cơ cao, bộ phận quản lý giám sát, công nhân lao động ở khâu sản xuất tiếp xúc trực tiếp với nhiều người mới phải xét nghiệm thường xuyên.

Trong bố trí sản xuất, các tổ, dây chuyền phải hạn chế tiếp xúc trực tiếp, thậm chí khi giải lao, ăn uống cũng vậy, để khi có ca dương tính chỉ cần khoanh vùng xử lý ở khâu đó, không cần phải đóng cửa như cách làm thời gian qua.

Trong lĩnh vực vận tải, để an toàn, ngành giao thông đã áp dụng cấp phép QR code để có luồng xanh. “Thế nhưng, những doanh nghiệp được cấp phép so với không cấp chưa chắc đã an toàn hơn”, ông Thành nói. Theo ông, người lao động vận tải chỉ cần tiêm đủ vaccine hoặc nếu chưa tiêm thì xét nghiệm âm tính 72 giờ chính là chứng nhận, không cần xin phép nữa.

Để đạt mức tăng trưởng như kỳ vọng, theo ông Thành, phải khởi động lại các dự án đầu tư công bị ngưng trệ thời gian qua ở các địa phương. Đồng thời, một tiêu chí bắt buộc nữa khi mở cửa trở lại, đó là oxy và giường bệnh ICU, tức là nơi dành cho việc điều trị các bệnh lý nặng.

Trung Chánh

TBKTSG





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Quý 1/2024, CPI tăng 3.77%, lạm phát cơ bản tăng 2.81% so với cùng kỳ năm trước 

Báo cáo của Tổng cục Thống kê vừa công bố cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2024 giảm 0.23% so với tháng trước. Tính chung quý 1 năm 2024, CPI tăng 3.77%...

GDP quý 1/2024 ước tính tăng 5.66%

Theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê vừa công bố, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1/2024 ước tính tăng 5.66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý...

Ngân hàng Standard Chartered: GDP quý 1 duy trì mức vừa phải trước lạm phát gia tăng

Ngân hàng Standard Chartered giữ nguyên dự báo tăng trường GDP năm 2024 ở mức 6.7%, trong đó GDP sẽ tăng tốc từ 6.2% trong nửa đầu năm lên 6.9% trong nửa cuối năm.

Vĩnh Long phát triển kinh tế với trọng tâm là các ngành sử dụng đầu vào là sản phẩm nông nghiệp

Sáng 23/3, tại thành phố Vĩnh Long, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư nông...

Thấy gì sau những chỉ số cải cách, sáng tạo của TP.HCM?

Bộ Khoa học -Công nghệ vừa công bố chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII - Provincial Innovation Index: hiện trạng mô hình phát triển kinh tế - xã hội dựa...

Bà Võ Thị Ánh Xuân giữ quyền Chủ tịch nước

Sau khi Quốc hội miễn nhiệm chức Chủ tịch nước với ông Võ Văn Thưởng, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân giữ quyền Chủ tịch nước cho đến khi Quốc hội bầu Chủ tịch...

Quốc hội miễn nhiệm chức Chủ tịch nước với ông Võ Văn Thưởng

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết miễn nhiệm chức Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026 và cho thôi làm nhiệm vụ Đại biểu Quốc hội khóa 15 đối với ông Võ Văn Thưởng.

Trung ương đồng ý ông Võ Văn Thưởng thôi chức Chủ tịch nước

Ban Chấp hành Trung ương đồng ý để ông Võ Văn Thưởng thôi giữ các chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng khóa 13, Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng...

Chủ tịch Quốc hội: Nội dung cấp bách, chuẩn bị được ngay thì đưa vào kỳ họp thứ 7

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu rà soát kỹ lưỡng các nội dung, phân định nội dung cấp bách, chuẩn bị được ngay thì bổ sung vào chương trình nghị sự của kỳ...

Thủ tướng: Việt Nam cam kết '3 bảo đảm', đẩy mạnh '3 đột phá' và thực hiện '3 tăng cường' với nhà đầu tư

Kêu gọi các doanh nghiệp FDI, nhà đầu tư nước ngoài đồng hành cùng Việt Nam thực hiện chuyển đổi xanh, phát triển bền vững với tinh thần "ba tiên phong", Thủ tướng...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98