Thực thi chính sách tài khóa và tín dụng một cách thận trọng để giảm áp lực lạm phát

23/09/2022 08:11
23-09-2022 08:11:35+07:00

Thực thi chính sách tài khóa và tín dụng một cách thận trọng để giảm áp lực lạm phát

Với áp lực gia tăng lạm phát và nền kinh tế hoạt động dưới mức sản lượng tiềm năng, Chính phủ cần thực thi chính sách tiền tệ – tài khóa mở rộng một cách thận trọng để tổng cầu tăng lên trong ngắn hạn, đưa nền kinh tế dần trở về trạng thái tiềm năng nhưng không gây ra lạm phát cao trong trung – dài hạn.

Các chuyên gia khuyến nghị Chính phủ điều hành chính sách tài khóa và hỗ trợ tín dụng với mục tiêu rõ ràng cho từng đối tượng doanh nghiệp, hộ gia đình để hạn chế áp lực lạm phát trong bối cảnh kinh tế thế giới xuất hiện nhiều rủi ro bất định.

Với mục tiêu phục hồi kinh tế – xã hội sau hai năm chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, Quốc hội đã họp kỳ họp bất thường và ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 về gói hỗ trợ tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ cho việc phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất – kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng.

“Bóng ma” lạm phát cao trên toàn cầu và biến động tỉ giá gây ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế Việt Nam trong năm 2022, đặc biệt là lĩnh vực xuất nhập khẩu. Ảnh minh họa: Lê Hoàng

Nền kinh tế đang có dấu hiệu bước vào chu kỳ đi xuống

Về rủi ro lạm phát, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, dự báo Việt Nam tiếp tục đối mặt với rủi ro nhập khẩu lạm phát thông qua nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu đầu do nền kinh tế đã hội nhập sâu rộng với thế giới với chi phí nhập khẩu nguyên liệu đầu vào chiếm tới 37% tổng chi phí sản xuất.

Tuy nhiên, rủi ro sẽ không quá lớn do giá nguyên nhiên vật liệu và hàng hóa đầu vào như sắt thép, đồng, nhôm, thức ăn chăn nuôi, phân bón sẽ đã tăng mạnh trong giai đoạn trước và đã giảm dần từ cuối tháng 6.

Về rủi ro từ bên ngoài, ông Thịnh cho biết nhiều quốc gia vừa phục hồi kinh tế nên nhu cầu về nguyên – nhiên – vật liệu, vật tư, linh kiện và hàng hóa sẽ tiếp tục tăng cao. Ngoài ra, xung đột Nga – Ukraine và chính sách trừng phạt kinh tế tăng dần của các quốc gia phương Tây đối với Nga, cùng sự trả đũa mạnh mẽ của Nga cũng làm đứt gãy nguồn cung xăng, dầu, nguyên vật liệu và lương thực của thế giới.

“Cuộc xung đột chưa thấy hồi kết, nên giá cả nhiều mặt hàng trong nền kinh tế khó hạ thấp”, ông Thịnh phân tích.

Với bối cảnh trên, TS Cấn Văn Lực và nhóm nghiên cứu Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2022 của Việt Nam ở mức 3,8-4,2%. Điều này cho thấy mức độ biến động lạm phát khá lớn và rủi ro tương đối cao khi chỉ số CPI năm nay cao hơn 2,1-2,3 lần CPI năm 2021.

Đánh giá của ông Lực và nhóm nghiên cứu được dựa trên một chỉ tiêu là mức độ ổn định của chỉ số giá tiêu dùng. Cụ thể, biên độ biến động của lạm phát ở mức 0,5% một năm – mức bình quân trước dịch – cho thấy rủi ro lạm phát ở mức thấp. Còn biên độ biến động lớn hơn 0,5% như giai đoạn 2007-2008 và 2010-2011 cho thấy rủi ro lạm phát tương đối cao.

Với giai đoạn 2015-2022, PGS. TS Tô Trung Thành, Trưởng phòng Quản lý Khoa học thuộc Đại học Kinh tế Quốc dân, cho biết tỷ lệ lạm phát ở Việt Nam từ năm 2015 đến nay đều ở mức thấp và dưới ngưỡng gây hại cho hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, nguy cơ rủi ro lạm phát đối với Việt Nam đang hiện hữu.

Cụ thể, Việt Nam vẫn là nước có tốc độ tăng trưởng cung tiền M2 và tỉ lệ M2/GDP ở mức rất cao so với Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Phillipines. Số liệu về tín dụng/GDP cũng cho thấy tỷ lệ này của Việt Nam hiện  cao hơn so với các nước trong khu vực.

Ngoài ra, tác động của chính sách tiền tệ – tài khóa nới lỏng giai đoạn 2020-2021 sẽ trở nên rõ nét hơn vào các năm sau và chắc chắn gây ra áp lực tăng giá.

Bên cạnh đó, lạm phát tăng cao ở các nền kinh tế lớn gây nguy cơ “nhập khẩu lạm phát” và sự gia tăng mạnh của giá xăng dầu, giá nguyên vật liệu dẫn đến khả năng gây ra “lạm phát chi phí đẩy” cho nền kinh tế.

Về tăng trưởng kinh tế, TS Tô Trung Thành cho biết mức tăng trưởng tiềm năng với nền kinh tế Việt Nam nằm trong khoảng 6,12%-6,32% một năm trong giai đoạn 1990-2021. Đáng lưu ý, mức tăng trưởng tiềm năng có xu hướng đi xuống trong giai đoạn 2017-2021.

Ngoài ra, tăng trưởng thực tế của kinh tế Việt Nam giai đoạn 2020-2021 – giai đoạn bùng phát dịch Covid-19 – nằm dưới mức sản lượng tiềm năng rất xa.

“Điều này đồng nghĩa với nền kinh tế đang có dấu hiệu bước vào chu kỳ đi xuống. Mặc dù tăng trưởng vẫn chưa rơi vào ngưỡng cảnh báo khủng hoảng nhưng đây rõ ràng là một yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng trả nợ của nền kinh tế cũng như tác động xấu đến các doanh nghiệp (những người đi vay – PV), qua đó gia tăng rủi ro tín dụng”, ông Thành phân tích.

Cũng theo ông Thành, khi tăng trưởng kinh tế dưới mức tiềm năng trong dài hạn, các nguồn lực không được sử dụng hiệu quả trong khi cung tiền gia tăng sẽ tác động tới lạm phát trung – dài hạn.

Về phía cơ quan quản lý, bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc NHNN, cũng thừa nhận thách thức lớn nhất trong điều hành kinh tế vĩ mô vẫn là kiểm soát lạm phát, nhất là trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm và dự kiến tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát tại Mỹ.

Hạn chế áp lực lạm phát qua chính sách tỷ giá, lãi suất

Với bối cảnh kinh tế hiện tại, TS Tô Trung Thành cho rằng thách thức lớn với việc điều hành chính sách tiền tệ trong giai đoạn tới là xu hướng bật tăng trở lại của lạm phát.

“CPI có thể sẽ không tăng cao lên mức quá rủi ro nhưng cũng là một trở ngại khiến NHNN khó mạnh tay trong việc cắt giảm thêm các loại lãi suất”, ông Thành nói.

Ngoài ra, quy mô dự trữ ngoại hối – một trong những cơ sở để cơ quan quản lý thực hiện ổn định tỷ giá, nâng cao giá trị tiền đồng – mới đạt ngưỡng tối thiểu và mức dự trữ ngoại hối của Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực, theo ông Thành. Đặc biệt, nếu tính theo tuần nhập khẩu và tính theo tỷ lệ với cung tiền M2 thì dự trữ ngoại hối chưa hẳn là vùng đệm quá an toàn cho ổn định tài chính tiền tệ.

Với áp lực gia tăng lạm phát và và nền kinh tế hoạt động dưới mức sản lượng tiềm năng, ông Thành cho rằng Chính phủ cần thực thi chính sách tiền tệ – tài khóa mở rộng một cách thận trọng để tổng cầu tăng lên trong ngắn hạn, đưa nền kinh tế dần trở về trạng thái tiềm năng nhưng không gây ra lạm phát cao trong trung – dài hạn.

Với riêng chính sách tiền tệ, TS Lê Xuân Nghĩa cho biết Việt Nam chưa nên nghĩ tới việc nới lỏng khi lạm phát và lãi suất trên thế giới có thể tăng trong thời gian tới.

“Nhiều ngân hàng Trung ương đã tăng lãi suất, nhưng không nhiều ngân hàng Trung ương có thể bán trái phiếu Chính phủ để thu tiền về. Điều này cho thấy lạm phát thế giới còn có thể cao, lãi suất thế giới còn có thể tăng thời gian tới”, ông Nghĩa nói.

Đồng quan điểm, Francois Painchaud, Trưởng đại Diện của IMF tại Việt Nam và Lào, khuyến nghị NHNN thắt chặt hơn chính sách tiền tệ qua các công cụ hiện hành như lãi suất, tăng trưởng tín dụng và các biện pháp can thiệp ngoại hối một cách nhất quán nhằm kiềm chế lạm phát.

TS Tô Trung Thành khuyến nghị chính sách lãi suất nên tập trung vào việc cắt giảm lãi suất cho vay hơn là lãi suất huy động. Chính sách hỗ trợ tín dụng nên hướng đến cả các doanh nghiệp ít bị ảnh hưởng do đại dịch nhưng có độ lan tỏa lớn, có tác động tích cực đến các ngành, các lĩnh vực khác để thúc đẩy sản xuất của cả thị trường.

Ngoài ra, cần hướng dòng tín dụng vào các khu vực sản xuất và nền kinh tế thực, kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng “nóng” ở các thị trường tài sản.

Những kiến nghị của ông Thành được đưa ra trong bối cảnh dư địa chính sách tiền tệ bị thu hẹp mạnh hơn, các công cụ lãi suất nói riêng và chính sách tiền tệ nói chung ít có tác dụng trong khi lại dẫn đến rủi ro lạm phát và bất ổn vĩ mô.

Về tỷ giá, ông Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, khuyến nghị các cơ quan quản lý tiếp tục kiên định sự ổn định tỷ giá trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất điều hành để kiềm chế lạm phát.

“Kiềm chế lạm phát chúng ta đạt được như ngày hôm nay có sự đóng góp rất thầm lặng của chính sách tỷ giá của NHNN, cùng sự ổn định tỉ giá đã ngăn ngừa sự lan tỏa của lạm phát trên thế giới tới Việt Nam”, ông Phước nói và kiến nghị không để đồng Việt Nam giảm giá.

Tương tự, ông Lê Xuân Nghĩa cũng lưu ý các cơ quan quản lý phải rất “cảnh giác” với khả năng tỷ giá hối đoái tiếp tục mất giá.

Còn ông Francois Painchaud cho biết giá trị đồng Việt Nam giảm ít hơn so với đồng tiền của nhiều quốc gia khác trong khu vực trong thời gian qua do NHNN bán dự trữ ngoại hối để duy trì ổn định tỷ giá hối đoái và hạn chế áp lực lạm phát, đồng thời cho phép lãi suất ngắn hạn trong nước tăng lên.

Hai chính sách này phù hợp với chính sách tiền tệ, tập trung vào kiểm soát lạm phát, ông Francois Painchaud nói và cho rằng việc nâng trần tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh hiện tại sẽ không phù hợp với chính sách tỷ giá và lãi suất.

Bên cạnh chính sách tiền tệ ông Francois Painchaud cho rằng việc điều hành chính sách tìa khoá phải nhanh chóng, linh hoạt. Nếu xuất hiện rủi ro suy giảm tăng trưởng do áp lực lạm phát thì chính sách tài khóa nên đóng vai trò lớn hơn mà không cần sự hỗ trợ thêm của chính sách tiền tệ.

“Cần hỗ trợ tài khóa với mục tiêu rõ ràng cho các đối tượng doanh nghiệp, hộ gia đình và doanh nghiệp nói chung để có thể giảm bớt những đánh đổi NHNN phải đối mặt khi thực hiện các chính sách tiền tệ trên diện rộng”, Francois Painchaud khuyến nghị.

Vân Phong

TBKTSG





MÃ CHỨNG KHOÁN LIÊN QUAN (1)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Thêm doanh nghiệp xăng dầu bị ngân hàng rao bán nợ

Một loạt doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xăng dầu bị ngân hàng rao bán các khoản nợ xấu hoặc tài sản đảm bảo để thu hồi nợ xấu. Vừa có thêm một doanh nghiệp...

NHNN bơm ròng mạnh nhất trong hơn một năm

NHNN đã bơm ròng 25,550 tỷ đồng trong phiên 23/04, mức cao nhất kể từ cuối tháng 2/2023. Trong đó, nhà điều hành đã cho 9 thành viên vay tổng cộng gần 36,000 tỷ...

Tăng cường đảm bảo an toàn trong mua, bán ngoại tệ

Ngày 23/04/2024, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM vừa có văn bản về việc phối hợp tuyên truyền đến người dân quy định về hoạt động mua bán ngoại tệ.

LPBank triển khai ngay Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 về việc tăng vốn điều lệ

LPBank vừa thông qua Nghị quyết Hội đồng Quản trị (HĐQT) về việc triển khai phương án tăng vốn điều lệ năm 2024.

TPBank đặt kế hoạch lợi nhuận 7,500 tỷ tăng 34% năm 2024, kết quả tích cực ngay từ quý đầu

Sáng 23/4, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank - HOSE: TPB) đã tổ chức thành công Đại hội Cổ Đông (ĐHCĐ) thường niên năm 2024. Báo cáo kết quả kinh doanh năm 2023...

Lạm phát và câu chuyện đánh đổi trong điều hành chính sách tiền tệ

Lạm phát và chính sách điều hành lãi suất từ Fed là một trong những yếu tố chính ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ của nhiều quốc gia...

Tỷ giá USD/VND tại ngân hàng và tự do vẫn nóng

Sức nóng của USD trên thị trường quốc tế duy trì ở mức cao khiến tỷ giá USD/VND tại ngân hàng và tự do tiếp tục leo dốc dù Ngân hàng Nhà nước phát đi thông báo sẵn...

Áp lực tỷ giá USD và 'bàn tay' hữu hình

Từ cuối tháng 3-2024 tới nay, đồng đôla Mỹ tiếp tục tăng giá so với nhiều đồng tiền trên thế giới, đã gây áp lực lên chính sách điều hành của nhiều nước, đặc biệt...

TS. Phạm Xuân Hòe: Tiền chạy sang vàng, ngân hàng sẽ phải tăng lãi suất để thu hút tiền gửi

TS. Phạm Xuân Hòe khẳng định tiền gửi ngân hàng giảm trong quý 1 chính là do dịch chuyển sang vàng khi lợi nhuận từ việc nắm vàng từ đầu năm đã tăng lên rất cao.

Công ty tài chính đua nhau báo lỗ, thị trường tài chính tiêu dùng còn cửa sáng?

PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân dự báo, trong năm nay, tình hình thị trường tài chính tiêu dùng khó có thể khởi sắc ngay, cần thêm thời gian để tạo sự đột phá.

Cổ phiếu ngân hàng

Cổ phiếu bảo hiểm


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98