Vimedimex kinh doanh ra sao trước khi Chủ tịch bị bắt?
Vimedimex kinh doanh ra sao trước khi Chủ tịch bị bắt?
Kết thúc quý 3, mặc dù chi phí tài chính và bán hàng đều giảm đáng kể nhưng lãi ròng của CTCP Y Dược phẩm Vimedimex (HOSE: VMD) vẫn giảm đến 11% so cùng kỳ, còn 9 tỷ đồng.
* Chủ tịch Vimedimex Nguyễn Thị Loan bị bắt
* Chủ tịch vừa bị bắt, giá cổ phiếu VMD liền đáp sàn
VMD là doanh nghiệp dược phẩm có doanh thu lớn nhất toàn ngành dược trên sàn chứng khoán hiện nay. Riêng 2 năm gần đây, doanh thu VMD vượt con số 18,000 tỷ đồng, gấp 3 lần doanh thu của Tổng Công ty Dược Việt Nam (DVN) mặc dù vốn điều lệ chỉ bằng 6.5% vốn DVN.
10 doanh nghiệp dược trên sàn có doanh thu lớn nhất 2020
Nguồn: VietstockFinance
|
Mặc dù doanh thu thuần của VMD qua các năm đều trên chục ngàn tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế thu về chỉ vào khoảng vài chục tỷ. Lợi nhuận sau thuế của VMD trong vòng 4 năm trở lại đây không có nhiều biến động, dao động quanh mức 30 tỷ đồng.
Nguồn: VietstockFinance
|
Nguồn: VietstockFinance
|
Trong quý 3, doanh thu thuần của VMD giảm đến 50% so cùng kỳ, còn gần 2,176 tỷ đồng. Đây là nguyên nhân khiến lợi nhuận ròng của Công ty giảm 11%, còn 9 tỷ đồng mặc dù chi phí tài chính và chi phí bán hàng đều sụt giảm.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận ròng của VMD giảm 3%, còn gần 28 tỷ đồng cũng chính là vì doanh thu thuần giảm 24%, còn hơn 9,769 tỷ đồng.
Năm 2021, VMD đặt mục tiêu kinh doanh gần như đi ngang so với năm 2020 với doanh thu đạt hơn 18,349 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt gần 51 tỷ đồng.
Như vậy, so với kế hoạch đề ra, Công ty thực hiện được 54% chỉ tiêu doanh thu và 75% mục tiêu lợi nhuận năm sau 9 tháng.
Tính đến cuối quý 3, tổng tài sản của VMD giảm 26% so với đầu năm, còn gần 6,183 tỷ đồng chủ yếu do tiền, các khoản phải thu và hàng tồn kho đều giảm mạnh.
Công ty có khoản phải trả cho người bán chiếm đến 74% tổng nguồn vốn, giảm 38% so với đầu năm.
Cổ phiếu VMD giảm sàn khi Chủ tịch bị bắt
Trên thị trường, cổ phiếu VMD đã có 4 phiên tăng trần liên tiếp từ 04-09/11. Khối lượng giao dịch bình quân đạt trên 79,000 cp/phiên.
Diễn biến giá cổ phiếu VMD trong vòng 1 năm trở lại
Nguồn: VietstockFinance
|
Chuyển động tại cổ phiếu VMD dường như trùng hợp với động thái gom mua của CTCP Chứng khoán Hòa Bình (HNX: HBS).
Nhằm mục đích đầu tư, mới đây HBS đã đăng ký vừa đăng ký mua 1.6 triệu cp, tương đương 10.36% vốn tại VMD. Các giao dịch dự kiến diễn ra từ ngày 08/11-07/12/2021. Nếu giao dịch hoàn tất, công ty chứng khoán này sẽ nâng sở hữu từ mức 1,200 cp (0.01%) lên trên 1.6 triệu cp (10.37% vốn).
HBS có 2 người liên quan tại VMD gồm: Bà Nguyễn Thị Loan là đồng Chủ tịch HĐQT tại 2 công ty và bà Nguyễn Ngọc Dung đồng thời là Phó Chủ tịch HĐQT VMD và kế toán trưởng HBS. Về sở hữu, bà Loan đang nắm 85,556 cp VMD (0.55%) còn bà Dung đang nắm 378,980 cp (2.45%).
Tuy nhiên, sau tin bà Nguyễn Thị Loan - Chủ tịch VMD bị bắt, cổ phiếu VMD lập tức giảm sàn trong phiên sáng 10/11.
Theo đó, cổ phiếu HBS cũng giảm mạnh 6.08% so với giá tham chiếu trong phiên sáng 10/11, xuống còn 13,900 đồng/cp.
Theo Báo Công an Nhân dân, ngày 9/11, Công an thành phố Hà Nội đã khởi tố, bắt tạm giam 8 bị can về tội: “Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản ” gồm bà Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch VMD và 3 bị can khác thuộc nhóm các công ty tham gia đấu giá, 3 bị can thuộc Công ty thẩm định giá và một bị can thuộc Ban quản lý dự án huyện Đông Anh. Thiệt hại ban đầu được xác định khoảng 200 tỷ đồng.