10 sự kiện kinh tế nổi bật năm 2021 

2021 trở thành năm lịch sử khi dịch bệnh ập đến khiến cho nền kinh tế bị ảnh hưởng khi siết chặt giãn cách xã hội trong nhiều tháng. Kéo theo sau đó là nhiều hệ lụy như giá cả hàng hóa gia tăng, nguồn cung thiếu hụt…

Đợt dịch Covid-19 ở TP.HCM và một số tỉnh thành phía Nam bùng phát lần thứ 4 từ cuối tháng 4/2021. Gần 4 tháng siết chặn giãn cách xã hội có lẽ là quãng thời gian không thể nào quên được đối với tất cả người dân chống chọi với dịch bệnh, y bác sĩ thuộc tuyến dầu và những chiến sĩ hỗ trợ chống dịch.

Cũng vì diễn biến phức tạp và chưa từng có tiền lệ, chính quyền TP.HCM đã quyết định thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố. Hàng trăm chốt kiểm soát được lập ra ở khắp TP.HCM, từ đường lớn cho đến các con hẻm nhỏ chồng chéo nhau. Việc đi lại đã trở nên khó khăn và nguồn cung thực phẩm bắt đầu khan hiếm vì khó lưu thông, giá cả hàng thiết yếu bắt đầu leo thang chóng mặt.

Đến ngày 23/08/2021, TP.HCM siết chặt hơn các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, theo tinh thần "ai ở đâu ở yên đó".

Đợt giãn cách khiến cho cuộc sống người dân gặp muôn vàn khó khăn và bất tiện. Thời điểm này không còn là TP.HCM năng động của ngày nào mà thay vào đó là cảnh vắng vẻ, quạnh hiu với tiếng còi xe cứu thương và hình ảnh các chốt chặn.

Dù nhận được nhiều hỗ trợ, chi viện và sự cố gắng của tất cả các lĩnh vực, nhưng số ca nhiễm vẫn ngày một tăng lên. Chỉ từ vài ca nhiễm ban đầu, lên đến hàng chục, hàng trăm và đạt đến hàng nghìn ca một ngày. Tính đến sáng ngày 31/12, số ca nhiễm tại TPHCM là hơn 502,000 ca và trên toàn quốc là hơn 1.71 triệu ca.

Gần 6 tháng TP.HCM chống dịch, đã có những đau thương, mất mát rất lớn chưa từng có trong lịch sử. Thành phố không thể nào quên" - giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng chia sẻ trong buổi sơ kết công tác phòng chống dịch thứ 4.

Sau đó, cả nước thay đổi chiến lược từ “zero Covid” sang “sống chung an toàn với dịch”. Cùng với chiến lược điều trị đa tầng, hàng triệu liều vaccine cũng được phân bổ cho TPHCM và các tỉnh để góp phần hạ nhiệt dịch bệnh. Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, tính đến 31/12, tổng số liều vaccine phòng Covid-19 đã được tiêm là hơn 149 triệu liều, trong đó tiêm mũi 1 là hơn 77.5 triệu liều, tiêm mũi 2 là gần 67.75 triệu liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 của vaccine Abdala) là hơn 4 triệu liều.

Quý 3/2021 có lẽ là quãng thời gian đau thương không ai muốn nhắc đến, “giãn cách cứng” và đình trệ kinh tế kéo theo GDP quý này giảm 6.17% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức giảm sâu nhất từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý từ năm 2000 đến nay.

Tổng Cục Thống kê uớc tính GDP năm 2021 tăng 2.58% (quý 1 tăng 4.72%; quý 2 tăng 6.73%; quý 3 giảm 6.02%; quý 4 tăng 5.22%) so với năm trước do dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, đặc biệt là trong quý 3/2021 nhiều địa phương kinh tế trọng điểm phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để phòng chống dịch bệnh.

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2.9%, đóng góp 13.97% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4.05%, đóng góp 63.80%; khu vực dịch vụ tăng 1.22%, đóng góp 22.23%.

Tính chung năm 2021, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn gần 55 nghìn doanh nghiệp, tăng 18% so với năm trước; 48.1 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 27.8%; 16.7 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 4.1%, trong đó có 14.8 nghìn doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, giảm 4%; 211 doanh nghiệp có quy mô vốn trên 100 tỷ đồng, giảm 20.7%. Bình quân một tháng có gần 10 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Nhiều tháng giãn cách xã hội đã khiến nền kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề và bằng chứng là GDP quý 3/2021 âm 6.17%, tăng trưởng GDP 9 tháng chỉ đạt 1.42%.

Tại hội nghị tham vấn về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế gắn với nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế giai đoạn 2022-2023 được tổ chức sáng ngày 01/10/2021, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết so với nhiều nước trong khu vực như Thái Lan có quy mô gói hỗ trợ dịch bệnh tương đương 11.4% GDP, Malaysia khoảng 5.3% GDP, thì mức hỗ trợ của Việt Nam vẫn ở mức thấp.

Để hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế, thời gian qua Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, bao gồm cả chính sách tài khóa và tiền tệ như giãn, giảm thuế, phí, lệ phí, khoanh nợ, giãn nợ, gia hạn và giảm lãi suất các khoản vay, chi ngân sách nhà nước với quy mô khoảng 6.7 tỷ USD.

Nếu tính cả các khoản hỗ trợ qua các kênh quỹ bảo hiểm thất nghiệp, các khoản miễn, giảm cước viễn thông, điện, nước, học phí..., quy mô các gói hỗ trợ năm 2021 là khoảng 10.45 tỷ USD, tương đương 2.84% GDP.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chia sẻ tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác thuế năm 2021 và triển khai các giải pháp thực hiện nhiệm vụ công tác thuế năm 2022. Gói miễn, giảm thuế hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong năm 2022 dự kiến có quy mô hơn 60,000 tỷ đồng, tăng gấp 3 so với quy mô gói hỗ trợ vừa qua.

Vừa qua, trước diễn biến phức tạp, nguy hiểm của tình hình dịch Covid-19, lợi dụng tính cấp bách về nhu cầu xét nghiệm Covid- 19 tại các địa phương trong cả nước, CTCP Công nghệ Việt Á đã có dấu hiệu câu kết với các tổ chức, cá nhân liên quan, vi phạm nghiêm trọng quy định sản xuất, đấu thầu kit xét nghiệm Covid-19 nhằm trục lợi.

Ngày 18/12, cơ quan chức năng đã khởi tố, bắt tạm giam ông Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc CTCP Công nghệ Việt Á và ông Phạm Duy Tuyến, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hải Dương để điều tra vụ nâng khống giá kit xét nghiệm Covid-19. Chỉ riêng tiền chi hoa hồng cho Giám đốc CDC Hải Dương đã lên tới gần 30 tỷ đồng và không chỉ Hải Dương, còn nhiều tỉnh thành khác đã mua kit xét nghiệm của Việt Á với mức giá từ 470,000đ/test PCR, thậm chí mua ở mức giá cao hơn.

Như vậy, với việc cung cấp kit xét nghiệm cho hàng loạt tỉnh, thành thì Giám đốc CDC Hải Dương sẽ không phải là hiện tượng cá biệt. Dư luận dậy sóng và đặt ra nhiều nghi vấn liệu rằng có phải chỉ có CDC Hải Dương hay không, và nhất định phải đưa ra ánh sáng những kẻ “đục nước béo cò” trong lĩnh vực xét nghiệm ở Việt Nam.

Trả lời chất vấn trước Quốc hội về việc quản lý giá với các mặt hàng y tế, đặc biệt là kit xét nghiệm, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: “Do quá bận về công tác phòng chống dịch nên đến tận tháng 9, khi Bộ chỉ đạo giá test chỉ được thu theo đúng giá đầu vào, các đơn vị mới nhận lỗi do mải mê quá nên không thực hiện được. Chúng tôi đã yêu cầu các địa phương nghiêm khắc nhắc nhở và chấn chỉnh".

Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng trong nước đã có 16 lần tăng giá, 3 lần giữ nguyên và 5 lần giảm giá. Xăng E5 RON 92 tăng tổng cộng 7,032 đồng/lít và xăng RON 95 tăng 6,816 đồng/lít.

Tại kỳ điều chỉnh chiều ngày 25/12/2021, giá xăng E5 RON 92 trong nước tăng 468 đồng/lít, lên mức 22,550 đồng/lít. Trong khi đó, xăng RON 95 tăng 494 đồng/lít lên mức 23,295 đồng/lít.

Trước khi giảm nhẹ trong 2 kỳ và tăng lại trong kỳ điều chỉnh gần nhất, giá xăng E5 RON 92 trong nước từng tăng lên 23,669 đồng/lít và RON 95 tiến lên mốc 24,996 đồng/lít tại kỳ điều chỉnh ngày 10/11/2021 và đây cũng là mốc ghi nhận cao nhất trong năm 2021.

Tuy nhiên, đây chưa phải là mức cao nhất trong lịch sử các kỳ điều chỉnh giá xăng dầu của Liên bộ Công Thương - Tài chính. Mức cao nhất trong lịch sử được ghi nhận là kỳ điều chỉnh ngày 07/07/2014. Thời điểm đó, xăng RON92 có giá 25,640 đồng/lít, còn xăng RON95 "đội" lên mức 26,140 đồng/lít. Và kỷ lục này đến nay vẫn chưa bị phá vỡ.

Số liệu từ Tổng Cục Thống kê cho thấy, tính chung năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 336.25 tỷ USD, tăng 19% so với năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 88.71 tỷ USD, tăng 13.4%, chiếm 26.4% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 247.54 tỷ USD, tăng 21.1%, chiếm 73.6%.

Trong năm 2021 có 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 93.8% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 69.7%). Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực năm 2021 thuộc về khu vực có vốn đầu tư nước ngoài: Điện thoại các loại và linh kiện chiếm 99.3%; điện tử, máy tính và linh kiện chiếm 98.1%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 93%; dệt may chiếm 61.7%; giày dép các loại chiếm 79.3%.

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu năm 2021, nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 89.2%, tăng 0.6 điểm phần trăm so với năm trước; nhóm hàng nông sản, lâm sản chiếm 7.1%, giảm 0.2 điểm phần trăm; nhóm hàng thủy sản chiếm 2.6%, giảm 0.4 điểm phần trăm; nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản chiếm 1.1%, bằng năm trước.

Tính chung năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 332.25 tỷ USD, tăng 26.5% so với năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 114.07 tỷ USD, tăng 21.8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 218.18 tỷ USD, tăng 29.1%.

Trong năm 2021 có 47 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 94.1% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu năm 2021, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 93.5%, tăng 0.2 điểm phần trăm so với năm trước, trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 46.6%, giảm 2,1 điểm phần trăm; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 46.9%, tăng 2.3 điểm phần trăm. Nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng chiếm 6.5%, giảm 0.2 điểm phần trăm.

Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2021, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 95.6 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 109.9 tỷ USD. Năm 2021 xuất siêu sang EU ước đạt 23 tỷ USD, tăng 12.1% so với năm trước; nhập siêu từ Trung Quốc 54 tỷ USD, tăng 53%; nhập siêu từ Hàn Quốc 34.2 tỷ USD, tăng 22.9%; nhập siêu từ ASEAN 12 tỷ USD, tăng 63.1%; nhập siêu từ Nhật Bản 2.4 tỷ USD, tăng 127.9%.

Tính chung năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 4 tỷ USD (năm trước xuất siêu 19.94 tỷ USD). Trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 25.36 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 29.36 tỷ USD.

Để phòng chống dịch Covid-19, các lực lượng chức năng chính quyền Quảng Tây, Trung Quốc đã triển khai các giải pháp rất quyết liệt khi có thông tin về một số lái xe chuyên trách xuất khẩu sang Trung Quốc cũng như một số loại hàng hóa có virus SARS-CoV-2. Chính vì vậy gây nên cảnh ùn tắc nghiêm trọng tại các cửa khẩu này.

Theo báo cáo của Bộ Công thương, đến ngày 25/12/2021, Quảng Ninh còn 1,555 xe, Lạng Sơn 4,204 xe, gây thiệt hại đáng kể cho doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là mặt hàng nông sản (chiếm đến 80% các mặt hàng đặc tính dễ hư hỏng)...

Tổng số xe container chở hàng hóa xuất khẩu còn tồn tại khu vực các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn là 4,204 xe, trong đó số xe chở hoa quả xuất khẩu là 2,924 xe (hoa quả nóng 551 xe, hoa quả lạnh 2,373 xe), tập trung chủ yếu tại cửa khẩu Tân Thanh.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Đoàn Thu Hà cho biết cửa khẩu Tân Thanh vẫn tạm dừng xuất khẩu hàng hóa từ ngày 18/12/2021. Còn cửa khẩu Hữu Nghị và Chi Ma vẫn hoạt động nhưng năng lực thông quan rất chậm.

Chiều ngày 26/12/2021, tại cuộc họp trực tuyến về tháo gỡ khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua các tỉnh biên giới phía Bắc, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho biết thủ tục giao nhận thực hiện chặt chẽ hơn, lái xe Việt Nam không được vào nội địa Trung Quốc. Quy trình kiểm dịch cũng phức tạp hơn. Thứ trưởng Bộ Công thương chỉ ra điểm yếu là sản xuất nông nghiệp không theo tín hiệu, nhu cầu thị trường, xuất khẩu chủ yếu theo hình thức trao đổi cư dân (tiểu ngạch), không xuất khẩu chính ngạch… Do vậy, dù đã có nhiều khuyến cáo ùn tắc tại các khu vực cửa khẩu nhưng các thương nhân vẫn tiếp tục đưa hàng nên ùn tắc ngày càng nghiêm trọng hơn.

Giải pháp đưa ra, Lạng Sơn đã thông tin trên trang điện tử từng ngày về thời gian, lượng xe thông quan; nhắn tin Zalo với các doanh nghiệp, chủ hàng về xuất nhập khẩu. Nhưng mỗi ngày vẫn có 60 - 70 xe từ các địa phương lên Lạng Sơn.

Do đó, tỉnh này khuyến cáo các doanh nghiệp cần điều tiết, hạn chế đưa hàng hóa xuất khẩu lên biên giới; tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh như khử khuẩn xe chở hàng, thường xuyên xét nghiệm cho tài xế, thiết lập vùng an toàn dịch bệnh…

Sáng ngày 06/11/2021, Bộ Giao thông vận tải và UBND TP Hà Nội chính thức ký kết bàn giao dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông để đưa vào vận hành khai thác thương mại.

Trong giai đoạn đầu, sẽ vận hành theo phương án từ thấp đến cao, để đánh giá khai thác phù hợp với mức độ dịch vụ của người dân, tránh việc vận hành không có khách. Tuần đầu dự kiến 15 phút/chuyến, tuần thứ 2 sẽ là 10 phút/chuyến, lượng khách đi đông sẽ điều chỉnh biểu đồ.

Giá vé được TP Hà Nội phê duyệt chính thức là 7,000 đ/lượt, theo chặng là 8,000-15,000đ/lượt. Giá vé ngày là 30,000đ/ngày. Vé cũng được bán theo tháng (không định danh 200,000đ/người, có định danh là 100,000đ/người). Những đối tượng được miễn phí đi xe buýt sẽ được miễn phí đi tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông.

Bắt đầu từ ngày 06/11/2021, hành khách đầu tiên đi tàu thì hợp đồng bảo hiểm sẽ được kích hoạt ngay. Nếu xảy ra tình huống mất an toàn trong quá trình đi tàu, hành khách sẽ được chi trả bảo hiểm. Cũng như xe buýt, vé đường sắt đô thị được trợ giá, bảo hiểm với hành khách nằm trong giá vé và trường hợp xảy ra thiệt hại với hành khách thì sẽ được bảo hiểm chi trả, hành khách không phải bỏ thêm đồng nào ngoài tiền vé đã mua.

Tổng mức đầu tư được điều chỉnh của dự án theo phê duyệt của Bộ Giao thông Vận tải là hơn 18,000 tỷ đồng, tăng hơn 9,231 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu.

Các nhà ga được bố trí nhiều tiện ích như thang máy, thang cuốn, thang bộ, bảng biển thông tin hướng dẫn về giờ tàu; tin tức, thiết bị hỗ trợ người khuyết tật, hệ thống thu soát vé tự động, hệ thống thông gió, thoát hiểm theo tiêu chuẩn quốc tế, camera giám sát an ninh...

Ngày 10/12/2021, thị trường bất động sản đang dậy sóng với thương vụ đấu giá đất của Trung tâm Dịch vụ Bán đấu giá tài sản có tổng giá trị được chốt là 37,346 tỷ đồng. Các lô được bán mang các ký hiệu 3-5, 3-8, 3-9, 3-12 thuộc khu chức năng số 3, khu dân cư phía Bắc, Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP Thủ Đức.

Đáng chú ý nhất, Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt (thuộc Tân Hoàng Minh) đưa ra mức giá 24,500 tỷ đồng (1.1 tỷ USD) để sở hữu lô đất vàng 3-12, cao gấp 8.3 lần so với giá khởi điểm. Với mức chi bình quân trên 2.4 tỷ đồng/m2, đây là khu đất thuộc diện đắt đỏ bậc nhất trên thế giới.

Cùng với lô 3-12, các lô khác với diện tích nhỏ và hệ số sử dụng đất thấp hơn cũng được bán thành công với giá rất cao. Cụ thể, lô 3-5 được bán giá 3,820 tỷ đồng, cao gấp 6.6 lần so với giá khởi điểm; lô 3-8 giá 4,000 tỷ đồng, cao gấp 4 lần so với giá khởi điểm; lô 3-9 bán thành công ở mức 5,026 tỷ đồng, cao gấp 7 lần giá khởi điểm.

Ngày càng nhiều các nghệ sĩ bị gọi tên trong cuộc chiến “sao kê từ thiện” từ sao hạng A đến sao hạng S và hầu hết đều là những gương mặt quen thuộc có tầm ảnh hưởng trong cộng đồng người hâm mộ.

Cuộc chiến này không còn là chuyện tố nhau trên mạng xã hội, minh bạch thông tin mà còn là niềm tin của người hâm mộ với thần tượng mà họ hâm mộ. Hình ảnh của các nghệ sĩ khi dùng sức ảnh hưởng của mình quyên góp được hàng trăm tỷ đồng giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn, từ kêu gọi hay trực tiếp giúp đỡ, điều này hiển nhiên được cộng đồng ghi nhận. Nhưng bên cạnh đó, người hâm mộ và nhất là những người trực tiếp quyên góp chung vào quỹ đó, họ có quyền được biết, minh bạch thông tin số tiền có trực tiếp đến tay người cần được giúp đỡ thực sự hay không.

Việc đáng lẽ ra phải được minh bạch ngay từ đầu, thì các nghệ sĩ chỉ bắt đầu sao kê khi bị tố ăn chặn. Hoài Linh chỉ bắt đầu giải ngân 14 tỷ đồng vào năm 2021 sau khi bị tố và dù đợt kêu gọi quyên góp đó vào mùa lũ năm 2020. Trấn Thành phải đăng 1,000 trang sao kê tiền từ thiện công khai lên trang Fanpage của mình. Và vợ chồng Thủy Tiên - Công Vinh cũng phải đến ngân hàng sao kê 18,000 trang giấy trước sức ép của dư luận.

Dù cuối cùng chứng minh được họ có ăn chặn hay không, ai đúng ai sai thì niềm tin trong lòng người hâm mộ đã bị lung lay và ảnh hưởng rất nhiều đến hình ảnh cũng như sự nghiệp của họ.

Cát Lam

FILI

31-12-2021 09:00:00+07:00

Tin cùng chuyên mục

Hotline: 0908 16 98 98