Các thành phố lớn Trung Quốc xoay xở ghìm đà giảm giá bất động sản

05/12/2021 21:30
05-12-2021 21:30:00+07:00

Các thành phố lớn Trung Quốc xoay xở ghìm đà giảm giá bất động sản

Các thành phố lớn của Trung Quốc, từ Thành Đô cho đến Thiên Tân đang triển khai các biện pháp chống đỡ đà giảm nhanh của giá nhà ở, bao gồm nới lỏng tín dụng cho các công ty phát triển bất động sản, người mua nhà hoặc áp mức sàn giảm giá đối với giá bán nhà đăng ký ban đầu của chủ đầu tư.

Một dự án bất động sản đang thi công dang dở ở thành phố Thiên Tân, Trung Quốc. Ảnh: Getty

Trong tháng 10, giá nhà mới xây ở Trung Quốc giảm 0,2% so với tháng 9, lần đầu tiên suy giảm kể từ tháng 3-2015.

Trên thị trường thứ cấp, giá bán nhà cũng giảm ở 90% các thành phố lớn và số dự án bất động sản khởi công trong tháng 10 giảm đến 33% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bức tranh u ám của thị trường bất động sản cũng thể hiện ở các đợt bán đấu giá đất của các chính quyền địa phương với gần 1/3 trong số 700 lô đất được rao bán kể từ tháng 9 đã rút khỏi thị trường vì không thu hút đủ sự quan tâm. Các thành phố lớn của Trung Quốc đang giảm giá bán các lô đất của nhà nước đến 20%.

Cơn suy thoái trên thị trường nhà ở tại Trung Quốc lan rộng từ các thành phố nhỏ đến một số trung tâm đô thị lớn nhất của nước này, khiến giới chức trách phải chạy đua xoay xở ngăn chặn nguy cơ giảm giá sâu hơn, có thể khiến mức đấu giá các lô đất của nhà nước giảm mạnh hơn nữa.

Hôm 23-11, chính quyền thành phố Thành Đô ở tỉnh Tứ Xuyên, tây nam Trung Quốc đã công bố các biện pháp bơm thêm tài chính cho các nhà phát triển bất động sản cũng như người mua nhà, chẳng hạn, yêu cầu các ngân hàng tăng hạn mức cho vay đối họ, đồng thời phải giải ngân các khoản vay một cách nhanh chóng. Các công ty phát triển bất động sản lớn sẽ được phép hoãn trả nợ hoặc trả lãi suất thấp hơn. “Thành Đô là thành phố đầu tiên của Trung Quốc tăng hạn mức cho vay bất động sản”, Yan Yuejin, Giám đốc Viện Phát triển và nghiên cứu E-house China, nói.

Động thái mở rộng tín dụng của chính quyền Thành Đô chỉ là một ví dụ về cách các đô thị lớn của Trung Quốc chống chọi cơn suy thoái của thị trường nhà đất, có thể đe dọa nguồn thu quan trọng cho ngân sách của họ từ các đợt đấu giá bán đất để phát triển nhà ở.

Tháng trước, chính quyền thành phố Thiên Tân, ở đông bắc Trung Quốc, đã yêu cầu các công ty bất động sản giới hạn mức giảm giá bất động sản. Theo đó, các bất động sản mới xây phải được bán với giá thấp hơn không dưới 15% so với giá bán ban đầu mà chủ đầu tư đã báo cáo với chính quyền thành phố, một nguồn thạo tin cho biết. Các công ty bất động sản phải thông báo cho giới chức trách trước khi thực hiện bất kỳ đợt bán giảm giá mạnh nào.

Chính quyền thành phố Nam Kinh, thủ phủ tỉnh Giang Tô, cũng ra lệnh cho các công ty bất động sản đang giảm giá bán nhà ở phải dừng ngay việc gây rối loạn thị trường.

Trong những tháng qua, có ít nhất 20 thành phố trên khắp Trung Quốc đã áp các giới hạn về mức giảm giá nhà ở.

Giá nhà ở hầu hết tại các địa phương của Trung Quốc đã giảm trong mùa hè này, một phần do giới chức trách yêu cầu các ngân hàng xét duyệt cho thế chấp mua nhà nghiêm ngặt hơn. Trong tháng 5-2021, chỉ có 5 trong 70 thành phố lớn của Trung Quốc chứng kiến giá căn hộ mới giảm so với tháng 4, theo dữ liệu của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc. Nhưng con số đó đã tăng vọt lên 52 trong tháng 10, khiến tháng này trở thành tháng giảm giá tồi tệ nhất trên thị trường nhà ở của Trung Quốc kể từ tháng 2-2015.

Thành Đô, Thiên Tân và Nam Kinh được coi là các thành phố “cấp một mới”, đứng  ngay sau các thành phố cấp một lâu đời như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến về quy mô và tầm quan trọng kinh tế. Giá căn hộ trung bình tại các thành phố cấp một mới giảm 0,1% trong tháng 10. Giá căn hộ ở Quảng Châu và Thâm Quyến cũng bắt đầu giảm.

Việc siết chặt cho thế chấp mua nhà chỉ là một trong những nguyên nhân khiến thị trường bất động sản quay đầu giảm giá. Trung Quốc cũng đang hạn chế việc vay nợ quá mức của các công ty bất động sản, vốn đang là vấn đề thu hút được sự chú ý của toàn cầu, đặc biệt sau cuộc khủng hoảng nợ gần đây của Tập đoàn bất động sản Evergrande. Một số công ty bất động sản ở Trung Quốc rơi vào tình cảnh cạn kiệt tiền mặt đến mức họ phải sử dụng các căn hộ để  thanh toán nợ cho các nhà thầu. Các căn hộ này ngay lập tức bị các nhà thầu bán tháo, khiến thị trường căn hộ giảm giá mạnh hơn nữa.

Tình cảnh ảm đạm của thị trường bất động sản đang gây lo ngại cho các chính quyền địa phương của Trung Quốc vì một nguồn thu đáng kể cho ngân sách của họ đến từ các đợt bán đấu giá quyền sử dụng đất cho các chủ đầu tư để xây nhà ở và các tổ hợp thương mại. Giá căn hộ giảm sẽ đẩy giá bán quyền sử dụng đất đi xuống.

Một số thành phố ở Trung Quốc cũng đang bán rẻ các lô đất đắc địa và dự kiến ​​sẽ thu hút nhu cầu mạnh mẽ. Bắc Kinh đã bán đấu giá các lô đất cách Quảng trường Thiên An Môn khoảng 20 phút lái xe vào tháng 11 và chuẩn bị tiến hành bán đấu giá một lần nữa trong tháng này. Thành phố Hàng Châu, thuộc tỉnh Chiết Giang, cũng quyết định bán thêm nhiều lô đất ở khu trung tâm.

Lo ngại bong bóng bất động sản sẽ làm trầm trọng thêm rủi ro tài chính trong nước, trong những năm gần đây, Trung Quốc đã siết chặt các biện pháp kiểm soát thị trường nhà đất.

Nhưng khi tập đoàn bất động sản hàng đầu như Evergrande rơi vào cuộc khủng hoảng thanh khoản trong năm nay, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) và các cơ quan chức năng khác kêu gọi các ngân hàng không kìm hãm nguồn tín dụng liên quan đến bất động sản.

Theo PBoC, trong tháng 10, dư nợ cho vay thế chấp mua nhà ở Trung Quốc đã lên mức 348,1 tỉ nhân dân tệ (54,6 tỉ đô la), tăng hơn 100 tỉ nhân dân tệ so với tháng 9. Động thái thông báo số liệu cho vay thế chấp hàng tháng hiếm hoi của PBoC (PBoC thường công bố số liệu này theo định kỳ hàng quí) có thể nhằm báo hiệu có sự thay đổi trong các chính sách của chính phủ Trung Quốc.

Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn duy trì các hạn mức đối với các khoản thế chấp bất động sản. Một số ngân hàng đã đạt đến giới hạn cho vay thế chấp của họ và đang từ chối những khách hàng mới.

Khánh Lan (Theo Nikkei Asian Review)

TBKTSG





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Quan chức Mỹ cảnh báo nguy cơ Trung Quốc “xả” hàng giá rẻ ra nền kinh tế toàn cầu

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen mới đây bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc có thể bán sản phẩm dư thừa với giá rẻ, gây khó khăn cho Mỹ và các nước khác trong...

Huyền thoại đầu tư Ray Dalio: Trung Quốc có thể đối mặt với thập kỷ mất mát

Huyền thoại đầu tư Ray Dalio đã cảnh báo rằng Trung Quốc có nguy cơ rơi vào một thập kỷ mất mát nếu không giảm nợ và nới lỏng chính sách tiền tệ.

Thống đốc Fed: Số liệu lạm phát đáng thất vọng, Fed có thể hoãn hoặc giảm số lần hạ lãi suất

Thống đốc Fed Christopher Waller cho biết NHTW không vội hạ lãi suất sau khi các dữ liệu lạm phát công bố gần đây đều cao hơn dự báo. Ông cho rằng Fed sẽ hoãn hạ...

Lợi nhuận công nghiệp tăng, báo hiệu kinh tế Trung Quốc dần ổn định

Lợi nhuận của các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp ở Trung Quốc tăng trưởng trở lại trong 2 tháng đầu năm sau khi giảm liên tục trong suốt năm ngoái. Theo...

Cầu lớn bị sập, cảng biển hàng đầu của nước Mỹ phải đóng cửa

Vụ sập cầu Francis Scott Key ở Baltimore vào ngày 26/03 đã tạo ra một cơn chấn động và gây ra sự gián đoạn trong hoạt động của một trong những cảng biển bận rộn...

Vì sao Fed dự báo Mỹ không suy thoái?

Theo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), không hề có tín hiệu nào cho thấy kinh tế Mỹ sẽ suy thoái trong năm nay và cả năm 2025.

Quy mô kinh tế số Đông Nam Á có thể đạt 1.000 tỷ USD

Kinh tế số Đông Nam Á có thể đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2030, thậm chí là gấp đôi con số này, nếu các chính phủ có chính sách tốt, nhất là cải thiện kỹ năng số cho...

Fed: Kinh tế Mỹ không có dấu hiệu suy thoái trong những năm tới

Các nhà hoạch định chính sách của Fed đã công bố một loạt các dự báo mới về nền kinh tế, với nhận định tăng trưởng trong các năm 2024, 2025 và 2026 thậm chí còn...

Tuần bước ngoặt của nhiều ngân hàng trung ương lớn trên thế giới

Nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới vừa ghi nhận bước ngoặt về chính sách trong tuần trước. Trong đó, Thụy Sỹ trở thành nền kinh tế lớn đầu tiên trên thế giới...

Trung Quốc sẽ ban hành quy định mới để thúc đẩy thu hút vốn đầu tư nước ngoài

Thủ tướng Lý Cường khẳngn định Trung Quốc luôn chào đón mọi công ty từ tất cả các quốc gia trên thế giới đến đầu tư và tăng cường khẳng định chỗ đứng tại nước này.


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98