Triển vọng ngành dệt may: Cú đấm bồi Covid liệu sẽ tan?
Triển vọng ngành dệt may: Cú đấm bồi Covid liệu sẽ tan?
Với loạt bất cập trong việc thực hiện giãn cách khiến chi phí của nhóm doanh nghiệp dệt may đội lên bằng lần. Điều này khiến dòng vốn của các đơn vị trở nên cạn kiệt, thậm chí rơi vào bế tắc. Tuy nhiên, với việc triển khai tiêm vắc xin nhanh chóng, nền kinh tế dự kiến sẽ dần khôi phục trong quý cuối năm 2021 và dệt may là nhóm ngành được giới chuyên gia dự báo sẽ tăng tốc trở lại bởi hưởng lợi từ nhiều yếu tố.
Theo ông Trần Đức Anh - Giám đốc Vĩ mô & Chiến lược Thị trường của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV): “Nhìn chung, dệt may là ngành xuyên suốt được hưởng lợi từ bối cảnh vĩ mô của Việt Nam bởi đất nước chúng ta là một quốc gia chú trọng vào các hoạt động xuất khẩu hàng hóa và thâm dụng lao động. Bên cạnh đó, chúng ta cũng có một lợi thế về vị trí địa lý khi có nhiều cảng biển nên việc giao thương thuận lợi, chi phí nhân công thấp nên có nhiều yếu tố hỗ trợ thúc đẩy ở lĩnh vực này.”
Cũng theo ông Đức Anh, từ đầu năm 2021, với việc nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của những nước phát triển phục hồi tương đồng với xu hướng nới lỏng các quy định về giãn cách xã hội và triển khai tiêm chủng Covid, nhóm dệt may có khả năng phục hồi tương đối tốt. Tuy nhiên, vấn đề hồi phục đã có dấu hiệu chững lại ở giai đoạn tháng 7 và tháng 8, song song với xu hướng điều chỉnh của thị trường chung. Nguyên nhân là do diễn biến tình hình dịch Covid-19 bùng phát đặc biệt ở những Thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, nhu cầu tiêu thụ trong nước, việc vận chuyển xuất khẩu sang nước ngoài, tất cả chuỗi cung ứng đều bị ảnh hưởng dẫn đến các mặt hàng về dệt may cũng có xu hướng điều chỉnh. Tuy nhiên, bước sang quý 4, với tốc độ tiêm chủng vắc xin đang được đẩy nhanh, để hoàn thành mũi 2 dự kiến trong vài tuần nữa.
Việc thu hẹp quy định giãn cách xã hội hoàn toàn khả thi trong quý 4. Các doanh nghiệp sản xuất trong ngành dệt may hoàn toàn có thể khôi phục lại sản xuất như bình thường và nhóm ngành này sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ nhu cầu gia tăng từ các quốc gia bên ngoài, xuất khẩu sẽ tiếp tục được đẩy mạnh. Ông Đức Anh cho rằng các cổ phiếu của nhóm doanh nghiệp này hoàn toàn có cơ hội để hồi phục trong quý 4.
Ông Nguyễn Kim Chi - Nhà sáng lập nhóm đầu tư Hello Stock (trước đó từng là Giám đốc chi nhánh CTCK KIS Việt Nam) cho biết: “Triển vọng tăng trưởng xuất khẩu ngành dệt may hậu giãn cách sẽ gặp một số thách thức nhất định. Nguyên nhân đến từ sự phục hồi nhanh của các quốc gia cùng ngành nhờ quá trình kiểm soát tốt dịch bệnh sẽ làm tăng mức độ cạnh tranh. Đồng thời các doanh nghiệp trong nước tiếp tục bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh trong quý 3 khi đơn hàng tuy có nhưng không thể đảm bảo hoàn thành kịp tiến độ do tình hình thiếu nhân công và lệnh giãn cách xã hội nghiêm ngặt”.
Theo ông Chi, trong ngắn hạn các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may Việt Nam đang có lợi thế đơn hàng đến quý 3/2021 và cuối năm. Tuy nhiên lợi thế này sẽ không kéo dài, động lực chính thúc đẩy tăng tốc của nhóm ngành này là sự phục hồi nền kinh tế toàn cầu, kiểm soát tốt dịch bệnh, việc mở cửa các hoạt động thông thương trong nước và thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng tăng trưởng trở lại.
Bên cạnh đó, động lực tăng trưởng cũng sẽ đến từ những tác động sâu rộng từ các hiệp định FTA, CPTPP, EVFTA được ký kết làm giảm thuế quan (như EVFTA với 28 nước thành viên có lộ trình thuế quan giảm dần và về mức thuế xuất khẩu giảm về 0% sau 5-7 năm) cũng như sự gia nhập của các sản phẩm Việt Nam vào các thị trường lớn hơn. Song, tác động này sẽ phản ánh hiệu quả trong trung và dài hạn, khi Việt Nam tận dụng được các cơ hội nâng cao công suất chất lượng sản phẩm đảm bảo nhu cầu và yêu cầu của thị trường quốc tế.
Còn ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) kiêm Chủ tịch Tổng CTCP May Việt Tiến (UPCoM: VGG) cho rằng: “Nếu quý 4/2021 mở cửa TP.HCM và các tỉnh phía Nam khơi thông dòng chảy, chúng ta hoàn toàn có những kỳ vọng từ 14-15 Hiệp định đã ký. Đây là cơ hội cực kỳ tốt cho nhóm doanh nghiệp dệt may trong khi các nước khác cũng gặp chung khó khăn của dịch bệnh”.
Chủ tịch VITAS cũng kỳ vọng năm 2022 mức tăng trưởng của toàn ngành dệt may sẽ tương đối khả quan. Trong cái khó, nội lực của doanh nghiệp dệt may và đầu tư công nghệ tự động hóa sẽ bù đắp được một phần sự thiếu hụt lao động.
Những rủi ro nào doanh nghiệp dệt may phải đối mặt?
Ông Chi cho biết, với làn sóng dịch Covid-19 bùng phát thời gian qua thì ngành dệt may gặp rủi ro về áp lực thiếu nhân sự, bên cạnh đó là sự tái khởi động lại các hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào tỷ lệ tiêm chủng, miễn dịch cộng đồng, các chính sách của Nhà nước.
“Đồng thời, tình trạng thiếu container, chi phí logistics, giá cước vận tải tăng cao như hiện nay sẽ bào mòn lợi nhuận doanh nghiệp (chi phí logistic hiện nay gấp 3-4 lần so với năm 2020)”, ông Chi chia sẻ thêm.
Còn theo ông Đức Anh: “Những yếu tố rủi ro mà chúng ta cần phải quan sát là tình hình dịch Covid, tăng trưởng xuất nhập khẩu, vấn đề tắc nghẽn trong việc lưu thông hàng hóa…”.
Động lực nào để doanh nghiệp dệt may trở lại trạng thái bình thường mới?
Đại diện phía doanh nghiệp, ông Trần Như Tùng - Chủ tịch CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (HOSE: TCM) cho biết, để trở lại trạng thái bình thường mới, các doanh nghiệp dệt may đòi hỏi phải có thời gian, dự báo chậm nhất phải sang quý 1/2022 và điều này phụ thuộc rất lớn vào tình hình kiểm soát dịch của TP.HCM. Nếu Thành phố kiểm soát tốt, mọi hoạt động đều mở cửa thì người lao động sẽ yên tâm quay lại công việc. Nếu vẫn giãn cách, “ngăn sông cấm chợ” thì điều này vẫn còn xa vời.
Về phía đại diện VITAS, ông Giang trăn trở: “Không ai dám khẳng định năm 2022 sẽ hết dịch. Quan điểm của tôi là xác định dịch bệnh chưa biết đến bao giờ có thể kiểm soát để trở lại bình thường mới cho nên chúng ta phải sống chung với dịch. Chúng ta phải đưa ra giải pháp như thế nào để kiểm soát dịch bệnh và đi song song với việc phát triển kinh tế.”
Ông Giang cho rằng các chỉ thị cần xem xét để phù hợp với xu hướng mở cửa. Bên cạnh đó, phải xác định nền kinh tế Việt Nam đã suy yếu rất mạnh trong năm 2021, việc khôi phục nền kinh tế nói chung và ngành dệt may nói riêng phải đến hết năm 2022 và sang năm 2023 mới trở lại bình thường mới như năm 2019.