Không phải lúc thiết kế chính sách theo kiểu quá rụt rè

17/01/2022 11:40
17-01-2022 11:40:00+07:00

Không phải lúc thiết kế chính sách theo kiểu quá rụt rè

Trao đổi chúng tôi, PGS.TS TRẦN ĐÌNH THIÊN, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nhấn mạnh chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội không nên, không thể là chương trình “đóng”. Theo đà phục hồi, cần mở rộng, bổ sung những chương trình khác để tối ưu hóa hiệu quả kích hoạt nền kinh tế.

Đừng quá ám ảnh lạm phát, nợ công để thiết kế gói hỗ trợ rụt rè.

PHÓNG VIÊN: - Là người theo dõi sát và tích cực đóng góp ý kiến trong quá trình thiết kế chương trình hỗ trợ phục hồi, ông có nhận định gì khi chương trình được thông qua?

PGS.TS TRẦN ĐÌNH THIÊN: - Cảm xúc đầu tiên của tôi là vui. Việc thông qua chương  trình là sự khẳng định quyết tâm xử lý tình huống bất thường bằng những giải pháp khác thường. Rõ ràng đã có những động thái tích cực, không giống với cách làm cũ, logic cũ.

Nhưng cũng phải nói rằng việc xử lý tình huống bất thường có thành công còn phụ thuộc vào việc những giải pháp khác thường đã đúng chưa, trúng chưa, thực thi thế nào…

Theo tôi, cần triển khai sớm, nhanh chóng gói hỗ trợ này, vì “các doanh nghiệp đã nằm sàn rồi”.

Về ý kiến cho rằng việc đưa lượng tiền lớn ra thị trường cần rất thận trọng để  không gây ra những tác động không mong muốn như lạm phát, nợ công.

Theo tôi tổng quy mô gói hỗ trợ khoảng 350.000 tỷ đồng, lại triển khai trong 2 năm, hoàn toàn không lớn so với nền kinh  tế nước ta hiện nay. Nhiều quốc gia đã chi ra tới 10% tài khóa, như Mỹ lên tới 30% GDP, Nhật Bản hơn 50%... và họ đã bơm tiền ra từ 2 năm trước. Ngay cả những nền kinh tế Việt Nam muốn đua tranh cơ hội phát triển đều chi tiêu cho gói phục hồi rất lớn.

Chúng ta đã gượng dậy chậm hơn, lại quá dè dặt chi tiêu sẽ thật khó để cạnh tranh với họ. Cần lưu ý, chương trình của chúng ta, đằng sau của vế “phục hồi” còn là “phát triển”, chuẩn bị cho cú bứt phá khác, tạo ra năng lực mới.

- Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh quy mô gói hỗ trợ phải đủ lớn, nhưng quan trọng hơn khả năng hấp thụ của nền kinh tế. Ông nghĩ sao về điều này?

- Nghị quyết của Quốc hội đã xác định rõ những lĩnh vực trọng tâm cần ưu tiên đầu tư, từng phần việc đã được thiết kế rõ ràng với mục tiêu mục đích, rõ ràng. Có thể thấy trong đó những dự án đã có sẵn, đã được chuẩn bị kha khá rồi, bây giờ chỉ tăng tốc thực hiện, tăng tốc giải ngân.

Như dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam chẳng hạn. Khả năng hấp thụ của nền kinh tế đúng là yếu tố tiên quyết, nhưng tôi cho rằng nền kinh tế hiện nay đang có nhiều cơ hội.

Đầu tiên và cũng là bước chuyển biến quan trọng nhất trong năm 2021, là thay đổi hoàn toàn tư duy chống dịch, ít nhất là ở cấp trung ương, theo hướng thích ứng thay vì phong tỏa.

Chúng ta không còn sợ hãi như 2 năm trước nữa. Các cân đối vĩ mô đang ổn. Lạm phát thấp, có mặt tốt và không, nhìn chung chưa đến nỗi làm doanh nghiệp điêu đứng hay người dân khó khăn, chưa ảnh hưởng đến lãi suất. Chính phủ tự tin tưởng vào không gian điều hành, kể cả bội chi và trần nợ công cũng không đến mức đáng ngại.

Cần nhớ là lạm phát được hình thành bởi chi phí đẩy và cầu kéo. Cầu trong nước đang rất yếu, còn chi phí đẩy là yếu tố khách quan của thị trường thế giới. Vì thế, lúc này việc hâm nóng nền kinh tế đang nguội lạnh là quan trọng, và có thể phải chấp nhận lạm phát cao hơn bình thường.

Quá bị ám ảnh bởi lạm phát, nợ công hay bội chi… rồi thiết kế chính sách theo kiểu “nhỡ mà”. Nghĩa là lo lắng quá, rụt rè quá, chúng ta sẽ không dám làm gì và cơ hội cũng vuột mất. 

- Tuy thống nhất việc phải tiếp sức cho doanh nghiệp, nhưng vẫn còn những ý kiến khác nhau về đối tượng doanh nghiệp và cách thức hỗ trợ. Ông cho biết quan điểm của mình?

- Tôi cho rằng bây giờ không phải lúc “bẻ bánh đa chia hạt vừng” cho các doanh nghiệp nhỏ lẻ. Nếu chúng ta muốn gói hỗ trợ phát huy hiệu quả nhanh nhất phải tác động vào các doanh nghiệp đầu chuỗi, tập đoàn lớn. Cần ưu tiên bố trí nguồn lực, không hẳn cần ưu đãi họ về lãi suất.

Như vậy các doanh nghiệp đầu chuỗi mới có cơ vượt lên, làm tròn vai trò trụ cột của nền kinh tế. Tất nhiên, các điều kiện phải chặt chẽ, doanh nghiệp cũng phải có cam kết rõ ràng. Đây là nhiệm vụ của chương  trình quốc gia, không chỉ là việc của các ngân hàng.

Loại doanh nghiệp thứ 2 cần được ưu tiên là doanh nghiệp khởi nghiệp, trên quan điểm đầu tư cho tương  lai. Đó chính là vế thứ 2 của chương trình - phát triển sau phục hồi.

- Nhưng ông đã nói rất nhiều doanh nghiệp “nằm sàn”. Mà càng nhỏ, việc gượng dậy có lẽ càng khó khăn hơn? 

- Không hẳn nhỏ đã là yếu. Có những doanh nghiệp nhỏ lại có sức sống khá bền bỉ. Còn nếu đã ốm yếu quá vẫn phải chấp nhận. Dân tộc phải đi về phía trước, muốn thế kinh tế phải phục hồi nhanh, phát triển mạnh bằng cách dồn lực cho những doanh nghiệp có khả năng lan tỏa.

Trong bối cảnh ngân sách hạn chế, phải tính toán để rót hỗ trợ vào đúng tọa độ phát triển. Như TPHCM, “cú đánh” của dịch bệnh vừa qua là quá nặng nề đối với trung tâm kinh tế này, vốn đang đóng góp khoảng 40% GDP của cả nước, không thể không ưu tiên.

Bên cạnh đó, cần nhắc lại hỗ trợ không chỉ bằng tiền. Khi chúng ta đã phổ cập được khoảng 80% mũi vaccine thứ 2, đã đến lúc phải kiên định quan điểm mở cửa trở lại, mở đường bay, phục hồi du lịch, thông  thương hàng hóa nội địa. Gỡ bỏ những trở ngại vô hình cho doanh nghiệp phục hồi hoạt động bình thường còn quan trọng hơn việc cho họ vay một khoản tiền có ưu đãi lãi suất.

Cuối cùng, đây  không nên là chương trình đóng. Theo đà phục hồi, cần mở rộng và có thêm các chương trình khác để củng cố, tăng cường hiệu quả tích cực, đúng với mục tiêu phát triển. Không  nên quá cầu toàn, vì muốn làm nhanh, làm mạnh khó tránh khỏi một số sai sót, sơ hở.

Vậy nên phải có phần bảo hiểm cho những rủi ro, tổn thất xảy ra. Chỉ có thể giảm thiểu tổn thất đó bằng cơ chế giám sát, kiểm tra của Chính phủ và Quốc hội chứ không tránh hoàn toàn được.

- Xin cảm ơn ông.

Đừng quá bị ám ảnh bởi lạm phát, nợ công hay bội chi… rồi thiết kế chính sách theo kiểu “nhỡ mà”. Nghĩa là lo lắng quá, rụt rè quá, sẽ không dám làm gì và cơ hội cũng vuột mất.

Anh Thư

Sài Gòn Đầu Tư Tài Chính





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Quý 1/2024, CPI tăng 3.77%, lạm phát cơ bản tăng 2.81% so với cùng kỳ năm trước 

Báo cáo của Tổng cục Thống kê vừa công bố cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2024 giảm 0.23% so với tháng trước. Tính chung quý 1 năm 2024, CPI tăng 3.77%...

GDP quý 1/2024 ước tính tăng 5.66%

Theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê vừa công bố, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1/2024 ước tính tăng 5.66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý...

Ngân hàng Standard Chartered: GDP quý 1 duy trì mức vừa phải trước lạm phát gia tăng

Ngân hàng Standard Chartered giữ nguyên dự báo tăng trường GDP năm 2024 ở mức 6.7%, trong đó GDP sẽ tăng tốc từ 6.2% trong nửa đầu năm lên 6.9% trong nửa cuối năm.

Vĩnh Long phát triển kinh tế với trọng tâm là các ngành sử dụng đầu vào là sản phẩm nông nghiệp

Sáng 23/3, tại thành phố Vĩnh Long, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư nông...

Thấy gì sau những chỉ số cải cách, sáng tạo của TP.HCM?

Bộ Khoa học -Công nghệ vừa công bố chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII - Provincial Innovation Index: hiện trạng mô hình phát triển kinh tế - xã hội dựa...

Bà Võ Thị Ánh Xuân giữ quyền Chủ tịch nước

Sau khi Quốc hội miễn nhiệm chức Chủ tịch nước với ông Võ Văn Thưởng, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân giữ quyền Chủ tịch nước cho đến khi Quốc hội bầu Chủ tịch...

Quốc hội miễn nhiệm chức Chủ tịch nước với ông Võ Văn Thưởng

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết miễn nhiệm chức Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026 và cho thôi làm nhiệm vụ Đại biểu Quốc hội khóa 15 đối với ông Võ Văn Thưởng.

Trung ương đồng ý ông Võ Văn Thưởng thôi chức Chủ tịch nước

Ban Chấp hành Trung ương đồng ý để ông Võ Văn Thưởng thôi giữ các chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng khóa 13, Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng...

Chủ tịch Quốc hội: Nội dung cấp bách, chuẩn bị được ngay thì đưa vào kỳ họp thứ 7

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu rà soát kỹ lưỡng các nội dung, phân định nội dung cấp bách, chuẩn bị được ngay thì bổ sung vào chương trình nghị sự của kỳ...

Thủ tướng: Việt Nam cam kết '3 bảo đảm', đẩy mạnh '3 đột phá' và thực hiện '3 tăng cường' với nhà đầu tư

Kêu gọi các doanh nghiệp FDI, nhà đầu tư nước ngoài đồng hành cùng Việt Nam thực hiện chuyển đổi xanh, phát triển bền vững với tinh thần "ba tiên phong", Thủ tướng...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98