Diễn biến thị trường bất động sản thời “tiền rẻ”
Diễn biến thị trường bất động sản thời “tiền rẻ”
Theo các chuyên gia, thị trường bất động sản có thể sẽ được hưởng lợi khi các gói kích thích kinh tế được triển khai và nguy cơ lạm phát tăng cao được dự báo.
Một trong những thông tin tạo sóng tăng giá cho thị trường bất động sản gần đây là việc Quốc hội đang xem xét các kế hoạch kích thích kinh tế. Nhiều thông tin cho rằng, việc Chính phủ “bơm tiền” sẽ khiến lạm phát tăng và trong thời kỳ “tiền rẻ” dòng tiền sẽ tiếp tục tìm chỗ trú ẩn tại các tài sản đảm bảo như vàng, bất động sản.
Thị trường bất động sản vẫn tăng nóng bất chấp dịch bệnh Covid-19
|
Kênh trú ẩn an toàn
Thực tế cho thấy thời gian qua, thị trường đã có những động thái “đi trước” khi các gói kích thích kinh tế thông qua việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, hỗ trợ doanh nghiệp, giảm lãi suất,… vẫn còn “ở trên bàn” và đang được bàn thảo thì giá nhà đất tại các địa phương lại đã rục rịch tăng nóng.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến giá nhà đất không ngừng tăng, nguồn cung mới khan hiếm và lo ngại nguy cơ lạm phát cao đang khiến nhiều nhà đầu tư dồn tiền vào kênh trú ẩn an toàn là bất động sản. Bên cạnh đó, việc thị trường bị dồn nén sau nhiều tháng do ảnh hưởng của đại dịch cùng tâm lý “mua sắm” cuối năm sẽ kích thích dòng tiền đổ vào nhà đất.
Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc bộ phận tiếp thị nhà ở CBRE Việt Nam chỉ rõ, riêng tại TP.HCM, bất chấp ảnh hưởng dịch bệnh trong hai năm vừa qua giá nhà đất vẫn tăng trung bình 15 - 17% mỗi năm. Giá nhà đất sắp tới được dự báo sẽ tiếp tục tăng bởi nguồn cung mới tiếp tục khan hiếm và chi phí đầu tư xây dựng đang leo thang.
Chia sẻ quan điểm trên, Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho rằng nhà đầu tư không nên quá lo lắng về lạm phát thay vào đó nên đầu tư càng sớm càng tốt để giữ đồng tiền khỏi mất giá và khi lạm phát xảy ra bất động sản, vàng, dầu… là những loại tài sản được lựa chọn.
Không chỉ sốt nóng và tăng giá trên “thực địa” mà thông tin “bơm tiền” còn khiến cổ phiếu của các doanh nghiệp BĐS tăng nóng thời gian qua khi các nhà đầu tư đặt kỳ vọng vào việc giá BĐS tăng cao sẽ sớm thể hiện vào kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp.
Trong khi đó, về các gói kích cầu kinh tế, theo PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam hiện nay Chương trình phục hồi kinh tế của Chính phủ chưa được công bố và đang được thảo luận ráo riết. Bên cạnh đó, khả năng lạm phát gây ra những bất ổn trong thời gian tới là không dễ và nếu tiền được bơm ra, tác động đến thị trường bất động sản cũng sẽ rất mạnh.
Mới đây nhất, thông tin tại sự kiện Diễn đàn Kinh tế 2021, TS. Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), đại diện nhóm nghiên cứu của Thường trực Uỷ ban Kinh tế Quốc hội và chuyên gia cho biết gói kích cầu 800.000 tỷ đồng là con số công bố, phần thực chi dự kiến khoảng 445.000 tỷ đồng.
Định hướng dòng tiền kích cầu
Dù được kỳ vọng sẽ là động lực mạnh cho thị trường bất động sản nhưng cũng theo các chuyên gia, các gói kích thích đang được bàn thảo sẽ được tính toán rất kỹ để đảm bảo hiệu quả hồi phục nền kinh tế.
Theo TS. Cấn Văn Lực, chương trình phục hồi 800.000 tỷ đồng do Bộ kế hoạch và Đầu tư đề xuất là hỗ trợ phải tác động đến cả tổng cung và tổng cầu (do cầu yếu, cung bị tắc nghẽn), triển khai nhanh gọn hiệu quả, đảm bảo tổng lực, sử dụng cả chính sách tài khoá, tiền tệ, an sinh xã hội và một số hỗ trợ khác, nhóm nghiên cứu gợi ý dự kiến phân bổ chương trình, trong đó chính sách tài khoá vẫn là chủ yếu.
Lưu ý về đích đến của dòng tiền từ các gói kích cầu, ông Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng việc hấp thụ vốn vào nền kinh tế sẽ được nghiên cứu làm sao vào những lĩnh vực quan trọng thay vì đổ vào kênh đầu cơ như chứng khoán, bất động sản.
Cũng theo ông Cường, thời gian qua, giải ngân vốn đầu tư công kể từ đầu năm đến nay chỉ đạt hơn 70%, trong khi tăng trưởng vốn tín dụng cũng chỉ khoảng trên 10% cho thấy so với kỳ vọng, việc đưa vốn vào nền kinh tế là thấp, chuyển vốn còn chậm. Do đó, trong bối cảnh mới, có thể có những giải pháp đặc biệt trong giải ngân đầu tư công như cho phép đặt hàng tư nhân giải ngân vốn đầu tư công vào các ngành, lĩnh vực sản xuất trụ cột như xây nhà ở xã hội, hậu cần biển để phát triển kinh tế biển, chuyển đổi số, công nghệ số…
Chia sẻ quan điểm trên, ông Đặng Hồng Anh - Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam cho rằng nếu thiếu cơ chế kiểm soát, phối hợp trao đổi giữa doanh nghiệp chịu tác động trực tiếp và cơ quan chủ thể nên khi thực hiện hỗ trợ quy mô lớn thì có thể dòng tiền sẽ ít chảy vào sản xuất mà chảy vào chứng khoán, bất động sản, vàng khiến lạm phát tăng cao.
Do đó, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam cho rằng cần xem xét tập trung tăng cường giám sát thực thi chính sách kích cầu kinh tế sắp tới theo phương châm từ xa từ sớm.
Đất nền là phân khúc chứng kiến đà tăng nóng thời gian qua vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt
|
Đối với diễn biến thị trường bất động sản, thực tế cho thấy thị trường thời gian qua liên tục chứng kiến các chu kỳ tăng giá nhà đất ngay cả trong giai đoạn chịu ảnh hưởng nặng nề, giá nhà vẫn không có xu hướng giảm, thậm chí tăng nhanh.
Nhận định về hiện tượng này, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng thị trường đang cho thấy dấu hiệu bắt đầu bừng sáng và những nhà đầu tư bất động sản lâu năm có lẽ đã tổng kết được quy luật của thị trường, lúc lên lúc xuống.
“Thực tế đã cho thấy trước những cú sốc về mặt kinh tế, chính sách, thị trường bất động sản phản ứng nhạy nhất, có những giai đoạn rất ảm đạm nhưng sau đó sẽ bùng lên rất mạnh”, ông Thiên nhận định.
Còn theo TS. Sử Ngọc Khương trong vòng 1-2 năm tới với những vướng mắc về pháp lý thì nguồn cung cho bất động sản vẫn hạn chế. Dó đó, giá cả sẽ tiếp tục tăng, tạo ra sự khác biệt đối với những thời kỳ khủng hoảng và khó khăn trước đây. "Hiện tại, thị trường đã ấm lên và kỳ vọng trong thời gian sắp tới sẽ bừng sáng" - ông Khương nhấn mạnh.
Lê Sáng