1.000 tỉ đồng/km đường vành đai 3 là quá cao
1.000 tỉ đồng/km đường vành đai 3 là quá cao
Đó là nhận định của Phó thủ tướng Lê Văn Thành tại buổi làm việc với các địa phương để đẩy nhanh tiến độ đầu tư, sớm khép kín tuyến vành đai 3 và 4 TP.HCM hôm qua (29.12).
Báo cáo tại cuộc họp, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Lê Hòa Bình cho biết dự án vành đai 3 dài 98 km, đi qua TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An, chia làm 4 đoạn: Tân Vạn - Bình Chuẩn, Tân Vạn - Nhơn Trạch, Bình Chuẩn - QL22 và QL22 - Bến Lức. Được Thủ tướng phê duyệt cách đây hơn 10 năm nhưng hiện chỉ có đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn (thuộc tỉnh Bình Dương) dài hơn 15 km hoàn thành. Dự án 1A đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch, tổng vốn hơn 6.000 tỉ đồng (bằng vốn ODA), dự kiến khởi công quý 1/2022. Ngoài dự án 1A, những phần còn lại chưa khép kín hiện được nghiên cứu đầu tư giai đoạn 1 với tổng vốn hơn 83.000 tỉ đồng.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi kiến nghị T.Ư hỗ trợ toàn bộ kinh phí giải phóng mặt bằng, khoảng 47.000 tỉ đồng. Đối với phần xây lắp, các địa phương sẽ chủ động nghiên cứu đầu tư phù hợp tình hình thực tế. Thời gian thực hiện từ 2021 - 2026.
Kết luận buổi làm việc, Phó thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng cần tính toán lại bởi nếu tính toán dự trù sai dẫn đến chủ trương đầu tư sai. “Tính ra chi phí xây dựng đường vành đai 3 khoảng 400 tỉ đồng/km và nếu tính cả chi phí giải phóng mặt bằng là 1.000 tỉ đồng/km, quá cao. Trong khi đó chi phí xây dựng mỗi ki lô mét đường cao tốc Bắc - Nam là khoảng 140 tỉ đồng. Giờ mời tư vấn về xây dựng lại dự án. Rà soát kỹ phương thức đầu tư, có đoạn nào làm PPP (đối tác công - tư) được thì đề xuất, đoạn nào không được thì dùng 100% ngân sách. UBND TP.HCM sẽ là cơ quan chủ trì làm thủ tục trình dự án. Phấn đấu tháng 2 năm sau hoàn tất hồ sơ trình Chính phủ để tháng 4 - 5 trình Quốc hội”, Phó thủ tướng chỉ đạo.
H.Mai