Khủng hoảng ở Credit Suisse bắt đầu gây hoảng loạn cho khách hàng
Khủng hoảng ở Credit Suisse bắt đầu gây hoảng loạn cho khách hàng
Nhìn chung, tuần trước gần như là một tuần tốt lành đối với Credit Suisse Group AG, với giá cổ phiếu ghi nhận mức tăng lớn nhất trong 2 năm.
Tuy nhiên, trước đó, giá cổ phiếu của Credit Suisse đã trải qua một “chuyến tàu lượn siêu tốc”. Khoản phí mua hợp đồng hoán đổi tín dụng (CDS) kỳ hạn 5 năm của ngân hàng Thuỵ Sĩ này tăng lên mức kỷ lục vào ngày 03/10 trong bối cảnh thị trường xuất hiện đồn đoán ngân hàng đang huy động vốn cho quá trình tái cơ cấu được mong chờ từ lâu của họ.
Khách hàng giàu có bắt đầu rút tiền
Những biến động mạnh về giá cổ phiếu khiến các khách hàng giàu có hoảng sợ, một số gia đình giàu có ở Trung Đông và châu Á đã nhanh chóng rút hàng trăm triệu USD về, Bloomberg dẫn lời nguồn cận tin cho hay.
Ở nội bộ ngân hàng, các giám đốc quan hệ tìm cách thuyết phục khách hàng ở lại trong khi nhân viên cũng cố gắng xua tan mọi đồn đoán về sức khoẻ tài chính của Credit Suisse. Cuối cùng, ngân hàng phải can thiệp bằng cách mua lại số trái phiếu trị giá 3 tỷ USD để trấn an thị trường, cũng như tận dụng làn sóng bán tháo trái phiếu của họ trong thời gian gần đây.
Tất cả cho thấy sự cấp bách đối với giám đốc điều hành Ulrich Koerner để hoàn tất quá trình tái cơ cấu vốn đang thực hiện được hơn hai tháng. Ông Koerner đang tìm cách cắt giảm triệt để mảng ngân hàng đầu tư thua lỗ nhằm tránh những rắc rối tiềm ẩn có thể gây ảnh hưởng tới mảng quản lý tài sản.
“Chúng tôi đang liên hệ chặt chẽ với khách hàng, đồng thời cũng thực hiện đánh giá lại chiến lược. Số liệu về dòng tiền ra vào vẫn sẽ được công bố như thường lệ theo quý”, một phát ngôn của Credit Suisse, ngân hàng quản lý khối tài sản gần 770 tỷ USD của giới siêu giàu tính đến cuối tháng 6.
Trụ sở Credit Suisse tại London, Anh.
|
Một số phương án tìm nguồn vốn mới
Trong khi các ngân hàng đầu tư bên ngoài đang bận rộn phác thảo kế hoạch cấu trúc một đợt tăng vốn nếu cần thiết, ban giám đốc của Credit Suisse lại thực sự không muốn phát hành cổ phiếu khi giá đang ở gần mức thấp kỷ lục, những người tham gia cuộc thảo luận cho hay. Nhưng trong bối cảnh sắp phải thực hiện một cuộc tái cấu trúc có chi phí ước tính ít nhất 4 tỷ USD, ngân hàng này lại tìm thấy một số phương án để tạo ra nguồn vốn mới.
Một phương án trong đó là thu hút các nhà đầu tư bên ngoài để giúp thực hiện việc tách riêng mảng tư vấn và kinh doanh thị trường vốn của Credit Suisse dưới cái tên First Boston, Bloomberg đưa tin. First Boston là một ngân hàng đầu tư có trụ sở ở New York được thành lập vào năm 1932 và được Credit Suisse mua lại vào năm 1990.
Credit Suisse đã nói rằng, họ muốn bán ít nhất một phần của mảng giao dịch SPG, nhóm sản phẩm được chứng khoán hoá (SPG), cũng như đang xem xét bán các tài sản khác. Pimco và một nhóm nhà đầu tư bao gồm Centerbridge Partners nằm trong danh sách các đơn vị trúng thầu mua lại SPG của Credit Suisse, Bloomberg đưa tin trong tuần trước.
Còn theo giới phân tích, IPO một phần mảng kinh doanh ở Thuỵ Sĩ hay IPO hoặc bán quỹ quản lý tài sản là những lựa chọn khác để Credit Suisse huy động tiền mặt. Nhưng đây được xem là những lựa chọn kém hấp dẫn hơn.
Các đối thủ muốn hút khách từ Credit Suisse
Trong khi các nhà đầu tư trông chờ vào kế hoạch của ông Koerner, biến động dữ dội về giá cổ phiếu và trái phiếu của Credit Suisse đang biến ngân hàng này trở thành mục tiêu của các đối thủ đang muốn thu hút nhóm khách hàng giàu có về. Giá cổ phiếu Credit Suisse giảm 12% vào đầu tuần trước và tăng 15% vào cuối tuần. Tuy nhiên, kể từ đầu năm 2022 đến nay, giá đã giảm hơn 50% và đang giao dịch ở gần mức thấp kỷ lục.
Ở Singapore và Trung Đông, một số khách hàng đã yêu cầu rút tiền mặt hoặc chuyển khối tài sản trị giá hàng chục triệu USD.
Credit Suisse quản lý khối tài sản trị giá 763 tỷ franc (768 tỷ USD) cho các khách hàng giàu có khắp thế giới tính đến ngày 30/06, giảm từ mức 856 tỷ franc hồi đầu năm nay, do thị trường cổ phiếu và trái phiếu sụt giảm và ngân hàng cắt đứt quan hệ với một số khách hàng Nga. Trong khi đó, khách hàng ở châu Á và Mỹ lại tăng tiền gửi vào đây trong nửa đầu năm nay.
Các nhân viên của ngân hàng đang tìm cách liên hệ với khách hàng để trấn an họ về khả năng thanh khoản và đệm vốn vững chắc của Credit Suisse. Họ để xuất các giải pháp như chuyển tài sản sang các công ty con của bên thứ ba, hay đầu tư tiền mặt vào trái phiếu chính phủ Mỹ có kỳ hạn ngắn để hạn chế mọi rủi ro, theo các nguồn tin.
Ông Koerner đã cố gắng trấn an nhân viên rằng những đồn đoán hiện nay về tình hình tài chính của ngân hàng là không có cơ sở. “Tôi tin bạn sẽ không nhầm lẫn giữa hiệu suất giá cổ phiếu hàng ngày của chúng tôi với nền tảng vốn mạnh và vị thế thanh khoản của ngân hàng,” ông viết.
Credit Suisse có hệ số vốn CET1 là 13.5% tính điến ngày 30/06, cao hơn nhiều so với mức tối thiểu theo quy định quốc tế là 8% và yêu cầu của Thuỵ Sĩ là khoảng 10%. Tỷ lệ đảm bảo khả năng thanh toán của ngân hàng này là một trong những tỷ lệ cao nhất ở châu Âu và Mỹ.