Biến chủng Omicron bắt đầu tác động tới kinh tế Mỹ

27/12/2021 20:00
27-12-2021 20:00:00+07:00

Biến chủng Omicron bắt đầu tác động tới kinh tế Mỹ

Ngày càng ít người chọn dùng bữa trong nhà hàng, trong khi số ca nhiễm gia tăng đang khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa trong thời gian ngắn.

Các dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Mỹ đang mất dần đà khi biến thể Omicron lây lan nhanh chóng trên khắp cả nước.

Dữ liệu từ trang web đặt chỗ OpenTable cho thấy trong tuần kết thúc ngày 22/12, số lượng thực khách ngồi tại các nhà hàng trên toàn quốc đã giảm 15% so với cùng kỳ năm 2019, mức giảm mạnh hơn so với cuối tháng 11. Tỷ lệ đặt phòng khách sạn ở Mỹ ở mức 53.8% trong tuần kết thúc ngày 18/12, thấp hơn một chút so với mức của tuần trước, theo STR, một công ty phân tích dữ liệu khách sạn toàn cầu.

Số ca nhiễm gia tăng khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa trong ngắn hạn, các điểm giải trí phải hủy bỏ buổi diễn, trường đại học chuyển sang giảng dạy trực tuyến và các văn phòng phải hoãn hoặc lùi kế hoạch mở cửa trở lại.

Aneta Markowska, Chuyên gia kinh tế trưởng tại Jefferies LLC, cho biết: “Chúng ta vẫn sẽ thấy mức tiêu dùng cao trong quý 4, nhưng tôi nhận thấy đà tăng trưởng đó đang giảm dần”.

Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp thấp, lượng tiền tiết kiệm đáng kể và tiền lương tăng nhanh tạo điều kiện cho người dân Mỹ chi tiêu nhiều hơn. Nhiều người cũng háo hức đi chơi và quây quần bên gia đình sau gần hai năm thực hiện các lệnh giãn cách xã hội. Trong vòng 10 ngày tính đến ngày 22/12, số lượng du khách đi qua các trạm kiểm soát của Cục An ninh Giao thông vận tải cao hơn gấp đôi so với số lượng hành khách đi máy bay trong cùng kỳ năm 2020, mặc dù vẫn thấp hơn năm 2019.

Các doanh nghiệp đang cố gắng giữ chân người lao động khi việc tuyển dụng mới gặp khó khăn. Bộ Lao động Mỹ hôm thứ Năm (23/12) cho biết số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp - một chỉ báo phản ánh tỷ lệ thất nghiệp - không thay đổi ở mức 205.000 người trong tuần kết thúc ngày 18/12. Số  đơn xin trợ cấp đang xấp xỉ gần mức thấp nhất trong hơn nửa thế kỷ qua bất chấp những lo ngại ngày càng tăng về biến thể Omicron.

Bộ Thương mại Mỹ cho biết mức tiêu dùng đã tăng 0.6% trong tháng trước, giảm so với mức tăng 1.4% trong tháng 10. Các nhà kinh tế cho rằng một phần nguyên nhân dẫn đến mức chi tiêu giảm trong tháng 11 là do người tiêu dùng mua sắm cho kỳ nghỉ sớm hơn một tháng, trong bối cảnh những cảnh báo về khả năng thiếu hụt hàng hoá vì các vấn đề đứt gãy chuỗi cung ứng.

Hiện tại, các chuyên gia kinh tế kỳ vọng biến thể Omicron với tốc độ lây nhiễm nhanh chóng chỉ ảnh hưởng đến chi tiêu và tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn khi một số người dân chọn ở nhà.

Nhiều chuyên gia kinh tế đã hạ dự báo tăng trưởng cho đầu năm 2022 do lo ngại ngày càng nhiều về tốc độ gia tăng số ca nhiễm Covid-19. Oxford Economics dự báo ​tốc độ tăng trưởng GDP của Mỹ sẽ ở mức 2.5%/năm trong Quý 1/2022, giảm so với ước tính trước đó là 3.4%.

Phần lớn sự sự suy giảm về sản lượng có thể vì bị trì hoãn, thay vì bị mất hoàn toàn. Các chuyên gia kinh tế tại Nomura đã hạ dự báo tăng trưởng GDP cho quý này và quý đầu tiên của năm 2022, một phần phản ánh dự báo về chi tiêu tiêu dùng yếu hơn do biến thể Omicron. Tuy nhiên, họ kỳ vọng tăng trưởng sẽ tăng lên trong nửa cuối năm sau khi sự gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch gây ra được cải thiện và đầu tư vào hàng tồn kho giảm bớt.

Mặc dù mỗi làn sóng lây nhiễm mới của dịch Covid-19 dường như gây ảnh hưởng yếu hơn đến nền kinh tế so với các đợt bùng phát trước đó, nhưng một số chuyên gia kinh tế nói rằng biến thể Omicron đặt ra những mối đe dọa khác nhau.

Cụ thể, biến thể Omicron đang ảnh hưởng vùng Đông Bắc nặng nề hơn so với các biến thể khác gần đây. Bà Markowska của Jefferies cho biết các doanh nghiệp ở khu vực này có thể phải chuẩn bị tâm thế áp đặt các biện pháp kiểm soát dịch của riêng họ.

Bà Markowska cho biết, nền kinh tế cũng đang tiến sâu hơn vào quá trình mở cửa trở lại so với trước đó. Tuy vậy, biến thể Omicron có khả năng thay đổi các kế hoạch tái mở cửa thay vì chỉ trì hoãn chúng. Bà cho rằng tỷ lệ lấp đầy văn phòng có thể giảm do sự lây lan biến thể Omicron, điều này có thể làm giảm nhu cầu đối với các dịch vụ như quán cà phê.

Chủ tịch CNN Jeff Zucker nói với các nhân viên rằng công ty này phải đóng cửa các văn phòng của mình, ngoại trừ những nhân viên cần phải ở đó để làm việc. Tập đoàn Ford Motor, hãng công nghệ Uber và Alphabet đều trì hoãn việc trở lại văn phòng gần đây trong bối cảnh biến thể Omicron lan nhanh.

Các quán bar ở New York và Nashville đã thông báo tạm thời đóng cửa do có nhân viên bị nhiễm Covid-19. Một bảo tàng tại Đại học Illinois ở Chicago cho biết sẽ đóng cửa trong hơn một tháng và chỉ tổ chức các chuyến tham quan ảo trong bối cảnh biến thể Omicron lây lan nhanh chóng.

Một số vở diễn Broadway nổi tiếng nhất, bao gồm “Hamilton” và “The Lion King”, đã hủy các buổi biểu diễn cho đến hết Giáng sinh. Đại học Harvard cho biết họ sẽ bắt đầu học kỳ mùa đông trực tuyến trong ba tuần để giảm mật độ sinh viên trong khuôn viên trường.

Biến thể Omicron cũng đang khiến một số công nhân nhiễm bệnh phải ở nhà trong một thời gian. Điều này có thể làm giảm thêm khả năng cung cấp hàng hóa của các nhà máy. Tình trạng khan hiếm sản phẩm là trở ngại chính đối với khả năng chi tiêu của người tiêu dùng.

Tình trạng khan hiếm hàng hóa có thể khiến lạm phát tăng cao hơn. Chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), một thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang (Fed), đã tăng 5.7% trong tháng 11 so với cùng kỳ năm trước, mức tăng nhanh nhất kể từ năm 1982, Bộ Thương mại Mỹ cho biết vào ngày thứ Năm (23/12). Chỉ số PCE cốt lõi, không bao gồm các mặt hàng thực phẩm và năng lượng dễ biến động, đã tăng 4.7% trong tháng 11 so với cùng kỳ năm trước, cao nhất kể từ năm 1989.

Điều đó có nghĩa là sau khi điều chỉnh theo lạm phát, chi tiêu của người tiêu dùng không thay đổi trong tháng 11 so với tháng 10, và thu nhập cá nhân sau thuế giảm 0.2%.

Cho đến nay, chi phí tăng nhanh dường như không làm giảm nhu cầu chi tiêu của người tiêu dùng, mặc dù một số cá nhân lo ngại về triển vọng lạm phát dài hạn.

David Esguerra, 35 tuổi đến từ Phoenix, cho biết anh nhận thấy giá cả tăng nhanh chóng. Dịch vụ chăm sóc thú cưng — bao gồm tắm rửa và cắt móng — cho chú cún của anh ấy đã tăng từ 60 USD vào năm ngoái lên 80 USD. Anh Esguerra cũng cho biết bánh sừng bò ở chợ nông sản có giá khoảng 6 USD trong năm nay, tăng từ 4 USD hồi năm 2020.

Mức tăng lương của kỹ sư chuỗi cung ứng trong năm nay lại thấp hơn tỷ lệ lạm phát. Kết quả là anh Esguerra phải điều chỉnh lại thói quen chi tiêu của mình. Ví dụ, anh này đã tìm kiếm đồ nội thất trên các chợ đồ cũ như Craigslist để trang bị cho ngôi nhà mới của mình, cũng như đang giảm mua sắm quần áo, giày dép và phụ kiện điện thoại.

Esguerra không quá lo lắng về khả năng trang trải các nhu cầu thiết yếu hàng ngày của mình trong ngắn hạn. Tuy nhiên, anh lo ngại về việc liệu đợt lạm phát này có kéo dài hay không. “Mối quan tâm của tôi là về dài hạn nhiều hơn, điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tương lai tài chính của tôi?” anh ấy nói. "Liệu lạm phát có tiếp tục cao không?"

Việc thu hẹp các biện pháp kích thích tài khoá cũng có thể ảnh hưởng đến một số đường nét trong lộ trình tăng trưởng kinh tế. Sau khi đại dịch ập đến vào mùa xuân năm 2020, Chính phủ Mỹ đã tăng cường trợ cấp thất nghiệp lên đến 600 USD/tuần, nhiều đợt kích thích và gia tăng tín thuế trẻ em năm 2021 tới 1,600 USD/trẻ.

Người Mỹ hiện đang sử dụng lượng lớn tiền mặt mà họ tích lũy được nhờ các gói kích thích của chính phủ. Khi họ cạn kiệt tiền tiết kiệm, một số công nhân có thể tham gia lại lực lượng lao động và giúp các doanh nghiệp lấp đầy tuyển dụng và đáp ứng nhu cầu sản xuất. Khi thu nhập của người lao động thấp hơn vì việc thắt chặt chi tiêu kích thích của Chính phủ, tăng trưởng tiền lương sẽ trở thành một nguồn lực chi tiêu quan trọng hơn trong những tháng tới.

An Trần (Theo WSJ)

FILI





MÃ CHỨNG KHOÁN LIÊN QUAN (3)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Thị trường bất động sản của Mỹ gặp khó khăn do lãi suất và giá nhà cao

Doanh số bán nhà đã qua sở hữu, chiếm phần lớn doanh số bán nhà của Mỹ, đã giảm 4,3% trong tháng 3/2024, xuống mức 4,19 triệu căn.

Phố Wall lo Fed không giảm lãi suất trong năm 2024

Phố Wall đang nghĩ đến kịch bản Fed không giảm lãi suất trong năm 2024.

Cục Dự trữ Liên bang: Kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng nhẹ ở mức đồng đều

Theo mô hình GDPNow của Fed chi nhánh tại Atlanta, kinh tế Mỹ được dự báo sẽ tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng hằng năm ở mức 2,9% trong quý 1 năm 2024, sau khi tăng...

IMF: Thâm hụt tài khóa của Mỹ có thể gây rủi ro cho kinh tế toàn cầu

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), gánh nặng nợ của chính phủ Mỹ tạo ra nguy cơ ngắn hạn cho quá trình giảm lạm phát cũng như sự ổn định về tài chính về dài hạn cho...

IMF: Đà tăng của giá dầu có thể làm chệch hướng kinh tế thế giới

IMF kỳ vọng kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,2% trong năm nay và năm tới, tuy nhiên tình trạng gián đoạn trên thị trường dầu mỏ có thể là một trong những nhân tố...

Cục Dự trữ liên bang Mỹ phát tín hiệu trì hoãn cắt giảm lãi suất

Theo Chủ tịch Fed, những dữ liệu gần đây không tạo cho Fed sự tin tưởng đủ lớn để cắt giảm lãi suất, mà trái lại nó cho thấy phải mất nhiều thời gian để đạt được...

Chủ tịch ECB: NHTW sẽ sớm hạ lãi suất

Trong ngày 16/04, Chủ tịch Christine Lagarde nhận định Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể cắt giảm lãi suất trong thời gian tới, nếu không có thêm bất kỳ cú...

Trung Quốc có thể cần chi 2.100 tỉ đô la để hồi sinh thị trường nhà ở

Thị trường nhà ở Trung Quốc có thể suy yếu hơn nữa khi những nỗ lực vực dậy lĩnh vực này chưa đủ mạnh để ngăn chặn cơn suy thoái kéo dài 3 năm qua. Theo ngân hàng...

Tesla sẽ cắt giảm ít nhất 14,000 nhân sự trên toàn cầu

Tesla sẽ cắt giảm hơn 10% lực lượng lao động toàn cầu, tương đương ít nhất 14,000 việc làm, do nhu cầu về xe điện toàn cầu giảm và cuộc chiến giá cả khốc liệt đã...

GDP Trung Quốc tăng trưởng 5.3% trong quý 1, vượt kỳ vọng

Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nhanh hơn dự báo trong quý 1/2024, theo dữ liệu công bố vào ngày 16/04.


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98