Kinh tế thế giới đối mặt thách thức lớn nhất kể từ Thế chiến II

24/05/2022 08:03
24-05-2022 08:03:02+07:00

Kinh tế thế giới đối mặt thách thức lớn nhất kể từ Thế chiến II

Theo người đứng đầu IMF, xung đột Nga - Ukraine kéo tụt tăng trưởng toàn cầu, đẩy giá cả leo thang, khiến thế giới nghèo đi và đối mặt nhiều nguy cơ hơn.

Theo Financial Times, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới diễn ra ở Davos (Thụy Sĩ), bà Kristalina Georgieva - Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) - cảnh báo rằng nền kinh tế toàn cầu có thể phải đối mặt với "thách thức lớn nhất kể từ sau Thế chiến II".

Theo bà Georgieva, xung đột Nga - Ukraine đã "tàn phá cuộc sống, kéo tụt tăng trưởng và đẩy lạm phát lên cao". Bà kêu gọi các quốc gia "không đầu hàng trước sức mạnh của sự chia rẽ địa - kinh tế". Bởi điều đó sẽ khiến thế giới nghèo đi và đối mặt nhiều mối nguy hơn.

Kinh tế thế giới ảnh 1

Bà Kristalina Georgieva - Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Thế giới. Ảnh: Reuters.

Tác động lan tỏa

Cảnh báo của bà Georgieva được đưa ra trong bối cảnh Ukraine tăng cường nỗ lực mang lại cho người dân niềm hy vọng về một tươi sáng hơn. Theo kế hoạch, nước này sẽ nhận được gói hỗ trợ tái thiết trị giá 1.000 tỷ USD từ việc tịch thu tài sản bị đóng băng của Nga.

Nói với Financial Times, bà Natalie Jaresko - cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Ukraine - cho rằng thế giới nên ủng hộ các ý tưởng tái thiết của Ukraine. Theo bà, mọi công dân trên thế giới có thể sớm chịu tác động từ cuộc xung đột này.

Xung đột Nga - Ukraine đã tàn phá cuộc sống, kéo tụt tăng trưởng và đẩy lạm phát lên cao.

Bà Kristalina Georgieva, Giám đốc điều hành IMF

"Từ các quốc gia nghèo nhất với cuộc khủng hoảng lương thực, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) do giá dầu và khí đốt, đến những cá nhân và tổ chức muốn ngăn chặn biến đổi khí hậu", bà nói thêm.

Mới đây, Chủ tịch Ủy ban châu Âu von der Leyen cho biết EU đang tìm cách dùng tài sản tịch thu từ các tỷ phú Nga để tái thiết Ukraine.

Nhưng cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho rằng việc chính phủ thu giữ tài sản bị đóng băng của Nga để giúp tái thiết Ukraine là không hợp pháp.

Các nước phương Tây đã phong tỏa hàng trăm tỷ USD như một phần của lệnh trừng phạt áp lên Nga do chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Trong những ngày qua, ngày càng nhiều nhà kinh tế cảnh báo rằng thế giới đang trượt dài đến bờ vực suy thoái. Sản lượng của Trung Quốc giảm mạnh khi nước này đối phó với làn sóng Covid-19 mới. Châu Âu hứng chịu cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt.

Nền kinh tế Mỹ chuyển từ giai đoạn bùng nổ sang sụp đổ. Lạm phát trở thành mối nguy lớn nhất đối với đà phục hồi của nước này sau đại dịch. Các thị trường mới nổi cũng đối mặt với tình trạng thiếu lương thực.

Thách thức lớn

Theo báo cáo được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố hồi cuối tháng trước, giá nhiên liệu và thực phẩm toàn cầu sẽ tăng mạnh trong năm nay bởi những cú sốc do xung đột Nga - Ukraine. Điều này có thể khiến gánh nặng lạm phát trên thế giới phình to.

WB cảnh báo giá hàng hóa sẽ tiếp tục tăng cao trong nhiều năm tới. Nguyên nhân là xung đột Nga - Ukraine làm thay đổi cách mua bán, sản xuất và tiêu dùng trên khắp thế giới.

"Giá thực phẩm và năng lượng tăng cao đã gây ra thiệt hại đáng kể về khía cạnh con người và kinh tế", ông Ayhan Kose - Giám đốc Nhóm triển vọng của WB - bình luận. "Xu hướng này có thể cản trở tiến độ giảm nghèo và làm trầm trọng hơn nữa áp lực lạm phát, vốn đã gia tăng trên khắp thế giới", ông cảnh báo.

IMF cũng đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2022 và 2023 do tác động của xung đột Nga - Ukraine đối với giá lương thực, nhiên liệu.

IMF dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ ở mức 3,6% trong năm nay, giảm từ 6,1% hồi năm ngoái. Cơ quan này cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023 0,2 điểm phần trăm xuống còn 3,6%.

Kinh tế thế giới ảnh 2

Giá nhiên liệu và thực phẩm toàn cầu được dự báo sẽ tăng mạnh trong năm nay bởi những cú sốc do xung đột Nga - Ukraine, cản trở đà phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch. Ảnh: Reuters.

"Triển vọng kinh tế toàn cầu đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, phần lớn do xung đột ở Ukraine", ông Pierre-Olivier Gourinchas - cố vấn kinh tế tại IMF - nhận định.

"Ảnh hưởng của cuộc xung đột sẽ lan tỏa sâu rộng, làm gia tăng áp lực giá cả, khiến các thách thức về chính sách trở nên trầm trọng hơn", vị chuyên gia cảnh báo.

Nhiều quốc gia vốn đã chật vật vì những khoản nợ khổng lồ, giờ rơi vào bế tắc khi giá cả leo thang. Từ Islamabad, Cairo đến Buenos Aires, các chính phủ đang đau đầu vì giá nhập khẩu tăng cao và những khoản vay trước đó để chi trả cho đại dịch.

Bà Georgieva kêu gọi mọi quốc gia hạ thấp các rào cản đối với thương mại, giúp đỡ những quốc gia đang gặp khó khăn trong việc thanh toán nợ, hiện đại hóa hệ thống thanh toán xuyên biên giới.

"Nhưng không viên đạn bạc nào có thể đối phó với hình thức chia rẽ có sức hủy diệt lớn nhất", người đứng đầu IMF cảnh báo.

Ông Larry Fink - Giám đốc điều hành BlackRock, công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới - cũng từng cho rằng xung đột giữa Nga và Ukraine đã đặt dấu chấm hết cho "quá trình toàn cầu hóa mà chúng ta từng biết".

Thảo Phương

ZING





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Kinh tế Mỹ và kịch bản không hạ cánh

Từ chỗ được dự báo sẽ hạ cánh mềm, nền kinh tế Mỹ giờ đây đang có khả năng xảy ra kịch bản không hạ cánh, với lạm phát cao dai dẳng và tăng trưởng mạnh mẽ. Điều này...

Hoạt động kinh doanh của Mỹ giảm tốc trước thềm cuộc họp của Fed

Theo nhà kinh tế trưởng Chris Williamson tại S&P Global Market Intelligence, sự suy giảm nhu cầu và sự hạ nhiệt của thị trường lao động đã dẫn đến áp lực giá thấp...

Nhà đầu tư tăng đặt cược Fed tiếp tục nâng lãi suất

Trên các thị trường quyền chọn lãi suất của Mỹ, nhà đầu tư bắt đầu tăng đặt cược Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất trong 12 tháng tới. Đó là kịch bản ít...

Doanh thu du lịch toàn cầu năm 2024 dự báo đạt 5.800 tỷ USD

Báo cáo Các xu hướng kinh tế du lịch thế giới dự báo số lượt du khách đến trên toàn thế giới sẽ lên đến 13.579 tỷ lượt trong năm 2024, tức là phục hồi 103,9% so với...

Sức mạnh của đồng USD - kịch bản nằm ngoài dự báo cho năm 2024

Chỉ số đồng USD của Bloomberg đã tăng hơn 4% trong năm nay, cho thấy "đồng bạc xanh" đã tăng giá so với tất cả các đồng tiền của các nước phát triển và thị trường...

Các nền kinh tế lớn nhất ở châu Á trước áp lực đồng USD mạnh

Các nhà hoạch định chính sách ở Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đều đang nhắc tới việc ổn định đồng nội tệ khi các đồng tiền này chịu sức ép lớn do chênh lệch giữa...

Thủ tướng phát lệnh khởi công đoạn cuối cùng trên tuyến cao tốc Bắc Nam phía đông

Sáng 21/04, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát lệnh khởi công dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng với tổng nguồn vốn hơn 11,000 tỷ đồng, là đoạn...

Biến đổi khí hậu sẽ khiến thế giới tổn thất 38.000 tỷ USD mỗi năm vào năm 2050

Nghiên cứu của PIK ước tính đến năm 2050, biến đổi khí hậu sẽ lấy đi 17% GDP của thế giới, hầu hết các nền kinh tế đều chịu tổn hại do biến đổi khí hậu và tất cả...

Hội nghị mùa Xuân 2024: Nỗ lực giữ vững sự phục hồi và phát triển ổn định

Trọng tâm của Hội nghị mùa Xuân năm nay là tập trung thảo luận các vấn đề đang được toàn cầu quan tâm, bao gồm triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới, hợp tác quốc...

Thị trường bất động sản của Mỹ gặp khó khăn do lãi suất và giá nhà cao

Doanh số bán nhà đã qua sở hữu, chiếm phần lớn doanh số bán nhà của Mỹ, đã giảm 4,3% trong tháng 3/2024, xuống mức 4,19 triệu căn.


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98