Vì sao Singapore tái siết giãn cách khi chuyển sang “sống chung với Covid”?

25/10/2021 11:08
25-10-2021 11:08:02+07:00

Vì sao Singapore tái siết giãn cách khi chuyển sang “sống chung với Covid”?

Vaccine từng được cho là “tấm vé” để các quốc gia vượt qua đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, theo tờ New York Times, mọi thứ ở Singapore đã không diễn ra theo đúng kế hoạch...

Ảnh minh hoạ.

Đảo quốc sư tử vốn được xem là một câu chuyện thành công về chống virus Sars-CoV2 ở giai đoạn đầu. Nước này đã đóng chặt cửa biên giới, quyết liệt xét nghiệm và truy vết các ca nhiễm, đồng thời cũng là một trong những quốc gia đầu tiên ở châu Á đặt mua vaccine. Giới chức Singapore từng nói với công chúng rằng 80% dân số tiêm đủ vaccine sẽ là ngưỡng để bắt đầu mở cửa trở lại theo từng giai đoạn. Đến nay, tỷ lệ tiêm đủ ở Singapore đã đạt 83% dân số, nhưng thay vì mở cửa, nước này đang làm điều ngược lại.

Giãn cách xã hội quay trở lại

Trong tháng 9, cứ khoảng 8-10 ngày số ca nhiễm mới Covid ở Singapore lại tăng gấp đôi. Chính phủ nước này buộc phải tái áp các hạn chế đối với tụ tập nhiều người. Những hàng dài người bắt đầu xuất hiện tại khoa cấp cứu của một số bệnh viện. Một lần nữa, người dân Singapore lại được yêu cầu làm việc tại nhà.

Ngày 19/10, Chính phủ Singapore quyết định kéo dài giãn cách thêm 4 tuần sau khi số ca nhiễm mới lập kỷ lục ở 3.994 ca hôm 12/10. Theo đó, việc hạn chế tụ tập và làm việc từ xa sẽ duy trì cho tới ngày 21/11 và sẽ được đánh giá tình hình hai tuần một lần. Lúc đầu, Singapore dự định giãn cách từ ngày 27/9 đến ngày 24/10.  “Ở thời điểm hiện tại, chúng ta vẫn đang đối mặt rủi ro lớn về hệ thống y tế có thể rơi vào quá tải”, Bộ trưởng Bộ Y tế Singapore Lawrence Wong phát biểu tại một cuộc họp báo mới đây.

Năm nay, Singapore đã nhiều lần siết rồi nới lỏng giãn cách tuỳ theo diễn biến số ca nhiễm. Chính phủ nước này liên tục khẳng định muốn đảm bảo hệ thống y tế không bị rơi vào tình trạng quá tải. Trong số 1.650 giường cách ly trong các bệnh viện ở nước này, 89% hiện có bệnh nhân. Khoảng 67% số giường chăm sóc tích cực (ICU) đang được sử dụng, nhưng có một số bệnh nhân trong số này chỉ thuộc diện theo dõi. Trong số 1.738 ca nằm viện ở thời điểm ngày 19/10, có 338 ca phải trợ thở. Phần lớn số ca trong vòng 28 ngày trở lại đây đều là những ca không có triệu chứng hoặc nhẹ.

Từ khi đại dịch bắt đầu đến nay, quốc gia với 5,45 triệu dân đã có 154.725 ca nhiễm và khoảng 246 ca tử vong do Covid.

Kinh nghiệm của Singapore khi thực thi chiến lược “sống chung với Covid” có thể mang lại bài học cho những quốc gia khác muốn nới lỏng các biện pháp chống dịch trong khi lây nhiễm vẫn diễn ra trên diện rộng. Còn đối với những người dân nước này tin rằng đất nước sẽ mở cửa trở lại một khi tỷ lệ tiêm chủng đạt tới một mức nhất định, cảm giác lúc này ít nhiều là thất vọng và họ đặt câu hỏi: phải làm thế nào thì mới có thể mở cửa trở lại nếu như vaccine là không đủ.

“Theo một cách nào đó, chúng tôi là nạn nhân của chính thành công của mình, vì chúng tôi đã gần như đạt được Zero Covid vì tỷ lệ tử vong rất, rất thấp”, giáo sư Paul Tambyah, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm thuộc Bệnh viện Đại học Quốc gia Singapore, phát biểu. “Bởi vậy, chúng tôi muốn giữ vị trí đầu bảng, và đó là một việc rất khó”.

Sự cẩn trọng của Singapore, mà một số người cho là thận trọng thái quá, trong việc mở cửa trở lại trái ngược hoàn toàn với cách làm của Mỹ và châu Âu. Tại hai khu vực này, những người tiêm đủ vaccine giờ đã có thể đi xem phim ở rạp, dự lễ hội và các sự kiện lớn khác. Tất nhiên, không giống như Singapore, cả Mỹ và châu Âu đều phải đương đầu với những đợt bùng dịch nghiêm trọng với số ca tử vong lớn ở giai đoạn đầu của đại dịch.

Bộ trưởng Bộ Y tế Singapore Lawrence Wong, Chủ tịch “đội đặc nhiệm” chống Covid của nước này, nói rằng bài học cho những nước “còn ngây thơ về Covid” như Singapore, New Zealand và Australia là “cần phải chuẩn bị sẵn sàng cho những làn sóng lây nhiễm lớn, cho dù tỷ lệ tiêm chủng đã đạt tới con số bao nhiêu”.

“Ngay khi mở cửa, tương tác xã hội sẽ diễn ra nhiều hơn. Và xét tới khả năng lây nhiễm cao của biến chủng Delta, những ổ dịch lớn sẽ xuất hiện”, ông Wong nói.

Sự mệt mỏi tâm lý của người dân

Cho tới thời điểm hiện tại, vaccine đã giúp Singapore hạn chế số ca mắc Covid phải nhập viện. 98,4% số ca nhiễm gần đây ở nước này không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Các ca tử vong tập trung chủ yếu ở người cao tuổi, thường là những người có bệnh nền, và chỉ chiếm 0,2% tổng số ca nhiễm mới trong 28 ngày gần nhất. “Tuy nhiên, vaccine không thể chống lại hoàn toàn sự lây nhiễm, nhất là chống lại biến chủng Delta”, ông Wong nhấn mạnh.

“Ở Singapore, chúng tôi cho rằng chỉ có thể dựa vào vaccine ở giai đoạn trung gian này. Và đó là lý do vì sao chúng tôi không lên kế hoạch cho một cuộc mở cửa trở lại mạnh mẽ ngay lập tức”, ông Wong nói. Theo tầm nhìn của vị Bộ trưởng về tình hình đại dịch ở Singapore và trên thế giới, nhiều khả năng phải đến năm 2024, những biện pháp gồm đeo khẩu trang, hạn chế đi lại và giãn cách xã hội mới được dỡ bỏ.

Hồi tháng 9, Chính phủ Singapore triển khai thiết lập các cơ sở điều trị Covid tại cộng đồng được trang bị bình oxy, và đề nghị những ca bệnh nhẹ hoặc không có triệu chứng tự điều trị tại nhà. Nhiều người dân Singapore nói họ không hiểu nhà chức trách đang làm gì và có vẻ Chính phủ không có sự chuẩn bị phù hợp.

Một số bác sỹ ở Singapore phủ nhận thông tin của Chính phủ nước này nói rằng hệ thống y tế đang căng thẳng. Giáo sư Tambyah nói rằng các bệnh viện có đủ vùng đệm vì Singapore đã tạm ngừng tất cả các dịch vụ phẫu thuật không cấp bách. Ông nói rằng Chính phủ Singapore đang gặp vấn đề khi chuyển chiến lược từ “Zero Covid” sang “sống chung với Covid”.

Đối với nhiều người dân, sự thay đổi chiến lược liên tục khiến họ cảm thấy mệt mỏi và một số đã lên tiếng kêu gọi Chính phủ xem xét những vấn đề sức khoẻ tinh thần do các biện pháp hạn chế chống dịch gây ra.  “Sự thay đổi liên tục đó là không bền vững cả về mặt kinh tế, xã hội, cảm xúc và tinh thần”, CEO Devadas Krishnadas của Future-Moves Group, một công ty tư vấn ở Singapore, nhận định. Ông Krishnadas nói rằng quyết định tái giãn cách sau khi đạt tới một tỷ lệ tiêm chủng cao tới như vậy đã khiến Singapore trở thành một trường hợp đặc biệt ở cấp độ toàn cầu.

“Việc này đặt Singapore vào một hướng đi hoàn toàn trái ngược với phần còn lại của thế giới. Chúng tôi phải đặt ra câu hỏi là cách làm này sẽ dẫn Singapore đến đâu, nếu như chúng ta không thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn của mở cửa rồi đóng cửa”, ông Krishnadas phát biểu.

Tuy vậy, Bộ trưởng Wong nhấn mạnh rằng Singapore vẫn đi theo chiến lược “sống chung với Covid”, và thừa nhận rằng bất kỳ dạng thắt chặt nào, dù lớn hay nhỏ, cũng đều vấp phải sự bất mãn vì tâm lý chung của người dân là muốn được tự do đi lại và làm việc. “Nhưng chúng ta cần phải điều chỉnh dựa trên thực tế tuỳ theo tình hình mà chúng ta đang đối mặt”, ông nói.

“Nếu hệ thống y tế quá tải, thì chúng ta đều biết từ kinh nghiệm của các quốc gia khác là bác sỹ không thể đáp ứng được và tỷ lệ tử vong gia tăng. Chúng tôi đang rất cố gắng để tránh điều đó xảy ra”, ông Wong phát biểu.

An Huy

VnEconomy





MÃ CHỨNG KHOÁN LIÊN QUAN (1)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Hoạt động kinh doanh của Mỹ giảm tốc trước thềm cuộc họp của Fed

Theo nhà kinh tế trưởng Chris Williamson tại S&P Global Market Intelligence, sự suy giảm nhu cầu và sự hạ nhiệt của thị trường lao động đã dẫn đến áp lực giá thấp...

Nhà đầu tư tăng đặt cược Fed tiếp tục nâng lãi suất

Trên các thị trường quyền chọn lãi suất của Mỹ, nhà đầu tư bắt đầu tăng đặt cược Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất trong 12 tháng tới. Đó là kịch bản ít...

Doanh thu du lịch toàn cầu năm 2024 dự báo đạt 5.800 tỷ USD

Báo cáo Các xu hướng kinh tế du lịch thế giới dự báo số lượt du khách đến trên toàn thế giới sẽ lên đến 13.579 tỷ lượt trong năm 2024, tức là phục hồi 103,9% so với...

Sức mạnh của đồng USD - kịch bản nằm ngoài dự báo cho năm 2024

Chỉ số đồng USD của Bloomberg đã tăng hơn 4% trong năm nay, cho thấy "đồng bạc xanh" đã tăng giá so với tất cả các đồng tiền của các nước phát triển và thị trường...

Các nền kinh tế lớn nhất ở châu Á trước áp lực đồng USD mạnh

Các nhà hoạch định chính sách ở Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đều đang nhắc tới việc ổn định đồng nội tệ khi các đồng tiền này chịu sức ép lớn do chênh lệch giữa...

Thủ tướng phát lệnh khởi công đoạn cuối cùng trên tuyến cao tốc Bắc Nam phía đông

Sáng 21/04, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát lệnh khởi công dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng với tổng nguồn vốn hơn 11,000 tỷ đồng, là đoạn...

Biến đổi khí hậu sẽ khiến thế giới tổn thất 38.000 tỷ USD mỗi năm vào năm 2050

Nghiên cứu của PIK ước tính đến năm 2050, biến đổi khí hậu sẽ lấy đi 17% GDP của thế giới, hầu hết các nền kinh tế đều chịu tổn hại do biến đổi khí hậu và tất cả...

Hội nghị mùa Xuân 2024: Nỗ lực giữ vững sự phục hồi và phát triển ổn định

Trọng tâm của Hội nghị mùa Xuân năm nay là tập trung thảo luận các vấn đề đang được toàn cầu quan tâm, bao gồm triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới, hợp tác quốc...

Thị trường bất động sản của Mỹ gặp khó khăn do lãi suất và giá nhà cao

Doanh số bán nhà đã qua sở hữu, chiếm phần lớn doanh số bán nhà của Mỹ, đã giảm 4,3% trong tháng 3/2024, xuống mức 4,19 triệu căn.

Phố Wall lo Fed không giảm lãi suất trong năm 2024

Phố Wall đang nghĩ đến kịch bản Fed không giảm lãi suất trong năm 2024.


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98