Bài toán khó tỷ giá

18/05/2022 15:15
18-05-2022 15:15:34+07:00

Bài toán khó tỷ giá

Sự mất giá mạnh của nhân dân tệ so với tiền đồng tạo ra lợi thế không nhỏ cho hàng hóa và dịch vụ của Trung Quốc không chỉ trên thị trường trong nước của Việt Nam mà còn tại các thị trường quốc tế mà Việt Nam đang xuất khẩu sang. Cái khó của giải pháp phá giá tiền đồng để cân bằng sức cạnh tranh là nó sẽ làm tăng áp lực lạm phát tại Việt Nam.

Việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất cơ bản thêm 0,5 điểm phần trăm đã làm tăng thêm sức hấp dẫn của đô la Mỹ. Điều này cùng với áp lực lạm phát tăng cao trên toàn cầu từ các đợt cắt giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương trên thế giới trước đó và sự hiện diện của các cú sốc cung và tắc nghẽn logistics đã buộc nhiều ngân hàng trung ương phải siết lại chính sách tiền tệ của mình, vừa để giảm áp lực lạm phát, đồng thời cũng gián tiếp củng cố tỷ giá bản tệ.

Tuy nhiên, có một số nước lại “lội ngược dòng” trào lưu này, tiếp tục duy trì, thậm chí là hạ lãi suất cơ bản, chủ yếu bởi quan ngại sự phục hồi kinh tế trong nước có thể bị ảnh hưởng tiêu cực khi tỷ giá bản tệ so với đô la Mỹ mạnh lên. Điều này làm cho tỷ giá bản tệ của một số nước trong khu vực như Nhật Bản, Malaysia, Trung Quốc, suy yếu đáng kể so với cuối năm trước (lần lượt là 13,49%, 4,72% và 4,61%; xem bảng), trong khi bản tệ của một số nước khác trong khu vực chỉ mất giá ở mức độ khiêm tốn hơn nhiều, mà điển hình là tiền đồng (VND – chỉ giảm 1,02% như trong bảng).

Vì Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam nên sự mất giá mạnh của bản tệ của họ (nhân dân tệ – CNY; 4,61%) so với tiền đồng (1,02%) rõ ràng đã và đang tạo ra lợi thế không nhỏ cho hàng hóa và dịch vụ của họ không chỉ trên thị trường trong nước của Việt Nam mà còn tại các thị trường quốc tế mà Việt Nam đang xuất khẩu sang, tất nhiên bao gồm cả thị trường Trung Quốc.

Trước thực tế này, và như thường lệ, một số chuyên gia khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và nhập khẩu sang/từ các nước ngoài Trung Quốc để tránh bất lợi trong sức cạnh tranh đến từ tỷ giá.

Dĩ nhiên là nói dễ hơn làm. Việc đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu đã được xúc tiến liên tục từ nhiều năm nay, như được thể hiện một phần qua việc ký kết các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương của Việt Nam với các nước và khu vực kinh tế trên thế giới, nhưng kết quả thì vẫn là sự… khẳng định vị trí và sức cạnh tranh thương mại khó có thể lung lay của Trung Quốc đối với Việt Nam.

Nếu đô la Mỹ tiếp tục mạnh lên và các đồng bản tệ khác tiếp tục suy yếu thì tiền đồng cũng sẽ chỉ được phá giá thêm ở mức độ rất khiêm tốn trong phần còn lại của năm nay so với đô la Mỹ.

Ngoài ra, cần lưu ý rằng Trung Quốc cũng chính là một thành viên của RCEP, một hiệp định thương mại đa phương mới được ký kết gần đây mà Việt Nam cũng là một thành viên. Bởi vậy, công cụ đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu của Việt Nam nhằm hóa giải sức cạnh tranh tăng lên từ Trung Quốc trong bối cảnh tỷ giá nhân dân tệ suy yếu mạnh hơn so với tỷ giá tiền đồng thực sự đã trở nên không còn mấy ý nghĩa.

Trong bối cảnh này, một giải pháp hiển nhiên khác cần và có thể nghĩ đến là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để tiền đồng suy yếu mạnh tương đương hoặc hơn so với mức suy yếu của nhân dân tệ, qua đó duy trì được cán cân sức cạnh tranh của hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam so với Trung Quốc.

Cái khó của giải pháp này là nó sẽ làm tăng áp lực lạm phát tại Việt Nam, vốn đang trên đà gia tăng mấy tháng gần đây.

Từ góc độ của NHNN, với sứ mệnh ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát vẫn có thể là một ưu tiên tại thời điểm hiện tại, bởi tăng trưởng kinh tế từ đầu năm đến nay vẫn đang tiếp tục rõ nét, và bởi nền kinh tế thực không có mấy dấu hiệu thiếu tiền nếu căn cứ vào sự sốt nóng của thị trường bất động sản (và thị trường chứng khoán, cho đến khi có các vụ bắt bớ) – là biểu hiện của sự dư thừa cung tiền và khả năng hấp thụ tín dụng có hạn của nền kinh tế thực.

Nhưng từ góc độ của một số nhà làm chính sách, tăng trưởng kinh tế từ đầu năm tuy đã khởi sắc nhưng chưa đủ để đảm bảo đạt được mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng đặt ra cho năm nay (6-7%), đặc biệt là khi NHNN phải tăng lãi suất tiền đồng để chặn lạm phát. Nên đối với những nhà làm chính sách này thì duy trì các biện pháp kích thích tăng trưởng, trong đó có chính sách tiền tệ tiếp tục nới lỏng, vẫn phải là ưu tiên chính sách.

Nói cách khác, họ không chấp nhận, không muốn đánh đổi mục tiêu tăng trưởng lấy mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, ít nhất cho đến khi đà tăng của GDP trong quí 2 và 3 đã được củng cố trong khi lạm phát bằng cách nào đó, chủ yếu là biện pháp hành chính, chưa xuất hiện trên các báo cáo chính thức ở mức độ “nguy hiểm”, có khả năng vượt xa mức mục tiêu 4% đặt ra.

Bởi các nhà làm chính sách theo hướng ưu tiên tăng trưởng kinh tế là số đông, và quan trọng hơn, có quyền chi phối định hướng chính sách của nền kinh tế nên rất có khả năng NHNN buộc phải duy trì một chính sách tiền tệ trung dung. Bản thân NHNN chắc cũng không muốn chứng kiến sự suy sụp của thị trường tài chính, bất động sản nếu chính sách tiền tệ được thắt chặt mạnh và nhanh kể cả khi lạm phát đã ngấp nghé ở mức cao.

Với khả năng trên, nếu đô la Mỹ tiếp tục mạnh lên và các đồng bản tệ khác tiếp tục suy yếu thì tiền đồng cũng sẽ chỉ được phá giá thêm ở mức độ rất khiêm tốn trong phần còn lại của năm nay so với đô la Mỹ.

Phan Minh Ngọc

TBKTSG





MÃ CHỨNG KHOÁN LIÊN QUAN (1)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Vụ mất 11,9 tỷ trong tài khoản Vietcombank: App lạ từ Nhật, nguyên đơn kháng cáo

Bà Trần Thị Chúc, nguyên đơn trong vụ tài khoản 11,9 tỷ đồng tại Vietcombank “bốc hơi” đã có đơn kháng cáo toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm do TAND TP. Từ Sơn (Bắc...

OCB mở mới 17 chi nhánh, phòng giao dịch trong năm 2024

Mới đây, Ngân hàng Phương Đông (OCB) đã nhận được công văn chấp thuận mở mới thêm 17 chi nhánh, phòng giao dịch trong năm 2024.

Cảnh báo việc tiếp tay cho tội phạm khi bán, cho thuê tài khoản ngân hàng

Công an TP Hà Nội cho biết, hiện nay trên các hội nhóm, diễn đàn xuất hiện tình trạng các đối tượng thuê, mua tài khoản ngân hàng với giá từ 500 nghìn đến 1 triệu...

Lên kịch bản ‘sống chung’ với áp lực tỷ giá

Tỷ giá đã tăng hơn 3% kể từ đầu năm, chạm ngưỡng mục tiêu điều hành chính sách ngoại hối. Các chuyên gia cho rằng áp lực tỷ giá sẽ còn dai dẳng theo diễn biến giảm...

SHB đặt kế hoạch lợi nhuận tăng 22%, chia cổ tức tỷ lệ 16% bằng tiền và cổ phiếu

SHB đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 2024 đạt 11,286 tỷ đồng, tăng 22% so với năm trước. Bên cạnh đó, tỷ lệ cổ tức 2023 dự kiến là 16%, trong đó có 5% bằng tiền...

Quý 1/2024, kiều hối chuyển về TPHCM tăng 35.4% so với cùng kỳ

Quý 1/2024, kiều hối chuyển về TPHCM đạt 2.869 tỷ USD, tăng 3.5% so với quý trước và tăng 35.4% so với cùng kỳ, đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất trong 3 năm gần...

SHB thông báo điều chỉnh mức phí SMS Banking

Để đảm bảo quyền lợi công bằng cho tất cả khách hàng, kể từ tháng 5/2024, SHB sẽ thực hiện điều chỉnh cơ chế tính phí và mức thu phí dịch vụ theo dõi biến động số...

Sacombank vượt mốc 1 triệu khách hàng thẻ tín dụng, không ngừng gia tăng giá trị và trải nghiệm khách hàng thẻ 

Với chiến lược lấy khách hàng làm trọng tâm, đầu tư bài bản ở cả mảng phát hành lẫn chấp nhận thanh toán thẻ đã giúp Sacombank tăng trưởng mạnh mẽ số lượng khách...

Định giá cổ phiếu ngân hàng hấp dẫn, cổ phiếu nào nên "xuống tiền"?

Nhóm cổ phiếu ngân hàng đã trải qua đà hồi phục mạnh từ cuối năm 2023 và duy trì đến nay. Tuy nhiên, so với chỉ số P/E toàn ngành, một số cổ phiếu có cơ bản tốt vẫn...

Giá bán USD ngân hàng tiến gần mốc 26,000 đồng

Phiên sáng 17/04, tỷ giá USD/VND tại ngân hàng tiếp tục phá vỡ mọi kỷ lục trước đó với giá bán USD gần chạm mốc 26,000 đồng.

Cổ phiếu ngân hàng

Cổ phiếu bảo hiểm


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98