Tài xế xe công nghệ đua nhau tắt app, chạy chui

23/06/2022 19:00
23-06-2022 19:00:00+07:00

Tài xế xe công nghệ đua nhau tắt app, chạy chui

Bức xúc trước mức chiết khấu và chương trình hỗ trợ của ứng dụng, nhiều tài xế công nghệ quyết định tắt app, chuyển sang hoạt động chui để kiếm thêm thu nhập.

Ngày 21/6, giá hai loại xăng E5 RON 92 và RON 95 tiếp tục lập đỉnh, tăng lần lượt lên 31.302 đồng/lít và 32.873 đồng/lít. Trong hơn nửa đầu năm 2022, giá xăng trong nước tăng tổng cộng 13 lần. So với mức điều chỉnh đầu tiên vào ngày 11/1, giá xăng hiện nay đã nâng thêm 37%.

Để hỗ trợ đối tác, hầu hết ứng dụng gọi xe công nghệ đã rục rịch tăng giá cước từ đầu năm. Bên cạnh đó, hãng còn triển khai các chương trình đảm bảo thu nhập, thưởng hoạt động, tặng phiếu xăng cho tài xế.

Tuy nhiên, trước một số bất đồng về lợi ích, nhiều tài xế công nghệ đang rủ nhau tắt app, chạy chui, thậm chí bật app nhận đơn nhưng hủy ngay sau đó như một cách lên tiếng phản đối chính sách của hãng và đòi quyền lợi.

Chiết khấu cao

“Giá xăng tăng từ đầu năm đến nay gần chục nghìn đồng rồi nhưng hãng vẫn trừ tài xế ngần ấy chiết khấu, phụ phí, giá cước thì chỉ nhích nhẹ 1.000-2.000 đồng. Điều này ảnh hưởng đến túi tiền lẫn tâm lý của đông đảo anh em”, Văn Cảo, một tài xế công nghệ đang hoạt động ở Hà Nội, bức xúc.

Lao động này cho biết với mỗi cuốc xe, ứng dụng sẽ trích khoảng 30% doanh thu, bao gồm phí sử dụng ứng dụng, phí nền tảng, phí dịch vụ và thuế (VAT kèm thuế TNCN). 70% doanh thu còn lại thuộc về tài xế.

Trên thực tế, tổng tỷ lệ khấu trừ của các hãng thường dao động 25-31%, bao gồm chiết khấu và thuế. Các khoản còn lại như phí nền tảng, dịch vụ sẽ do khách hàng chi trả (đã gộp vào giá cước).

Tài xế công nghệ phản đối ứng dụng ảnh 1

Tài xế mong mỏi giảm chiết khấu trước tình hình chi phí, giá cả tăng cao. Ảnh: Quỳnh Trang.

7:3 cũng là công thức chia doanh thu chung của nhiều hãng như Grab, Gojek hay be. Hiện Grab, Gojek cố định mức chiết khấu 20% đối với tài xế xe hai bánh và 25% đối với tài xế xe bốn bánh. Trong ba hãng gọi xe dẫn đầu thị phần cả nước, be là hãng duy nhất không niêm yết cụ thể chiết khấu.

“Mức chiết khấu, phụ thu quá cao. Có những cuốc chỉ 15.000-17.000 đồng nhưng hãng thu mất 6.000-7.000 đồng thì khác gì làm không công. Anh em cố chạy, tránh hủy để tích điểm và duy trì hiệu suất, cuối ngày nhận thưởng chứ những cuốc này không mang lại thu nhập”, anh Cảo chia sẻ.

Theo ghi nhận của Zing tại một số bến xe như Nước Ngầm, Giáp Bát hoặc xung quanh khu vực bệnh viện Bạch Mai, Da liễu Trung ương (Hà Nội), tình trạng tài xế công nghệ chủ động bắt khách, tự thỏa thuận giá cước thay vì thông qua ứng dụng diễn ra tương đối phổ biến. Ngoài lực lượng xe ôm truyền thống, hầu hết lái xe công nghệ cho biết đây là cách tránh bị hãng trừ chiết khấu và kiếm thêm thu nhập

“Các cuốc đi từ đây thường có lộ trình xa, hành khách và xế tự thỏa thuận giá tiền, hợp lý thì đi. Khách có thể bật app lên so giá nếu sợ chặt chém. Kể cả giá thỏa thuận có thấp hơn trên app thì tôi vẫn tiết kiệm được 10.000-15.000 đồng”, Minh Hải, một lái xe công nghệ đang hoạt động tại đây kể.

Hải chủ yếu bắt khách ở khu vực này vào giờ thấp điểm. Mặt khác, vào các khung giờ cao điểm, anh quay lại app do điểm tích lũy và giá trị cuốc xe thường cao hơn.

Bất đồng chính sách hỗ trợ

Với tài xế công nghệ, khoản thưởng hoạt động cuối ngày từ ứng dụng rất quan trọng. Đây được xem như một trong những nguồn thu chính giúp tài xế cải thiện thu nhập cũng như bù đắp vào chi phí nhiên liệu, ăn uống hàng ngày.

Để nhận được khoản này, tài xế cần đáp ứng hai điều kiện gồm hiệu suất hoạt động và số điểm tích lũy do hãng quy định. Mỗi mốc điểm tích lũy khác nhau sẽ có giá trị tiền tương ứng.

Tại Hà Nội, tài xế beBike có mức thưởng tối thiểu 25.000 đồng và tối đa 250.000 đồng vào các ngày trong tuần. Trong khi đó tài xế GrabBike được thưởng ít nhất 40.000 đồng và cao nhất là 360.000 đồng.

Nhiều tài xế cố chạy để nhận thưởng cuối ngày. Ảnh: Thạch Thảo.

Song, việc ứng dụng Gojek thay thế chính sách này bằng chương trình đảm bảo thu nhập khiến tài xế xe hai bánh bức xúc. Theo chương trình mới, nếu đạt đủ tổng điểm tích lũy nhưng không đạt doanh thu ổn định, hãng sẽ cộng phần tiền còn thiếu cho tài xế.

Ví dụ, mốc 30 điểm tích lũy có mức doanh thu ổn định là 200.000 đồng. Nếu tài xế đạt 30 điểm nhưng doanh thu chỉ có 150.000 đồng, ứng dụng sẽ bù thêm 50.000 đồng.

Một số tài xế khẳng định chương trình mới của Gojek đang gây ra nhiều thiệt hại hơn đem lại lợi ích. Phần lớn cùng chung quan điểm rằng hãng đang gián tiếp cắt thưởng của tài xế.

“Chương trình này đã áp dụng một năm trước ở TP.HCM. Khi ấy tình hình dịch căng thẳng, tài xế không có khách cũng không đủ đơn nhưng thu nhập vẫn được đảm bảo. Nay nhu cầu tăng trở lại, giá xăng đắt, chiết khấu cao, giá cước rẻ, anh em tài xế cố chạy để có thưởng gỡ tiền xăng nhưng giờ thì vỡ mộng”, Quang Ngọc, tài xế Gojek, trần tình.

Thông thường mỗi ngày tôi chạy 14-15 tiếng, còn giờ không có thưởng nên nản lắm, chạy được 300.000-400.000 đồng/ngày là về

Quang Ngọc, tài xế Gojek

“Trước đây có thưởng, tôi chạy khoảng 35-40 đơn được trên 95 điểm, kiếm trên dưới 1 triệu đồng, trừ đi 200.000-250.000 tiền xăng còn 800.000 đồng”, anh nói thêm.

Hiện Gojek vẫn áp dụng chương trình thưởng hoạt động cho dịch vụ GoCar trong khi lái xe hai bánh chỉ còn ưu đãi đảm bảo thu nhập. Trước khi có chính sách này, hãng thưởng 35.000-170.000 đồng cho tài xế nếu đạt đủ điểm tích lũy.

Đánh giá thêm về chương trình đảm bảo thu nhập, Đức Huy - tài xế khác của Gojek - cho rằng mức doanh thu đảm bảo ổn định hãng đề ra quá thấp. Do đó, khi đạt điểm tích lũy, tài xế có thể dễ dàng vượt mức doanh thu này và không nhận được thưởng.

Các ứng dụng nói gì?

Về vấn đề chiết khấu, các hãng đều khẳng định giá cước đã được tính toán trên cơ sở có lợi cho người dùng lẫn tài xế. Trong bối cảnh giá cả nhiên liệu tăng cao, ứng dụng sẽ tiếp tục tung ra chương trình hỗ trợ và chưa có kế hoạch điều chỉnh thêm chiết khấu.

Hiện tại, be là ứng dụng duy nhất thông báo giảm chiết khấu đối với dịch vụ di chuyển bằng ôtô tại một số tỉnh thành như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai.

Đại diện hãng cho biết ứng dụng không thể lập tức tăng giá cước theo giá xăng vì sẽ ảnh hưởng đến khách hàng. Tuy nhiên, hãng sẽ tiếp tục theo dõi thị trường để cân bằng lợi ích cho tài xế và người dùng.

“Chúng tôi không bao giờ khuyến khích tài xế và khách hàng thực hiện chuyến đi ngoài ứng dụng vì chính sự an toàn của hai bên nếu chẳng may xảy ra sự cố hay va chạm giao thông nghiêm trọng”, đại diện be lưu ý tài xế và khách hàng đều được hưởng chính sách bảo hiểm tai nạn.

Chúng tôi đã và đang theo dõi các biến động thị trường để có giải pháp điều chỉnh mức giá cũng như phân bổ nguồn cung phù hợp

Đại diện Gojek

Trong khi đó, đại diện Gojek cho biết mức phí dịch vụ được tính toán dựa trên nhiều yếu tố với mục tiêu đảm bảo tính công bằng và cạnh tranh trên thị trường, đồng thời cân đối các khoản đầu tư để nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng khuyến mãi để kích cầu, từ đó giúp tài xế có thêm trải nghiệm và chương trình hỗ trợ.

Tương tự, Grab thông báo sẽ xem xét tổng thể thu nhập của đối tác và tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ khác nhau để cân bằng lợi ích cho tài xế và người dùng.

Minh Khánh

Zing.vn





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Thực phẩm chức năng "công nghệ xô chậu" lại quảng cáo... "chữa bách bệnh"

Thời gian tới, Sở An toàn Thực phẩm TP HCM sẽ tăng cường kiểm tra các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng trên địa bàn.

Shopee, Lazada, TikTok kiếm nghìn tỷ tại Việt Nam nhờ phục vụ chị em

Tổng doanh thu bán lẻ 5 sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Tiktok Shop Quý 1/2024 đạt hơn 71.000 tỷ đồng, trong đó phần không nhỏ tới từ các món...

Vé máy bay dịp lễ 30-4, 1-5 đang cạn nhanh

Các chuyến bay từ Hà Nội, TP HCM đến địa phương vào thời gian bắt đầu kỳ nghỉ 30-4, 1-5 đã bán từ 75-100% số vé, tính chất di chuyển "lệch đầu" thể hiện rõ nét

Giám đốc Nhã Nam: Không chỉ là lời xin lỗi “nhã nhặn”!

Sau 9 năm gắn bó, ngày 16/4, tiến sĩ Đặng Hoàng Giang thông báo dừng hợp tác với Nhà xuất bản Nhã Nam. Qua 2 ngày giữ im lặng trước cơn bão dư luận, rạng sáng 18/4...

Giá vé bay cao ngất ngưởng, người dân chọn du lịch bằng xe cá nhân

Vé máy bay giá cao chót vót, một số chặng ngắn của ngành đường sắt “khan vé” đã khiến nhiều người dân lựa chọn đi du lịch bằng xe cá nhân nhằm tiết giảm chi phí.

Đường bay nào đang 'sốt' vé dịp nghỉ 30/4-1/5?

Các chặng bay xuất phát từ Hà Nội và TPHCM đi các điểm du lịch như Nha Trang, Buôn Ma Thuột, Đà Nẵng, Côn Đảo, Phú Quốc, Quy Nhơn, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, tỷ lệ...

Phim có doanh thu cao trong nền điện ảnh còn… thấp!

Năm ngoái, với việc vượt mốc doanh thu hơn 200 tỷ đồng chỉ sau hơn 1 tuần phát hành, “Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh” đã giúp Lý Hải xác lập và giữ vững kỷ lục thực...

Giá vé máy bay cao điểm: Thái Lan rẻ gây sốc, Việt Nam vẫn 'trên trời'

Việc Thái Lan giảm giá vé máy bay ngay trước lễ hội Songkran (tết té nước) chứng tỏ quyết sách táo bạo ít quốc gia nào theo kịp. Trong khi tại Việt Nam, mùa cao...

Nghỉ lễ 30/4 - 1/5: Thủ tướng chốt nghỉ 5 ngày

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 2450/VPCP-KGVX ngày 12/4/2024 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc hoán đổi ngày làm việc dịp nghỉ lễ...

TPHCM: Phạt nguội hơn 29,000 trường hợp trong quý 1/2024

Đại diện Công an TPHCM cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2024, lực lượng Cảnh sát giao thông TP đã gửi 29,200 thông báo vi phạm cho chủ phương tiện. Đến thời điểm...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98